Chùa Bửu Minh Gia Lai - Mobile
Ban trị sự Phật giáo tỉnh Gia Lai góp ý về việc sửa đổi hiến pháp .
Ban biên tập chuabuuminh.vn
15/03/2013 18:50 (GMT+7)

GIÁO HỘI PHẬTGIÁO VIỆT NAM TỈNH GIA LAI

                          BAN TRỊ SỰ

                        ---------------

   

                   Số: 13 /VT-BTS

 

V/v Báo cáo kết quả Hội nghị góp ý sửa đổi Hiến pháp 1992

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM

           Độc lập - Tự do - Hạnh phúc

                     --------------------

 

                     Gia Lai, ngày 15 tháng 03 năm 2013

 

         Kính gởi:   - Hội Đồng Trị sự GHPGVN

                             - Văn phòng 2 TƯGH

                             

                                  

       Thực hiện tinh thần Thông tư số 005/TT/HĐTS ngày 08/1/2013 của Hội Đồng Trị Sự GHPGVN về việc Tổ chức góp ý sửa đổi Hiến pháp năm 1992 Nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam.

      Ban Thường trực Ban Trị sự GHPGVN tỉnh Gia Lai đã long trọng tổ chức Hội nghị góp ý vào lúc 14 giờ ngày 13/03/2013 tại văn phòng Ban trị sự Phật giáo tỉnh-chùa Bửu Nghiêm 54 Lý Thái Tổ Tp.Pleiku. Đến chứng minh có HT.Thích Từ Hương, HT.Thích Viên Quán, HT.Thích Thông Đạt cùng sự tham dự của Chư tôn đức Tăng Ni Ban Trị sự GHPGVN tỉnh, chư vị trụ trì các tự viện, Tăng Ni sinh trường Trung cấp Phật học tỉnh, Phật tử các chùa trong Tp.Pleiku.Về phía chính quyền có các vị đại diện cơ quan Ban Dân vận tỉnh ủy, UBMTTQVN tỉnh.

     Thông qua buổi hội nghị đóng góp ý kiến có các ý chính sau:

I- Hòa thượng Thích Tâm Tường - Trưởng ban trị sự GHPGVN tỉnh.

Góp ý:

Điều 17 (sửa đổi, bổ sung Điều 52)

          Thêm cụm từ: “đời sống tôn giáo” vào khoản 2 thành: “Không ai bị phân biệt đối xử trong đời sống chính trị, kinh tế,văn hóa, xã hội và đời sống tôn giáo.

          Giải thích:

          Vì đời sống tôn giáo là một thuật ngữ độc lập, chỉ toàn bộ đời sống, tu tập, tín ngưỡng, tư duy, nghi thức tôn giáo… của một số người về một tôn giáo, một đức tin nào đó. Không nên gọi chung chung trong thuật ngữ văn hóa hoặc xã hội được.

4. Điều 20 (sửa đổi,bổ sung Điều 51)

          Khoản 1 ghi: “Quyền công dân không tách rời nghĩa vụ công dân” như vậy là chưa hợp lý.

          Nên tách “quyền” và “nghĩa vụ”.

          Giải thích:

          Vì nghĩa vụ sẽ đi với chế tài. Nếu vì không thực hiện nghĩa vụ mà tước bỏ “ quyền” công dân sẽ không hợp lý. Hiến pháp cần phải tôn trọng quyền của con người chứ không dung chế tài để tước quyền.

6.Điều 25 (sửa đổi, bổ sung Điều 70)

           Nên thêm nội dung: Nhà nước tạo điều kiện cho các tổ chức tôn giáo hoạt động đúng theo pháp luật, hiến chương, điều lệ của các tôn giáo đã được nhà Nước cho phép theo luật định; tạo điều kiện cho các tổ chức tôn giáo tham gia chương trình xã hội hóa giáo dục, y tế, từ thiện.

10.Khoản 1 Điều 31 (sửa đổi, bổ sung Điều 74)

        Cần bổ sung quy định: Mọi người không chỉ có quyền khiếu nại, tố cáo với cơ quan Nhà nước có thẩm quyền về việc làm trái pháp luật của cơ quan, tổ chức, cá nhân mà còn có quyền khởi kiện các cơ quan, tổ chức, cá nhân này.

          Giải thích:

         Vì thực tế đã có những cá nhân, đơn vị làm trái pháp luật nhưng chưa bị khởi kiện.

 

II- Thượng tọa Thích Giác Tâm - Phó ban trị sự GHPGVN tỉnh

      Trong bản Dự thảo Hiến pháp sửa đổi, nội dung liên hệ tôn giáo được đề cập ở điều 25 (sửa đổi, bổ sung điều 70 Hiến pháp 1992).

       Hiến pháp 1992 viết:

      “Điều 70: Công dân có quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo, theo hoặc không theo một tôn giáo nào. Các tôn giáo đều bình đẳng trước pháp luật.

        Những nơi thờ tự của các tín ngưỡng, tôn giáo được pháp luật bảo hộ.

        Không ai được xâm phạm tự do tín ngưỡng, tôn giáo hoặc lợi dụng tín ngưỡng, tôn giáo để làm trái pháp luật và chính sách của Nhà nước”.

        Dự thảo Hiến pháp sửa đổi viết:

       “Điều 25 (sửa đổi, bổ sung điều 70)

         1.     Mọi người có quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo, theo hoặc không theo một tôn giáo nào. Các tôn giáo bình đẳng trước pháp luật.

         2.     Nhà nước tôn trọng và bảo đảm quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo. Nơi thờ tự của tín ngưỡng, tôn giáo được pháp luật bảo hộ.

        3.     Không ai được xâm phạm tự do tín ngưỡng, tôn giáo hoặc lợi dụng tín ngưỡng, tôn giáo để vi phạm pháp luật.

Góp ý thêm một điều:

        4.  Chức sắc lãnh đạo, tín đồ các tôn giáo tôn trọng lẫn nhau. Không vì lý do truyền đạo thu nhận tín đồ mà dùng phương pháp truyền đạo gây phản cảm, chia rẽ trong cộng đồng dân tộc. (có thể thêm ý: Nghiêm cấm cưỡng bách cải đạo dưới mọi hình thức).

III - Thượng tọa Thích Tâm Mãn - Phó ban trị sự GHPGVN tỉnh

      Điều 47 ( sửa đổi, bổ sung điều 76)

     Công dân có nghĩa vụ trung thành với Tổ quốc. Phản bội Tổ quốc là tội nặng nhất.

     Góp ý:

      Đổi từ nghĩa vụ thành tuyệt đối, bỏ chữ có.

      Công dân tuyệt đối  trung thành với Tổ quốc. Phản bội Tổ quốc là tội nặng nhất.

 

     Trên đây là một vài  ý kiến đóng góp vào Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992. Kính trình Chư tôn Giáo phẩm Trung ương lãm tường.

     Kính chúc Chư tôn Giáo phẩm Trung ương pháp thể khinh an, tuệ đăng thường chiếu.

                                         TM.BAN TRỊ SỰ GHPGVN TỈNH GIA LAI

Nơi nhận:                                                       TRƯỞNG BAN

-Như trên

-Lưu VP

                                                               HT.THÍCH TÂM TƯỜNG

 

Các tin đã đăng:
Về đầu trang