Sáu Yếu Tố dẫn đến Đời sống
Cộng Đồng Hòa Hợp
Khi có sự rạn nứt trong các mối quan hệ dẫn đến sự chia
rẽ trong một cộng đồng, Đức Phật khuyên chúng ta tìm ra nguyên nhân chính yếu dẫn
đến bất đồng và xung đột. Tạng Luật (Vinaya
Pitaka) đưa ra bảy nguyên tắc[i] để giải quyết bất đồng, trong khi Tạng Kinh (Sutta Pitaka) lại nêu lên sáu nguyên lý
để có đời sống hòa hợp trong một cộng đồng. Nhân duyên khiến Đức Phật đề ra
những nguyên tắc này là sự kiện một cuộc tranh chấp, bất hòa đi đến bạo động và
chia rẽ trong tăng đoàn xẩy ra ở thành Kosambi vào thời Phật còn tại thế. Cũng
trong bối cảnh này, một trong bảy nguyên tắc để giải quyết bất đồng đã được áp
dụng.
Có sáu nguyên lý cấu thành sự hòa hợp trong một cộng đồng
theo quan điểm Phật giáo (Kosambiyasutta)[ii] như sau:
1. Một người Phật tử phải cư
xử thân thiện với người khác trong cộng đồng (mettam kāya kammam) trong thân hành.
2. …thân thiện trong khẩu hành (mettam vācī kammam),
3. …thân thiện trong ý hành (mettam mano kammam),
4. Họ phải chia sẻ lợi dưỡng có được một cách hợp pháp
một cách đồng đều đến những người trong cộng-đồng.
5. Họ phải cùng
giữ giới.
6. Họ phải cùng chia sẻ quan điểm (ditthiya ditthisamaññāgato viharanti).
Đây là sáu nguyên lý phải thực hành trong
cộng đồng tu sĩ Phật giáo (Sangha)
nhưng đây cũng là những yếu tố không thể thiếu để có sự hòa hợp trong mọi cộng
đồng. Nguyên lý thứ nhất (mettam kāya
kammam) hay thân hành hòa ái nói lên sự tôn trọng người khác phải được thể
hiện trong hành động, ở nơi công cộng cũng như ở nơi riêng tư. Nguyên lý thứ
hai (mettam vācī kammam) hay khẩu hành hòa ái chính là lời
nói đúng sự thật, dễ nghe và đem lại lợi ích; thiếu một trong ba yếu tố trên,
lời nói được xem là không thân thiện. Nguyên lý thứ ba (mettam mano kammam) hay ý hành hòa ái nói lên rằng những lời nói và
hành động thân thiện kia phải xuất phát từ một tấm lòng chân thành hay thiện ý
để có sự hòa hợp. Chỉ riêng ba điều kiện này cũng đủ khiến cho các mối quan hệ
gia đình hay bạn bè, xã hội bền chặt, an toàn và vui vẻ hơn rất nhiều.
Nguyên lý thứ tư đề cập đến sự
phân chia lợi nhuận trong một cộng đồng. Đây cũng là một vấn đề gây nhiều
tranh cãi trong các hệ thống triết học, đặc biệt là giữa Tư bản chủ nghiã và Xã
hội chủ nghĩa. Nguyên tắc hành xử này phải được hiểu như thế nào đây? Ba nguyên
lý cuối sẽ là đề tài chính được phân tích và tổng hợp để thảo luận trong bài
viết này theo quan điểm Phật giáo liên quan đến những vấn đề nhân sinh và xã
hội, nhất là trong bối cảnh xã hội đang bị phân hóa bởi quan niệm (giới), định
kiến (kiến) và lợi tức như hiện nay.
Trong Sangha,
vấn đề này cũng khá tế nhị. Theo đúng giới luật nguyên thủy, thành viên của Tăng
đoàn phải đi khất thực đúng pháp, và vật thực nhận được đem về chùa thường được
chia sẻ đồng đều đến những vị cùng ngồi ăn chung một chỗ. Ngày nay, hầu hết
thành viên của Tăng đoàn không còn đi khất thực nữa, những gì được cúng dường
đến Tăng chúng, kể cả tịnh tài, cần phải được xem là của chung. Khi có nhu cầu
về chỗ ở, dược phẩm, y cụ, hay thức ăn, vị tăng (Ni) có thể yêu cầu cộng đồng
mà vị đó đang cộng trú về những nhu cầu tối thiểu này của đời sống. Người viết
bài đã thấy nguyên tắc này được thực hành rất thành công ở Myanmar (Sitagu Academic) và ở trong tổ chức
Phật Quang Sơn (Taiwan).
Thành viên của Tăng đoàn không nên được khuyến khích sở hữu tài sản ngoài Tứ
vật dụng, nguyên tắc này có tác dụng ngăn ngừa lòng tham đối với vật chất, địa
vị hay quyền lực. Đối với một hành giả tìm cầu giải thoát thì lợi dưỡng và danh
tiếng (cùng với địa vị và quyền lực đi kèm với chúng) chỉ là những cản trở trên
lộ trình giải thoát.[iii]
Nguyên lý thứ tư
cũng liên quan đến một phẩm hạnh khác luôn được ca ngợi và khuyến khích trong
Phật giáo, đó là sự chia sẻ những gì mình đang có với người khác (Dāna – bố thí, cúng dường or Cāga – từ bỏ, hy sinh). Điều này loại
bỏ tính ích kỷ - chỉ muốn giành làm của riêng và bỏn xẻn – chỉ muốn giữ để dùng
riêng; nó cũng có tác dụng ngăn chặn sự tích lũy tài sản một cách bất hợp pháp.
Nếu nguyên tắc này được tôn trọng đúng mức, tình trạng lạm dụng của công trong
xã hội sẽ không xẩy ra. Bố thí hay làm từ thiện thể hiện tâm từ bi đến những
người kém may mắn trong xã hội, trong khi đó cúng dường lại thể hiện sự kính
trọng đến những người có đạo đức và trí tuệ. Những hành động này giúp cho xã
hội thực sự công bằng và văn minh hơn. Trong bảng phân loại các thiện pháp
(những hành động đáng được tán dương trong giá trị đạo đức Phật giáo) thì Dāna thuộc về mười thiện nghiệp, Cāga thuộc về bảy báu vật trong nhân
cách làm người.
Trở lại với vấn
đề phân chia và sử dụng tài sản chung, đây là một vấn đề rất quan trọng vì nếu
không thực hành đúng theo nguyên tắc bình đẳng và không thiên vị, nó có thể dẫn
đến tranh chấp và bạo động. Do đó vấn đề này phải được thảo luận một cách cởi
mở và dân chủ, không nên xử lý một cách mờ ám hay độc quyền. Tài sản chung bao
gồm cả tài nguyên thiên nhiên, chúng ta không nên lạm dụng và ‘bóc lột’ thiên
nhiên để rồi phải trả giá cho lòng tham lam ích kỷ của con người. Aggaññā sutta
(DN) kể về sự kiện con người chiếm dụng và tích trữ ‘của chung’ làm ‘của riêng’
và ngay lập tức xã hội bị mất cân bằng dẫn đến sự chỉ trích và các hình phạt.
Khi một người hay một nhóm người sử dụng những kỹ xảo (bất thiện) để chiếm đoạt
nhiều hơn, mặc cho những người khác (thường là số đông) thiếu đói và khốn khổ
thì tất yếu sẽ dẫn đến mất cân bằng, đấu tranh và bạo động. Trường bộ kinh
(DN), Kutadanda Sutta đề cập khá tường tận về việc phân chia tài sản trong xã
hội và những biện pháp mà từng lớp lãnh đạo phải thực hiện để đem lại sự công
bằng và trật tự, an vui cho xã hội.[iv]
Trong tăng đoàn, việc phân chia tứ vật dụng (thức ăn, y áo, chỗ ở, và thuốc trị
bệnh) phải được bắt đầu bằng ba lần thông báo (Ñatti) và một lần kết luận (…) rất trang trọng và cởi mở trước sự
có mặt của toàn thể tăng đoàn (Sangha).
Nếu chỉ cần một thành viên của tăng đoàn không đồng ý với vấn đề đang thảo
luận, sự việc sẽ không được tiến hành.
Nguyên lý thứ năm đề cập đến đời sống đạo đức mà trong đó
thành viên của cộng đồng phải tôn trọng những giá trị đạo đức chung. Cộng đồng
Phật tử có chung một tiêu chuẩn đạo đức là Năm Giới (không: sát sanh, trộm cắp,
tà dâm, nói dối, say sưa nghiện ngập). Thành viên của tăng đoàn có nhiều giới
cấm hơn nhưng phân tích ra thì chúng cũng chỉ là những qui định có tác dụng hạn
chế hành vi cư xử của một bậc xuất gia trong trong mối liên hệ với tiêu chuẩn
đạo đức xã hội, những tập tục văn hóa của một xứ sở (India 2500 ago), và chúng
có một nền tảng chung là năm giới. Trong những bối cảnh văn hóa, truyền thống
khác nhau, các tiêu chuẩn đạo đức cũng có dị biệt. Nếu một người hay một nhóm
người cứ chấp thủ vào giá trị / tiêu chuẩn đạo đức của mình hay nhóm người có
cùng quan điểm với họ mà không chịu nhìn nhận những giá trị này chỉ có tính
tương đối, thì bất đồng và bạo động rất dễ xẩy ra. Trong nhiều pháp thoại Đức
Phật bày tỏ sự không bằng lòng với những thành kiến hẹp hòi và cách khẳng định
có tính chủ quan cho rằng “chỉ điều này là đúng, tất cả những quan niệm khác là
sai” (idam saccam moghanaññāti)[v]. Kiến
chấp, nhất là sự khăng khăng bảo thủ ý kiến hay quan điểm của mình (hay phe
nhóm) và không lắng nghe người khác đang nghĩ gì, muốn gì và cần gì rất dễ dẫn
đến độc quyền và đàn áp. Để loại trừ khả năng này nguyên tắc thứ năm chính là
sự chia sẻ quan điểm (và lắng nghe) để có được sự hòa đồng mà không gây căng
thẳng dẫn đến chống đối và chia rẽ.
Người ta có
những ý kiến và chuẩn mực khác nhau về đức hạnh hay đời sống đạo đức. Những
người thuộc truyền thống văn hóa, tôn giáo hay chủ kiến khác nhau thường không
sống hòa hợp một cách dễ dàng. Nguyên nhân chính dẫn đến hiểu nhầm, nghi kỵ và
xung đột là do thiếu hiểu biết về nhau, do đó việc chia sẻ quan điểm để tìm đến
một giải pháp dung hòa là điều rất cần thiết. Nếu người ta không thể có sự
thống nhất trong quan điểm, một giá trị đạo đức chung, tối thiểu cũng phải tôn
trọng những giá trị và chuẩn mực đạo đức của phía kia, hay nhóm người khác tôn
giáo, chủ nghĩa hay văn hóa với mình để tránh bạo động và chiến tranh. Hơn 2000
năm trước, một vị vua Phật tử vĩ đại đã tuyên bố: “Hãy lắng nghe (và học hỏi)
từ tôn giáo khác, hãy kính trọng truyền thống khác. Những ai vì lợi ích của tôn
giáo (hay truyền thống, chủ nghĩa) của mình mà bôi nhọ và phá hoại niềm tin của
kẻ khác, những kẻ đó quả thật đang tự chuốc lấy tai họa cho tôn giáo của họ.”[vi]
Nguyên
lý thứ sáu liên quan đến kiến giải và quan điểm, lập trường mà các thành viên của một cộng đồng phải công nhận hay
tôn trọng để có được sự cộng trú hòa hợp. Chánh kiến trong Đạo Phật là tránh
những cực đoan (ubho anta) và cố chấp, bảo thủ (sīlabbatā-pramāsa). Một quan
điểm đúng đắn đến từ sự tìm hiểu thấu đáo, cách quan sát khách quan từ một vị
thế trung dung không thiên vị. Đây cũng chính là chìa khóa mở ra quan điểm ôn
hòa như là bước chuẩn bị cho sự hội nhập văn hóa, đạo đức và các giá trị nhân
bản trong môi trường toàn cầu hóa như hiện nay. Về phương diện này, Phật giáo
với con đường Tám Chánh như là sự thực hành Trung Đạo (Majjhima Paṭipada- Middle Way) được xem là
phương cách dung hòa nhất. Bằng chứng là suốt hơn 2500 năm lưu truyền trên thế
giới, Phật giáo chưa từng vận động một cuộc thánh chiến nào cho vị trí độc tôn
của mình. Thuyết vô ngã (anatta) và
tánh không (Sunyata) của Đạo Phật cho
rằng mọi giá trị (từ vật chất đến tình cảm, tâm linh) trong đó có cả giá trị
đạo đức, quan niệm sống và niềm tin tôn giáo tin đều mang tính tương đối vì sự
tồn tại có tính tương quan tương duyên của chúng. Nếu thấy được tính tương đối
của các giá trị và của mọi hiện hữu, chúng ta sẽ thôi chấp ngã chấp nhân, điều
có thể dẫn đến hiềm khích, bất hòa và bạo động, chiến tranh.
Lịch sử loài
người đã chứng kiến những cuộc tàn sát đẫm máu xuất phát từ sự đối nghịch trong
quan điểm mà người ta gọi là lập trường tư tưởng. Khi người ta thủ giữ vào cái
gọi là ‘lập trường tư tưởng’, người ta trở nên rất hẹp hòi và nhìn nhận, đánh
giá sự kiện theo quan kiến bị bó hẹp và thiếu khách quan đó…
Các vấn nạn về
nhân sinh và xã hội cần phải được xử lý từ gốc rễ hay nguyên nhân: đó là tính
ích kỷ, tham lam, sân hận, và mê lầm, và chúng cần phải được giáo dục và chuyển
hóa. Trong một pháp thoại khác, “Giảng về Pháp không phân tranh”[vii]
(MN- Exposition of Non-conflict), Đức Phật chỉ ra một nguyên lý rất quan trọng
liên quan đến cách nhìn nhận con người và sự việc: chúng ta nên thấy sự việc
hay sự kiện chỉ là pháp (dhamma) là đáng ca ngợi hay cần sửa đổi,
đừng nhìn nhận là người rồi khen chê,
ca tụng hay hủy báng mang tính cá nhân. Vì nếu chúng ta thấy ngã thấy nhân, ca tụng hay hủy
báng bên này bên kia thì sẽ đi đến chỗ định kiến, ngã mạn và hơn thua tranh
đấu. Do đó kiến hòa hay sự ôn hòa trong kiến giải chỉ có thể có được từ sự phân
tích sự việc một cách khách quan, không thủ chấp.
Trong pháp thoại “Những nguyên
nhân của các mối bất hòa”[viii]
Đức Phật đã chỉ ra sáu loại phiền não mà nếu ai ôm mang chúng thì bất luận ở
đâu, với ai cũng có bất hòa và bất an. Những phiền não nghiệp chướng đó là:
“nóng giận và hay trả đũa, khinh khi và hay lấn lướt, ganh tỵ và keo bẩn, gian
dối và hay lường gạt, hoặc là tham muốn bất chính và tà kiến, hoặc là dính kẹt
vào quan kiến (hẹp hòi) của mình, bám víu vào nó một cách bướng bỉnh và từ bỏ
nó một cách khổ sở ”[ix]
Cũng trong pháp thoại đó, Đức Phật nói thêm rằng trong bất cứ cộng đồng nào có
những người (hay chỉ một người) như vậy, kẻ đó sẽ gây gỗ, đem tai hại, bất an
và phiền não đến cho những người khác. Khi người nào bị cuốn vào tham lam, giận
dữ hay kiêu căng, người ấy có thể hành động một cách ngu ngốc và như vậy tự
chuốc lấy đau khổ, phiền não và mất mát cho mình và người. Do vậy chúng ta cần
phải suy xét một cách khôn ngoan về động cơ, hoàn cảnh và hậu quả của hành động
mà mình đang hay sắp làm nhằm tránh những sai lầm hay tác dụng không tốt đẹp.
Tam độc: tham,
sân, và si chính là gốc rễ của mọi xung đột. Chúng được biểu hiện trong 10 ác
nghiệp như giết chóc, trộm cắp, lang chạ, dối trá, nói xấu sau lưng người, xỉ
mắng người, nói đâm thọc, thèm muốn bất chính, ác ý, và tà kiến. Đạo phật dạy
chúng ta lánh xa những hành động phi đạo đức bằng cách giữ giới, và tích cực
hơn nữa là chủ động làm các việc thiện đem ích lợi đến cho cộng đồng. Một khi
xung đột gia đình hay xã hội đã nảy sinh, những phía có liên quan nên gặp gỡ
thảo luận để tìm ra nguyên nhân và giải quyết vấn đề tận gốc rễ. Giáo lý Đạo
Phật không bao giờ khuyến khích con người dùng những phương tiện hung dữ hay
quá khích để giải quyết xung đột: “Hận thù không bao giờ dập tắt được hận thù,
chỉ có lòng từ bi mới dập tắt được hận thù. Đây là một nguyên lý phi thời
gian.” (Pháp cú 5). Và: “Người nào tìm kiếm hạnh phúc mà xây dựng nó bằng cưỡng
bức và gây đau khổ cho kẻ khác, người cũng muốn hạnh phúc như y, y sẽ không bao
giờ đạt được hạnh phúc thực sự.” (Pháp cú 131).
Sáu nguyên lý đem đến đời sống cộng đồng hòa
hợp nếu được thực hiện nghiêm túc thì chắc chắn xã hội sẽ công bằng, dân chủ và
văn minh thực sự. “Này chư Tỳ khưu, có sáu nguyên lý hòa ái tạo ra tình thương
mến và kính trọng, đem đến lợi ích và không xung đột chia rẽ, đem đến hòa bình
và thống nhất…”[x] Hơn 2500 năm Đạo Phật đã đi vào lòng người, trở
thành một triết lý sống của nhiều trăm triệu người khắp nơi trên thế giới,
những lời dạy trong sáng và những nguyên lý sống phi thời gian đã trở thành
chuẩn mực cho một đời sống hòa bình, dung dị và đầy nhân bản. Trong Tương Ưng Bộ Kinh, Đức Phật dạy rằng
trong cõi luân hồi vô tận, chưa từng có ai trên thế gian này chưa từng là cha,
là mẹ, là vợ, là chồng, là anh, là em, là con cháu bạn bè với ta. Do đó hãy
thương yêu, thông cảm và san sẻ với nhau, đừng oán thù và tàn hại lẫn nhau.
Melbourne International Buddhist
College,
Vic.
Arp.18. 2008
[i] Vin. III, Vin.
IV, 4: Satta adhikaraṇa
samathā dhammā: có bảy cách dàn xếp và giải quyết các sự tranh tụng đã sanh
khởi hoặc chưa sanh khởi: (1) nên áp dụng cách hành xử Luật với sự có mặt
(sammukhāvinayo), (2) nên hành xử Luật bằng sự ghi nhớ (sativinayo), (3) nên hành
xử Luật khi không bị tâm thần (amūḷhavinayo), (4) nên phán xử theo sự thừa nhận (paṭiññāya), (5) thuận
theo số đông (yebhuyyasikā), (6) theo tội của vị ấy (tassapāpiyasikā), (7) cách
dùng cỏ che lấp (tiṇavatthārako).
[ii] M. I, sutta No
48, p322
[iii] SN: 17:3, 5: "Tỳ khưu, “lợi dưỡng của sự cúng
dường và danh tiếng là những thứ tai hại, khó vượt qua, làm cản trở lộ trình
giác ngộ giải thoát khỏi những vướng mắc trói buộc” – các con phải học tập như
vậy: ‘Chúng ta phải đặt lợi, danh qua một bên, và chúng ta sẽ không để cho lợi
và danh ràng buộc, thiêu đốt và sai sử.”
[iv] D. I, 136 – The
Long Discourses of the Buddha p.138; Trans. From Pali to English by Maurice
Walshe; Wisdom Publication USA
1995. Việt dịch Sc Pháp Hỷ: “Brahmin, Thuở xưa có một vị vua tên là Mahāvijita,
giàu có với nhiều tài sản và tài nguyên. […] Vị vua này muốn làm một cuộc hiến
tế lớn để cầu xin thịnh trị và bình yên trong quốc độ bằng cách kêu gọi dân
chúng đóng góp sản vật để làm hiến tế. Khi nghe dự định của nhà vua, vị quan cố
vấn lễ nghi kiến nghị rằng:
“Muôn tâu hoàng thượng, trong quốc độ của ngài
đang có những tệ nạn như cướp bóc, tàn phá; làng mạc bị phá phách và dân tình
bị nhũng nhiễu. Nếu Hoàng thượng đánh thuế những vùng này thì thật không hợp
lẽ. Giả sử như hoàng thượng nghĩ rằng: ‘Ta sẽ loại trừ những tệ nạn nhũng nhiễu
và cướp bóc bằng những hình phạt nặng như tử hình hay tù đày, tịch thu tài sản,
đe dọa và lưu đày’, những tệ nạn kia sẽ không được giải quyết một cách thích
hợp. Những người còn sót lại có thể củng cố lực lượng và rồi tiếp tục phá hoại
quốc độ. Tuy nhiên, với kế hoạch như vầy Hoàng thượng có thể tận diệt những tệ
nạn xã hội kia. Với nông phu trồng trọt và những nông dân làm nghề chăn nuôi,
hoàng thượng (và các cấp lãnh đạo) phải cung cấp nguồn giống tốt cho họ; những
ai buôn bán, hãy cho vay vốn đầu tư; với những cán bộ công nhân viên nhà nước,
hãy trả lương thích hợp cho họ có đời sống ổn định. Làm như vậy, những công dân
này sẽ có đủ việc làm và bằng lòng với đời sống của họ nên không phá phách quấy
nhiễu nữa. Lợi tức của Hoàng thượng (và thần dân trong quốc độ) sẽ được tăng
trưởng, đất nước sẽ được bình yên và không bị cướp bóc quấy nhiễu nữa, dân
chúng vui vẻ trong lòng được vui đùa với con cái họ, và mọi người được sống
trong những ngôi nhà không cần đóng cửa.”
[vi] Asoka verdict, Buddhist Cultural Centre, 3rd
Ed.
[ix] Vivādamūla
sutta, AN VI, 36.
[x] M. I, Kosambiyasutta.
29 Đây là cách phân loại các chúng sinh trong
cõi dục giới: loài người và trời (chư thiên) thuộc về cảnh vui; loài Asura (A
Tu la) là một dạng chúng sinh có thần lực hơn con người nhưng lại không tỏa
sáng như chư thiên vì tâm họ thường bị sân hận chi phối; loài Nāga thuộc về súc sinh dạng
lớn (như rồng, rắn thần, voi, vv) và có chút ít thần lực; loài Ganthabba (Càn
thát bà) cũng thuộc về dạng quỉ thần (như Asura và Nāga) biết bay và hưởng thụ
mùi hương như thức ăn.
Phương
danh Phật tử ấn tống
Từ Hùng, Diệu
Hương, Diệu Dung, Diệu Hiền, Diệu Hạnh,
Diệu Quang, Diệu Huệ, Vạn Tuệ, Vạn Nhã, Vạn Trí, Chánh Thiện
Hoàng, Chánh Công, Chánh Lộc, Nghiêm
Pháp, Khánh Tịnh, Khánh Nhu, Nguyên Khai, Nguyên Định, Quảng Đức, Thu Le.
Nguyện phước thí này luôn hỗ trợ quí vị và gia đình
trên đường học Đạo và trong mọi nẻo đời!
--------------------------------
---------------------------------------
---------------------------------------------
---------------------------------------------------
--------------------------------------------------------
-------------------------------------------------------------
------------------------------------------------------------------
-----------------------------------------------------------------------
----------------------------------------------------------
------------------------------------------------------
--------------------------------------------------
|