Phát biểu trước hơn 2.000 người bên trong nhà thờ Saint Paul ở London
(Anh), Đức Đạt Lai Lạt Ma cho biết sẽ trích phần lớn số tiền của giải
thưởng để giúp đỡ những trẻ em bị suy dinh dưỡng ở Ấn Độ.
Cụ thể, ngài sẽ đóng góp 1,5 triệu USD giải thưởng cho Tổ chức Cứu
trợ Trẻ em Ấn Độ, một tổ chức đi đầu trong cuộc chiến chống suy dinh
dưỡng - một trong những nguyên nhân lớn nhất gây ra cái chết của trẻ em
trên toàn thế giới.
"Hy vọng thực sự của chúng ta là ở thế hệ trẻ. Nếu chúng ta biết giáo
dục đúng cách, thế hệ trẻ sẽ thay đổi cả thế giới", Đức Đạt Lai Lạt Ma
cho biết.
Đức Đạt Lai Lạt Ma cũng đã tặng 200.000 USD cho Viện Tâm linh và Sự
sống (Mind and Life Institute), một tổ chức thúc đẩy mối quan hệ chặt
chẽ giữa khoa học và tâm linh. Phần còn lại của giải thưởng sẽ tài trợ
cho các hoạt động khoa học giáo dục cho các tu sĩ Tây Tạng.
Tổ chức Cứu trợ Trẻ em nói rằng họ rất vinh dự được nhận "món quà
nhân đạo đầy hào phóng" của Đức Đạt Lai Lạt Ma và món quà này sẽ được
dùng để cứu sống "những trẻ em dễ bị tổn thương nhất” của thế giới.
Được biết, Giải thưởng Templeton, giải thưởng tiền tệ lớn nhất hàng
năm cho một cá nhân với những đóng góp trong việc khuyến khích nghiên
cứu khoa học và sự hòa hợp giữa các tôn giáo.
"Giải thưởng là một dấu hiệu công nhận cho những việc làm nhỏ bé của
tôi vì nhân loại, chủ yếu là bất bạo lực và sự thống nhất giữa các
truyền thống tôn giáo", Đức Đạt La Lạt Ma đã nói khi được trao tặng giải
thưởng.
Đức Đạt Lai Lạt Ma đã được trao giải thưởng từ ngài John M.
Templeton, Chủ tịch Quỹ John Templeton có trụ sở đặt tại Pennsylvania.
"Đức Đạt Lai Lạt Ma đã mang đến tiếng nói chung về lòng bi mẫn được
củng cố bằng tình yêu thương và sự tôn trọng đối với những nghiên cứu
khoa học có liên quan đến lĩnh vực tâm linh tập trung vào mỗi cá nhân
con người", ngài John Templeton nói khi công bố giải thưởng.
Nhà lãnh đạo tinh thần Tây Tạng là người thứ hai đoạt Giải Templeton.
Mẹ Teresa là người đã giành Giải Templeton đầu tiên vào năm 1973.
Được thành lập vào năm 1972, giải thưởng là nền tảng của những nỗ lực
quốc tế của Quỹ John Templeton với tư cách như một chất xúc tác từ
thiện cho những khám phá liên quan đến những câu hỏi lớn của con người
và các mục đích thực tại tối hậu.