“Hoa” mọc trên chuông ở chùa Tràng Kênh, Hải Phòng - Ảnh: Hà Minh Đức
Văn hóa hóa hiện tượng tự nhiên
TS Nguyễn Thị Minh Ngọc (Viện Nghiên cứu
tôn giáo) cho biết, hoa ưu đàm chính là “udumbara”, dịch trọn âm Hán
Việt là ưu đàm ba la. Tên hoa khi dịch nghĩa là Linh Thụy tức “Điềm lành
linh ứng”. Theo kinh Phật, loài hoa này nở để báo hiệu chuyển luân
vương hoặc một vị Phật giáng sinh.
Tuy nhiên, theo TS Ngọc có hai giả
thuyết khác nhau về việc nó nở ra sao. Một cho rằng, loài hoa chỉ nở
3.000 năm một lần. Thuyết khác lại cho rằng nó nở 12 năm một lần để báo
hiệu.
Ngoài ra, TS Ngọc cho biết kinh “Huệ Lâm Ân Nghĩa” viết rằng đây là Thiên hoa, thế gian không có loại hoa này.

Loài “hoa” được cho là hoa ưu đàm mọc tại Phú Yên - Ảnh: Nguyễn Thế Thịnh
|
Nhà nghiên cứu Champa, TS Trần Kỳ Phương
cho rằng: “Con số trong kinh Phật này mang ý nghĩa huyền thoại, tượng
trưng hơn là con số chính xác. Chính vì thế, nếu dựa vào đó mà nói đây
là loại hoa 3.000 năm mới có một lần nở thì rất khó. Trên thực tế, chúng
ta cũng không thể kiểm chứng được điều này”.
TS Trần Trọng Dương (Viện Hán Nôm) nói:
“Các con số trong nhà Phật chỉ là huyền thoại hằng ha sa số. Chúng đều
là loại số nhiều như cát sông Hằng. Về bản chất, nó chỉ là con số ước
lượng chứ không phải con số chính xác”.
“Hoa 3.000 năm mới xuất hiện cũng giống
như đào trong vườn của Tây Vương Mẫu trong Tây Du Ký mà thôi. Làm gì có
loại đào 3.000 năm mới ra hoa, 3.000 năm mới kết quả, 3.000 năm mới
chín”.
Về cách ứng xử với loại hoa huyền thoại
này, theo TS Lương Xuân Trường, Viện Xã hội học: “Đây cũng chỉ là một
hiện tượng tự nhiên trung tính, không có gì nghiêm trọng. Vì thế, không
nên thổi bùng nó lên. Người ta có thể đến xem hoa nhưng rồi hoa sẽ tàn”.
TS Trường thậm chí còn cho rằng, không
cần các nhà nghiên cứu vào cuộc. “Chỉ riêng việc nó đã nở chỗ này, chỗ
kia tới vài lần trong năm nay cũng cho thấy nó là hiện tượng bình
thường. Nên bình thản khi đánh giá nó. Hơn nữa, về nhân sinh nó cũng
không có tác động lớn đến đời sống nên những kiến nghị đến nhà khoa học
hay chính quyền chỉ là sự thổi bùng hiện tượng không cần thiết. Đây là
sự kiện tự nhiên đã được văn hóa hóa. Nên để nó tự nhiên như vậy, có thể
tin có thể không tin nhưng không cần nghiên cứu. Mình không nên đẩy nó
đi quá xa dễ gây xáo trộn”, TS Trường kết luận.
Nhiều giả thuyết
Trả lời Thanh Niên, các nhà khoa học
chuyên về di truyền, giống và côn trùng đều cho rằng, hiện chưa thể đưa
ra kết luận một cách chính xác về loài hoa được cho là “3.000 năm mới nở
một lần”. Tuy nhiên, các nhà khoa học cũng bước đầu đưa ra những giả
thuyết về hiện tượng “hoa mọc trên cửa kính, sắt thép, chuông chùa”.
TSKH Trần Duy Quý, nguyên Phó giám đốc
Viện Khoa học nông nghiệp Việt Nam, nói: “Theo quan điểm của tôi, cho
đến bây giờ chưa có tài liệu nào công bố là có loài thực vật sau 3.000
năm hoa mới nở một lần mà chỉ có trong truyền thuyết của đạo Phật mà
thôi”. Quan sát của ảnh chụp những bông hoa này do phóng viên cung cấp,
ông Quý nhận định, đó chính là trứng của một loài côn trùng thuộc nhóm
Green Lecewing. Sau khi trứng nở, côn trùng chui ra khỏi vỏ để lại vỏ
giống như một bông hoa li ti màu trắng đang nở.
TSKH Vũ Quang Côn, Chủ tịch Hội Côn
trùng học, sau khi quan sát những bông hoa đặc biệt này qua ảnh, nhận
xét: “Chưa thể khẳng định được điều gì. Tuy nhiên, trông chúng hơi giống
trứng của một loài côn trùng cánh lưới - crysôpa (còn gọi là chuồn
chuồn cỏ), một loài côn trùng ăn thịt các loài côn trùng khác”.
Theo một số nhà khoa học khác, những
bông hoa mọc trên cửa kính nhiều khả năng là quả thể nở ra của một loại
nấm kim. Các bào tử nấm theo gió bay đi khắp nơi, bám vào cửa sắt, cửa
kính, chuông chùa… gặp điều kiện độ ẩm không khí cao đã nẩy mầm và phát
triển rất nhanh. Những cây nấm này sống được là nhờ hấp thụ chất khoáng
trong không khí.
Cần nghiên cứu bài bản
Viện sĩ Trần Đình Long, Chủ tịch Hội
Giống cây trồng Việt Nam cho rằng, chưa có cơ sở khoa học để kết luận là
có loài hoa 3.000 năm mới nở một lần. “Một số nhà khoa học cho đó là
một loại nấm, số khác nhận định đó là một loại ấu trùng. Tôi cho là cần
phải tiến hành nghiên cứu một cách bài bản, dựa trên những bằng chứng
khoa học thì mới có thể đưa ra kết luận chính xác nhất, trả lời câu hỏi
đang rất thời sự này”, Viện sĩ Long nói.