10/08/2010 10:20 (GMT+7)
Số lượt xem: 5482
Kích cỡ chữ:  Giảm Tăng

A LẠI THỨC: 阿賴耶識 Àlaya
Là thức thứ tám, cũng gọi là Tạng thức, tức là tất cả chủng tử thiện, ác, vô ký, do thức thứ sáu lãnh đạo năm thức trước (nhãn, nhĩ, tỹ, thiệt, thân) làm ra đều chứa trong đó.

THÍCH DUY LỰC
DANH TỪ THIỂN HỌC
CHÚ GIẢI
٭٭٭
NGỮ VỰNG PHẬT HỌC

1- A LẠI THỨC: 阿賴耶識 Àlaya
Là thức thứ tám, cũng gọi là Tạng thức, tức là tất cả chủng tử thiện, ác, vô ký, do thức thứ sáu lãnh đạo năm thức trước (nhãn, nhĩ, tỹ, thiệt, thân) làm ra đều chứa trong đó.

2- A HÀM: 阿含 Àgama
Bốn thứ kinh Tiểu thừa bằng tiếng Pali gọi là Tứ A Hàm. Gồm Trường A Hàm, Trung A Hàm, Tăng Nhất A Hàm và Tạp A Hàm.

3- A LAN NHÃ: 阿蘭若 Àranya
Dịch là chỗ Tịch tịnh (xa lìa náo nhiệt), cũng là chùa nơi Tỳ kheo cư trú.

4- A LA HÁN: 阿羅漢 Arahan
A La Hán là quả vị của Thanh Văn thừa. Tiểu thừa dứt trừ kiến hoặc và tư hoặc của tam giới thì chứng được Hữu Dư Niết Bàn gọi là A La Hán, dịch là Bất Lai, nghĩa là chẳng đến thọ sanh nơi tam giới nữa.

5- A NẬU ĐA LA TAM MIỆU TAM BỒ ĐỀ: 阿耨多羅三藐三菩提
A Nậu Đa La dịch là vô thượng, Tam Miệu dịch là chánh đẳng, Tam Bồ Đề dịch là chánh giác. Giác ngộ cuối cùng dịch là Vô thượng chánh đẳng Chánh giác.

6- A TĂNG KỲ KIẾP: 阿僧祇劫 Asamkhya
Là số thời gian lâu vô lượng.

7- A XÀ LÊ: 阿闍梨 Àcàrya
Dịch là thân giáo sư. Có bổn phận dạy đệ tử các thứ giới luật Tỳ kheo, từ xuất gia thọ giới, học kinh, cho đến y chỉ dạy pháp mông tu hành.

8- A XÀ THẾ: 阿闍世 Ajata satrou
Là tên của quốc vương nước Ma Kiệt Đà (thuộc Ấn Độ). Khi Phật trụ thế, làm Thái tử nghe lời bạn ác Đề Bà Đạt Đa nhốt phụ vương và hại Phật. Sau này ăn năn đến Phật sám hối và quy y làm hộ pháp cho Phật giáo rất đắc lực.

9- A TỲ: 阿鼻
Là địa ngục vô gián, tức không có thời gian gián đoạn. Thế giới này hoại thì sang thế giới khác để chịu khổ.

10- A MA LA THỨC: 阿摩羅識 Amala
Tiếng Hán dịch là Vô cấu, tức là cái thức thanh tịnh vô cấu, cũng gọi là thức thứ chín.

11- ẤN CHỨNG: 印證 
Cũng gọi là truyền Tâm ấn. Ấn là con dấu, chứng là chứng nhận. Tâm của trò đã ngộ rồi nhờ tâm thầy ấn chứng trò ấy đã ngộ.

12- BA LOẠI THIỀN: 三種禪
Những pháp thiền nhằm đáp ứng ba loại căn cơ: 1. Như tu Ngũ đình tâm quán, Tứ niệm xứ quán.v.v… Gọi là Tiểu thừa thiền. 2. Như tu Chỉ quán, Pháp giới quán, Duy Thức quán… Gọi là Đại thừa thiền. 3. Tham công án thoại đầu mà phát khởi nghi tình từ nghi đến ngộ chẳng có năng quán sở quán. Gọi là Tổ Sư Thiền.

13- BA MƯƠI BẢY PHẨM TRỢ ĐẠO: 三十七道品
Ba mươi bảy phẩm trợ giúp cho người tu đạo Tiểu thừa. Tức là TỨ NIỆM XỨ (quán thân bất tịnh, quán thọ là khổ, quán tâm vô thường, quán pháp vô ngã), TỨ CHÁNH CẦN (ác đã sanh nên dứt, ác chưa sanh không cho sanh, thiện chưa sanh nên sanh, thiện đã sanh khiến cho tăng trưởng), TỨ THẦN TÚC (dục thần túc là thỏa nguyện, cần thần túc là tinh tấn, tâm thần túc là chánh niệm, quán thần túc là bất loạn), NGŨ CĂN (tín căn, tấn căn, niệm căn, định căn và huệ căn). Do năm pháp căn bản này sanh ra Thánh đạo, nên gọi là ngũ căn, NGŨ LỰC (là lực phát xuất từ ngũ căn trên), THẤT BỒ ĐỀ PHẦN (1. chọn pháp, 2. tinh tấn, 3. hỷ, 4. khinh an, 5. niệm, 6. tịnh, 7. xả), BÁT CHÁNH ĐẠO (1. chánh kiến, 2. chánh tư duy, 3. chánh ngữ, 4. chánh nghiệp, 5. chánh mạng, 6. chánh tinh tấn, 7. chánh niệm, 8. chánh định).

14- BẠCH NGHIỆP: 白業
Dù làm thiện mà chẳng cho là thiện, dù không làm ác cũng chẳng cho là không làm ác, thiện ác đều chẳng suy nghĩ, tâm chẳng phân biệt hay dở, tốt xấu… như tờ giấy trắng nên gọi là bạch nghiệp.

15- BÁT ĐẢO: 八倒
Tám thứ chấp điên đảo. Chấp có “thường, lạc, ngã, tịnh” là thật có, ấy là bốn thứ điên đảo của phàm phu; chấp không có “thường, lạc, ngã, tịnh” là thật không, ấy là bốn thứ điên đảo của nhị thừa, nói chung là bát đảo.

16- BÁT KỈNH PHÁP: 八敬法
1. Ni dù trăm hạ cũng phải lễ Tỳ kheo sơ hạ; 2. Không được mắng, báng Tỳ kheo; 3. Không được cử tội Tỳ kheo; 4. NI thọ giới Cụ túc phải thọ với hai bộ Tăng (nam, nữ); 5. Ni phạm tội Tăng tàn phải sám trừ với hai bộ Tăng; 6. Mỗi nửa tháng phải thỉnh cầu Tỳ kheo dạy bảo; 7. Kiết hạ an cư chẳng được cùng chung một chỗ với Tỳ kheo, cũng chẳng được quá xa chỗ ở của Tỳ kheo (đại khái cách 500m); 8. Giải hạ nên cầu Tỳ kheo chứng kiến ba thứ: Kiến, Văn, Nghi, để kiểm thảo. Đây là điều kiện của Phật cho người nữ xuất gia.

17- BÁT NHÃ: 般若
Trí huệ của tự tánh (khác với trí huệ của bộ óc) sẵn đầy đủ khắp không gian thời gian, chẳng có thiếu sót, chẳng có chướng ngại, cái dụng tự động chẳng cần tác ý, tùy cơ ứng hiện chẳng sai mảy may.

18- BÁT PHONG: 八風
Là được, mất, khen, chê, vinh, nhục, khổ,vui.

19- BÁT XÚC: 八觸
Là tám thứ cảm giác của thân: động, ngứa, nặng, nhẹ, lạnh, ấm, trơn, rít. Thực ra còn nhiều cảm giác như: mềm, cứng, kiến bò, điện giựt, quên thân, bay bổng… đều là quá trình lúc tĩnh tọa thường có.

20- BẮC CÂU LƯ CHÂU: 北俱盧洲
Con người ở châu này, sanh ra liền tự lớn lên, thọ đủ ngàn năm, ăn mặc tự nhiên, phước thọ bình đẳng.

21- BẤT CỘNG PHÁP: 不共法
Pháp chẳng chung với Tam thừa (như ý thức chẳng thể suy lường, ngôn ngữ chẳng thể diễn tả, là bất cộng pháp).

22- BẤT KHẢ TƯ NGHÌ: 不可思議
Tự tánh vô hình vô thanh, lục căn chẳng thể tiếp xúc, ý thức chẳng thể suy lường, mà diệu dụng vô biên, nên gọi bất khả tư nghì.

23- BẤT NHỊ: 不仁
Cũng là nghĩa vô trụ, chẳng có cái nhị của tương đối mà cũng chẳng phải là một.

24- BẾ QUAN BẢO NHẬM: 閉關保任
Bảo nhậm là dứt trừ tập khí thế gian và xuất thế gian dần dần. Ví như nằm mơ khóc chảy nước mắt, khi tĩnh dậy vẫn cần phải lau nước mắt mới sạch được. (Nằm mơ dụ cho mê, tĩnh dậy dụ cho ngộ). Thiền tông nói: “Bất phá trùng quan bất bế quan”, là sau khi ngộ rồi muốn bảo nhậm bổn lai diện mục của tự tánh nên mới cần phải bế quan.

25- BIÊN KIẾN: 邊見
Chấp vào một bên của tương đối, như chấp có, chấp không, chấp thường, chấp đoạn… đều gọi là biên kiến.

26- BÌNH THƯỜNG TÂM: 平常心
Bản thể của tự tánh bình thường cùng khắp không gian thời gian, nơi phàm chẳng bớt, nơi Thánh chẳng thêm. Tâm này bình đẳng như thường, chẳng sanh chẳng diệt, chúng sanh y theo tâm này ứng dụng trong cuộc sống hằng ngày, nên gọi bình thường tâm là đạo vậy. 

27- BỐ TÁT: 布薩 Uposatha
Là dịch âm từ tiếng Phạn, nghĩa là một hình thức hội họp. Theo giới luật nhà Phật, mỗi tháng có hai kỳ Bố tát để cử hành việc tụng giới (xưa kia, việc truyền giới cũng trong ngày Bố tát). Trước khi tụng giới phải qua việc tự kiểm thảo, vị Chủ tịch lâm thời hỏi Tăng chúng: “Trong nửa tháng qua, ai có phạm giới phải đứng ra tự bạch và sám hối với chúng?” Hỏi như vậy ba lần, nếu cả chúng im lặng thì tuyên bố: “Tất cả giữ giới trong sạch”, rồi mới bắt đầu tụng giới.

28- BỒ ĐỀ: 菩提 Bodhi
Bản thể tự tâm đầy khắp thời gian không gian, tất cả đều thuộc về chính mình, ngoài tâm chẳng có pháp để đắc, nên giác ngộ cái tâm vô sở đắc, tức là Bồ Đề.

29- BỒ TÁT: 菩薩 Bodhisattva
Âm tiếng Phạn là Bồ Đề Tát Đỏa, dịch là Giác hữu tình, có bổn phận khiến cho hữu tình chúng sanh đạt đến giác ngộ.

30- CẢNH GIỚI: 境界 
Hiện tượng sở thấy và cảm giác trong quá trình tu hành khi chưa ngộ, khi tiểu ngộ, khi đại ngộ.

31- CHÁNH BIẾN TRI: 正遍知
Cái biết cùng khắp không gian thời gian chẳng có năng sở đối đãi, tức là cái biết bản thể Phật tánh, khắp thời gian thì chẳng sanh diệt, gọi là Niết Bàn; khắp không gian thì chẳng khứ lai, gọi là Như Lai.

32- CHÁNH PHÁP NHÃN TẠNG: 
Tạng dụ cho kho tàng, kho này tự tánh sẵn có. Khi hiện cái dụng của chánh pháp nhãn, thì theo căn cơ mà tùy duyên hóa độ mọi chúng sanh, gọi là chánh pháp nhãn tạng.

33- CHÂN ĐẾ: 真諦
Chân đế của tự tánh siêu việt không gian thời gian và số lượng, chẳng thể diễn tả gọi là Chân đế.

34- CHÂN NHƯ: 真如
Chân thật đúng như bản thể Tự tánh.

35- CHỦNG TRÍ: 種智
Chủng tử trí huệ sẵn có trong Tự tánh, nếu được hiện hành thì diệu dụng vô biên, cũng gọi là Nhất thiết chủng trí.

36- CHUYỂN NGỮ: 轉語 
Là lời nói chẳng có sở trụ, chỉ có người kiến tánh mới nói được. Cũng như nói CÓ, ý chẳng phải cho là CÓ, nói KHÔNG, ý chẳng phải cho là KHÔNG, cho đến nói ĐÚNG, ý chẳng phải cho là ĐÚNG, nói SAI, ý chẳng phải cho là SAI…

37- CHỨNG NGỘ: 證悟
Không cần qua bộ óc suy tư, chỉ giữ nghi tình mà bổng nhiên phát hiện Tự tánh cùng khắp không gian thời gian, gốc nghi chợt dứt, đạt đến tự do tự tại, cũng gọi là kiến tánh.

38- CON MUỖI TRÊN TRÂU SẮT: 蚊子上鐵牛
Là dụ cho chẳng có chỗ để mở miệng.

39- CỔ KÍNH: 古鏡
Là gương xưa, dụ cho chơn như Phật tánh. Sự chiếu soi khắp không gian thời gian nhưng không có ý niệm chiếu soi.

40- CÔNG ÁN: 公案
Một vụ án (chuyện tích) chẳng thể dùng bộ óc để lý giải, làm cho thiền giả cảm thấy thắc mắc mà phát khởi nghi tình, gọi là công án.

41- CÔNG ĐỨC: 功德
Theo ý Lục Tổ giải: Công đức sẵn đầy đủ trong pháp thân, dùng công phu để phát hiện tự tánh, thì công đức trọn vẹn hiện ra. Bố thí, cúng dường là tu phước, chỉ có thể gọi là phước đức, chẳng phải công đức. 

42- CÔNG PHU: 功夫
Theo một đường lối để tu tập một pháp môn, khi dụng công tu tập gọi là công phu. Như tham thiền có nghi tình tức là có công phu.

43- CÔNG PHU THÀNH PHIẾN: 工夫成片
Tham thiền dụng công đề câu thoại đầu phát khởi nghi tình, ngày đêm 24 giờ chẳng có giây phút gián đoạn tức là công phu thành phiến, cũng gọi là đi đến thoại đầu.

44- CỘNG PHÁP: 共法
Pháp chung với Nhị thừa (như có sanh tử để diệt, có Niết Bàn để chứng) và pháp chung với Đại thừa (như thấy sanh tử, Niết Bàn đều như hoa đốm trên không).

45- CÚNG DƯỜNG: 供養
Bố thí mà chân thành cung kính, gọi là cúng dường.

46- CỨ KHOẢN KẾT ÁN: 據款結案
Là căn cứ theo căn cơ trình độ của người học (nghi ngộ, sâu cạn, chân giả…) mà dùng các phương tiện linh động để tùy cơ quét sạch dấu tích có sở trụ của người học.

47- DÂY CỘT LỖ MŨI: 
Thiền giả lọt vào cái bẫy của Tổ sư (như đánh đập, chửi mắng…) phát nghi mãnh liệt mà tự chẳng biết, cũng như con trâu bị cột dây lỗ mũi, đi tới đi lui đều do tay của Tổ sư lôi kéo.

48- DIỆU GIÁC: 妙覺
Chứng quả Phật cùng tột, tức là Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác.

49- DU GIÀ (YOGA): 瑜伽
Dịch nghĩa là tương ưng, tức là tương ưng với cơ, cảnh, tướng, lý, nhân, quả… Mật tông cũng gọi là Du Già tông, Duy Thức tông ở Ấn Độ cũng gọi là Du Già tông.

50- DUYÊN GIÁC: 緣覺
Do quán Thập nhị nhân duyên mà giác ngộ đạo Trung thừa, gọi là Duyên giác.

51- ĐẠI ĐỨC: 大德
Tiếng xưng hô người tu hành có đức hạnh cao siêu.

52- ĐẠI THỪA: 大乘
Dụ cho xe lớn chở được nhiều người. Kinh Đại thừa liễu nghĩa phá trừ tất cả chấp trước, cuối cùng chứng được Tam Không (Nhân không, Pháp không, Không không) thẳng đến Đẳng giác, Diệu giác, cũng gọi là Bồ tát thừa.

53- ĐẠI Ý PHẬT PHÁP: 佛法大意
Tác dụng của Phật pháp là muốn phát minh thể dụng của tự tánh, đại ý chẳng ngoài hai chữ “lập” và “phá”. Nhân thừa, Thiên thừa thì chỉ lập mà chẳng phá; Đại thừa, Tiểu thừa thì có lập có phá; Tối thượng thừa thì chỉ phá mà chẳng lập. Lập là kiến lập tất cả giả danh, phá là phá trừ tri kiến chấp thật.

54- ĐÁY THÙNG SƠN ĐEN: 黑漆桶底
Dụ cho hầm sâu vô minh. “Nói thùng sơn lủng đáy” là dụ cho phá được vô minh, tức là khai ngộ.

55- ĐẲNG GIÁC: 等覺
Giác ngộ cái bản thể, về lý thì bằng Phật, còn về sự thì chưa bằng Phật.

56- ĐỀ HỒ: 醍醐
Đề hồ thượng vị là thức ăn người đời rất quý, dụ cho diệu pháp cao tột không gì hơn. Nhưng nếu gặp những kẻ tà kiến điên đảo chẳng rõ cái thượng vị đó, mà đem dùng bậy thì lại trở thành thuốc độc hại người. 

57- ĐỊA NGỤC: 地獄
Là chỗ ở của người phạm tội, chỉ thọ khổ chẳng thọ vui, tội càng lớn thì mạng sống càng lâu.

58- ĐIÊN ĐẢO TƯỞNG: 顛倒想
Phàm phu ở nơi Thế lưu bố tưởng sanh ra trước tưởng, gọi là điên đảo tưởng. Bậc Thánh chỉ có Thế lưu bố tưởng chẳng có trước tưởng, nên không gọi là điên đảo tưởng. Có điên đảo tưởng là có phiền não, không có điên đảo thì không có phiền não.

59- ĐÔNG SƠN PHÁP MÔN: 東山法門
Vì Ngũ Tổ hoằng pháp thiền tại núi Đông Sơn, nên các tòng lâm dùng hai chữ Đông Sơn để ám chỉ pháp môn của Ngũ Tổ dạy, nên gọi là pháp môn Đông Sơn.

60- ĐỐN GIÁO: 頓教
Là pháp của Thiền tông do phát khởi nghi tình mà đạt đến đốn ngộ, cũng gọi là pháp thiền trực tiếp, nay gọi là Tổ Sư Thiền.

61- ĐỒNG NƠI SANH CHẲNG ĐỒNG NƠI TỬ: 同條生不同條死
Phật tánh đồng mà chỗ ngộ chẳng đồng, như tiểu tử tiểu hoạt và đại tử đại hoạt chẳng đồng. Nhưng có khi chư Tổ nói như thế là làm phương tiện để khiến thiền già phát khởi nghi tình mà thôi.

62- ĐƯƠNG CƠ: 當機
Thích ứng với căn cơ trình độ của chúng sanh gọi là đương cơ. Cũng gọi là khế cơ.

63- ĐƯƠNG THỂ TỨC KHÔNG: 當體即空
Lục căn tiếp xúc lục trần sanh ra lục thức, ngay đó biết được vốn là vô thủy vô sanh, vốn tự không tịch, chẳng phải cảnh trần diệt rồi mới không, ngay khi ấy sự vật đó vốn là không, gọi là đương thể tức không.

64- GIA PHONG: 家風
Cái tác phong khác biệt của các tông phái dùng để độ người.

65- GIẢI NGỘ: 解悟
Qua bộ óc nghiên cứu tư duy, hoát nhiên thông suốt nghĩa lý gọi là giải ngộ.

66- GIẢI THOÁT: 解脫
Phàm tất cả cảm thọ ảnh hưởng sự khổ vui của thân tâm đều được giải tỏa, mà đạt đến chỗ sanh tử tự do, chẳng bị thời gian không hạn chế, mới là chân giải thoát.

67- GIẾT PHẬT: 殺佛
Ngài Lâm Tế nói: “Gặp Phật giết Phật”, là muốn phá trừ cái kiến giải chấp Phật của đương cơ, nghĩa là chẳng trụ nơi Phật.

68- GIỚI ĐỊNH HUỆ: 戒定慧
Giới là hành vi trong cuộc sống hàng ngày nên tuân theo: về chỉ trì thì việc ác chớ nên làm, về tác trì thì việc thiện nên phụng hành. Định là tâm địa chẳng loạn thì mới thấy khinh an. Huệ là tâm địa chẳng si thì phát ra ứng dụng. Nói chung là Tam vô lậu học.

69- HẢI ẤN TAM MUỘI: 海印三昧
Hải ấn là hải thượng ấn văn (Nghĩa là do ánh nắng mặt trời chiếu trên thành phố phản xạ hiện lên mặt biển, người hàng hải thường gặp thấy thành phố trên mặt biển, nhưng đến gần thì không thấy nữa), để dụ cho sức dụng biến hóa vô biên của tự tánh. Cái chánh định được hiển bày sức dụng này, gọi là Hải Ấn Tam Muội.

70- HÀN LU TRỤC KHỐI, SƯ TỬ GIẢO NHÂN: 韓驢逐塊 , 獅子咬人
(Hàn Lu là con chó mực rất thông minh của nước Hàn vào thời Xuân Thu Trung Quốc). Có người quăng ra cục xương, con chó đuổi theo cục xương mà cắn, sư tử thì phát hiện người quăng cục xương mà cắn ngay người đó. Người đó dụ cho tự tánh, cục xương dụ cho lời nói của chư Phật chư Tổ. Nếu hướng vào lời nói lãnh hội là con chó, hướng vào vào tự tánh lãnh hội mới là con sư tử.

71- HÀNH CƯỚC: 行腳
Ngày xưa người tu hành đi bộ đến các nơi tham vấn, gọi là hành cước.

72- HẠNH ĐẦU ĐÀ: 頭陀行 Dhùta 
Dịch là khổ hạnh. Người tu hành tự nguyện sống theo cuộc sống gian nan khổ nhọc để mài dũa thân tâm, muốn nhờ hạnh này để giải thoát tất cả khổ, nói là dùng khổ để trừ khổ, gọi là khổ hạnh.

73- HIỆN LƯỢNG: 現量
Người tu chánh pháp được chứng ngộ, hiển hiện bản thể đầy khắp không gian thời gian, cái thực tướng này gọi là Hiện lượng, cái dụng gọi là Hiện lượng trí.

74- HÓA NGHI TỨ GIÁO: 化儀四教
Bốn giáo pháp mà Phật dùng để giáo hóa chúng sanh tùy theo cơ nghi. 1. Đốn giáo: Vì kẻ thượng căn thuyết pháp đốn tu đốn chứng, gọi là Đốn giáo. 2. Tiệm giáo: Vì kẻ trung, hạ căn thuyết pháp từ cạn vào sâu từng lớp tiến lên, gọi là Tiệm giáo. 3. Bí mật giáo: dùng trí huệ bất khả tư nghì (Bát nhã) khiến cho người nghe mỗi mỗi tự lãnh hội mà chẳng biết với nhau, gọi là Mật giáo. 4. Bất định giáo: Dùng sức Bát nhã khiến người nghe được hiểu khác nhau, chứng quả chẳng đồng, hoặc nghe tiểu pháp mà đắc đại quả, hoặc nghe đại pháp mà đắc tiểu quả, gọi là Bất định giáo. Tứ giáo này là những nghi thức của Phật dùng để giáo hóa chúng sanh, nên gọi là hóa nghi.

75- HÓA PHÁP TỨ GIÁO: 化法四教
Bốn loại giáo pháp mà đức Phật thường thuyết giảng: 1. Tam tạng giáo: Bao gồm tam tạng: Kinh, Luật, Luận. 2. Thông giáo: Là pháp cộng thông của Tam thừa. 3. Biệt giáo: Là pháp riêng biệt chỉ đối với một thừa. 4. Viên giáo: Đối với người tối thượng căn thuyết pháp viên dung. Tứ giáo này là pháp môn của Phật để giáo hóa chúng sanh, nên gọi là hóa pháp.

76- HÓA THÀNH: 化城
Thanh văn, Duyên giác ưa pháp Tiểu thừa, chẳng tin Đại thừa nên Phật phương tiện thuyết Niết bàn Tiểu thừa (Hóa thành) để an ủi được tạm yên, rồi mới bảo bỏ Hóa thành xu hướng Đại thừa để đạt đến Bảo sở (quả Phật).

77- HÒA THƯỢNG: 和尚
Dịch là Thân Giáo Sư, nghĩa là Bổn sư xuống tóc cho người xuất gia trong Phật giáo, gọi là Hòa thượng.

78- HỘT CẢI NẠP TU DI, TU DI NẠP HỘT CẢI: 芥子納須彌 , 須彌納芥子
Hột cải rất nhỏ, Tu di rất lớn. Nơi thế giới tương đối, tu di nạp hột cải thì được, hột cải nạp tu di thì không được. Nhưng nếu vào thế giới tuyệt đối thì lớn nhỏ có thể dung nạp lẫn nhau. Đây chứng tỏ sau khi ngộ rồi thì chẳng phân biệt tương đối nữa.

79- HỮU LẬU: 有漏
Có tập khí phiền não là hữu lậu.

80- HỮU TÌNH: 有情
Sinh vật có hai thứ: động vật thuộc hữu tình, thực vật thuộc vô tình. Phật nói độ chúng sanh với cấm sát sanh đều là đối với chúng sanh hữu tình mà nói.

81- HỶ XẢ: 喜捨
Hỷ là tự mình hoan hỷ làm việc thiện, thấy người khác làm việc thiện cũng phát tâm tùy hỷ. Xả là xả bỏ, tất cả sự chướng ngại giải thoát của thân tâm đều xả bỏ hết.

82- KHẾ CƠ: 契機
Sự dạy bảo khai thị của Tông sư khế hợp căn cơ, trình độ của người học gọi là căn cơ.

83- KHÔNG CHẤP: 空執
Phá được ngã chấp, pháp chấp rồi, thấy vũ trụ vạn vật đều không, bèn chấp cái không này cho là tất cả đều không có, gọi là không chấp.

84- KIỀN ĐỘ: 犍度
Dịch là tụ, uẩn, kết… một kiền độ tức là một bài, một chương, một phẩm, hoặc một đoạn.

85- KIẾN HOẶC: 見惑
Chấp thật cái kiến giải sai lầm là kiến hoặc.

86- KIẾN TÁNH: 見性
Tham thiền đến chỗ cùng tột, “Ồ” lên một tiếng, trong sát na tự tánh bỗng hiện, liễu chứng các pháp vô sanh, chẳng phải có năng kiến sở kiến.

87- KIẾN, VĂN, GIÁC, TRI: 見聞覺知
Tức là trong lục căn: mắt chủ sự kiến, tai chủ sự văn, mũi, lưỡi và thân chủ sự giác, ý chủ sự tri (biết). Nói chung là kiến, văn, giác, tri.

88- KIẾP: 劫 Kalpa
Là thời gian rất dài.

89- KIẾP HỎA THIÊU ĐÁY BIỂN, GIÓ THỔI NÚI ĐỤNG NHAU: 
劫 火燒海底,風鼓山相擊
Là hình dung bản thể của đại Niết bàn như như bất động, kiếp hỏa chẳng thể thiêu hủy, gió bão chẳng thể lay động.

90- KIẾT ĐÔNG: 結冬
Thiền tông ngoài kiết hạ (mùa hạ) còn có kiết đông (mùa đông), để cho hành giả tham thiền tập trung đả thiền thất suốt mùa đông.

91- KIẾT HẠ: 結夏
Theo giới luật, Tỳ kheo mỗi năm phải nhập hạ ba tháng, từ 15 tháng 4 đến 15 tháng 7, cấm túc không được đi ra ngoài, gọi là kiết hạ. Khi mãn hạ phải cử hành một cuộc tự kiểm thảo liên tiếp ba ngày. Mỗi vị Tỳ kheo phải đứng ra hỏi đại chúng về kiến, văn, nghi. Về kiến nghĩa là “Có thấy tôi phạm giới?” Về văn nghĩa là “có nghe tôi phạm giới?” Về nghi nghĩa là “Không thấy, không nghe, nhưng có lý do nghi tôi phạm giới?”. Ấy gọi là mãn hạ tự tứ.

92- LÌA TỨ CÚ, TUYỆT BÁCH PHI: 離四句  絕百非
Tứ cú là: có, không, chẳng có chẳng không, cũng có cũng không. Tất cả tứ tướng đều chẳng ngoài tứ cú này, nếu trụ thì chướng ngại sự dụng của bản thể tự tánh mà sanh ra bách phi (đủ thứ sai lầm), nếu lìa thì hiển bày đại dụng của tự tánh mà tuyệt bách phi.

93- LUẬT SƯ: 律師
Tu sĩ thông suốt giới luật của nhà Phật, gọi là Luật sư (chẳng phải là luật sư ngoài đời).

94- LỤC CĂN, LỤC TRẦN, LỤC THỨC: 六根六塵六識
Lục căn (nhãn, nhĩ, tỹ, thiệt, thân, ý) tiếp xúc với lục trần (sắc, thanh, hương, vị, xúc, pháp), mà sanh khởi sự phân biệt của lục thức, như xấu đẹp của sắc, tiếng lớn nhỏ của âm thanh, thơm thúi của mũi, ngọt đắng của vị, lạnh nóng của xúc, sanh diệt của pháp…

95- LỤC DIỆU PHÁP MÔN: 六妙門
1. Sổ tức môn: tức là khéo điều hòa thân tâm, số đếm (đếm hơi thở) từ một đến mười để nhiếp loạn tâm; 2. Tùy môn: tức là không miễn cưỡng cứ tùy theo hơi thở dài ngắn. Hít vào biết hít vào, thở ra biết ra, dài ngắn, lạnh ấm thảy đều biết cả; 3. Chỉ môn: tức là ngưng tâm tịnh lự (lắng niệm). Tâm an nhàn, sáng sủa, trong sạch, không chút lay động; 4. Quán môn: cần phải quán tâm rõ ràng, biết ngũ ấm là hư vọng, phá tất cả tri kiến điên đảo và chấp ngã… 5. Hoàn môn: tức xoay tâm phản chiếu cái tâm năng quán, biết tâm năng quán là hư vọng chẳng thật; 6. Tịnh môn: Tâm chẳng chỗ dựa, chẳng trụ chẳng khởi, chẳng chấp trước, trống rỗng trong sạch. Y theo sáu môn này tu tập sẽ đạt đến diệu cảnh Niết bàn Tiểu thừa, nên gọi là Lục diệu môn.

96- LỤC HÒA KÍNH: 六和敬
1. Thân hòa đồng trụ (ở); 2. Khẩu hòa vô tranh; 3. Ý hòa đồng duyệt (vui); 4. Giới hòa đồng tu; 5. Kiến hòa đồng giải (kiến giải); 6. Lợi hòa đồng quân (chia đều nhau), gọi chung là Lục hòa, là quy ước căn bản của Tăng chúng cùng sống chung trong Tăng đoàn.

97- LỤC MÔN: 六門
Tức là cửa của lục căn, Lục Tổ nói: “Lục thức ra lục môn, nơi lục trần vô nhiễm vô tạp, gọi là vô niệm”.

98- LỤC NHÂN: 六因
Nhân đương có, nhân tương tục, nhân hình tướng, nhân tạo tác, nhân hiển thị, nhân truyền nhau.

99- LỤC PHÁP GIỚI: 六法戒
Là sáu giới nên học cho mạnh thêm của Sa di ni để tiến lên Thức xoa. Sáu pháp là không dâm dục, không trộm cắp, không sát hại, không vọng ngữ, không ăn phi thời và học pháp bát kỉnh. 

100- MẠT HẬU CÚ: 末後句
Tức là lời nói của chư Tổ, cũng như nói: “Một câu cuối cùng (mạt hậu) mới đến lao quan (ngộ triệt để)”, để kẻ đã ngộ nghe rồi tự biết, kẻ chưa ngộ nghe rồi không hiểu thì từ đó khởi lên nghi tình để đi đến chỗ ngộ.

101- MẶC CHIẾU THIỀN: 默照禪
Dùng cái tâm năng quán im lặng (mặc) nhìn hẳn một điểm (sở quán) gọi là Mặc chiếu, nghĩa là im lặng chiếu soi một chỗ. Cũng như im lặng khán chữ “vô” là lọt vào mặc chiếu tà thiền, vì trụ nơi im lặng chẳng thể đạt đến nơi kiến tánh, nên cũng thuộc vào thiền bệnh.

102- MÊ TÌNH: 迷情
Vì chấp thật mà mê hoặc chánh lý, gọi là mê tình.

103- MỘT CHUYỂN NGỮ: 一轉語
Chuyển là nghĩa vô trụ, Thiền tông khám xét người học, nếu đáp được một chuyển ngữ thì được ấn chứng là ngộ.

104- NA GIÀ ĐỊNH: 那伽定
Dịch là đại định, bất cứ lúc nào nơi nào, đi đứng, ngồi nằm, động tịnh, bận rộn, rảnh rang, đều ở trong định, chẳng có xuất nhập gọi là Na già định.

105- NĂM THỨ TÀ MẠNG: 五種邪命
1. Giả hiện kỳ lạ mua chuộc tín ngưỡng, như tịch cốc, thần thông… 2. Tự khoe công đức, tài học; 3. Coi bói, tướng số; 4. Hùng biện hô to, nhấn mạnh oai thế; 5. Khoe được nhiều cúng dường để lấy lòng người. Đây là năm thứ để cầu lợi, nuôi sống nên gọi là tà mạng.

106- NGÃ CHẤP: 我執
Chấp cái thân thể do tứ đại, ngũ uẩn hòa hợp này là thật Ta, nên gọi là ngã chấp.

107- NGÃ MẠN: 我慢
Vì chấp thật tự ngã nên khi tiếp xúc với người khác thì tỏ ra thái độ kiêu căng, gọi là ngã mạn.

108- NGHI SÁT: 疑殺
Nghi là nghi tình, sát là giết chết mạng căn của sanh tử (ngộ), tức là từ nghi đến ngộ. Phương tiện của chư Tổ dùng để dẫn dắt hậu học, gọi là nghi sát người thiên hạ.

109- NGHI TÌNH: 疑情
Ở trong tâm đề câu thoại đầu hoặc công án, tự hỏi mà tự sanh khởi cái cảm giác không hiểu, muốn hiểu mà hiểu không nổi, cũng chẳng lọt vào tư duy, Thiền tông gọi là nghi tình.

110- NGHĨA SẮC KHÔNG: 色空義
Chúng vi (vi trần) tụ lại gọi là Sắc, Chúng vi chẳng tự tánh gọi là Không, đây nói Sắc Không trong nhân địa. Còn trong Không của chúng vi chẳng một vi, trong Không của một vi chẳng chúng vi, đây là Sắc Không trên quả địa, cũng là cái nghĩa Sắc Không bất nhị.

111- NGHIỆP: 業
Tâm khởi niệm, thân làm theo, tất cả hành vi đã làm hoặc khởi niệm mà chưa làm đều gọi là nghiệp.

112- NGHIỆP BÁO: 業報
Tạo thiện nghiệp được phước báo, tạo ác nghiệp bị khổ báo, gọi là nghiệp báo.

113- NGHIỆP CHƯỚNG: 業障
Bất cứ thiện nghiệp hoặc ác nghiệp đều là chướng ngại sự kiến tánh giải thoát, nên gọi là nghiệp chướng.

114- NGHIỆP NHÂN, NGHIỆP QUẢ: 業因業果
Hành vi do thân tâm sở khởi, sở tác, huân nhiễm nơi thức thứ tám thành chủng tử, tức là nghiệp nhân. Gặp duyên mà hiện hành, tức là nghiệp quả.

115- NGŨ BẤT ỨNG THÍ: 五不應施
1. Tài vật phi nghĩa; 2. Rượu, thuốc hút, độc dược; 3. Lưới bẫy, chài bắt; 4. Võ khí giết người; 5. Âm nhạc, nữ sắc. Đây là năm điều không nên dùng để bố thí.

116- NGŨ ĐÌNH TÂM QUÁN: 五停心觀
Đây là năm thứ thiền quán của thừa Thanh văn: 1. Bất tịnh quán; 2. Từ bi quán; 3. Nhân duyên quán; 4. Lục thức quán; 5. Sổ tức quán.

117- NGŨ SUY: 五衰
Năm thứ tướng suy của người cõi trời sắp chết: 1. Bông trên đầu héo tàn; 2. Quần áo nhơ bẩn; 3. Thân thể hôi thúi; 4. Nách ra mồ hôi; 5. Không ưa tòa ngồi.

118- NGŨ UẨN: 五蘊
Cũng gọi là Ngũ Ấm, tức là sắc, thọ, tưởng, hành, thức. Sắc là vật chất (như xương, thịt…), Thọ là cảm thọ, Tưởng là tư tưởng, Hành là hành vi và sự biến đổi, Thức là phân biệt nhận thức. Do năm thứ này tổ chức thành thân tâm con người, gọi là thân Ngũ uẩn.

119- NGOẠI ĐẠO: 外道
Tôn giáo ngoài bổn đạo của mình gọi là ngoại đạo. Nhưng Trí Giả Đại Sư lại chia ra làm ba thứ: 1. Chánh cống ngoại đạo, tu thành được trường thọ hoặc sanh cõi trời. 2. Gắn tên của Phật giáo mà hành pháp của ngoại đạo, tu thành cũng phải đọa địa ngục. 3. Học Phật pháp thành ngoại đạo, tức là chẳng hiểu ý Phật, đem ý mình cho là chánh pháp để dạy người, di hại người sơ học, Phật dụ là con trùng sư tử, tiêu diệt Phật pháp là do bọn này.

120- NGŨ GIA: 五家
Là năm phái thiền của Thiền tông: Lâm Tế, Tào Động, Pháp Nhãn, Vân Môn, Qui Ngưỡng.

121- NHẬM MA: 恁麼
Nghĩa là cái này cái kia.

122- NHẬM VẬN: 任運
Mặc kệ bản tánh của mọi sự mọi vật vận động tự nhiên, chẳng dính dáng đến sự tạo tác của tâm thức, gọi là nhậm vận.

123- NHÂN DUYÊN: 因緣
Nhân là bản nhân, duyên là trợ duyên. Như một hột lúa là bản nhân, nhân công, nước, đất là trợ duyên, nhân duyên hòa hợp sanh ra cây lúa.

124- NHẤT CHÂN PHÁP GIỚI: 一真法界
Là biệt danh của tự tánh, cũng là quả chứng cùng tột của tông Hoa Nghiêm.

125- NHẤT HÀNH TAM MUỘI: 一行三昧
Trong cuộc sống hàng ngày, đi, đứng, ngồi, nằm, thường hành theo trực tâm, như Lục Tổ nói: “Đối với tất cả pháp đều chẳng có chấp trước”.

126- NHẤT HỢP TƯỚNG: 一合相
Thế giới do nhiều vi trần hợp thành, gọi là nhất hợp tướng. Thân người do nhiều tế bào hợp thành cũng gọi là nhất hợp tướng. Tất cả vật chất đều do nhiều nguyên tử hợp thành cũng như vậy.

127- NHẤT SIÊU TRỰC NHẬP: 一超直入
Hành giả tham Tổ Sư Thiền siêu việt những cấp bậc của giáo môn, trực tiếp ngộ nhập Phật tánh, gọi là nhất siêu trực nhập.

128- NHẤT THIẾT NGHĨA THÀNH: 一切義成
Tự tánh thể không, y không hiển dụng, có dụng thì nghĩa thành, nên Trung Quán Luận nói: “Dĩ hữu không nghĩa cú, nhất thiết pháp đắc thành”, nghĩa là: vì có cái nghĩa không nên tất cả pháp mới được thành tựu.

129- NHẤT THỰC TƯỚNG ẤN: 一實相印
Thực tướng là bản thể của tự tánh. Đại thừa dùng tâm ấn này để ấn chứng hành giả đã ngộ nhập thực tướng, gọi là Nhất thực tướng ấn.

130- NHẤT TƯỚNG TAM MUỘI: 一相三昧
Nơi tất cả tướng mà chẳng trụ tướng, chẳng sanh tâm yêu ghét, lấy bỏ; chẳng nghĩ sự lợi hại, thành hoại, vô trụ vô y, gọi là Nhất tướng tam muội.

131- NHỊ KIẾN: 二見
Chấp thật kiến giải tương đối, như: hữu vô, đoạn thường, thủy chung, sanh diệt… đều gọi là nhị tướng.

132- NHỊ THỪA: 二乘
Duyên giác thừa với Thanh văn thừa hoặc gọi là Trung thừa, Tiểu thừa, nói chung là Nhị thừa.

133- NHỊ TỬ: 二死
1. Là phần đoạn sanh tử của phàm phu: từ thân này chuyển qua thân kia, như từ thân người chuyển qua thân thú. 2. Là biến dịch sanh tử của bậc thánh, như: từ La hán biến Bích chi, từ Bích chi biến Sơ địa Bồ tát, từ Sơ địa biến Nhị địa… gọi chung là Nhị tử.

134- NHỤC THÂN BỒ TÁT: 肉身菩薩
Phàm phu chứng quả Bồ tát là nhục thân Bồ tát, còn Văn Thù, Phổ Hiền, Quan Âm… là Pháp thân Bồ tát.

135- NHƯ: 如
Như thật tế của bản thể tự tánh.

136- NHƯ LAI: 如來
Bản thể của tự tánh cùng khắp không gian, bất khứ bất lai, đúng như bổn lai nên gọi là Như lai.

137- NHƯ LAI QUYỀN GIÁO: 如來權教
Phật vì thích ứng mọi đương cơ mà thiết lập giáo pháp quyền xảo phương tiện để giáo hóa chúng sanh, nên gọi là Như lai quyền giáo.

138- NHƯ NHƯ BẤT ĐỘNG: 如如不動
Bản thể của tự tánh cùng khắp không gian thời gian, chẳng động chẳng tịnh, chẳng biến chẳng dời, chẳng sanh chẳng diệt, gọi là Như như bất động.

139- NIẾT BÀN: 涅槃 Nirvana
Bản thể của tự tánh đầy khắp thời gian, bất sanh bất diệt, chẳng quá khứ, hiện tại, vị lai, vô thủy vô chung (Hán văn dịch là viên tịch, chẳng phải chết).

140- NO CHẲNG ĐÓI: 飽不饑
Cũng gọi là bảo tham (bảo là no đủ). Sau khi triệt ngộ, gốc nghi dứt hẳn chẳng còn nghi hoặc nào nữa, nên nói no chẳng đói.

141- NỘI TRẦN: 內塵
Sắc, thanh, hương, vị, xúc đối với ngũ căn là ngoại trần, còn pháp sanh diệt đối với ý căn là nội trần, cũng gọi là pháp trần.

142- NÚI TU DI: 須彌山 Sumeru
Dịch là Diệu Cao Sơn, là núi lớn nhất trong vũ trụ.

143- OAI NGHI: 威儀
Đi, đứng, nằm, ngồi, mặc áo, ăn uống cho đến đi tiêu đi tiểu, đều giữ hình dáng an nhàn trang nghiêm, gọi là oai nghi.

144- Ồ LÊN MỘT TIẾNG: 囫地一聲
Là hình dung cái cảm giác như điện chớp ngay lúc khai ngộ, bỗng nhiên bản thể đầy khắp không gian thời gian.

145- PHẢNG HÉT: 棒喝
Đức Sơn vào cửa liền phảng (đập gậy), Lâm Tế vào cửa liền hét. So với tác dụng “Niêm hoa thị chúng” của Phật Thích Ca chẳng khác. Ấy đều là dùng để cắt đứt ý thức hiện hành của đương cơ mà đạt đến mục đích “Ngay đó kiến tánh”.

146- PHÁP: 法
Tất cả sự vật hữu hình gọi là sắc pháp, vô hình gọi là tâm pháp, có thể tánh gọi là hữu pháp, không thể tánh gọi là vô pháp. Các pháp sắc, tâm, hữu, vô, gọi chung là Pháp giới.

147- PHÁP BA LA MẬT: 波羅密法
Dịch là phương pháp để đi đến bờ bên kia. Bờ bên kia dụ cho quốc độ tự do tự tại. Pháp Ba La Mật có sáu thứ: bố thí, trì giới, nhẫn nhục, tinh tấn, thiền định, trí huệ; cũng gọi là Lục độ.

148- PHÁP CHẤP: 法執
Tất cả sự vật trong vũ trụ do cảm giác tư duy của bộ óc nhận thức được đều chấp là pháp thật, gọi là pháp chấp.

149- PHÁP GIỚI: 法界
Tất cả sự vật trong vũ trụ hoặc ẩn hoặc hiển, hoặc có hoặc không, hoặc đã biết hoặc chưa biết, đều gọi là pháp, tổng danh là pháp giới.

150- PHÁP HIỆN HÀNH CHẲNG TƯƠNG ƯNG: 不相應行法
Chẳng phải vô hình như Tâm vương, Tâm sở, chẳng phải có hình như sắc pháp, với ba thứ pháp này chẳng tương ưng mà lại biến hóa ảo tượng trong vũ trụ, nên gọi là pháp hiện hành chẳng tương ưng, cũng như sanh, trụ, dị, diệt, mạng căn, đắc, phi đắc… Tất cả mười bốn thứ.

151- PHÁP HỮU VI: 有為法
Những pháp có hình tướng, số lượng, có thể suy lường và dùng lời nói văn tự diễn tả được, đều gọi là pháp hữu vi.

152- PHÁP KHÍ: 法器
Những nhân tài có thể đào tạo thành người đủ đại đại cơ đại dụng để nối tiếp huệ mạng của Phật, hoằng dương chánh pháp gọi là Pháp khí.

153- PHÁP MÔN TÂM ĐỊA: 心地法門
Tâm địa dụ cho tự tánh. Pháp môn tu hành để giác ngộ tự tánh, gọi là pháp môn tâm địa.

154- PHÁP SƯ: 法師
Nam nữ tu sĩ xuất gia đã thông đạt Phật pháp, mà hay đem tinh nghĩa của Phật pháp, dùng ngôn ngữ văn tự, phương tiện để giảng dạy cho người khác nghe, gọi là Pháp sư.

155- PHÁP TÀI: 法財
Là thần thông trí huệ, năng lực vô lượng vô biên của tự tánh vốn sẵn có.

156- PHÁP THÂN: 法身
Tức là bản thể của tự tánh cùng khắp không gian thời gian, nó vô hình vô thanh, mà hay hiện hình hiện thanh, như như bất động mà cùng tột biến hóa, tất cả năng lực đều sẵn đầy đủ.

157- PHÁT MINH TÂM ĐỊA: 發明心地
Tức là minh tâm kiến tánh.

158- PHÁP VÔ VI: 無為法
Pháp không có hình tướng, số lượng, chẳng thể suy lường và dùng lời nói diễn tả được.

159- PHẤT TRẦN: 拂子
Là công cụ của Thiền sư dùng để tiếp dẫn hậu học khiến thiền giả phát khởi nghi tình cho đến khai ngộ.

160- PHẬT ĐÀ: 佛陀 bouddha
Người giác ngộ cùng tột đã chứng Diệu giác như Phật Thích Ca.

161- PHI LƯỢNG: 非量
Tất cả tri kiến chấp thật, sai trái với hiện lượng, tỷ lượng.

162- PHIỀN NÃO: 煩惱
Kiến hoặc, tư hoặc, kiến giải và tư tưởng sai lầm nhiễu loạn sự yên tịnh của thân tâm.

163- PHIỀN NÃO CHƯỚNG: 煩惱障
Tất cả phiền não do bảy thứ tình cảm (mừng, giận, buồn, vui, yêu, ghét, ham thích) và sáu thứ dục vọng (của lục căn) sanh khởi đều làm chướng ngại sự giải thoát cái khổ sanh tử.

164- PHỔ BIẾN: 普遍
Là chẳng nơi nào không có, chẳng lúc nào không có.

165- PHƯƠNG TIỆN: 方便
Tùy theo căn cơ trình độ của chúng sanh, tùy nghi giả thiết đủ thứ thí dụ để giáo hóa mọi người.

166- PHƯƠNG TRƯỢNG: 方丈
Phòng ở của Hòa thượng Trụ trì, ngang rộng chỉ có một trượng.

167- QUẢI ĐƠN: 掛單
Quải là ở đậu, đơn là đơn vị. Tất cả Tu sĩ sống trong Tòng lâm như một ông Tăng là một đơn vị, ở đậu một ngày thì làm chủ (như một công dân) Tòng lâm một ngày, ở đậu mười năm thì làm chủ mười năm.

168- QUÁN CƠ: 觀機
Quán xét căn cơ trình độ của người học để theo đó mà dạy bảo.

169- QUÁN TƯỞNG: 觀想
Dùng cái tâm năng quán để quán cái cảnh sở quán, khi quán thành thì niệm khởi, cảnh liền hiện, như quán mặt trời thì niệm khởi thấy ban đêm như ban ngày.

170- QUÃNG ĐƠN: 廣單
Là giường rộng dài của Thiền đường, mỗi giường có thể nằm mấy chụ

Nguồn: Thư viện Hoa Sen

Âm lịch

Ảnh đẹp