08/04/2012 10:29 (GMT+7)
Số lượt xem: 109773
Kích cỡ chữ:  Giảm Tăng

Nền văn học Việt Nam thế kỷ XX và giới văn chương không một ai xa lạ với tên tuổi nhà thơ Quách Tấn, đặc biệt là ở mảng thơ Đường luật. Nói đến Quách Tấn là nói đến trường thơ Bình Định

ở tiền bán thế kỷ hai mươi, trong đó nổi bật là nhóm Bàn thành tứ hữu với Quách Tấn (1910) Hàn Mặc Tử (1912) Yến Lan (1918) Chế Lan Viên (1920) do đồng thanh đồng khí họ tìm đến nhau bằng tình bút mực; để Bình Định nói riêng và nền văn học cả nước – ở trong phần phụ lục có tên của một nhóm bằng hữu làm thơ, ngoài tên riêng và bút hiệu họ còn có biệt danh Long Lân Quy Phụng.

Trở lại với mảng thơ Đường luật của Quách Tấn, trước hết – chúng ta trân trọng sự kiên định trong khuynh hướng sáng tác của ông, trước xu thế cách tân rộn rã với các cuộc bút chiến, tranh cãi nảy lửa, đăng đàn diễn thuyết hào hứng rộn ràng, giữa hai phái thơ mới thơ cũ, mà khởi đầu là cụ Phan Khôi với bài thơ “Tình Già” đăng ở báo Phụ Nữ tân văn ngày 10/3/1932. Bài thơ Tình Già và quan điểm về thơ mới của cụ Phan được sự hưởng ứng nồng nhiệt của các nhà thơ nhà báo từ Lưu Trọng Lư, Hồ Văn Hảo, Nguyễn Thi Manh Manh….

Báo Phong Hoá tập mới số một (1) cũng lên tiếng chống đối thơ Đường luật bằng luận điệu gay gắt và họ kết luận: Thơ Việt phải đổi mới từ ý tưởng đến cú pháp và thể loại…

Trước bão giông sóng gió của hai luồng tư tưởng , Mới, trên thi văn đàn – Quách Tấn giữ thái độ im lặng – không tham gia tham dự, không đả phá, không tôn vinh, phải chăng đó là tinh thần bất bạo động của nhà Phật?!

Khi mọi sự tranh cãi bằng nhiều phương cách, phương tiện đã lắng dịu, thì năm 1939 Quách Tấn điềm đạm ra mắt công chúng thi phẩm “Một Tấm Lòng” năm 1939, và tiếp đến là “Mùa Cổ Điển” năm 1941.

Mùa Cổ Điển như một bản tuyên ngôn, như một lời khẳng định, như một biểu tỏ tấm lòng yêu quý thuỷ chung rất mực với nền văn học cổ điển Đông Phương của tác giả Quách Tấn.

Công chúng yêu thơ đã đón nhận Mùa Cổ Điển với tất cả niềm ưu ái và sự trân trọng…

Năm mươi chín bài thơ trong Mùa Cổ Điển được hình thành bằng thể Đường Luật thất ngôn bát cú, theo kẻ hậu học (tác giả bài viết này ) thì đó là những bài thơ tuyệt vời về thi pháp, về đối ngẫu, nếu ngày xưa thật xưa, ở bên Trung Hoa vào thời trung Đường nhà thơ Giã Đảo đã tâm sự:

“Nhị cú tam niên đắc

Nhất ngâm song lệ lưu…”

 Thì ở Việt Nam cụ Quách có những bài thơ trong “Mùa Cổ Điển” tác giả đã phải thai nghén ý tưởng đến thập nhị niên mới nên hình nên vóc, điển hình là bài “Đêm Thu Nghe Quạ Kêu” với đêm thu nghe quạ kêu, ngay câu phá thừa ông đã lồng điển tích: “Từ Ô y hạng rủ rê rang…, và ông đã từng giải thích: Ô y là ông muốn nhắc đến một xóm đại gia ở bên Tàu, xóm đó có hai họ Vương và Tạ thường cho gia nhân bận áo màu đen… người viết bài này đã thầm hỏi: Ô hay, đêm thu nghe quạ kêu sao tác giả lại liên tưởng chi đến xóm áo đen ở tận bên Tàu? Rắc rối! Thế nhưng khi đọc câu kết trong lần viết thứ nhất của cụ chúng tôi mới vỡ lẽ:

“Tình lang mang gợi tứ lang mang”

Đúng là lang mang thật, ôi người thơ!

Đến cặp trạng người đọc (Ninh Giang Thu Cúc) chạy theo tác giả bằng niềm cảm khoái tột cùng với hai cụm đối đầu câu:

“….Trời bến Phong Kiều….

Thu sông Xích Bích……

Đối ngẫu hoàn chỉnh,hai danh thắng, hai thi ảnh kiêu sa và đẹp như Nhị Kiều của Ngô Tôn Sách và Chu Công Cẩn, cũng bằng tám từ đầu của cặp trạng trước mắt người đọc là hình ảnh một khách thơ đang nhìn ngọn đèn chài để thấu suốt nỗi sầu vạn cổ của bản thân và cõi đời cõi người giữa đêm đen thăm thẳm, lại nữa ta thấy khói mù trời của cuộc thuỷ chiến, hỏa công, lẫy lừng trên dòng sông lịch sử của thời Nguỵ Ngô Thục tranh bá đồ vương, mà giờ đây kẻ thắng người thua đều đã ra người thiên cổ!

Nhưng hai cụm từ sau:

…sương thấp thoáng

nguyệt mơ màng…

Người đọc cứ mãi băn khoăn giữa sương và nguyệt, chắc tác giả muốn bảo đảm nhạc tính, âm điệu chăng? Người đọc lẩn thẩn nghĩ: sao cụ không dùng chữ trăng hay chữ gió để đối với sương như thế tính Việt ngữ sẽ nhất quán hơn là Sương với nguyệt.

Cặp luận với một tâm trạng khắc khoải vương buồn trong đêm khi từ xa nghe tiếng quạ vọng về áo não

“…Bồn chồn thương kẻ sương song bạc

Lạnh lẽo sầu ai rụng giếng vàng…”

Cặp luận vô cùng hay từ ý đến từ.Và cặp kết được khoá lại với một hoài tưởng đầy lãng mạn trữ tình bằng 14 từ rất tài hoa ảo diệu:

“…Tiếng vọng lưng mây đồng vọng mãi

Tình hoang mang gợi tứ hoang mang”

Nhà thơ, nhà biên khảo Quách Tấn sinh ngày 23 tháng 11 năm Kỷ Dậu tức ngày 4 tháng giêng năm 1910 tại làng Trường Định quận Bình Khê nay là huyện Vĩnh Thạnh Tỉnh Bình Định.

Những năm thuộc tiền bán thế kỷ XX ông cộng tác với các báo:

-          An Nam tạp chí

-          Phụ nữ tân văn

-          Tiếng Dân

-          Tiểu thuyết thứ 7

-          Lành Mạnh

Ông từng là giáo sư văn chương của các trường trung học ở miền Trung Việt Nam, từng là công chức phòng du lịch Huế, và là công chức hành chánh ở Nha Trang, Bình Định.

Ông nghỉ hưu vào năm 1965, nghỉ dưỡng tại Nha Trang và qua đời vào ngày 21-12-1992 tại số 12 đường Bến Chợ Nha Trang.

Một số tác phẩm tiêu biểu đã xuất bản.

1.      Một Tấm Lòng ( thơ 1939)

2.      Mùa Cổ Điển ( thơ 1941)

3.      Đọng Bóng Chiều ( thơ 1965)

4.      Mộng Ngân Sơn ( thơ)

5.      Xứ Trầm Hương (biên khảo)

6.      Nước Non Bình Định (biên khảo 1967)

 

Ninh Giang Thu Cúc

(Hóoc Môn TP.HCM)

 

http://hoangphap.info/Page.aspx?ArticleID=4108&SubID=2&ID=4

Âm lịch

Ảnh đẹp