Chùa Bửu Minh Gia Lai - Mobile
TIN TỨC PHẬT GIÁO THẾ GIỚI (TUẦN THỨ 1 THÁNG 12 , 2011)
24/12/2011 07:09 (GMT+7)

ANH QUỐC: Học sinh trường Redcar trải nghiệm văn hóa Phật giáo Tây Tạng

Đến từ Tu viện Tashi Lhunpo ở nam Ấn Độ, 8 nhà sư đang thực hiện những buổi sinh hoạt kết nối với Phật giáo tại Vương quốc Anh.
Và với học sinh trường Cộng đồng Redcar tại Bắc Yorshire, Anh quốc, những người sẽ học về Phật giáo vào học kỳ tới, thì đây là thời gian lý tưởng để đưa các hoạt động này đến với trường.
Tất cả học sinh đã được trải nghiệm rõ ràng một nền văn hóa mới qua những điệu múa đầy màu sắc và những buổi giao lưu thuần túy nghệ thuật. Các em đã hoàn toàn im lặng trong khi tham gia các hoạt động khác nhau, bao gồm việc in các lá cờ cầu nguyện đặc biệt, học các cụm từ Tây Tạng đơn giản và xem một điệu múa nhanh.
Giáo viên Giáo dục Tôn giáo Alex Howe của trường Redcar nói: "Học sinh không tiếp xúc với những người từ các tôn giáo khác, trừ khi ta đưa các tôn giáo ấy vào trường. Điều này cho phép các em trực tiếp khám phá mọi điều, hơn là được xem những hình ảnh trong sách". (gazettelive.co.uk - December 1, 2011)

NEPAL: Tăng ni thảo luận về biến đổi khí hậu

Tại làng Nam Mô Phật cách thủ đô Katmandu khoảng 40 km, hơn 60 tăng ni đã tập trung tại tu viện Thrangu Tashi Yangste (TTY) để tham dự 'Cuộc họp của Tu sĩ về Biến đổi Khí hậu'.
Cuộc họp diễn ra vào tháng 11 này có các đại diện của các tăng viện và ni viện tại Nepal, với mục đích thảo luận về điều họ có thể làm để giảm lượng khí thải carbon và về lý do vì sao họ cần làm như thế.
Cuộc họp là ý tưởng của tổ chức Tiểu Địa cầu Nepal (SEN), một tổ chức phi chính phủ vốn khuyến khích lối sống bền vững và việc bảo tồn.
Do việc sử dụng nhiên liệu hóa thạch cộng với dòng người đến tham quan thường xuyên, tu viện TTY thường có lượng khí thải carbon cao.
SEN đã hướng dẫn chư tăng của TTY cách nấu ăn bằng than bánh làm từ vật liệu phế thải. Ngoài ra, tu viện đã bắt đầu sử dụng các tấm năng lượng mặt trời để đun nước, thay tách trà bằng cốc đất phân hủy sinh học, tăng cường việc trồng cây và đoạn tuyệt với túi nhựa.  (ISP - December 3, 2011)


'Cuộc họp của Tu sĩ về Biến đổi Khí hậu' tại Nepal
Photo: Sudeshna Sarkar

HOA KỲ: Hai phòng triển lãm tranh mới tại Bảo tàng Mỹ thuật Boston

Boston, Massachusetts - Hai phòng triển lãm mới sẽ mở cửa tại Bảo tàng Mỹ thuật Boston (MFA) vào tháng này:
Một phòng mở vào ngày 10-12-2011 sẽ trưng bày luân phiên truyền thống hội họa phong phú của Ấn Độ, Hàn quốc, vùng Hi Mã Lạp Sơn và Ba Tư.
Phòng thứ hai sẽ triển lãm các tác phẩm điêu khắc từ Ấn Độ và các nước Nam Á lân cận và từ Đông Nam Á.
Hai phòng triển lãm mới này sẽ giới thiệu nhiều nền văn hóa của châu Á để tăng cường cho tính toàn cầu của bộ sưu tập bách khoa MFA.
Điểm nổi bật của triển lãm bao gồm các tác phẩm Phật giáo, Ấn Độ giáo và đạo Jain, trong số đó có đoạn tranh từ thế kỷ thứ 5 về Nan Đà, một đại đệ tử của Đức Phật. Đây là tác phẩm duy nhất còn sót lại từ các hang động ở Ajanta, một Di sản Thế giới UNESCO ở  miền trung Ấn Độ.
(Urban Dharma - December 4, 2011)


NHẬT BẢN: Gyoki, nhà sư lỗi lạc trong lịch sử Nhật vào thế kỷ thứ 8

Gyoki là một hòa thượng Nhật Bản sống vào thế kỷ thứ 8. Ông du hành khắp nước Nhật, gây quỹ để xây nhiều đền thờ, và cũng để xây các công trình công cộng như bệnh viện, đê điều và các hệ thống thủy lợi giúp cải thiện đáng kể cuộc sống của người dân.
Cuối cùng, ông trở thành cố vấn tinh thần của Hoàng đế Shomu, và đóng một vai trò quan trọng trong việc tạo tác pho tượng Đại Phật ở Chùa Todai (Đông Đại Tự) tại thành phố Nara. Đây là một trách nhiệm quốc gia và là sự kiện giúp đất nước đoàn kết trong sự bảo trợ của Phật giáo.
Khi viên tịch vào năm 741, Gyoki là một trong những nhà sư được tôn kính nhất của Nhật Bản và chính hoàng đế đã tôn xưng ông là một vị bồ tát sống. (Buddhist Art News - December 4, 2011)

Hòa thượng Gyoki - tượng gỗ điêu khắc vào thế kỷ 17 
Photo: artsmia.org

MÔNG CỔ: Vị lãnh đạo tinh thần mới của Mông Cổ

Mông Cổ đã công nhận ngài Jebttsundamba Khuughtus là Cao Vương (Bogd Khan) thứ 9 trong một buổi lễ ở Tu viện Gandantegchilin (tọa lạc tại thủ đô Ulaanbaatar). Là vị lãnh đạo tinh thần của Phật giáo Mông Cổ, Cao Vương thứ 9 tương đương với Đạt lai Lạt ma tại Tây Tạng.
Lễ công nhận vị Cao Vương 79 tuổi này là người đương nhiệm thứ 9 được tiến hành vào tháng trước, với kim ấn cổ truyền và các giấy chứng nhận được trao cho ngài.
Sau 87 năm không có Cao Vương, Mông Cổ đã tái lập địa vị này. Và vị Cao Vương mới phát biểu rằng việc đầu thai của mình sẽ được tìm thấy trong nước.
Các Cao Vương của Mông Cổ có từ thế kỷ thứ 16, khi Cao Vương thứ nhất Zanabazar được Ban thiền Lạt ma và Đạt lai Lạt ma của Tây Tạng vào thời ấy công nhận.
(Zimbio - December 6, 2011)

Cao Vương thứ 9 của Mông Cổ
Photo: Chris Devonshire-Ellis

Diệu Âm lược dịch

http://www.phapvan.ca

Các tin đã đăng:
Về đầu trang