Thưa
cha, con có một người em trai quen với một cô gái không thuộc
đạo công giáo. Hai người dự định lấy nhau. Cô này không
muốn trở lại đạo mà chỉ muốn ‘đạo ai nấy giữ’.
Gia đình con đã hết lời khuyên can nhưng hai người vẫn khăng
khăng xin phép chuẩn để làm đám cưới khác đạo. Điều
con thắc mắc là, ngay cả khi có phép chuẩn, hôn phối đó
có thành sự không? Đó có phải là một bí tích thực sự
không? Nếu không phải là bí tích thì làm sao đôi vợ chồng
được lãnh nhận trọn vẹn ơn sủng của Chúa qua Bí tích
Hôn nhân ?
M.
N
Trong
câu hỏi này có 3 vấn đề được đặt ra: Việc thành sự
(validity) của hôn nhân khác đạo, ý nghĩa hay giá trị bí
tích của nó (sacramental value), và sự tiếp nhận ơn Thiên
Chúa trong hoàn cảnh đó.
Trước
nhất, ta hãy xét về yếu tố thành sự. Từ ngữ ‘thành
sự’ ở đây mang ý giáo luật. Nói rằng một hôn
nhân thành sự theo giáo luật nghĩa là hôn nhân ấy hợp lệ
theo quy định của giáo hội; nôm na ra, đó là một hôn phối
hợp lệ, không bị rối rắm.
Theo
giáo luật, người công giáo kết hôn với người chưa rửa
tội thì hôn nhân ấy không thành sự hay bị rối. Theo khoản
1086 trong Bộ giáo luật hiện hành của giáo hội công giáo,
nếu không muốn bị rối trong tình trạng ấy thì phải xin
phép chuẩn dị giáo (dispensation for disparity of cult) của Đức
Giám Mục địa phận.
Để
được phép chuẩn cho hôn nhân dị giáo hầu ‘đạo ai nấy
giữ’, khoản 1126 trong giáo luật cũng quy định phải có
3 điều kiện : a) Bên công giáo hứa phải giữ trọn đức
tin của mình, đồng thời cố gắng rửa tội và giáo dục
con cái theo đức tin công giáo. b) Thông tri cho bên không công
giáo biết những điều mình hứa và bị lương tâm ràng buộc.
c) Cả hai phải được học hỏi về mục đích và đặc tính
căn bản của hôn nhân theo giáo lý công giáo.
Khi
đã được phép chuẩn, việc kết hôn giữa một người công
giáo và một người không công giáo trở nên hợp lệ và thành
sự.
*
Thứ đến, hôn phối dị giáo có thật sự là bí tích không?
Đây
là một vấn nạn tế nhị và phức tạp hơn. Thật ra, các
nhà thần học về bí tích và các nhà thần học luân lý cũng
chưa đồng quan điểm với nhau để đưa ra một câu trả lời
dứt khoát. Bên phủ nhận cũng như bên xác nhận đều có
những suy tư rất hữu lý. Trong khi đó, vì là một suy tư
thần học, huấn quyền giáo hội cũng không đưa ra một phán
quyết rõ ràng nào về vấn đề này. Tóm lại, vấn đề này
vẫn còn trong vòng tranh luận.
Theo
thiển ý cá nhân chúng tôi, nếu xét theo đúng nghĩa đức
tin, hôn nhân giữa một tín hữu công giáo và người không
phải Kitô hữu khó có thể được coi là một bí tích vì
hai lý do sau đây. Lý do thứ nhất có tính cách giáo luật.
Nếu hôn nhân đó có giá trị như một bí tích thực thụ
thì điều đó sẽ đặt lại vấn đề về chính ý nghĩa của
việc giáo hội phải ban phép chuẩn. Nghĩa là, nếu đó là
một bí tích thì chẳng phải nại đến sự chuẩn chước
của Giáo hội như một đặc ân. Còn nếu Giáo hội phải
đặc biệt ban phép chuẩn thì hôn phối ấy phải là trường
hợp ngoại thường, không phải là bí tích theo nghĩa thông
thường.
Lý
do thứ hai có tích cách thần học. Theo giáo huấn của tông
đồ Phaolô trong thánh thơ gửi giáo đoàn Êphêsô (chương
5, câu 32), hôn nhân giữa hai Kitô hữu là một mầu nhiệm
lớn vì nó phản ảnh và làm chứng cho tình yêu giữa Chúa
Kitô và Hội thánh. Chính do chức năng này mà nó mang ý nghĩa
bí tích, và thật sự là một trong 7 Bí tích. Nhưng làm sao
ý nghĩa này trọn vẹn được khi mà một trong hai người phối
ngẫu không phải là tín hữu kitô. Vì một người ngoài kitô
giáo không thể thi hành vai trò biểu tượng để phản ảnh
mầu nhiệm Chúa Kitô. Họ cũng không bị lương tâm ràng buộc
để thi hành vai trò ấy cách chính quy. Như vậy, chức năng
chứng từ của hôn nhân này khiếm khuyết. Do đó, ý nghĩa
bí tích của nó cũng thiếu vắng.
Phải
nói thêm rằng, đây là ta đang bàn đến hôn nhân giữa một
Kitô hữu và một người không phải Kitô hữu. Còn hôn nhân
giữa hai người đều chưa biết Chúa (và dĩ nhiên, không bị
ràng buộc bởi luật bí tích, mà chỉ bị ràng buộc bởi
luật tự nhiên) thì vẫn được hiểu là một bí tích : Bí
tích tự nhiên (natural sacrament). Đối với giáo hội công giáo,
bí tích tự nhiên vẫn có giá trị (vì nó phản ảnh lòng
thành tâm của hai người phối ngẫu). Nó vẫn có tác động
ràng buộc (vì được thực hiện với lương tâm trách nhiệm
của hai người).
*
Vậy thì làm sao việc kết hôn giữa người công giáo và người
ngoài Kitô giáo có thể đón nhận trợ giúp của Thiên chúa
?
Theo
giáo lý, chúng ta biết rằng mỗi bí tích đều nhằm ban cho
ta Ơn sủng đặc biệt. Ơn ấy, ta chắc chắn được lãnh
nhận qua việc cử hành nghi thức bí tích. Vì thế, người
kitô hữu xác tín về niềm tin của mình sẽ mong ước cử
hành hôn phối có bí tích, để biết chắc được lãnh nhận
ơn sủng đặc biệt của bí tích này. Tuy nhiên, ta cũng không
nên quên rằng Thiên Chúa khôn ngoan và tự do tuyệt đối.
Mặc dầu thiết lập các bí tích thánh để ban ơn cho ta, Ngài
cũng không để tình thương Ngài bị giới hạn trong các nghi
thức. Ngài có thể ban ơn cho bất cứ hoàn cảnh nào, bằng
bất cứ phương thức nào. ‘Thánh thần thổi đâu Ngài muốn’
(Jn. 3:18). Vậy điều thiết yếu là, trong mọi hoàn cảnh ta
phải nỗ lực tiếp nhận ơn Chúa ban ở mức độ và điều
kiện có thể nhất, hầu thi hành bổn phận của mình cách
trung tín, hiệu quả. Nói cách khác, nếu có thể được, cặp
hôn phối nên có cùng một niềm tin để cử hành chính bí
tích hôn phối, và lãnh nhận cách cụ thể ơn trợ giúp cho
đời sống vợ chồng. Trong hoàn cảnh chẳng đặng đừng
mà phải cử hành hôn nhân khi còn khác đạo, đôi bạn cũng
cứ khiêm tốn mở lòng cầu xin để, bằng một cách nào đó,
Chúa ban những ơn trợ giúp cần thiết.
Linh
Mục Đa Minh Trần Quốc Bảo, DCCT
(http://www.trungtammucvudcct.com/)
38
Kỳ Đồng, P.9, Q.3, Sài gòn