Chùa Bửu Minh Gia Lai - Mobile
Giẫm đạp chết người ở Phnom Penh: Nỗi đau nơi cửa Phật
24/11/2010 21:19 (GMT+7)

Những cái tên này được lan truyền từ sáng 24.11, hai ngày sau thảm họa. Phóng viên SGTT tường trình từ Phnom Penh.

* UBND TPHCM gửi thư chia buồn

Đặt vòng hoa tưởng nhớ các nạn nhân của vụ giẫm đạp tại cầu treo ở khu Koh Pich, Phnom Penh sáng 24.11. Ảnh: Reuters

Các hoạt động trong khu Koh Pich đã tạm ngưng, nhiều tiệc cưới đặt tổ chức ở đây đã bị hủy. Điện thoại di động ở Campuchia những ngày này liên tục nghẽn mạch có lẽ bởi nhu cầu chia sẻ thông tin tăng đột biến. Đến sáng nay 24.11, đài CTN (Cambodian Television Network) nhận được 70.000 USD và 195 triệu ria tiền quyên góp cho nạn nhân vụ giẫm đạp chết người. Các chương trình kêu gọi quyên góp được các kênh truyền hình phát đi từ 3 giờ chiều ngày 23.11. Truyền hình Campuchia đã tường thuật trực tiếp suốt 24 giờ việc cứu nạn và khắc phục hậu quả của thảm họa kinh hoàng chưa từng thấy này. Đó cũng là cuộc tường thuật chưa từng thấy từ trước đến nay của truyền hình nước này.

Người trong một nước thì thương nhau cùng

Rất đông những tấm lòng đồng cảm, chia sẻ nỗi đau bằng việc hỗ trợ cho nạn nhân thông qua chương trình truyền hình. Ảnh: Lam Phong

Xóm người Việt trên đường 107 ở Phnom Penh sáng nay 24.11 đã tổ chức quyên góp tiền hỗ trợ các gia đình nạn nhân bị nạn trong khu phố. Xóm này có gia đình anh Kol Sol, người Campuchia mất cả ba em trai trong thảm họa. Đến trao tiền hỗ trợ cho nhà anh Kol Sol, ông Lâm – một người Việt trong xóm - kể: “Tội nghiệp, gia đình nghèo, cả bốn anh em thuê nhà sống dựa vào anh cả Kol Sol làm nghề xe ôm. Mình sống với nhau sao làm ngơ được, anh em tụi tui đã tập trung ở quán cà phê 97 để kêu gọi mọi người đóng góp cho gia đình, đưa xác ba anh em về quê an táng…”.

Người dân Phnom Penh bắt đầu bày trước cửa nhà những mâm cúng lập lòe ánh nến từ khoảng 7 giờ tối ngày 23.11. Đó là cách họ tưởng niệm và cầu nguyện cho vong linh các nạn nhân thiệt mạng trong vụ giẫm đạp chết người ở cầu Koh Pich được siêu thoát. Anh Công, một người Việt định cư ở Campuchia gần 20 năm qua, cho biết chưa bao giờ thấy một hình ảnh xúc động đến thế. Trong mâm cúng có nén nhang, đèn cầy, bát cơm, và thường có thêm một nải chuối. Giá chuối sứ ở Phnom Penh trong ngày này đã tăng nhanh chóng. Một người dân cho biết: “Buổi sáng một nải chuối sứ giá 1.500 ria, đến chiều tối lên đến trên 30.000, mà khắp các chợ vẫn không còn chuối để bán”. Trước tình hình đó, người dẫn chương trình của đài Beyond đã nói trên truyền hình, nhằm vào những người buôn chuối: “Hãy giảm giá mặt hàng này lại!”. Những nghĩa cử ấy là để bày tỏ sự chia sẻ trước mất mát của các gia đình có người bị nạn trong thảm họa.

Nỗi đau nơi cửa Phật

Thi hài Chiata và người mẹ đau khổ ở ngôi chùa Wat Kok. Ảnh: Lam Phong

Khuya ngày 23.11, chúng tôi ghé vào chùa Wat Kok, không nghe thấy tiếng khóc than, mà chỉ nhìn thấy những ánh mắt vẫn chưa hết kinh hoàng nhìn nhau trong đau xót. Bên hông chùa là quan tài với tấm ảnh thờ chụp một bé gái mặc đồng phục học sinh đang mỉm cười. Em là Chiasoch Chiata, 16 tuổi, học sinh giỏi lớp 9 của trường Bak Touk.

Bên quan tài Chiata là người mẹ đã kiệt sức sau một ngày đi tìm con. Mãi đến chiều muộn ngày 23.11, bà mới nhìn thấy con trong tấm khăn trắng toát ở bệnh viện Calmette. “Cha nó mất từ hồi nó còn nhỏ. Tôi làm ăn ở trên Siem Riep. Nó ở Phnom Penh với chú. Xem truyền hình thấy có tai nạn trên cầu Koh Pich, tôi hoảng quá vì trước đó nghe con nói là sẽ cùng chú sang Koh Pich chơi. Điện thoại cho chú nó thì hay cả hai đang mắc kẹt trên cầu, nói được vài câu thì mất liên lạc…”, mẹ Chiata kể với những người đến viếng con. Tìm thấy chú của Chiata nằm cấp cứu trong bệnh viện, bà nghe kể lại là hai chú cháu vuột tay lạc mất nhau trong đám đông trên cầu Koh Pich, rồi chú Chiata ngất đi cho đến khi được đưa vào bệnh viện. “Tôi tìm con khắp các bệnh viện, cứ cầu mong được thấy nó còn sống, vậy mà…”, bà nghẹn lời. Sân chùa lặng đi.

Những người chết bên ngoài căn nhà họ từng ở, theo phong tục Campuchia, thường được đưa vào chùa lo hậu sự trước khi an táng. Với số người thiệt mạng trong thảm họa quá lớn, hầu hết các chùa ở Phnom Penh nay đều trở thành nơi tiếp nhận thi hài người xấu số.

UBND TPHCM gửi thư chia buồn

Ngày 23.11, Chủ tịch UBND TP.HCM Lê Hoàng Quân đã gửi thư chia buồn đến Vương quốc Campuchia sau thảm hoạ kinh hoàng tại đảo Kim Cương, Phnom Penh làm 378 người thiệt mạng và hơn 700 người bị thương xảy ra vào đêm 22.11.

 Xem toàn văn thư chia buồn tại đây.

 

Khắp các ngả đường, nhà nhà bày mâm cúng cho vong linh các nạn nhân được siêu thoát. Ảnh: Lam Phong

Vị sư trẻ Som Sokha đến tận trường quay để đóng góp tiền hỗ trợ cho nạn nhân. Ảnh: Lam Phong

Trong trường quay của chương trình quyên góp trực tiếp giúp đỡ nạn nhân trên kênh truyền hình CTN. Ảnh: Lam Phong

Tiếp tục tìm kiếm nạn nhân dưới sông. Ảnh: Reuters

Lam Phong (từ Phnom Penh)

Nguon: http://sgtt.vn/Thoi-su/133392/Giam-dap-chet-nguoi-o-Phnom-Penh%C2%A0Noi-dau-noi-cua-Phat.html

Các tin đã đăng:
Về đầu trang