Hiện
nay, lượng xe cá nhân (gồm ôtô và xe máy) tăng quá nhanh, trong khi
đường sá không phát triển theo kịp. Tuy nhiên, trong thời điểm này, nếu
cấm ngay xe máy là đánh thẳng vào đời sống, sinh hoạt của trên 95% người
dân. Bởi phần lớn hàng ngày họ vẫn thường xuyên lưu thông bằng xe máy.
Còn nếu hạn chế bằng việc thu phí cũng gây nhiều phản ứng.
Đây
chính là những điều nhức nhối mà chính tại Tp.HCM và Hà Nội đang gặp
phải. Trước đề xuất này cũng có nhiều giải pháp đã được thí điểm như:
phân luồng phương tiện, bịt các ngã tư, hay thu phí vào nội đô giờ cao
điểm, đổi giờ học giờ làm... Cùng với đó là việc Hà Nội đang rất lo lắng
vì phải giải quyết chỗ đậu xe sau ngày dẹp các điểm trông giữ xe tại
262 tuyến phố. Vậy làm thế nào để giải quyết các vấn đề này cho hợp lý
và thỏa đáng?
Theo
tôi, chỉ cần thực hiện “giải pháp 5x5”. Điểm mấu chốt của giải pháp này
là chỉ cần thực hiện 5 giờ cao điểm mỗi ngày và 5 ngày trong tuần (trừ
thứ 7, chủ nhật) (từ đó có tên “giải pháp 5x5”).
Tức
là vào thời gian đó, tại trung tâm thành phố, xe hơi cần “nhường” đường
cho xe máy. Bởi trong quá trình lưu thông, ôtô chiếm 55% diện tích
đường phố và 65% diện tích chỗ đỗ. Vào giờ cao điểm tại các nút giao chỉ
cần 4-5 ôtô đối đầu nhau là sẽ dẫn đến ùn tắc. Vì thế, ở các “khung
giờ” trên nên hạn chế ôtô, sau đó tiến dần đến cấm hẳn ôtô cá nhân, xe
máy ở trung tâm thành phố.
Để
bố trí liên hoàn các dịch vụ công cộng, bãi gửi xe để người dân tiện đi
lại và cuộc sống sinh hoạt không bị đảo lộn, thì hiện tại, việc tìm các
bãi đỗ xe ở trung tâm thành phố là rất khó, nhưng với khu vực cửa ngõ
thì hoàn toàn có thể triển khai. Đặc biệt, nên tận dụng trên các tuyến
đường dẫn vào vùng lõi, những vị trí thích hợp như các tuyến ven bờ
kênh, ven sông như kênh Nhiêu Lộc – Thị Nghè ở Tp.HCM và sông Tô Lịch ở
Hà Nội... Thậm chí còn cho tận dụng cả những khu đất trống chưa sử dụng
bằng cách thuê lại đất của dân hoặc vận động người dân góp đất cùng làm.
Như vậy, việc thực hiện chủ trương xã hội hóa giao thông tĩnh cũng được
giải quyết cho thành phố.
Tại
những vị trí này, dự kiến sẽ cho lắp ghép ngay những dàn đỗ xe thông
minh có độ cao chừng 10-12m, chiều ngang của dàn đỗ xe tùy thuộc vào vị
trí, tối thiểu là 50m. Một dàn đỗ xe sẽ có sức chứa ít nhất là 150 xe
ôtô con. Khi lắp được 36 tới 40 dàn đỗ xe có sức chứa khoảng 3.600 xe
hơi. Nếu vị trí có thể lắp đặt rộng và cao hơn, sức chứa từ các dàn đậu
xe nổi có thể đạt được trên 5.000 xe hơi.
Khi
đã hạn chế xe vào trung tâm, lưu lượng xe qua lại trên các tuyến cửa
ngõ sẽ không còn nhiều. Nên tại các tuyến có mặt đường rộng từ 6-12 làn
xe, có thể cho phép dành từ 2-6 làn cho việc đỗ xe có thu phí bằng cách
cho doanh nghiệp thầu dịch vụ này đầu tư mái che di động. Song, nếu sử
dụng quỹ đất để ngăn dòng xe vào trung tâm, có thể phải cần tới vài trăm
hécta mới đủ.
Vì vậy, có thể thí điểm theo
từng khu vực cụ thể, thành phố sẽ giao cho UBND các phường rà soát, vận
động người dân có nhà, đất trống lập bãi trông giữ ôtô, xe máy.
Sau
khi đã bố trí đủ chỗ cho người dân gửi xe, dừng đỗ ôtô, xe máy cá nhân,
UBND thành phố cần xây dựng các tuyến xe buýt, điểm đỗ taxi, điểm thuê
xe đạp để tạo sự kết nối liên hoàn. Đặc biệt, cần ưu tiên tổ chức các
tuyến xe buýt nhỏ, từ 18-24 ghế và các đoàn xe điện bánh hơi 12-16 ghế
chạy dọc các tuyến và vào sâu trong các khu dân cư ở khu vực trung tâm.
Với xe buýt, bố trí mật độ xe trước cách xe sau 500m, tốc độ trung bình
35 km/h; còn xe điện bánh hơi cũng phân tuyến, phân lộ trình phủ kín địa
bàn, xe trước cách xe sau 300m, lưu thông tốc độ 24km/h. Hai loại xe
này hoạt động theo ca, đảm bảo liên tục từ 6h-21h.
Lên
xe buýt hoặc xe điện bánh hơi, hành khách chỉ cần mua vé một lần trong
ngày, muốn đi bao nhiêu lần, bao nhiêu chặng, đến bất cứ điểm nào trong
khu vực trung tâm đều được. Đầu tư cho xe buýt, ngân sách không phải bù
lỗ mà chỉ hỗ trợ vốn ban đầu, các đoàn xe này sẽ được “nuôi” từ nguồn
thu tiền vé và bằng tiền do các nhà thầu bãi giữ xe máy, ôtô nộp về.
Còn
với những người ngại đi xe buýt, xe điện bánh hơi, chỉ cần cho thành
lập các tổ chức chuyên cho thuê xe đạp. Loại xe đạp chỉ dùng trong khu
vực trung tâm, ai đưa ra khỏi trung tâm sẽ bị xử lý, xe này sẽ có màu
sơn, kiểu dáng riêng để phân biệt; được sửa chữa miễn phí khi hư hỏng,
có bộ phận theo dõi, quản lý qua việc gắn chíp điện tử. Điểm cho thuê xe
được đặt ở nhiều nơi trong khu vực trung tâm và khách thuê xe đạp để đi
chỉ cần báo cho trung tâm biết là đang để xe ở đâu là có người đến thu
hồi.
Hạn chế xe
cá nhân vào trung tâm, nhưng vẫn phải đảm bảo tính công bằng với những
người có xe hơi con, xe máy nhưng có nhà ở trong khu vực này. Cách giải
quyết cũng khá đơn giản khi yêu cầu người dân thực hiện quy định đưa xe
ra khỏi trung tâm trước 6h sáng và đưa về sau 21h. Khi cần đi xa, người
dân sử dụng phương tiện công cộng ra các bãi gửi xe ở cửa ngõ lấy xe cá
nhân. Thời điểm xe buýt, xe điện bánh hơi đã ngừng lúc 21h, tiếp tục cho
những người hành nghề xe ôm, taxi, xe tải của các hãng được phép vào
trung tâm như hiện nay và phải ngừng hoạt động trước đó 6h sáng.
Về
việc vận động các xe biển số xanh (của nhà nước) cùng thực hiện “giải
pháp 5x5” thì trừ các xe công vụ đặc biệt, xe đưa đón phái đoàn... còn
người có tiêu chuẩn dùng xe hơi công nếu tự nguyện, Nhà nước sẽ trả tiền
cho họ đi taxi vào thành phố. Như vậy, vừa tiết kiệm được cả chi phí
lao động, lại tiết kiệm được 2 chiều đưa đi, đón về, đồng thời cán bộ
cũng thể hiện được sự gương mẫu, hòa đồng với quần chúng.
Với
những ý tưởng khá tổng thể qua “giải pháp 5x5”, tôi mong muốn đề án
được thí điểm triển khai tại 2 thành phố lớn là Hà Nội và Tp.HCM. Qua
đó, sẽ là tiền đề để thực hiện lộ trình từng bước hạn chế phương tiện cá
nhân trong tương lai. Qua đó, tạo sự phát triển bền vững, thúc đẩy kinh
tế-xã hội góp phần làm cho dân giàu, nước mạnh.
Nguon: http://vneconomy.vn/20120414025456509P0C9920/hien-ke-giai-bai-toan-un-tac-giao-thong-tai-cac-do-thi-lon.htm