NĂM TUẤT NÓI CHUYỆN KHUYỂN


Quang Kính Võ Đình Ngoạn
06/02/2018 17:46 (GMT+7)
Số lượt xem: 1842
Kích cỡ chữ:  Giảm Tăng

Nói đến dòng họ nhà khuyển, người viết thiết nghĩ khi còn nhỏ, ngồi ở ghế nhà trường có không ít độc giả lớn tuổi đã biết đến bài thơ nói về sáu loài gia cầm tranh công với nhau 


  

Achiko The Most Loyal Dog in History
Achiko The Most Loyal Dog in History 
(Ảnh: Japanese Times)

( Lục Súc Tranh Công ), trong câu chuyệnnêu trên, dòng họ nhà Khuyển đã kể công mình giúp chủ giữ nhà, ngăn ngừa kẻ trộm. Nhưng việc giữ nhà chỉ là một trong nhiều việc mà loài khuyển đã giúp cho con người. Năm nay năm Tuất, tôi xin viết thêm một vài mẩu chuyện về khuyển, để quí độc giả đọc cho vui trong ba ngày tết, nhất là những ai đang sống nơi đất khách, quê người.

     Ngôi chùa  Buljang thuộc đảo Chindo nằm ngoài khơi trong hải phận phía nam của Hàn quốc. Các Tăng sĩ ở đây đã chấp nhận cho một chú khuyển vào lễ Phật cùng Tăng đoàn. Đó là chú khuyển Hama, chú khuyển độ một năm tuổi này là một trong số ba mươi cô, chú khuyển hoang sống trên đảo. Tôi xin được gọi chú khuyển Hama là chú tiểu, bởi vì chú đã hằng ngày theo Tăng đoàn vào chánh điện làm lễ và quỳ lạy như một Tăng sĩ. Sự kiện trên khiến giới truyền thông nơi đây chú ý loan tin, nhiều người hiếu kỳ đã đổ xô về ngôi chùa Buljang nơi hòn đảo bé nhỏ, hoang vắng nầy để tìm hiểu thật, hư. Sinh viên Park Sang Jn từ Hán Thành cũng đến chùa, anh đã nhìn nhận: “ Quả thậtHama đã quỳ lạy được y như như một Tăng sĩ Phật giáo “. Hama là tên do các Tăng sĩ đặt cho chú. Nguồn tin nầy do hãng thông tấn Reuter truyền đi, được tờ báo điện tử Người Việt Online đưa lên mạng hôm thứ sáu ( ngày 16 tháng 9 năm năm 2005 ). Câu truyện chú Hama lạy Phật làm kẻ viết nhớ đến các cô cậu sói đã rủ nhau vào tu tập tại tu viện Kim Sơn thuộc tiểu bang California.

    Một sáng nọ, khi giờ thiền quán vừa xong, Thầy Tịnh Từ cùng các Tăng sinh trở về nơi hậu liêu thay y để đến trai phòng dùng ngọ. Khi gần đến hậu liêu, thầy nhận được tin có “ba vị khách” từ nơi núi rừngxanh thẩm đến viếng tu viện. Những vị khách đặc biệt nầy là hai cô và một cậu sói rừng. Các cô cậu khi thấy các Tăng sinh và đại chúng vây quanh đứng nhìn, thì nhe răng, gầm gừ, đuôi vểnh cao trong tư thế tấn công. Thầy Tịnh Từ bình tỉnh, an nhiên tự tại, tay cầm thức ăn đặt xuống bên cạnh mình. Thầy với ánh mắt hiền từ, cử chỉ dịu dàng nói với đại ý: các con từ nơi núi rừng hoang dã đã đến nơi đây, điều nầy chứng tỏ không ít thì nhiều các con đã có duyên với nhà chùa. Nếu các con muốn ở lại đây để sớm hôm nghe câu kinh tiếng kệ, tu tập thì các con hãy đến dùng những thức ăn chay nầy. Sau khi nghe thầy nói, hình như các cô, cậu sói hiểu được nên đã từ từ đến bên thầy và ăn những thức ăn thầy cho. Từ đấy ba cô, cậu sói quyết định ở lại tu viện, chấp nhận nơi đây là nhà. Thầy viện trưởng đặt tên cho chú khuyển lông màu trắng là Tu Tu, nàng lông vàng tên Li Li, cô lông đen tên Mi Mi. Từ ngày sống trong chốn thiền môn, hằng ngày được nghe câu kinh, tiếng kệ, nhất là dùng những thức ăn chay nên tính sói dần dần biến mất. Ánh mắt sói không còn long lanh hung dữ, nhưng trở nên trong sáng hiền lành, đuôi không còn vểnh lên trong tư thế tấn công con mồi. Các cô chú không còn đuổi bắt chim muông, hưu, nai, thỏ… lảng vãng nơi khuôn viên tu viện.

     Thắm thoát hai mùa xuân trôi qua, có lẻ Tu Tu và Li Li nghiệp trần chưa dứt, lưới tình còn nặng nên cô cậu đã rời bỏ chốn Phật môn, dắt nhau trở lại nơi chốn núi rừng hoang vắng, kết duyên vợ chồng, sanh con đẻ cháu. Riêng cô nàng Mi Mi vẫn quyết ở lại với đời sống nâu sòng:

Tháng ngày cuộc sống tương chao,
Vui câu kinh kệ, nương vào thiền môn.

     Nàng khuyển nầy nhu mì như một thục nữ, khi ăn cô thường nhường nhịn các cô chú khuyển khác. Mi Mi không cắn phá đồ đạc trong tu viện, tuyệt đối không bao giờ vào Tăng phòng, cô chỉ quanh quẩnở hiên chùa và chỉ đến trước cửa chánh điện trong những giờ hành thiền hoặc để nghe thuyết giảngkinh kệ. Đặc biệt hơn nữa, hằng tháng cứ hai lần cô nàng tự mình ra suối tắm rửa. Quí  độc giả nào muốn biết rõ hơn về các cô cậu sói nầy có thể thỉnh vấn thầy Tịnh Từ hoặc hỏi các đạo hữu thường đến tu học tại tu viện Kim Sơn.

    Ngọn Cửu Hoa sơn thuộc tỉnh An Huy bên Trung quốc có một ngôi chùa cổ. Ngày nay, theo tương truyền, Phật tử gọi nơi nầy là đạo tràng của ngài ĐịaTạng Vương Bồ Tát. Câu chuyện của Ngài đươc ghi lại trong Cao Tăng truyện và Thần Tăng truyện.

    Ngài Địa Tạng vương, theo truyền thuyết có một kiếp đã thị hiện làm thái tử Kim Kiều Giác con vua xứ Tân La thuộc miền trung bộ nước Triều Tiên. Thuở thiếu thời, thái tử rất ham mộ đạo Phật, ngài tìm hiểu kinh điển Phật giáo rất chuyên tâm. Năm hai mươi bốn tuổi, thái tử từ bỏ ngai vàng, quyết chí theo đuổi hạnh đầu đà, ngài lấy pháp danh Địa Tạng. Từ đó tỳ kheo ĐịaTạng cùng với chú khuyển tên Thiện Thính vân du khắp nơi để học hỏi giáo Pháp Phật đà.

    Thiện Thính có một tai vểnh lên, một tai cụp xuống, người dân Trung Hoa tin rằng Thiện Thính dùng tai vểnh lên để lắng nghe Pháp âm của mười phương chư Phật và tai cụp xuống để nghe tiếng kêu cứukhổ của chúng sinh nơi cỏi A tỳ đặng cùng chư Phật ra tay cứu độ. Tỳ Kheo Địa Tạng nhận thấy Trung quốc có nhiều cao Tăng, nhiều kinh điển rất cần cho việc tu học của mình. Ngài đã cùng với khuyển bộc Thiện Thính rời nước ra đi về nơi mình ao ước. Đến vùng Cửu Hoa Sơn,  ngài thấy nơi nầy thích hợpcho việc tu học nên đã cất nơi đây một thảo am. Chú khuyển Thiện Thính vừa là đệ tử, vừa là một cận vệ đắc lực cho ngài nơi chốn núi rừng hoang vắng nầy.

    Một hôm có ông trưởng giả tên Văn Các cùng toán gia nhân du hành, dã trại vào chốn rừng sâu, núi thẩm, trưởng lão phát hiện ra thảo am của Ngài bèn ghé vào hỏi chuyện. Hai bên chủ khách cùng nhau trao đổi về Phật Pháp rất tương đắc. Văn Các rất vui mừng vì đã gặp được cao tăng. Ông phát tâmdâng đất cúng dường Tam Bảo. Trưởng lão bạch cùng Tỳ kheo Địa Tạng cần bao nhiêu đất để xây được  ngôi chùa, ngài lấy chiếc áo cà sa đang mang bên mình nói rằng chỉ bằng chiếc  áo nầy là đủ. Nhưng khi được tung lên không trung, bóng râm của nó bao trùm cả một vùng đất rộng bao la của ngọn Cửu Hoa sơn. Trưởng Lão Văn Các y lời cúng dường  vùng đất ấy, ông còn kêu gọi khách thập phươngcúng dường thêm tịnh tài để việc xây dựng ngôi bửu điện sớm được hoàn thành.

    Tỳ kheo Đại Tạng trú trì tại ngôi  chùa nầy được 75 năm thì viên tịch, với đức độ cao cả, hạnh nguyệnbồ tát thâm sâu của Ngài trong việc hoằng hóa độ sanh nên dân chúng tin tưởng rằng Ngài chính là hóa thân của Địa Tạng Vương Bồ Tát. Chú khuyển được người dân nơi đây tôn gọi là linh khuyển Thiện Thính.. Ngày nay tại một số ngôi chùa người Hoa, các tôn tượng hoặc tranh vẻ về ngài Địa Tạng Vương Bồ Tát thường thấy thêm một ông lão và một nhà sư trẻ, người đứng bên phải, người đứng bên trái, chú khuyển một tai cụp, một tai vểnh nằm phủ phục bên dưới. Ông lão chính là Văn Các, nhà sư trẻ là con của ông, trưởng lão cho theo làm đệ tử ngài Địa Tạng có pháp hiệu là Đạo Minh còn chú khuyển chính là linh khuyển Thiện Thính. Các nhân vật trong chuyện chính là những hộ pháp đắc lực của ngài Địa Tạng Vương Bồ Tát.

  

Câu truyện về chú khuyển tên Hachiko, đã xẩy ra ở một xứ mà cứ mỗi độ xuân về hoa anh đào nở rộ khắp nơi nơi, với ngọn Phú sĩ sơn trên đỉnh tuyết phủ trắng xóa càng làm tăng thêm cảnh đẹp của đất nước nầy. Chú khuyển Hachiko lông màu trắng chào đời vào tháng 11 năm 1923 tại một nông trại thuộc tỉnh Akita, nước Nhật. Hachiko bị lạc chủ, được giáo sư  Ueno Eizaburo đem về nuôi. Gia đình giáo sư  không có con trai, Ueno xem chú khuyển như con trai của mình, ngược lại Hachiko cũng rất thương mến chủ . Tình cảm đó đã được biểu hiện qua hình ảnh, cứ mỗi sáng Hachiko thường đưa tiển giáo sư Ueno đi dạy, chú khuyển cùng chủ đi bộ đến nhà ga Shibuya cách nhà không xa để giáo sư đáp chuyến tàu lửa đến trường Đại Học Hoàng Gia ở Tokyo ( nay là Trường Đại Học Tokyo ). Hachiko đợi đến khi Ueno vào sân ga, khuất bóng trong dòng người đông đảo để lên tàu,  chú khuyển mới chịu quay gót về nhà, rồi khoảng 3 giờ chiều chú khuyển lại đến nhà ga đón giáo sư. Sự việc đưa đón đó cứ tiếp diễn từ ngày nầy qua tháng nọ…Nhưng rồi câu chuyện đau buồn đã xẫy đến cho Hachiko, buổi chiều  ngày 12 tháng 5 năm 1925 như thường lệ, chú khuyển đến  ga Shibuya để đón giáo sư Ueno. Nhiều chuyến tàu đến rồi lại đi, song người chủ thân yêu của chú vẫn biệt tăm, Hachiko linh cảm rằng giáo sư gặp điều chẳng lành. Thật vậy Ueno Eizaburo bị đột quỵ vì tai biến mạch máu não, nên qua đời nơi mình đang dạy. Trời chiều nhạt nắng, 3 giờ trôi qua khá lâu song chú khuyển đáng thương vẫn đứng chờ cho đến khi màn đêm buông xuống, Hachiko buồn bả quay góttrở về. Ngày lại ngày chú khuyển nhỏ bé vẫn không nản chí, cứ đến 3 giờ chiều Hachiko lại đến sân ga đón chủ rồi lại về không. Sự hiện diện thường ngày của Hachiko tại ga Shibuya khiến những người hiểu chuyện đều mến mộ, cảm thương cho lòng trung thành của chú . Người dân nơi khu vực sân ga đã cho Hachiko ăn uống, xoa đầu chú một cách trìu mến. Ngày tháng lặng lẽ trôi qua, tuổi đời chồng chất, giờ đây Hachiko đã già yếu, bệnh tật nhưng chú vẫn chiều chiều đến sân ga đợi chủ. Vào ngày 8 tháng 5 năm 1935, người dân nơi đây thấy Hachiko nằm chết ngay chính chỗ hằng ngày chú đứng đợi chủ. Sự ra đi của Hachiko đã để lại bao yêu thương, mến mộ về lòng trung nghĩa của chú. Báo chí loan tin ngày mất của chú, người dân quanh vùng quyên góp tiền đúc tượng bằng đồng đặt chính nơi Hachiko thường ngày đến đợi chủ, cửa sân ga nơi  chú đúng đợi được gọi là cửa ga Hachiko. Không những thế bưu điện phát hành tem in  hình Hachiko. Tại công viên trường đại học Tokyo có đặt bức tượng chú đang vui đùa cùng giáo sư Ueno Eizaburo.

    Tính từ ngày Hachiko chào đời cho đến ngày chú mất, Hachiko gần tròn 12 tuổi, trong khoản thời gianđó Hachiko đã mất 10 năm vô vọng, mỏi mòn chờ đợi chủ. Sự kiện nầy khiến kẻ viết nhớ đến mấy câu thơ nói về “  sân ga và con tàu “ mà mình đã tình cờ đọc được, nhưng không biết  tác giả là ai:

Hai con đường sắt song song,
Cùng chung một hướng mà không giao đầu.
Sân ga nằm đợi con tàu,
Tàu đi, đi mãi bỏ sầu sân ga.

Thiết nghĩ, con tàu dù rời bỏ sân ga để viễn hành về những vùng đất lạ, nhưng cũng có ngày trở lại bến ga xưa. Người chủ của chú thì ra đi không bao giờ trở lại, nhưng chú vẫn quyết chí, kiên trì ngày lại ngày đứng chờ đợi chủ nhân. Ôi thật khâm phục, ngưỡng mộ thay cho tình cảm và sự trung nghĩa mà Hachiko đã dành cho giáo sư Ueno Eizaburo.

    Khi đề cập đến dòng họ khuyển, chúng ta có rất nhiều truyện kể, nhiều nhà văn viết thành sách, nhiều đạo diễn quay thành phim để nói đến sự trung thành, tận tụy giúp ích cho loài người của giống vật dễ thương nầy, như câu chuyện kể một chú khuyển đã cứu chủ bị nạn khi thám hiểm trên vùng núi cao đầy tuyết đến nơi cấp cứu an toàn. Một câu chuyện khác nói về một chú khuyển theo chủ sống giang hồlang bạt để tìm vàng, khi ấy nước Mỹ vẫn còn là xứ sở của người Da đỏ. Chủ của chú khuyển nầy đã vào vùng cấm địa nên bị người Da đỏ giết. Chú đã ở bên xác chủ kêu gào thảm thiết, với hai đôi chân, trước kia chú đã kéo xe chở chủ về miền viễn Tây, đã có lần giúp chủ một số vốn bằng một cuộc chạy đua kéo xe trượt tuyết chở nặng khoản mấy trăm pound. Giờ đây cũng với hai đôi chân ấy, chú đào huyệt chôn chủ, và cũng từ đấy người ta đã không còn thấy bóng dáng chú đâu nữa. Nhân loại còn dùng loài khuyển  trong nhiều lãnh vực. Trong ngành cảnh sát, quân đội, người ta huấn luyện chúng khuyển thành đội ngũ để truy tìm kẻ địch ẩn núp ở những nơi bí mật, cứu hộ những người bị động đất, thiên tai, tìm những kẻ tội phạm hay  những nơi cất dấu ma túy…

    Nhằm mục đích phục vụ nhân loại, trong lãnh vực nghiên cứu về y học, thám hiểm không gian, con người tỏ ra khá tàn nhẫn đối với những con vật hiền lành, đầy trung nghĩa mà chúng ta xem như những người bạn thân thiết, song lại đem chúng làm vật thí nghiệm. Vào ngày 4 tháng 10 năm 1957 Liên BangXô Viết là nước đầu tiên đã phóng phi thuyền Sputnik 1 vào vũ trụ.  Háo hức với thành tựu đã đạt, một tháng sau, ngày 3 tháng 11 năm 1957 Liên Bang Nga lại tiếp tục phóng thêm phi thuyền Sputnik 2 có trọng lượng, kíck cở lớn hơn, mặc dầu thiết bi trên phi thuyền chưa được hoàn chỉnh để có thể mang theo  một sinh vật sống vào vũ trụ, nhưng nhằm kiểm tra mức độ an toàn cho con người du hành vào vũ trụ trong tương lai, Nikita Khrushchev vẫn ra lệnh  mang theo một chú khuyển vào quỷ đạo. Lệnh ra cách ngày phóng phi thuyền chỉ trước 1 tuần. Các thành viên trong tổ gôm bắt các động vật đã vội vả tìm bắt các cô chú khuyển hoang sống quanh vùng Moscow. Có thể vì thể lực cộng thêm tính hiền lành, dể dạy nên cô khuyển Laika được chọn làm vị khách, một sinh vật sống đầu tiên du hành vào vũ trụ. Để thích nghi với môi trường sống trong phi thuyền, các khoa học gia tập luyện để Laika dần dần chịu đựngđược sự tăng tốc của phi thuyền trong quá trình bay vào quỷ đạo, chịu đựng được khi sống trong môi trường không gian  không trọng lực, ngoài ra cô nàng còn phải dùng thức ăn chế biến thành chất lỏng, những thức ăn nầy  được dùng cho các phi hành gia trong tương lai khi bay vào vũ trụ. Để tránh việc Laika đi lung tung trong phi thuyền, người ta đã xích cô nàng trong chiếc lồng lúc đầu tương đối rộng, sau dần dần hẹp lần. Ngoài ra các khoa học gia không gian còn gắn một thiết bị cảm biến trên thân  của Laika, một camara ở trước cửa ca bin, thiết bị nầy sẽ truyền về trái đất những sự cố xãy ra trên phi thuyền mà Laika gặp phải.  Đúng ngày đã định, tại sân bay Baikonur phi thuyền Sputnik 2 được phóng đi. Truyền thông Xô Viết loan tin Laika đã chu du trong vũ trụ ở độ cao 1600 km so với mặt đất trong 7 ngày, cô đã dùng buổi ăn tối cuối cùng, rồi chết một cách bình an, nhưng sự thật đã không xãy ra như thế. Vào năm 2002, một nhân viên Sở nghiên cứu y học sinh vật ở Nga là bác sĩ Dimitri Malasheukov, người đã tham gia việc phóng phi thuyền Sputnik 2 cho biết cô nàng Laika đã chết khoản vài giờ sau khi phi thuyền được phóng đi. Tại trạm quan sát, các khoa học gia nhìn thấy nhịp tim Laika tăng gấp 3 lần bình thường và giảm mạnh ở vị thế không trọng lực, sức nóng trong ca bin tăng dần bởi hệ thống quạt giảm nhiệt bị hỏng. Khoản 5 tiếng đồng hồ sau khi phi thuyền phóng đi, thiết bị cảm biến mất liên lạc với trạm kiểm soát trái đất, đó cũng chính là thời điểm cô nàng Laika chết  trong nổi sợ hải tột cùng vì sức nóng. Sau 163 ngày bay quanh quỷ đạo, ngày 14 tháng 4 năm 1958 Sputnik 2 trở trái đất, phi thuyền bị bốc cháy thành một khối cầu lửa trong bầu khí quyển, thân xác Laika bị thiêu đốt cùng con tàu trước khi rơi xuống đại dương .

    Nhằm biết được chính xác dịch vị trong dạ dày con người tiết ra như thế nào? Nhà bác học người Nga, bác sĩ Pavlov ( 1849 – 1936 ) đã thực hiện một thí nghiệm như sau: ông cho chú khuyển ăn vào một giờ nhất định. Mỗi lần đến giờ ăn ông rung chuông, chú khuyển chạy vào ăn phần thức ăn dành cho mình. Pavlov quan sát thấy trong dạ dày chú tiết ra chất dịch vị làm tiêu hóa thúc ăn. Bước thứ hai ông  cắt đứt thực quản của chú. Đến giờ, ông lại rung chuông, chú khuyển chạy vào ăn phần ăn của mình, nhưng thực phẩm không vào dạ dày được.Bác sĩ Pavlov quan sát thấy dịch vị vẫn tiết ra trong bao tử. Khoa học gia nầy đưa đến kết luận, dịch vị trong dạ dày tiết ra là do phản xạ tự nhiên có điều kiện. Trong các đoàn xiếc, người ta luyện tập cho các con thú một động tác duy nhất nào đó trong một thời gian dài để động tác đó trở thành phản xạ tự nhiên có điều kiện, rồi dùng chúng để diễn trò thu tiền người xem.

    Hằng năm, có khoản 61.000 cô, chú khuyển bị nhốt trong các phòng thí nghiệm ở trên toàn nước Mỹ, đa phần các chú khuyển bị chích mầm bệnh loạn dưỡng cơ ở nhiều dạng khác nhau,  khi mắc phải bệnh nầy, thân thể rất đau đớn, các cơ bắp dần dần bị teo. Các động vật nầy hằng ngày bị những cơn đau dằn vặt, song phương pháp trị liệu cho loài người vẫn không đem lại kết quả ( nguồn từ PETA  ).  Những người yêu động vật, thiết nghĩ đã đến lúc chúng ta nên dùng phương thức thí nghiệm khác để tránh sự đau đớn, ngược đãi của loài người đã dành cho những người bạn đáng thương nầy.

    Trong bài thơ “ Những bóng hình trên sân ga “  thi sĩ Nguyễn Bính diễn tả  những cuộc tiễn đưa, hoặc chờ đón người thân. Những hoạt cảnh nầy,  họ có thể là đôi tình nhân, người bạn đời, anh em trong gia đình…Hình ảnh nhộn nhịp trong sân ga, có cảnh, người ta vui mừng hớn hở vì gặp lại người thân sau nhiều ngày xa cách, cũng có cảnh lệ thấm bờ mi,  bởi con tàu chở người tình rời khỏi sân ga. Một hoạt cảnh khác khác khiến lòng  người bồi hồi rung động , vương vấn mãi không nguôi :

Có lần tôi thấy một bà già,
Đưa tiễn con đi trấn ải xa
Tàu chạy lâu rồi bà vẫn đứng
Lưng còng, đổ bóng xuống sân ga

Còn tình cảm nào hơn tình mẹ con. Hình ảnh người mẹ đã già nua, mắt đã mờ, lưng  còng, chân đã yếu, người mẹ vẫn đứng, rõi mắt nhìn theo hướng tàu đi, nhưng con  tàu đã rời bến khá lâu, mang theongười con thân thương về miền biên ải, ôi có hoạt cảnh nào cảm động bằng. Hình ảnh nầy khiến người viết liên tưởng đến chú khuyển Hachiko đã chờ chủ ròng rã 10 năm rồi chết đi trong nổi buồn vô vọng. Thiết nghĩ cho cùng tình cảm của những động vật hữu tình có khác chi tình cảm của loài người.

   Từ những mẫu chuyện viết về các cô chú khuyển, khi quí độc giả đã xem qua. Kẻ viết hy vọng rằng những vị nào lâu nay có quan niệm rằng loài động vật sinh ra là để nuôi dưỡng, phục vụ con người sẽ có cái nhìn khác hơn về giống vật hiền lành trung nghĩa nầy, những ai đã có lòng yêu mến động vât thì càng thương mến chúng  hơn.

Thư Viện Hoa Sen

https://thuvienhoasen.org/a29284/nam-tuat-noi-chuyen-khuyen


Âm lịch

Ảnh đẹp