Trước
tiên là thảm họa xảy ra, sau đó là hôi của - một diễn biến đã trở nên
quá quen thuộc trong những thảm họa gần đây. Trong trận lụt ở phía tây
nước Anh năm 2007, những kẻ hôi của đã đập vỡ cửa kính của những xe hơi
bị bỏ lại và cướp giật những chai nước uống cứu trợ.
Tại New Orleans
năm 2005, Chính phủ Mỹ đã phải đưa quân đội tới để giải quyết cảnh hỗn
loạn trong thành phố - các vụ đọ súng, cướp của diễn ra thường xuyên đến
độ người ta đã không cho những người tình nguyện đến hỗ trợ vì quá nguy
hiểm.
Còn ở Haiti,
cho đến bây giờ người ta vẫn còn ghi nhận các vụ hãm hiếp và cướp bóc
tại những khu vực đổ nát mà chính phủ chưa thể dọn dẹp, một năm sau khi
động đất xảy ra.
Thế nhưng tại Nhật Bản, không có ai bất chợt “để mắt” đến những đống đổ nát dù tình hình thật sự tuyệt vọng.
Tại
tỉnh Miyagi - một trong những nơi chịu ảnh hưởng nặng nề nhất của trận
động đất, người dân đang trải qua cảnh thiếu thốn lương thực và nước
uống.
“Đường
ống gas và nước đã ngừng hoạt động ở Miyagi và thành phố Sendai. Ở vài
nơi thì điện cũng không có - một nhân viên cứu hộ nói với RIA Novosti
- nhưng không có cảnh hoảng loạn trên đường phố và cửa hàng”.
CNN
ghi lại cảnh người dân đứng xếp hàng trật tự bên ngoài những cửa hàng
không còn cửa chính cũng như cửa sổ do bị trận động đất tàn phá.
Tại
một cửa hàng khác đã tan hoang vì động đất, người ta thấy một máy ATM
và nhiều thùng lương thực bên trong vẫn còn nguyên vẹn, mặc dù xung
quanh không có ai bảo vệ.
Không
hề có tình trạng đầu cơ - các siêu thị giảm giá và các chủ máy bán nước
tự động phát không nước uống cho mọi người - tất cả cùng đoàn kết để
tồn tại, tờ Telegraph ghi nhận.
“Hiện tượng” này đang gây ngạc nhiên khắp thế giới. Nhà phân tích Ed West đặt câu hỏi trên tờTelegraph:
“Tại sao không có hôi của ở Nhật Bản?”. Trang web tìm kiếm Google cho
thấy có 2.770.000 người đã đặt ra vấn đề tương tự như ông West.
“Tinh
thần đoàn kết của người Nhật thật mạnh mẽ. Sức mạnh của xã hội Nhật Bản
có lẽ gây ấn tượng còn hơn cả sức mạnh công nghệ của họ” - ông Ed West
viết trên tờ Telegraph.
Còn tổng biên tập báo Bangkok Post Pichai
Chuensuksawadi đã phải thốt lên: "Chẳng phải đã bao nhiêu lần chúng ta
thấy cảnh hôi của, cướp giật và bạo lực sau một thảm họa thiên nhiên đó
sao?".
Tinh thần tập thể cao độ
“Hôi
của đơn giản là không xảy ra ở Nhật Bản. Tôi thậm chí còn không chắc
rằng trong ngôn ngữ Nhật Bản có một từ để mô tả chính xác hành động này”
- Gregory Pflugfelder, giáo sư nghiên cứu văn hóa Nhật Bản tại Đại học Columbia (Mỹ), nhận định.
Giáo
sư Pflugfelder, người có mặt tại Nhật Bản vào thời điểm xảy ra thảm
họa, kể với CNN về những dòng người xếp hàng trật tự tại các ga tàu điện
đã đóng cửa trong nhiều giờ do thảm họa. Hiện tượng này có cội rễ từ
nền văn hóa Nhật Bản, theo ông Pflugfelder, bởi mỗi người Nhật Bản đều
cảm thấy mình có trách nhiệm trước hết là đối với xã hội. Nền tảng văn
hóa Nhật, theo ông, được xoay quanh một tinh thần cộng đồng cao độ, “có
vẻ như được phát huy còn tốt hơn ngay cả khi có thảm họa”.
“Người
Nhật tuân thủ nghiêm ngặt mệnh lệnh của cộng đồng và nhóm, bởi họ coi
đó là cách duy nhất để cân bằng nhu cầu của cá nhân” - ông Pflugfelder
phân tích.
Mặt
khác, CNN dẫn lời ông Pflugfelder, “Trật tự xã hội và kỷ luật đã được
tập thành thói quen ngay trong cuộc sống bình thường, nên người Nhật Bản
không thấy trở ngại tiếp tục thói quen này khi có thảm họa xảy ra”.
Merry White, giáo sư nhân chủng học tại Đại học Boston
(Mỹ), nói hôi của xuất phát từ sự phân hóa xã hội và khoảng cách giàu
nghèo. Xã hội Nhật Bản không phải là không có hiện tượng đó, tuy nhiên
“bạo lực và giành giật từ tay người khác đơn giản là không được chấp
nhận trong văn hóa Nhật”.
Tôn giáo
Đa số người Nhật theo Thần đạo và Phật giáo, và theo như giáo sư John Nelson thuộc Đại học San Francisco, người Nhật sử dụng tôn giáo để đối mặt với các tình huống khác nhau trong cuộc sống.
“Khi
gặp sự việc tính cực thì người Nhật tìm đến các nghi thức của Thần đạo,
nhưng khi gặp tai họa hay thảm kịch thì họ hướng về Phật giáo”, theo
ông Nelson.
Khác
với nhiều tôn giáo khác, Phật giáo và Thần đạo của người Nhật không quá
tập trung vào nguyên nhân xảy ra thảm họa mà chỉ dạy cách ứng xử của
người dân trước thảm họa.
“Đối
với người Nhật, quan trọng nhất là phản ứng một cách tích cực và kiên
trì mỗi khi đối mặt với khó khăn, điều đó phản ánh qua tôn giáo của họ” -
giáo sư Bocking thuộc Đại học Cork nói với CNN.
XUÂN TÙNG