
Chư Tăng Hàn Quốc - Ảnh chỉ mang tính minh họa
Hàn Quốc hiện đại không phải là một quốc gia chủ yếu theo Phật giáo,
nhưng quốc gia này đã thực hành và nuôi dưỡng danh tiếng Phật giáo của riêng
mình trong hơn 1.700 năm sau khi được truyền bá từ Trung Quốc. So với Phật giáo
ở các nước châu Á khác như Tây Tạng, Nhật Bản hay Trung Quốc, Phật giáo Hàn
Quốc phần lớn vẫn còn tồn tại khá mạnh ở trong nước.
Một số người trong cuộc đang lo lắng rằng vụ bê bối mới đây nhất có thể
sẽ làm hỏng hình ảnh của Phật giáo Hàn Quốc và làm tổn thương đến sự hiện diện
quốc tế khiêm tốn của nó.
"Câu chuyện về các nhà sư tham gia cờ bạc đã được thông báo rộng
rãi trên các phương tiện truyền thông ở phương Tây", Robert Buswell, một
học giả nổi tiếng về Phật giáo Hàn Quốc nói với tờ The Korea Times. Buswell
hiện giữ chức danh giáo sư ngành nghiên cứu Phật học tại Đại học California,
Los Angeles, và là giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Phật học tại trường đại học
này.
Một đoạn video được tiết lộ vào ngày 20-4 được cho là nhóm người đánh
bạc, uống rượu và hút thuốc lá trong một khách sạn ở trong nước được
cho là tu sĩ của tông
Tào Khê.
Kể từ đó, các hãng tin quốc tế lớn như BBC, ABC và Wall Street Journal, …
đã
thông báo sự việc trên với nhiều tiêu đề đáng xấu hổ như "Các nhà sư chè
chén bị bắt trên máy quay".
Toàn cầu hóa Phật giáo Hàn Quốc là một nỗ lực tương đối mới. Trước đây
việc thực hành truyền thống này phần nhiều vẫn bị cô lập mãi cho đến khi các nhà
truyền giáo tiên phong như thiền sư Seung Sahn (1927-2004) bắt tay vào việc
truyền bá trong những năm 1980 và 1990 đặc biệt là tại Hoa Kỳ bằng cách thành
lập các Trung tâm Thiền Hàn Quốc. Một chương trình của tông Tào Khê đã được
thành lập ở New York vào tháng 9-2011 nhằm quản lý 30 ngôi chùa Hàn Quốc ở các
khu vực thuộc New York và New Jersey.
"Điều đó đã để lại một ấn tượng khủng khiếp ở nước ngoài về Phật
giáo Hàn Quốc và có thể sẽ làm suy yếu các nỗ lực quan trọng của tông Tào Khê
đã đạt được trong những năm gần đây trong sự nghiệp toàn cầu hoá Phật giáo Hàn
Quốc" - giáo sư Buswell cho biết.
Trong hơn một thập kỷ qua, sự phổ biến của Phật giáo đã biến Phật giáo Hàn
Quốc gần gũi hơn với cuộc sống hàng ngày, ngay cả đối với những người không
phải Phật tử và không phải người Hàn Quốc. Các khóa thiền, yoga hoặc các chương
trình giải trí ở chùa là một tập quán quen thuộc trong cuộc sống của nhiều
người ở trong và bên ngoài Hàn Quốc.
Tuy nhiên, công chúng Hàn Quốc nói chung vẫn còn không hài lòng khi thấy
các tu sĩ Phật giáo thường xuyên có các hành vi không xứng đáng, theo
cách nghĩ của riêng họ, như gọi điện thoại, ăn uống nơi công cộng và lái xe ô
tô đắt tiền được mua từ các khoản đóng góp từ các tín hữu.
"Người dân không chấp nhận một nhà sư tham lam nào làm ô uế danh
tiếng của hàng ngàn Tăng Ni tông Tào Khê, những người có đầy đủ đạo đức và
nghiêm túc trong hành vi của mình. Tôi đã biết nhiều về danh tiếng của các tăng
ni tông Tào Khê hơn 40 năm qua và tôi đã không bao giờ thấy một ai giống như
các tu sĩ được hiển thị trong đoạn video đó", Giáo sư Buswell nói.
Có thể gần đây người ta rất ít khi thấy các nhà sư ở các nước khác bị
chú ý bởi các phương tiện truyền thông quốc tế với những hành vi sai trái nên
sự cố gần đây có thể làm người ta hiểu rằng các nhà sư Phật giáo Hàn Quốc tham
nhũng hơn những nhà sư khác.
Giáo sư Buswell cho biết: "Các tông phái tôn giáo tất nhiên cũng là
những tổ chức xã hội và cũng giống như bất kỳ tổ chức nào cũng có thể có nhiều
loại người, bao gồm người tốt và người chưa tốt. Câu hỏi đặt ra là làm thế nào
để giải quyết các kiểu ứng xử không tốt khi được phát hiện”.
Ở Hàn Quốc hiện có khoảng 12 triệu người là Phật tử. Trong 25 tông phái
Phật giáo, Tông Tào Khê là lớn nhất, sở hữu các ngôi chùa lớn trên toàn quốc.
Một số chuyên gia cho rằng cần phải tìm hiểu lý do đằng sau sự xuất hiện
lặp đi lặp lại của các vụ bê bối liên quan đến các tu sĩ Phật giáo.
"Về cơ bản, vụ bê bối này chỉ là sự phản ánh của cuộc đấu tranh
quyền lực giữa các phe phái của các nhà sư ở cấp quản lí của tông Tào
Khê", Chun Ock-bae, giám đốc Viện Dịch thuật Phật giáo Anh ngữ, cho biết
trong một cuộc phỏng vấn qua điện thoại. "Những kẻ gây rối chỉ là một phần
rất nhỏ trong giới tu sĩ".
Một số nhà phê bình đã đặt vấn đề về sự minh bạch tài chính của một số
ngôi chùa lớn có liên quan trong vụ bê bối như chùa Tào Khê ở trung tâm Seoul. Không có cách nào
giám sát các khoản đóng góp từ các tín hữu được chi tiêu tại các ngôi chùa.
"Các ngôi chùa Phật giáo không giống với các thánh đường tôn giáo
khác là có thể thực thi quyền tài chính một cách trực tiếp", ông Chun nói.
Ngoài ra còn có vấn đề về trình độ của một số nhà sư tham gia vào tông
phái này trong những năm 1980, khi Hàn Quốc trải qua giai đoạn bất ổn chính
trị. Đó là thế hệ các nhà sư hiện đang lãnh đạo tông phái này.
Lãnh đạo tông Tào Khê đã phải đối mặt với những chỉ trích nặng nề từ vụ
bê bối trên. HT.Jaseung, lãnh đạo tông Tào Khê, đã công bố lời xin lỗi bằng
văn bản. Nhưng công chúng vẫn còn hoài nghi về nạn tham nhũng hiện đang ăn sâu
tận gốc rễ trong tông phái này một cách nghiêm trọng.
"Một số nhà sư lớn tuổi trong vị trí lãnh đạo của tông Tào Khê đã
được thụ phong bất chấp sự thiếu trình độ thích hợp và các tiêu chuẩn đạo
đức", Kim Eung-cheol, một giáo sư tại Đại học Tăng già Joong-Ang nói.
Chính phủ đã giữ im lặng về hành vi tham nhũng trong lĩnh vực tôn giáo.
"Chúng ta không thể bình luận về những điều như vậy. Chính phủ có
thể rất cố gắng để mang lại sự hòa hợp giữa các tôn giáo. Nhưng vấn đề đã xảy
ra như vầy, Chính phủ phải có trách nhiệm xử lí theo cách riêng của mình",
Jae-kyung, một quan chức về các vấn đề tôn giáo tại Bộ văn hóa cho biết.