Chùa Bửu Minh Gia Lai - Mobile
Ít nhất 390 người thiệt mạng, trong đó có tám người Việt
24/11/2010 10:25 (GMT+7)

SGTT.VN - Những gương mặt thất thần, những ánh mắt đỏ hoe, những thân người mệt lả… họ là thân nhân của những nạn nhân trong tai nạn thảm khốc tối 22.11 tại thủ đô Phnom Penh đang đi tìm lại xác người thân của mình được quàn tại bốn bệnh viện lớn nhất trong thành phố.

Tìm thân nhân trong số các nạn nhân thiệt mạng. Ảnh: Lam Phong

Tang tóc Phnom Penh

Ngay từ cổng bệnh viện Preah Komasak anh Nuon, cư dân của tỉnh Kandal ánh mắt đỏ hoe đang chăm chú tìm những tấm hình để nhận diện em trai mình, nhưng đã gần một ngày trôi qua, đây là bệnh viện cuối cùng anh tìm đến, nhưng vô vọng vì không có một thông tin gì về người em. Anh Nuon kể: “Tối trước, người em rủ nhau qua cầu để xem ca nhạc nhưng tôi mệt và khát nước nên không qua. Đến hơn 9 giờ tôi nghe nói cầu vào đảo Kim Cương bị sập. Đi kiếm em tôi suốt từ tối qua đến giờ ở khắp các bệnh viện nhưng không thấy…”

Sang đến bệnh viện Calmette, trên một khoảng sân rộng có ba khu lều dựng tạm, trong đó quàn các thi hài của nạn nhân. Không còn những tiếng kêu khóc thảm thiết nữa, bởi cả ngày nay những dòng nước mắt khóc thương dường như đã cạn. Bên cạnh xác người bạn sưng tấy với những vết bầm đen khiến gương mặt biến dạng, Phiek, 23 tuổi, với ánh mắt thất thần, gần như lả đi vì kiệt sức, nhưng vẫn cố mang đôi găng tay để khâm liệm cho bạn mình là Chai Spey Neat. Phiek sụt sùi nói: “Em chưa báo về cho nhà bạn em biết vì không biết phải nói gì với ba mẹ bạn ấy cả”.

Thảm hoạ qua lời kể nhân chứng

Đến chiều, vẫn có nạn nhân chưa được người nhà đến nhận. Ảnh: Lam Phong

Thời điểm xảy ra thảm hoạ, theo lời các nhân chứng, khoảng 9 giờ tối. Theo Phiek, nhóm bạn của cô gồm ba người quê ở tỉnh Kompong Cham, gần 9 giờ thì rủ nhau lên cầu sang bên kia xem trình diễn ca nhạc. Phiek kể: “Đi tới giữa cầu thì tự nhiên đám đông hỗn loạn lên, em nghe nói là cầu sắp sập, rồi bị cuốn theo dòng người ngược ra ngoài. Ở ngoài lại có đám đông khác nghe tin sập cầu thì tràn vào xem”. Ngồi bên xác chị ruột, Lihua ngụ ở tỉnh Kandal, nhớ lại thời gian xảy ra thảm hoạ: “Khoảng gần 9 giờ tối, em và chị gái đi qua cầu, bỗng có đám đông ùa ra, chị em bị vấp té, cách em khoảng 1m. Do chị em thấp bé, em xoay người lại chỉ biết đứng nhìn người khác giẫm đạp lên chị cho đến khi mất bóng”.

Lúc xảy ra sự cố, có khoảng cả ngàn người chen chúc đi từ hướng Koh Pich về Phnom Penh, theo lời phóng viên một tờ báo Campuchia, người có mặt trên một đầu cầu ngay lúc sự cố xảy ra. Nguyên nhân gây hoảng loạn, theo phóng viên này là lan truyền thông tin về việc bán đảo có khủng bố. Meah Phearom, 23 tuổi, ngụ ở tỉnh Kompong Chnang kể lại: “Em nghe nói cầu bị sập, rồi lại nghe cầu bị gãy lan can, rồi điện bị chập… chưa kịp định thần thì người ùa ra khiến em bị cuốn theo, em té xuống đất bị người ta đạp lên rồi ngất đi”. Một người bị thương kể lại, anh thấy một thanh niên trong lúc chen lấn đã đu bám vào dây văng trên cầu, bị điện giật, khiến cho đám đông hoảng loạn, bắt đầu chen lấn. Phiek xác nhận rằng, người bạn của cô chạy sau lưng, té xuống cách cô 1m nhưng cô không thể nào kéo bạn lên được. Phiek kể: “Em bị đẩy tiếp ra ngoài cho đến đoạn được cảnh sát cứu ra”. Còn Lihua nói: “Nhờ em cao lớn nên cố rướn người lên để thở trước khi được cứu ra khỏi đám đông. Em bị kẹt giữa cầu gần 15 phút mới thoát ra được, và phải đến trưa nay (trưa ngày 23 – PV) em mới nhận lại được xác chị”.

Ngồi bên mẹ, toàn thân tím bầm, Meah Phearom nhớ lại: “Khi tỉnh lại, em bị ba đến bốn người giẫm lên. Em lấy hết sức bình sinh để bò ra phía lan can cầu và may mắn được cứu. Em bò qua những xác người bị giẫm nát mặt, nằm bất động, có một người bị rách lộ cả phần ngực, xổ ruột ra ngoài”.

Thái Lan chia buồn và đề nghị hỗ trợ khẩn cấp

Ngoài thông điệp chia buồn, Chính phủ Thái Lan đã đề nghị hỗ trợ khẩn cấp ban đầu 30.000 USD cho Campuchia. Thủ tướng Abhisit Vejjajiva nói rằng, chính phủ của ông sẵn sàng giúp đỡ “những người bạn ở Campuchia”.

Chính phủ Mỹ cũng gửi lời chia buồn đến Chính phủ Campuchia. “Chúng tôi tin người dân Campuchia sẽ sát cánh bên nhau vượt qua thời gian khó khăn này”, ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton nói.

Ở phòng kế bên, Manchan Nari ngồi bên người em gái nằm bất động, chỉ mấp máy được mí mắt vì toàn thân bị đa chấn thương, trẹo quai hàm. Manchan kể lại trong ánh mắt chưa hết kinh hoàng: “Nhóm em đi tám người thì bốn người bị kẹt lại trong đám đông, ba người bạn em hay tin đã chết rồi, em gái may mắn được cứu sống sau gần 20 phút bị kẹt ở bên thành cầu”.

Cô Chan Pheak Mony, người tham gia sơ cứu cho các nạn nhân kể với phóng viên SGTT: “Hai giờ sáng tôi nhận được điện thoại của người chú là một bác sĩ đề nghị vào bệnh viện để giúp cấp cứu các nạn nhân. Ở Phnom Penh có mười bệnh viện lớn, tuy nhiên do đường sá lúc đó cũng bị tắc nghẽn vì quá nhiều người ra đường trong ngày lễ, nên người bị nạn ở Koh Pich được đưa vào bốn bệnh viện gần hiện trường nhất. Do các bệnh viện không đủ người để hỗ trợ người bị nạn nên các bác sĩ đã phải huy động một lượng tình nguyện viên đến bệnh viện”. Những người bị thương ở bệnh viện Hữu Nghị Khmer Soviet kể với Mony rằng, một trong những thông tin gây hoảng loạn là từ những người dân ngoại tỉnh đi lễ hội. Trong lúc chen lấn, những người này thấy cầu lắc lư đã doạ rằng dây văng sắp đứt.

Cũng theo lời kể của phóng viên báo địa phương, có khoảng 100 người nhảy xuống sông trong lúc chen lấn. Bà Phạm Thanh Thuỷ, chánh văn phòng hội Người Việt Nam tại Campuchia, cho biết những người thiệt mạng chủ yếu do giẫm đạp và bị rơi xuống nước.

Hơn 390 người thiệt mạng

Tìm thi hài thân nhân tại bệnh viện Preah Kossamak, Phnom Penh. Ảnh: AP

Khắp thủ đô Phnom Penh phủ một bầu không khí tang tóc, từ hơn 19 giờ, khắp các ngả đường, nhà nhà bày bàn thờ ra vỉa hè để cúng vong linh cho những nạn nhân xấu số. Con số các nạn nhân tăng dần lên từ lúc 12 giờ trưa khi chương trình truyền hình trực tiếp thông báo con số nạn nhân đã lên đến 375 người, đến 4 giờ chiều, con số nạn nhân đã lên đến hơn 390 người, một phần trong số đó là những nạn nhân nhảy vội xuống cầu trong lúc hỗn loạn do đuối sức không bơi được vào bờ nên đã chết. Con số nạn nhân có thể còn tăng lên khi nhiều người vẫn còn trong bệnh viện cấp cứu với tình trạng nguy kịch. Gia đình anh Kol Sol làm nghề chạy xe ôm ở chợ Phsar Deimek có bốn anh em, đưa ba người em ruột đi chơi, và nhận tin cả ba người em đều mất.

Đến cuối ngày 23.11, tham tán phụ trách cộng đồng của đại sứ quán Việt Nam tại Campuchia, ông Trịnh Việt Long cho phóng viên Sài Gòn Tiếp Thị biết, có tám người Việt bị thiệt mạng trong vụ tai nạn trên cầu Koh Pich, trong đó có một em bé 12 tuổi. Ngoài ra, còn có năm người Việt khác hiện đang mất tích, tám người khác bị thương. Các nạn nhân chủ yếu là người cư ngụ ở thủ đô Phnom Penh và tỉnh Kan Dal.

Theo ông Long, đại sứ quán dự kiến vào ngày 24.11 sẽ đến thăm hỏi các gia đình có người bị nạn. Ưu tiên lớn nhất hiện nay vẫn là tìm người và xác minh danh tính nạn nhân, đại sứ quán chưa có kế hoạch cụ thể về việc hỗ trợ. Hội người Việt Nam tại Campuchia cho biết, nhiều người Việt ở Campuchia đang rất lo lắng vì có con em, người thân đi dự lễ hội từ cuối tuần qua, mà đến nay không liên lạc được.

Lam Phong (từ Phnom Penh)

Có sự cộng tác của Ngọc Phúc – Mai Hương – Việt Anh – Các Ngọc – Kim Dung

Bốn triệu người đi lễ hội

Chuẩn bị đưa thi hài người thân về an táng. Ảnh: AP

Báo chí Campuchia đưa con số ước tính có đến bốn triệu người dân đổ đến Phnom Penh vào dịp Bon Om Thook.

Năm nay, người dân Phnom Penh có thêm một địa điểm để vui chơi trong dịp lễ hội là bán đảo Koh Pich, diện tích khoảng 100ha nằm bên bờ sông Tonle Sap, nối với thành phố bằng một dải đất rộng. Theo quy hoạch, bán đảo được kết nối với thành phố bằng ba cây cầu. Hai cây cầu đã hoàn thành, rộng 12m, cách nhau 500m, một là cầu dành cho người và xe đi vào bán đảo, còn lại dành cho chiều ra.

Trao đổi qua điện thoại, một phóng viên của Campuchia cho hay: có đến hàng ngàn người đổ dồn về Koh Pich vì đây là khu vui chơi mới, rất lớn, và là nơi đẹp nhất để ngắm pháo hoa. Nơi này trong tối 22.11 có chương trình ca nhạc đặc sắc với nhiều ngôi sao của Campuchia, có triển lãm băng đăng. Tai nạn đáng tiếc xảy ra trên cầu dành cho lưu thông chiều ra, được gọi là cầu Koh Pich, sau khi tình trạng tắc nghẽn và chen lấn kéo dài 4 – 5 tiếng đồng hồ trên cầu, từ 9 giờ tối 22.11 tới 1 giờ sáng ngày 23.11.

Nguon: http://sgtt.vn/Thoi-su/133378/It-nhat-390-nguoi-thiet-mang-trong-do-co-tam-nguoi-Viet.html

Các tin đã đăng:
Về đầu trang