04/05/2013 08:48 (GMT+7)
Số lượt xem: 137087
Kích cỡ chữ:  Giảm Tăng

Trang tin Phattuvietnam.net hỗ trợ các chùa tổ chức văn nghệ Phật giáo trên tinh thần làm Phật sự cúng dường, không vụ lợi. Các chùa không tốn bất cứ chi phí nào. Nhà chùa trực tiếp trao bao lì xì cho ca sĩ, nghệ sĩ.

Bản ghi cuộc trao đổi ý kiến dưới đây với cư sĩ Nguyên Lạc Phùng Văn Nam, đại diện Trang tin Phattuvietnam.net tại TPHCM, là nội dung diễn giải chi tiết lời khẳng định hỗ trợ của Phattuvietnam.net đối với việc tổ chức văn nghệ Phật giáo.

Cư sĩ Minh Thạnh (CS MT): Tôi xin đặt câu hỏi từ trường hợp một ngôi chùa chưa từng tổ chức văn nghệ Phật giáo. Nay, để có thể tổ chức văn nghệ Phật giáo thì trước tiên cần có những gì?

Cư sĩ Nguyên Lạc Phùng Văn Nam (CS NL PVN): Để tổ chức văn nghệ Phật giáo tại chùa, trước tiên, cần một địa điểm, thường là một khoảng sân vài trăm mét vuông dành cho tối thiểu khoảng 1000 người dự khán.

Tuy nhiên, không có sân, mà giảng đường, trai đường, chính điện đủ rộng thì cũng có thể tổ chức ở những nơi đó (tổ chức trong chính điện thì có thể dựng màn che chắn).

Hai, ba ngôi chùa có thể cùng nhau liên kết tổ chức văn nghệ Phật giáo ở một sân chùa thích hợp.

Ban trị sự Phật giáo quận, huyện có thể tổ chức văn nghệ Phật giáo tại các địa điểm công cộng như nhà văn hóa, câu lạc bộ (trường hợp này có thể phải tốn thêm chi phí thuê địa điểm).

Nếu chỉ sử dụng sân chùa, chùa có sẵn hệ thống âm thanh ánh sáng, tận dụng lễ đài sẵn có ở các cuộc lễ, không cần dựng sân khấu, thì chỉ cần thêm chi phí khoảng… 3 triệu đồng.

CSMT: Ba triệu đồng, số tiền này dùng vào việc gì?

CS NL PVN: Đây là tiền dùng để “lì xì” cho các ca sĩ đến trình diễn, mỗi bao lì xì có thể tối thiểu chỉ 200.000 đồng, cho khoảng 10-15 ca sĩ trình diễn, mỗi ca sĩ trình diễn vài bài hát.

Thực tế, chi phí có thể ít hơn, vì nhiều ca sĩ cúng dường lại trọn vẹn hoặc một phần số tiền lì xì đó cho quỹ công đức của nhà chùa, hoặc từ chối không nhận một khoản bồi dưỡng nào.

Nếu cần phải thuê âm thanh ánh sáng thì chúng tôi sẽ hướng dẫn sao cho thuê với chi phí thấp nhất. Thường thì có thể sử dụng hệ thống âm thanh nhà chùa.

CSMT: Thời điểm thích hợp để nhà chùa tổ chức văn nghệ Phật giáo là những dịp nào, có cần xin phép không?

CS NL PVN: Dịp tổ chức văn nghệ Phật giáo thuận tiện là những ngày lễ như Phật đản, Vu lan, các ngày vía Phật, rằm lớn, tết nguyên đán, tất niên… Văn nghệ Phật giáo tổ chức trong khuôn viên chùa thì không cần phải xin phép, nhưng cũng nên báo bằng văn bản với chính quyền địa phương để được hỗ trợ trong công tác bảo vệ an ninh trật tự khi có đông người tụ họp. Thường thì địa phương cử anh em công an, dân quân hay bảo vệ khu phố giúp đỡ nhà chùa trong chuyện này.

CSMT: Đạo hữu có thể nói qua những lợi ích của việc nhà chùa tổ chức văn nghệ Phật giáo?

CS NL PVN: Vì đây là tổ chức văn nghệ Phật giáo, nên có rất nhiều lợi ích cho đạo pháp:

-    Hoằng pháp, qua hình thức tổ chức thuyết pháp trước buổi văn nghệ.

-    Hoằng pháp qua nội dung ca từ bài hát Phật giáo, ca ngợi đạo pháp nói lên tâm nguyện của người Phật tử ước mong tu tập, thực hành thiện nghiệp, vinh danh chư Phật, chư Bồ tát, thể hiện chí hướng giúp đời, giúp người…

-    Tạo  thuận duyên thu hút Phật tử đến chùa đông đảo, nhất là thanh thiếu niên, và đặc biệt cũng hướng đến đối tượng chưa phải là Phật tử.

-    Làm phong phú cho thêm hoạt động lễ tết tại chùa, tạo không khí sinh động lễ hội.

-    Góp phần phát triển sinh hoạt văn hóa Phật giáo, cụ thể là hoạt động ca múa nhạc, cung cấp món ăn tinh thần Phật giáo đến với công chúng rộng rãi.

-    Tạo thuận lợi để ca sĩ Phật tử biểu diễn cúng dường đạo pháp, phục vụ công chúng âm nhạc là Phật tử.

-    Có thể tổ chức vận động gây quỹ xây chùa, in kinh, Phật sự, từ thiện xã hội trong buổi văn nghệ.

CSMT: Chương trình văn nghệ Phật giáo mà trang tin Phattuvietnam.net hỗ trợ các chùa tổ chức, ngoài phần trình diễn của các ca sĩ, có thể có các thể loại tiết mục nào khác?

CS NL PVN: Ngoài việc giúp nhà chùa mời các ca sĩ chúng tôi có thể mời các diễn viên hài, diễn viên múa, tạp kỹ để giúp nhà chùa một buổi văn nghệ đầy đủ các thể loại.

Ngoài nội dung Phật giáo, chương trình văn nghệ có thể gồm những tác phẩm ca ngợi quê hương, tình yêu đất nước, tự tình dân tộc, tình cha, tình mẹ, tình thầy trò, các bài dân ca, dân vũ…

Ngoài phần biểu diễn của những ca sĩ, diễn viên nghệ thuật chuyên nghiệp, có thể còn có phần biểu diễn của các nhóm văn nghệ thanh niên Phật tử nghiệp dư.

CSMT: Danh mục các bài hát Phật giáo được trình diễn là do phía nhà chùa chọn lựa hay do từ phía ca sĩ?

CS NL PVN: Chúng tôi sẽ tư vấn về danh mục các bài hát Phật giáo sao cho phù hợp với các nghệ sĩ cũng như đáp ứng yêu cầu đa dạng, phong phú, nhiều màu vẻ của một chương trình ca nhạc Phật giáo. Sẽ có những bài hát truyền thống, quen thuộc, nhưng cũng là dịp giới thiệu những ca khúc Phật giáo mới sáng tác, luôn được cập nhật.

Với quá trình tổ chức hơn 100 buổi biểu diễn văn nghệ Phật giáo, chúng tôi có sẵn một danh mục rất nhiều bài hát Phật giáo để nhà chùa tùy chọn.

CS MT: Đó là nội dung, còn về các ca sĩ, nghệ sĩ, xin anh giới thiệu qua.

CS NL PVN: Các buổi văn nghệ Phật giáo thường xuyên được các ca sĩ chuyên nghiệp đến biểu diễn. Có thể kể đến các ca sĩ quen thuộc như Vũ Bảo, Thụy Vân, Thanh Thúy, Thu Trang, Tạ Minh Tâm, Cao Thái Sơn, Quang Hà, Đan Trường, Cẩm Ly, Quốc Đại, Hồ Huỳnh Hương, Hùng Thanh, Phương Thanh, Phạm Trường, Lý Hải, Quách Tuần Du, Bằng Cường….

Về diễn hài, có các nghệ sĩ như Mỹ Chi, Khánh Nam, Hồng Tơ, Cát Phượng, Minh Béo, Nhật Cường, Hoài Linh…

Về múa, có nhiều vũ đoàn TPHCM như Bông Sen, Hương Sen…

CS MT: Ồ, toàn là những ca sĩ nổi tiếng. Vậy, chùa nghèo, chùa nhỏ, chùa quê, chùa xa thì những ca sĩ như vậy có đến không?

CS NL PVN: Đến chứ. Đến tất. Họ hứa thì chắc chắn sẽ đến, không có chuyện thất hứa với nhà chùa, bỏ chương trình ca nhạc Phật giáo. Vì đa số trong họ đều là Phật tử, rất muốn cúng dường cho đạo pháp.

Trong nhiều trường hợp, phía tổ chức có khó khăn nhân sự, ca sĩ Phật tử đã đứng ra giúp luôn phần tổ chức.

Nếu trong buổi văn nghệ có hoạt động quyên góp, vận động ủng hộ tài chính, ca sĩ là người xướng lời vận động, nên rất có kết quả.

Không những thế, nhiều ca sĩ ưu tiên cho các buổi văn nghệ Phật giáo. Họ sẵn sàng lựa chọn diễn trước hết ở chùa, bất kể gần xa,  thậm chí bỏ cả show diễn thù lao nhiều chục triệu đồng để đi hát chùa. Vì vậy, đừng ngại việc chùa nhỏ, chùa xa, miễn là văn nghệ Phật giáo là ca sĩ Phật tử sẵn sàng phục vụ nhiệt tình, hoan hỷ.

CS MT: Còn dàn nhạc ra sao?

CS NL PVN: Phần nhạc đệm được phối khí ghi âm sẵn, ca sĩ có người mang đến phát trong buổi biểu diễn, sao cho phù hợp với ca sĩ biểu diễn. Nhà chùa và ban tổ chức không ngại, không lo việc này.

CS MT: Thế còn sân khấu, phông màn, ghế ngồi…?

CS NL PVN: Tùy vào nhà chùa.

Một buổi biểu diễn khá quy mô thì có màn hình led, chuẩn bị kịch bản, hình ảnh thể hiện kèm bài hát, phông màn đầy đủ. Có thể tốn thêm nhiều chi phí, nhưng kinh nghiệm cho thấy tổng chi phí không quá 20 triệu đồng/chương trình văn nghệ.

Nhưng cũng có thể ca sĩ hát trên tiền sảnh, thềm chùa, không cần phông màn trang trí, không tốn chi phí, chỉ cần trang bị âm thanh ánh sáng tối thiểu.

Cũng vậy, văn nghệ Phật giáo ở chùa có thể có ghế ngồi, có thể người xem ngồi dưới đất, tùy hoàn cảnh mỗi chùa.

Chùa tổ chức văn nghệ Phật giáo vài lần thì sẽ có kinh nghiệm, tổ chức chương trình ngày càng hoàn thiện, chu đáo.

CS MT: Những trường hợp nào cần dự kiến?

CS NL PVN: Cần chú ý đến việc người xem ca nhạc Phật giáo đến chùa quá đông.

Ở chùa Từ Tân, chỉ 3000 người là không có chỗ đi lại, chật cứng người, có khách không vào được. Các chùa lớn như Hoằng Pháp, Phật Quang có vài chục ngàn người dự văn nghệ Phật giáo là chuyện bình thường.

Một chùa nhỏ như chùa Bửu Lâm, đường Phan Văn Hớn, quận 12, TPHCM ở buổi văn nghệ Phật giáo nhân Lễ Vía Bồ tát Quan Thế Âm vừa rồi, số người đến chùa đã tăng từ khoảng 100 người lên 1000 người. Đến dự có nhiều công nhân, dân nhập cư, thanh thiếu niên…

Vì vậy, nên quan tâm đến tình huống người đến xem văn nghệ Phật giáo đông ngoài dự kiến, lưu ý về số ghế ngồi, công việc giữ xe, diện tích chỗ để xe khách.

Một ít hoa để giao lưu với ca sĩ cũng là việc cần.

CS MT: Đạo hữu có thể nói thêm về khả năng vận động tài chính công đức, ủng hộ quyên góp, cúng dường Tam Bảo trong chương trình văn nghệ.

CS NL PVN: Thường thì ca sĩ giúp đỡ tận tình cho việc này, nói lời vận động, tự mình ủng hộ tài chính đầu tiên bằng cách tự tay cúng tiền mình vào thùng công đức, rồi cầm thùng công đức đi xuống khán giả, vận động từng người ủng hộ. Chỉ một buổi văn nghệ Phật giáo ở Đắc Nông chẳng hạn, có thể vận động đến gần 400 triệu đồng. Thường thì ca sĩ vận động rất khéo, người ủng hộ cũng rất hoan hỷ.

CS MT: Những việc cần nhà chùa làm trước buổi biểu diễn văn nghệ Phật giáo là gì? Có phải tốn nhiều công sức cho việc quảng bá không?

CS NL PVN: Theo kinh nghiệm thì không.

Nếu nhà chùa chỉ mới tổ chức lần đầu văn nghệ Phật giáo thì có lẽ cần một băng rôn hay một pa nô.

Sau đó, chỉ cần một bản thông báo nhỏ.

Tổ chức văn nghệ Phật giáo định kỳ vào mỗi dịp lễ như chùa Từ Tân, thì dù không thông báo, chùa vẫn không còn chỗ đón khách.

CS MT: Thời lượng một chương trình văn nghệ Phật giáo ra sao? Tổ chức vào thời điểm nào trong ngày là thích hợp? Sắp xếp thời gian mời ca sĩ ra sao?

CS NL PVN: Thời lượng trung bình một chương trình văn nghệ Phật giáo là 3 giờ, với từ 20 đến 24 bài hát, mỗi bài khoảng 6 phút.

Thời điểm thích hợp là vào buổi tối, sau thời công phu chiều.

Ca sĩ được mời đến trước khi lên sân khấu khoảng 15 phút. Chúng tôi sẽ tư vấn chi tiết phân bố thời gian mời ca sĩ.

Kinh nghiệm tổ chức văn nghệ Phật giáo ở chùa Từ Tân là bắt đầu khoảng 19g45 phút, chương trình có khi kéo dài đến 23 giờ.

Tuy nhiên, không nhất thiết cố định vào giờ nói trên. Có thể có những chương trình văn nghệ Phật giáo bỏ túi, với 1-2 ca sĩ, 4-5 bài hát, để bố trí vào các buổi lễ lạc thành, khai mạc, hội thảo, hội nghị, đại hội…, bất kể trưa chiều. Chỉ cần một hệ thống âm thanh tốt là đủ cho một ít bài hát Phật giáo do ca sĩ danh tiếng trình bày, tạo được không khí vui tươi, sinh động, hào hứng cho các buổi lễ Phật giáo.

CS MT: Đạo hữu có nói đến kết hợp văn nghệ Phật giáo với thuyết pháp, xin đi vào chi tiết hoạt động này.

CS NL PVN: Một số chùa đã kết hợp tổ chức thuyết pháp với văn nghệ Phật giáo và rất thành công.

Văn nghệ Phật giáo là hoạt động tạo duyên để quy tụ thính chúng đến nghe pháp. Có văn nghệ số người đến nghe thuyết pháp có thể tăng lên nhiều lần.

Phần thuyết pháp được bố trí trước phần văn nghệ. Buổi thuyết pháp ngắn hơn bình thường, khoảng 30 – 45 phút, đề cập việc ứng dụng Phật giáo vào các vấn đề thiết thực trong đời sống hàng ngày. Pháp tòa là sân khấu. Có thể mời cử tọa nêu câu hỏi để giảng sư trả lời, nhằm thêm phần sinh động.

Các ca sĩ có thể nói về đời sống Phật tử của mình, trình bày những suy nghĩ của mình về đạo pháp. Những câu chuyện sống đạo của ca sĩ rất thu hút thính chúng và có tác dụng hoằng pháp rất tốt.

Văn nghệ sĩ là người của công chúng. Việc họ hành trì đạo Phật có hiệu quả truyền thông rất tốt cho đạo Phật. Hình thức này có thể bố trí xen giữa chương trình văn nghệ, theo kiểu tiếp chuyện xa lông. Tuy nhiên, vẫn là nói chuyện tu học, chuyện đạo pháp, là một dạng kết hợp nói pháp.

CS MT: Trang tin Phattuvietnam.net có thể hỗ trợ ra sao để các chùa tổ chức văn nghệ Phật giáo? Liên hệ như thế nào?

CS NL PVN: Trang tin Phattuvietnam.net hỗ trợ các chùa tổ chức văn nghệ Phật giáo trên tinh thần làm Phật sự cúng dường, không vụ lợi. Các chùa không tốn bất cứ chi phí nào. Nhà chùa trực tiếp trao bao lì xì cho ca sĩ, nghệ sĩ. Phía trang tin không chạm tới bất cứ một khoản tiền nào.

Hỗ trợ của Phattuvietnam.net không chỉ nhằm vào việc giúp nhà chùa có được một chương trình văn nghệ Phật giáo, mà điều quan trọng là làm sao, về lâu dài, các chùa đều có thể tự tổ chức định kỳ các buổi văn nghệ Phật giáo. Mục tiêu hướng đến là phát triển số lượng chương trình văn nghệ Phật giáo được tổ chức, quý tăng ni các chùa thấy được tác dụng tốt của các chương trình văn nghệ Phật giáo đối với hoạt động hoằng pháp và sinh hoạt văn hóa Phật giáo; thấy được tiềm năng lớn lao của văn nghệ Phật giáo từ giới văn nghệ sĩ Phật tử, thiết lập được nhịp cầu kết nối văn nghệ sĩ Phật giáo với các chùa; làm cho việc ca sĩ đến chùa hát cúng dường Tam Bảo, phục vụ đại chúng trở thành việc làm phổ biến, thông lệ; tạo ra một bước khởi sắc trong sinh hoạt văn nghệ Phật giáo.

Nếu nhà chùa chỉ cần có ý muốn tổ chức chương trình văn nghệ Phật giáo, xin điện thoại cho chúng tôi theo số điện thoại Phật sự phía Nam được thông báo dưới các bài viết, chúng tôi sẽ có các chỉ dẫn cần thiết. Việc tổ chức văn nghệ Phật giáo rất dễ dàng, với chi phí rất nhỏ, nhưng hiệu quả là rất lớn đối với hoạt động hoằng pháp.

Vì vậy, xin các chùa đừng ngần ngại khi gọi cho chúng tôi.

Chúng tôi đã thử nghiệm tổ chức việc triển khai “chuyển giao công nghệ” tổ chức văn nghệ Phật giáo cho một số chùa rất thành công, bây giờ có thể yên tâm triển khai rộng rãi quy mô.

Nói đúng ra, đây không hẳn chỉ là việc thúc đẩy việc các chùa tổ chức văn nghệ Phật giáo, mà trước hết, là thiết lập một “kênh” cúng dường để ca sĩ, nghệ sĩ Phật tử có thể đến công quả tại các chùa bằng tài năng nghệ thuật của mình. Việc công quả này rất đa dạng, từ việc trực tiếp múa hát, đến tổ chức biểu diễn, gởi tặng dĩa ca nhạc Phật giáo đến công chúng nghệ thuật là Phật tử. Một lực lượng đông đảo ca sĩ, nghệ sĩ Phật giáo đã sẵn sàng. Chính ra, hỗ trợ là do lực lượng nghệ sĩ này, Phattuvietnam.net chỉ giữ vai trò kết nối.

Xin gọi cho chúng tôi trước ngày dự kiến tổ chức văn nghệ Phật giáo ít nhất một tuần, tốt nhất là báo trước một tháng.

Đối với các chùa mới tổ chức, buổi văn nghệ Phật giáo đầu tiên nên chỉ ở mức nhỏ, đơn giản, sau đó sẽ nâng cấp quy mô khi đã quen với việc tổ chức. Tuy vậy, tổ chức ngay một chương trình văn nghệ Phật giáo “hoành tráng” vẫn là một khả năng có thể và có thể thành công mỹ mãn ngay, qua trường hợp một số chùa.
Mùa Phật Đản sắp tới là thời gian thuận lợi để tổ chức văn nghệ Phật giáo.

CSMT: Xin cảm ơn đạo hữu rất nhiều. Thân chúc Phật sự viên thành.

MT (thực hiện)


Âm lịch

Ảnh đẹp