10/07/2012 18:24 (GMT+7)
Số lượt xem: 76641
Kích cỡ chữ:  Giảm Tăng


Trên 120 năm nay, kể từ biến cố kinh đô thất thủ -1885, tháng 5 âm lịch. Khắp nơi, ở Huế từ đền chùa, nhà thờ, am miếu đến các cơ quan, đơn vị; từng xóm từng tổ đến mỗi một gia đình đều tổ chức lễ cúng Âm hồn.


Lễ cúng Âm hồn bắt đầu từ 23/5 âm lịch và kéo dài cho đến hết tháng 5 để tưởng nhớ và cầu mong các anh linh đã trận vong trong ngày thất thủ kinh đô được siêu thoát. Lễ cúng Âm hồn từ lâu đã trở thành tuần lễ văn hóa tâm linh đặc sắc của Huế và chỉ có ở Huế.

Như chúng ta đã biết, biến cố thất thủ kinh đô để lại trong tâm khảm người dân Huế nhiều ấn tượng. Trước hết, đánh dấu ngày mất nước với sự trả thù tàn bạo của thực dân Pháp. Kinh đô thất thủ, quân Pháp tràn vào Đại nội bắn giết, cướp của, hãm hiếp, đốt phá man rợ suốt 2 ngày đêm. Kinh thành bị đốt phá, binh lính chạy tán loạn, dân chúng dìu dắt nhau chạy trốn, người chết, lửa cháy, tiếng khóc la vang dậy khắp nơi.

Sử sách ghi lại: Hoàng Thành hầu như bỏ trống không, cảnh tượng cực kì thê thảm... Trong các nhà, trên các con đường, dưới các hồ sen, ao cá, đâu đâu cũng có người chết, nhất là quãng đường từ Tàng Thơ đến Tịnh Tâm, xác người chồng chất lên nhau từng đống.

Nhưng cũng từ biến cố thất thủ kinh đô, vương triều nhà Nguyễn tồn tại song song 2 triều đình: Hàm Nghi và Đồng Khánh. Triều đình tại Huế do vua Đồng Khánh đứng đầu, với những tội đồ lịch sử như: Trương Quang Ngọc, Nguyễn Thân, Hoàng Cao Khải, Trần Bá Lộc và triều đình kháng chiến của vua Hàm Nghi tại Tân Sở với phụ chính đại thần Tôn Thất Thuyết cùng em là Tôn Thất Lệ và 2 con, Đề đốc Trần Xuân Soạn, Thượng thư bộ lễ Phạm Thân Duật, tham tri bộ binh Trương Đằng Đễ, Đô thống Hồ Văn Hiểu cùng nhiều văn quan võ tướng.

Tại Tân Sở, vua Hàm Nghi xuống Chiếu Cần Vương. Hưởng ứng Chiếu Cần Vương, khắp nơi trong nước đứng lên dựng cờ khởi nghĩa, quy mô càng lớn và trở thành phong trào kháng chiến chống Pháp đầu tiên trong lịch sử dân tộc. Nhiều nhân vật trong phong trào đã trở thành bất tử như, Tôn Thất Thuyết, Phan Đình Phùng, Hoàng Hoa Thám, Đinh Công Tráng, Mai Xuân Thưởng, Lê Trực,...

Lễ cúng âm hồn được tổ chức trang nghiêm hàng năm

tại Miếu Âm Hồn đường Mai Thúc Loan - Ảnh: Hoài Phong

Do vậy, lễ cúng Âm hồn vừa để tưởng nhớ, cầu nguyện cho các anh linh đã trận vong trong ngày thất thủ kinh đô; nhưng đồng thời là dịp khơi dậy lòng yêu nước và niềm tự hào dân tộc của người dân xứ Huế.

Có lẽ không một người dân Huế, nhất là người dân trong khu vực Nội thành, không nhà nào là không cúng 23/5 âm lịch. Cúng không phải trong nhà mà ở các ngã tư, ngã năm đường phố. Nhiều người đến Huế được chứng kiến và qua tìm hiểu đều ngẩn ngơ trước hiện tượng văn hóa tâm linh độc đáo và đặc sắc này. Và có thể nói, tuần lễ cúng Âm hồn 23/5 âm lịch là một di sản văn hóa tâm linh độc đáo của riêng Huế./.

Theo Hải Lê - TTH


Âm lịch

Ảnh đẹp