22/02/2013 09:52 (GMT+7)
Số lượt xem: 34535
Kích cỡ chữ:  Giảm Tăng

Nhìn từ thực trạng và bàn chuyện qui hoạch lễ hội hiện nay, PGS. TS Đặng Văn Bài -  nguyên Cục trưởng Cục Di sản văn hóa, Phó Chủ tịch Hội Di sản văn hóa Việt Nam, cho rằng: Qui hoạch lễ hội phải hiểu là việc đưa những giá trị của lễ hội thích nghi được với điều kiện xã hội hiện nay, phục vụ nhu cầu xã hội hiện nay; và trong chừng mực nào mà sự thay đổi của lễ hội không làm biến đổi chất của di tích, di sản văn hóa (tính thiêng liêng, hạt nhân tâm linh…) thì ta phải chấp nhận sự thay đổi đó như một xu thế tất yếu.

 





Thưa ông, nhiều người đang thực sự lo lắng về thực trạng lễ hội hiện nay. Các nhà nghiên cứu văn hóa thì cho rằng, lễ hội hôm nay đang ngày một khác so với cội nguồn của nó? 

PGS.TS Đặng Văn Bài: Thật ra lễ hội có cả 2 mặt tích cực và tiêu cực. Nhưng lâu nay người ta vẫn thiên về mặt trái của nó mà không nhìn thấy mặt tích cực của nó. Hiện tượng bùng nổ lễ hội chứng tỏ rằng lễ hội rất cần thiết trong đời sống xã hội. Vì nếu không có mặt tích cực thì chẳng bao giờ cộng đồng lại đón nhận lễ hội một cách hồ hởi, tình nguyện như thế.
 
Tiếp đến là ta phải nhìn sự vật hiện tượng trong sự vận động và phát triển có tính chất biện chứng. Tôi cho rằng khi điều kiện sống thay đổi, điều kiện vật chất tăng lên mà ta lại muốn giữ lễ hội nguyên xi như 60, 70 năm trước thì cũng không thể. Bởi bản thân di sản cũng là một quá trình phát triển, nó phải thích nghi với đời sống xã hội, phục vụ được con người với đời sống xã hội, và đặc biệt phải phục vụ được mục tiêu phát triển của xã hội ngày nay. Vì vậy tôi cho rằng khi nhìn nhận về thực trạng lễ hội hiện nay, đừng nhìn bằng con mắt bi quan quá. 

Vậy ông nhận định thế nào về vai trò quản lý của nhà nước ở lễ hội hiện nay?

Có 2 quan điểm liên quan đến quản lý lễ hội: hoặc là để Nhà nước quản lý, hoặc là trả về cho dân. Cả 2 quan điểm này đều là sự cực đoan. Không có một sự kiện nào có hàng vạn người tham gia mà lại bảo không cần quản lý. Tôi cho rằng tất cả những hoạt động lễ hội đều cần đến bàn tay quản lý của Nhà nước. Vấn đề là mình làm thế nào để quản lý, nhưng không làm thay dân thôi. Nhà nước mà buông thì tôi e rằng loạn. 

Chỉ có điều trên thực tế hiện nay các cơ quan quản lý nhà nước về lĩnh vực này đang hoạt động đơn lẻ, thiếu sự kết hợp, liên kết. 

Và như thế, thưa ông, rất cần có qui hoạch cụ thể, chi tiết để đưa lễ hội vào nề nếp?

Tôi cho qui hoạch lễ hội là cần thiết để có sự kết hợp liên ngành. Nhưng vấn đề là qui hoạch ấy như thế nào? Ai làm việc đó? Lâu nay chúng ta chỉ có qui hoạch tổng thể mà không có qui hoạch chi tiết. Tôi chỉ đơn cử riêng về lĩnh vực di tích chẳng hạn: qui hoạch tổng thể đã làm từ năm 2001 rồi, nhưng cho từng di tích cụ thể thì đến nay vẫn chưa có. 

Hiện nay việc làm qui hoạch đang quên thực trạng của lễ hội. Đó là hạt nhân tâm linh của lễ hội, tôn vinh tấm gương đạo đức của những vị thánh được thờ. Lễ hội là một dạng sinh hoạt văn hóa tổng hợp, đa chức năng. Vì vậy phải tận dụng những thế mạnh ấy, đừng có chỉ nghiêng về khai thác du lịch hay khác thác ở mặt tâm linh.

Vậy ông có ý kiến gì với dự thảo Đề án qui hoạch tổng thể lễ hội toàn quốc 2012 - 2020 và tầm nhìn đến 2030?

Tôi không tán thành cách làm qui hoạch như hiện nay. Làm như vậy là mang tính chất áp đặt. Tôi đồ rằng, ta mới làm từ bàn giấy, từ văn phòng chứ chưa làm qui hoạch từ trong dân. Để có qui hoạch tổng thể trình Chính phủ phê duyệt, hãy hướng dẫn để các tỉnh làm qui hoạch đi đã. Sau đó, từ dưới tỉnh đưa lên mới xây dựng qui hoạch chung. Lâu nay mình vẫn làm theo chiều ngược lại. 

Trong đề án qui hoạch tổng thể nói trên, người ta chỉ nghĩ tới qui hoạch lễ hội dân gian thôi, thế còn lễ hội mới thì làm thế nào? Cũng phải đặt ra qui hoạch chứ. Và trên hết, qui hoạch phải hiểu là qui hoạch để đưa những giá trị ấy thích nghi được với điều kiện xã hội hiện nay, phục vụ nhu cầu xã hội hiện nay. Trong chừng mực nào mà sự thay đổi ấy không làm biến đổi bản chất, ý nghĩa của lễ hội, của di sản thì ta phải chấp nhận sự thay đổi đó, như "dĩ bất biến, ứng vạn biến” vậy. 

Ông từng nhiều lần đề cập đến giáo dục di sản văn hóa cho cộng đồng, vậy phải giáo dục thế nào cho đạt hiệu quả?

Trong qui hoạch lễ hội thì vấn đề này phải đặt lên hàng đầu. Bản thân lễ hội cũng chính là nơi để giáo dục nhân cách, nêu tấm gương của các vị thánh… Tôi xin nhấn mạnh: Giáo dục ý thức cộng đồng về di sản là quá trình giáo dục thường xuyên, liên tục. Bao gồm cả giáo dục về nhận thức lẫn kiến thức về pháp luật nhằm bảo vệ di sản. 

Xin trân trọng cảm ơn ông!

Hương Lê  (thực hiện)

Nguon: http://www.baomoi.com/Home/DauTu-QuyHoach/daidoanket.vn/PGSTS-Dang-Van-Bai-Dung-qua-bi-quan-truoc-thuc-trang-cua-le-hoi/10433063.epi


Âm lịch

Ảnh đẹp