Trước
hết, phải nói ngay rằng, lập gia đình với người ngoài
Công giáo vẫn có những thuận lợi riêng của nó, nhất
là về mặt truyền giáo. Nhưng trong phần này, chúng
ta tạm bỏ qua những thuận lợi. Đứng trên quan điểm của
một linh mục đang coi xứ, trong công tác mục vụ của mình,
không ít lần phải giải quyết những vấn nạn, trong đó
đa phần là vấn nạn về hôn nhân – gia đình, vì thế, tôi
muốn trình bày một chút trăn trở của mình về một khía
cạnh thường gặp phải: Hôn nhân khác đạo.
Có
lẽ vấn đề tôn giáo, đặc biệt là hôn nhân khác đạo,
là vấn đề khó khăn không chỉ đối với các bạn trẻ,
các bậc phụ huynh, và những ai có liên quan, nhưng còn là
vấn đề lớn mà các mục tử nhiều khi lúng túng, không biết
phải giải quyết thế nào cho tốt đẹp nhất, có hậu nhất.
Không
phải tất cả những người ngoài Công giáo lấy người Công
giáo đều sẵn sàng chấp nhận gia nhập đạo, để cùng sống
một lý tưởng của đức tin Công giáo. Nếu theo lập trường
của Hội Thánh, không giải quyết cho hôn nhân khác đạo,
chính người linh mục cảm thấy đau buồn cho anh chị em giáo
dân của mình vì phải sống “rối”.
Lúc
này việc chuẩn khác đạo được đặt ra, nhưng vẫn không
là cách giải quyết tối ưu. Bởi phép chuẩn là nút dây thắt
gút, buộc người Công giáo phải chung thủy một vợ, một
chồng suốt đời, trong khi luật này lại không có hiệu lực
trên người ngoài Công giáo. Cho phép chuẩn hôn nhân khác đạo,
sẽ giải quyết được vấn đề hiệp thông trong Hội Thánh
đối với người Công giáo, nhưng lại gây thiệt thòi cho
chính họ nếu đời sống vợ chồng bị rạn nứt. Hơn nữa,
lời hứa của bên Công giáo “quyết bảo vệ đức tin khỏi
mọi nguy hiểm và xúc phạm” trước khi được chuẩn, không
dễ gì có thể giữ một cách trọn vẹn. Bởi người ngoài
Công giáo phải sống gần ta. Lúc nào họ vui cùng ta thì không
sao, nhưng khi họ buồn vì ta, họ có thể xúc phạm đức tin
của ta bất cứ lúc nào, ta không dễ gì kịp ngăn cản hành
vi hay lời nói của họ xúc phạm đức tin của ta.
Hiện
nay, có nhiều linh mục “thông cảm” với người Công giáo
lấy người ngoài Công giáo bằng cách cho họ một năm xưng
tội, rước lễ một lần cách kín đáo. Làm như vậy, linh
mục đứng về phía người lập gia đình, nhưng chính linh
mục lại càng mất bình an, vì đi ngược giáo huấn của Hội
Thánh. Rồi ai sẽ chịu trách nhiệm về cuộc hôn nhân khi
chính người linh mục dám vượt qua lề luật Hội Thánh? Trong
trường hợp, linh mục vượt qua luật Hội Thánh, nếu hôn
nhân của hai người phối ngẫu không có vấn đề gì thì
thôi, nhưng nếu "cơm không lành, canh không ngọt", thì người
linh mục càng mất bình an, càng giày vò lương tâm, vì cho
dù không minh nhiên, nhưng cách mặc nhiên, linh mục đã cho
phép họ lấy nhau qua nghĩa cử “thông cảm” của mình.
Ngay
cả khi bên không Công giáo chấp nhận gia nhập đạo đi nữa,
thì đó cũng chưa phải là cách an toàn nhất để bảo vệ
đức tin Công giáo. Bởi bên cạnh nhiều người có lòng tin
chân thành, cũng sẽ có rất nhiều người theo đạo chỉ để
được thành hôn với người mình yêu mà thôi.
Thông
thường, số đôi hôn phối không cùng tôn giáo, tỷ lệ hạnh
phúc còn thấp (nhất là đối với người vợ là người Công
giáo. Nói như thế, chúng ta không loại trừ nhiều trường
hợp hôn nhân khác đạo vẫn có hạnh phúc, trong khi một số
hôn nhân cùng đức tin Công giáo lại mất hạnh phúc), trừ
trường hợp người Công giáo sống tình trạng mà dư luận
cách chung gọi là “bỏ đạo”, để đẹp lòng chồng hay
vợ của mình. Nhưng ngay cả khi người ta “bỏ đạo”, theo
chồng hay vợ mình, thì sâu thẳm trong lương tâm, người bị
coi là “bỏ đạo” vẫn mất bình an, vẫn bị nỗi buồn
và sự tủi thân gặm nhấm suốt đời. Một người sống
trong gia đình, bên cạnh chồng hoặc vợ con của mình mà suốt
đời mang mặc cảm tội lỗi, suốt đời bị lương tâm cấu
xé, làm sao mang lại hạnh phúc lớn nhất có thể cho gia đình,
cho chồng, cho vợ, cho con cháu mình?
Còn
trường hợp linh mục dứt khoát không cho họ lấy nhau, hoặc
họ đã lấy nhau, linh mục thực hiện đúng theo luật Hội
Thánh đối với người “rối”, chắc chắn đôi hôn phối
sẽ bất mãn với Hội Thánh, người bên ngoài Công giáo càng
không có cái nhìn đúng về linh mục nói riêng, Hội Thánh
nói chung.
Vân
vân và vân vân… Vô số những góc cạnh đặt ra đối với
hôn nhân khác đạo và đối với chính các mục tử. Vì thế,
đây là vấn đề không những không đơn giản, mà còn nan
giải của thời nay, khi mà giới trẻ thoát ly gia đình quá
sớm, va chạm với thế giới bên ngoài quá nhiều, tiếp cận
quá dễ dàng mọi hình thức hoặc mọi phương tiện thông
tin và hưởng thụ… Và hình như lấy chồng, lấy vợ ngoại
đạo là trào lưu mới? Có khi một đôi bạn sống cạnh nhà
nhau, cùng là Công giáo, thương nhau tưởng chừng không thể
xa nhau được, đùng một cái, anh thanh niên bỏ đi lấy một
cô vợ ngoại giáo tận đâu đâu đem về, chính cô người
yêu cũ của anh thanh niên còn không hiểu nổi tại sao "anh
ta chê mình".
Cách
nay
chưa lâu, tôi nhận được từ người chịu trách nhiệm của
một website lá thư của một bạn trẻ xin giúp ý kiến cho
trường hợp của bản thân về vấn đề hôn nhân với người
khác đạo. Chính lá thư này gợi hứng cho tôi nội dung của
bài viết này. Tuy nhiên, với một bài viết đơn sơ thế này,
chưa phải là câu trả lời hoàn hảo. Một mặt, với nội
dung bài viết, có người đồng ý, và cùng chia sẻ; nhưng
chắc chắn cũng sẽ có người không thể chia sẻ với quan
điểm của tôi. Nhưng tôi tin rằng, nó vẫn có lợi cách này,
cách khác cho người cần đến nó. Nghĩ như thế mà tôi đã
viết.
Mặt
khác, liên quan đến hôn nhân khác đạo còn có nhiều điều
khác đặt ra như: Theo đạo là theo ai? Hội Thánh nói gì về
việc chuẩn khác đạo? Có nên ban phép chuẩn khác đạo cách
quá dễ dàng, nhanh chóng? Chuẩn khác đạo sẽ xảy ra mặt
lợi, mặt hại nào? Theo đạo có phải là bỏ cha mẹ như
nhiều người thường nghĩ?… Tất cả những lý do trên, khiến
tôi không muốn đưa ra câu trả lời dứt khoát, mang tính áp
đặt: được phép hay không được phép thành hôn với người
ngoài Công giáo. Chỉ xin ghi chép một vài gợi ý từ suy nghĩ
của bản thân, để người trong cuộc tự do tìm câu trả
lời cho mình: Có nên lấy người ngoài Công giáo hay không?!!
Lm.
JB Vũ Xuân Hạnh
Tỉnh
Dòng Đồng Công Hoa Kỳ
1900
Grand Ave - Carthage, MO 64836
(http://www.dongcong.net/)