Trong
dịp viếng thăm Toà Giám Mục Phát Diệm, nhân chuyến về
thăm Việt Nam vào tháng 4 năm 2006, Thiền sư Thích Nhất
Hạnh đã có cuộc trao đổi về vấn đề hôn nhân khác tôn
giáo với Đức cha Phạm Ngọc Khuê, Giám mục sở tại cùng
với một số đông tín đồ Kitô Giáo vào ngày 30-4-2007 lúc
9 giờ sáng.
Thiền
sư Nhất Hạnh cho rằng:
“một
người có thể rất hạnh phúc khi có hai gốc rễ, một gốc
rễ Cơ đốc giáo và một gốc rễ Phật Giáo. Hai cái đó
không nhất thiết phải loại trừ nhau. Tại vì mình hẹp hòi
cho nên mình mới thấy hai cái khác nhau chống đối nhau. Nhưng
nếu mình vượt lên, thấy được hai truyền thống có thể
bổ túc cho nhau thì mình sẻ có một thái độ cởi mở hơn”.
Và
Thầy đã đề nghị:
“khi
hai thanh niên yêu nhau, một người thuộc về Cơ đốc giáo,
một người thuộc về Phật Giáo thì cả hai gia đình nên
cho họ cưới nhau với điều kiện hai bên công nhận truyền
thống của người bên kia và nếu người con trai là Cơ Đốc
Giáo và người con gái là Phật Giáo thì người con gái phải
học thêm Cơ Đốc Giáo và người con trai phải học thêm Phật
Giáo. Và đến ngày chủ nhật thì hai người cùng đi nhà thờ,
đến ngày mồng một và ngày rằm thì hai người cùng đi Chùa”.
(hết lời trích).
Cha
Phạm Ngọc Khuê, Tòa Giám mục Phát Diệm cho biết:
“Giáo
hội không bao giờ ngăn chặn hai người nam nữ yêu thương
và tiến tới hôn nhân với nhau, điều đó là chắc chắn
thuộc về giáo luật, không ai có quyền ngăn cản tình yêu
của họ, vì đó là tuyệt đối… Tuy nhiên khi hai người
quyết định yêu thương nhau thì đức tin của người tín
đồ Ki Tô Giáo cũng như Phật giáo phải được tôn trọng
bởi sự tự do của họ… Và cái việc họ được chịu phép
rửa tội là hoàn toàn tự do. Cho nên giáo hội chỉ nói một
điều này: Khi tiến tới hôn nhân thì hai người phải hứa
là tôn trọng quyền lợi của nhau và niềm tin của mỗi
người, và không được vi phạm. Vì vậy về phía tín đồ
tôn giáo khác phải cam đoan, có thể nói là tuyên thệ
tôn trọng niềm tin vì đó là lãnh vực thiêng liêng và tự
do tôn giáo, không ai được can thiệp. Nếu họ giữ được
như thế thì cuộc hôn phối đó được tốt đẹp và thành
sự trước mặt Chúa và trước luật pháp”. (hết
lời trích)
Tuy
nhiên, trong thực tế thì không luôn luôn được xảy ra như
vậy, nhất là hoàn cảnh của Việt Nam do chế độ phong kiến
còn rơi rớt, “người nam có quyền hơn người phụ nữ”.
Chính vì vậy, Cha nói tiếp:
“Giáo
hội đặt ra điều kiện này: nếu một người tín đồ tôn
giáo khác, lấy người Công giáo, rồi sau đó người Phật
tử, hay là người thờ ông bà không giữ lời tuyên thệ trung
thành thì người tín hữu Công giáo có thể trình lên thẩm
quyền nguồn Thánh tháo cái hôn phối mà người ta đã cam
kết…”. (hết lời trích)
Và
cuối buổi gặp gỡ Thầy Nhất Hạnh đã đề nghị thêm là:
“hai
bên giáo hội Công giáo và Phật giáo phải có những văn bản
rõ rệt về vấn đề hôn nhân dị giáo này. Nếu tôi là pháp
chủ Phật giáo Việt Nam thì tôi sẽ cho phép những người
con trai hay con gái Phật giáo lấy những người con trai hay
con gái Công giáo và hai người được học truyền thống
của nhau, hai người cùng đi nhà thờ một lần, hai người
cùng đi chùa một lần, hai người cùng được rửa tội một
lần và hai người đều được quy y..”. (hết
lời trích).
Qua
lời phát biểu của hai vị Tôn đức Phật giáo và Ki Tô giáo
được trình bầy ở trên, chúng ta thấy rằng có một mẫu
số chung trong vấn đề hôn nhân khác tôn giáo là cho tự do
kết hôn giữa người khác Ðạo, nghĩa là Ðạo ai nấy giữ.
Tuy nhiên, giải pháp này còn bị giới hạn bởi thời gian
do những đứa con ra đời về sau. Chúng sẽ theo đạo
nào. Theo đạo cha hay theo đạo mẹ hay theo cả hai. Và khi nào
bắt đầu cho chúng theo, từ lúc mới sinh ra hay đợi đến
lúc chúng trưởng thành đủ trí khôn mới cho quyền lựa chọn
tôn giáo.