17/09/2010 20:58 (GMT+7)
Số lượt xem: 26071
Kích cỡ chữ:  Giảm Tăng

NHẬN ĐỊNH

Hôn nhân khác tôn giáo thường dùng để chỉ về một hôn nhân mà hai người khác niềm tin tôn giáo kết hôn với nhau, thí dụ như Công Giáo và Phật Giáo hay Công Giáo và Hồi Giáo. Công Giáo và Tin Lành không thể coi là khác tôn giáo, vì thế không nằm trong phạm vi bài nhận định này. 

Ngày xưa, một số tôn giáo đã khắt khe ngăn cấm các tín đồ mình kết hôn với người “ngoài” tôn giáo. Sự cấm đoán như vậy dựa trên một kinh nghiệm, đó là sự khác biệt niềm tin tôn giáo, tạo nên những trở ngại có ảnh hưởng không tốt đến hạnh phúc lâu dài của hai người yêu nhau. Có những người Kitô Giáo lấy vợ hay chồng là Phật Giáo hay ngược lại, sau nhiều năm chung sống, đều cho rằng hôn nhân hỗn hợp là một sai lầm đối với họ do vấn đề họ gặp phải vì những bất đồng tôn giáo nhất là về việc giáo dục con cái trước tuổi thành niên, họ ví cuộc hôn nhân khác đạo giống như chiếc xe đẩy chỉ có một bánh chạy được. [1]

Mới đầu khi yêu nhau họ chỉ muốn sống chung với nhau mà không nghĩ tới hướng giải quyết khi hai người có con. Lời giao kết "đạo ai nấy giữ" thuở ban đầu ấy là chỉ dành cho vợ chồng, nhưng con của họ thì sao? Theo cha hay theo mẹ? Ai mến đạo thì cũng muốn con mình theo đạo truyền thống của ông bà cha mẹ mình, phải tranh thủ hướng dẫn cho con ngay từ khi còn bé nhỏ. Nếu cha mẹ thoáng hơn, cởi mở hơn thì khi tới tuổi trưởng thành cho con được tự quyền lựa chọn tôn giáo, quyết định số phận của cuộc đời, nhưng nếu đứa con, mặc dù đã đủ lớn khôn để nhận thức nên theo đạo nào, lại ngặt nỗi sợ mất lòng cha hoặc mẹ thì càng rắc rối hơn.  Thật là nan giải..

Đối với người Phật Giáo ngày nay, phần đông chủ trương đạo ai nấy giữ, cố gắng hiểu biết và tôn trọng tôn giáo của người phối ngẫu và không đem hôn nhân làm một áp lực bắt người phối ngẫu đổi đạo. Sự cưỡng bách hay khuyến dụ bỏ đạo không thể thấm sâu vào lòng người, mà lại phát sinh ẩn ức. Với con cái, không bắt ép chúng đi chùa hay đi nhà thờ, không ép buộc chúng phải quy y hay rửa tội mà đợi chúng đến tuổi trưởng thành, cho chúng tự quyền quyết định nên theo tôn giáo nào. 

Đối với người Công Giáo, trước thời Công Đồng Vatican II trong thập niên 1960, nếu một người Công Giáo quyết định lấy một người không-Công Giáo, Giáo Hội mạnh mẽ yêu cầu họ “trở lại đạo” trước khi làm đám cưới. Nếu người ấy không chịu “trở lại đạo”, thì họ được yêu cầu phải đồng ý nuôi nấng con cái trong đức tin Công Giáo. 

Ngày nay, trên nguyên tắc, Giáo Hội Công Giáo không bắt buộc sự “trở lại đạo” của người không-Công Giáo, cũng như người không-Công Giáo không bị bắt buộc phải đóng vai trò tích cực trong việc nuôi dưỡng và giáo dục con cái trong đức tin Công Giáo. 

Tuy nhiên, thực tế cho biết, “theo giáo luật Công Giáo, người Công Giáo kết hôn với người chưa rửa tội (không-Công Giáo) thì hôn nhân ấy không thành sự hay bị rối. Theo khoản 1086 trong Bộ giáo luật hiện hành của giáo hội Công Giáo, nếu không muốn bị rối trong tình trạng ấy thì phải xin phép chuẩn dị giáo (dispensation for disparity of cult) của Đức Giám Mục địa phận. Để được phép chuẩn cho hôn nhân dị giáo hầu ‘đạo ai nấy giữ’, khoản 1126 trong giáo luật cũng quy định phải có 3 điều kiện : (1) Bên Công Giáo hứa phải giữ trọn đức tin của mình, đồng thời cố gắng rửa tội và giáo dục con cái theo đức tin công giáo. (2) Thông tri cho bên không công giáo biết những điều mình hứa và bị lương tâm ràng buộc. (3) Cả hai phải được học hỏi về mục đích và đặc tính căn bản của hôn nhân theo giáo lý công giáo”.[2]   [3]

Thật ra, việc hôn nhân với người khác tôn giáo theo cách nhìn của những người Công Giáo cũng có những điểm tích cực nhất là trên phương diện truyền giáo, “nếu khi có tình yêu với người khác đạo, ta nên dùng chính cơ hội này để giúp cho người mình yêu tin và sống theo Chúa Kitô, gia nhập Giáo Hội Ngài…”[3] Đó là chưa kể đến việc truyền giáo cho con cái khi chúng nó ra đời. 

Xét hai quan niệm hay hai đường hướng giải quyết vấn đề kết hôn với người khác tôn giáo, giữa Phật Giáo và Công Giáo vẫn còn có nhiều điểm khác biệt, khó có thể dung hoà hay hiệp thông được.  Bên Công Giáo vẫn yêu cầu người Công Giáo muốn kết hôn với người ngoài đạo phải có “phép chuẩn” của Toà Giám Mục sở tại mới cho kết hôn và phải “cố gắng rửa tội và giáo dục con cái theo đức tin Công Giáo”. Bên Phật Giáo, ngược lại, không muốn con cái phải rửa tội mà không biết một chút gì về tôn giáo mình theo…và cũng không bắt buộc chúng phải quy y vì chúng còn quá nhỏ, không biết gì về Phật, Pháp, Tăng.

Vì thế, các bạn trẻ đang là Phật tử, đang là Kitô hữu sắp yêu, đang yêu và sẽ tính đến chuyện kết hôn với nhau hãy nghiên cứu thật kỹ quan niệm của cả hai bên về vấn đề này.  Nếu có đủ sáng suốt, đủ để thấy là mình không thể sống với một vài khác biệt nào đó của người khác, thì ngay tự bây giờ (trước khi kết hôn) thật quan trọng để thú nhận và bàn thảo kỹ lưỡng với nhau là có nên kết hôn hay không.  Nếu cần phải lựa chọn thì cách hay nhất (nếu có khả năng) vẫn là làm sao cả hai người và con cái ra đời về sau được sống trong tinh thần hiểu biết và quý trọng cả hai tín ngưỡng.  Phải hiểu đức tin Công Giáo cũng như đức tin Phật Giáo đều là những (không phải một) “viên ngọc vô giá” nên cần được chia sẻ cùng nhau giữa vợ chồng và con cái. Nếu như cảm thấy không đủ khả năng cam kết và cùng nhau thực hiện việc sống trong tinh thần hiểu biết và quý trọng tín ngưỡng của nhau thì hãy cùng nhau vui vẻ chấp nhận chia tay từ bây giờ để kết hôn với người cùng đạo, dù sao vẫn hay hơn và dễ có hạnh phúc hơn.

BBT/TVHS

Nguồn: http://new.thuvienhoasen.org/

Âm lịch

Ảnh đẹp