Liên minh các nhà khảo cổ A-rập kêu gọi Chính
phủ lâm thời Ai Cập hành động 'cứu' các tượng đài và cổ vật sau khi một
số khu nhà lưu giữ các tác phẩm nghệ thuật và bảo tàng ở nước này bị
cướp phá trong các cuộc biểu tình và bạo loạn, khiến nhiều di sản văn
hóa của nền văn minh cổ đại bị đe dọa nghiêm trọng. Hơn 3.000 nhà khảo
cổ A-rập đã họp khẩn cấp nhằm thảo luận các biện pháp bảo vệ các bức
tượng Ai Cập. Cựu Trưởng Hội đồng tối cao các di tích cổ của Ai Cập
A.H.Nua cho biết, các di tích văn hóa và lịch sử ở nước này phải đối mặt
tình trạng bị ăn cắp. Khoảng 70 cổ vật, trong đó có hai chiếc đầu của
xác ướp Ai Cập bị phá hủy. Trong số 18 cổ vật bị đánh cắp từ Bảo tàng
quốc gia, có 11 bức tượng Shabti bằng gỗ và bức tượng Akhenaton bằng đá
vôi, một trong những cổ vật quan trọng nhất của bảo tàng. Trong khi đó,
các khu khảo cổ của Ai Cập cũng bị đe dọa. Người đứng đầu Di tích cổ Ai
Cập Ha-oát đã đưa ra một danh sách dài, trong đó liệt kê các di tích bị
cướp phá trong các cuộc bạo loạn vừa qua. Những kẻ ăn cắp đã xâm nhập
các khu bảo tồn và hầm mộ ở các khu di tích Sa-ca-ra, Ða-sua, Ghi-da,
A-bu-si, trong số các cổ vật bị đánh cắp có các bản khắc chữ quý giá.
Một hầm mộ quan trọng của đế chế thứ 19 ở Ten En Ma-xcu-ta, gần
I-xmai-li-a cũng bị phá hủy. Theo Giám đốc Viện Griffith thuộc Ðại học
Ô-xpho G. Ma-kếch (Anh), số lượng cổ vật bị đánh cắp và bị tàn phá trong
các cuộc bạo loạn vừa qua ở Ai Cập rất lớn. Nhiều cổ vật đã bị đưa ra
bán ở chợ đen và 'tuồn' ra nước ngoài.
Là nơi hội tụ của các nền
văn minh vùng Ðịa Trung Hải, di sản văn hóa ở Li-bi vô cùng phong phú.
Căng thẳng leo thang ở nước này đang đe dọa các di tích cổ, nhất là kể
từ sau khi các nhà khảo cổ nước ngoài làm việc tại Li-bi đã rời khỏi
nước này từ hôm 26-2. Năm Di sản thế giới của Li-bi gồm: kiến trúc La
Mã Leptis Magna, một thành phố tàn tích của Ðế chế La Mã nằm bên bờ biển
cách Thủ đô Tơ-ri-pô-li khoảng 130 km về phía đông; khu di tích cổ Hy
LạpCyrene; cảng Sabratha thời Phê-ni-xi; vùng núi Acacus ở sa mạc
Xa-ha-ra và thị trấn cổ Ghadames, một thành phố ốc đảo của người La Mã,
người Béc-be và văn minh đế chế Bi-dăng-tin. Di sản Leptis Magna nổi
tiếng, là nơi ghi dấu Hoàng đế X.Xê-vê-rút-xơ, với nhà hát, nhà tắm lát
đá cẩm thạch, đường phố có những hàng cột và La Mã hoàng cung, được coi
là 'báu vật' của vương triều La Mã. Tất cả những giá trị văn hóa này
đều đang đứng trước nguy cơ bị xâm hại bởi các cuộc xung đột và tiến
công quân sự ở Li-bi.
Ðược cảnh báo về nguy cơ các di sản bị phá
hủy, trộm cắp cổ vật tại các bảo tàng, khu di tích... ở khu vực Bắc Phi,
Tổng Giám đốc UNESCO I. Bô-cô-va đã triệu tập hội nghị khẩn cấp các
chuyên gia và cá nhân trong lĩnh vực bảo tồn di sản văn hóa nhân loại để
tìm giải pháp bảo đảm an toàn cho các di sản văn hóa tại các nơi xảy ra
xung đột. UNESCO kêu gọi các đối tác, các chính phủ, các tổ chức xã hội
dân sự và phi chính phủ nỗ lực bảo vệ các di sản văn hóa nhân loại tại
các nước này ở Trung Ðông và Bắc Phi như Ai Cập, Tuy-ni-di và Li-bi. Các
nhóm chuyên gia sẽ được UNESCO phái tới các nước này để đánh giá nhu
cầu trợ giúp, ngăn chặn nạn buôn bán bất hợp pháp các di sản văn hóa và
xây dựng kế hoạch hành động toàn diện. UNESCO cũng gửi đến thế hệ trẻ
các nước này thông điệp nhấn mạnh, các di sản văn hóa gắn với bản sắc
dân tộc, đồng thời là nhân tố quan trọng thúc đẩy dân chủ và tăng cường
giao lưu giữa các nền văn hóa. Bà Bô-cô-va cho biết, UNESCO sẽ phối hợp
chặt chẽ với các tổ chức như Trung tâm quốc tế nghiên cứu duy trì và
khôi phục các di sản văn hóa (ICCROM), Hội đồng quốc tế các tượng đài
(ICOMOS), Hội đồng quốc tế các viện bảo tàng (ICOM), Quỹ Tượng đài thế
giới (WMF), Tổ chức Hải quan thế giới (WCO) và Tổ chức Cảnh sát hình sự
quốc tế (Interpol)... để bảo vệ các di sản văn hóa quý giá của nhân
loại.
Hà Lâm
Nguon: www.nhandan.org.vn/