“Hiện tượng tôn giáo mới” là một trong những vấn đề thời sự của tôn giáo thế giới thế kỉ XXI. Dù rằng người ta còn phải tiếp tục trao đổi tranh luận để tìm kiếm “một định nghĩa” về nó, nhưng những kết quả nghiên cứu hai, ba thập niên gần đây của chuyên ngành Khoa học về các tôn giáo (Tôn giáo học) đã cho thấy sự hiện diện “có lí” của các hiện tượng tôn giáo mới trong đời sống tôn giáo nhân loại.
Khi bàn về nguồn gốc nảy sinh của “hiện tượng tôn giáo mới” các nhà nghiên cứu Âu - Mỹ quan tâm trước hết đến những nhóm phái có nguồn gốc từ Kitô giáo, đặc biệt là đạo Tin lành, trong đó người ta rất chú trọng đến vai trò của thuyết Cứu thế luận thiên niên kỉ. Ở châu Á, đặc biệt ở Nhật Bản, các hiện tượng tôn giáo mới lại quan tâm đến sự cứu rỗi từ các “đấng tối cao” khác.
Những biểu hiện như thế, qua khảo sát thực địa của chúng tôi, đều in dấu trong sự nảy sinh các “đạo lạ” ở Việt Nam hai thập niên gần đây. Nhưng mặt khác, qua việc nghiên cứu cụ thể các nhóm phái như thế, chúng tôi cũng nhận thấy còn có những nguồn gốc “thần học”, tâm lí khác trong việc tạo nên các “đạo lạ” ở Việt Nam hiện nay là chúng có mối liên hệ rất chặt chẽ với nhiều hình thức tín ngưỡng quen thuộc.
Bài viết này muốn đi sâu tìm hiểu điều này. Chủ đích của chúng tôi muốn qua việc nghiên cứu sự chuyển biến, sự bắt gặp giữa các hình thức tín ngưỡng (đã từng có khái niệm tương đồng là tôn giáo dân gian) với các hiện tượng tôn giáo mới. Mục tiêu “phía sau” của sự cắt nghĩa này có lẽ mang một ý nghĩa rộng lớn hơn đó là vấn đề “các hiện tượng tôn giáo” mà các nhà xã hội học tôn giáo hiện nay rất quan tâm khi nghiên cứu sự biến chuyển đời sống tôn giáo trong xã hội đương đại.
Nói tóm lại, việc tìm hiểu mối quan hệ này sẽ tiếp cận từ hai tuyến, bản thân đời sống tín ngưỡng dân gian hiện nay và từ phía các “hiện tượng tôn giáo mới”, xem ra vẫn đang phát triển mạnh mẽ một cách âm thầm ở nước ta.
1. Mấy đặc điểm của sự chuyển biến tín ngưỡng và tôn giáo thời hiện đại
Trong các từ điển tôn giáo thế giới những năm gần đây, người ta vẫn đưa ra những con số, những nhận xét về “tôn giáo bộ lạc”, tức là những hình thức tín ngưỡng tôn giáo cổ xưa còn tồn tại đến ngày nay trong nhiều khu vực nhiều dân tộc trên thế giới bên cạnh những con số, những nhận xét về các tôn giáo thế giới, tôn giáo khu vực. Mặc dù những tôn giáo như thế không có vị trí lớn trong đời sống tôn giáo đương đại nhưng bản thân sự tồn tại của nó không chỉ thể hiện tính liên tục của “lịch sử tôn giáo” mà còn thể hiện sự phong phú, đa dạng của bản thân đời sống tôn giáo.
Vấn đề là ở chỗ “các tôn giáo dân gian” ấy biến chuyển như thế nào trong đời sống tôn giáo hiện nay ? Robert N. Bellah khi nghiên cứu sự tiến hóa của tôn giáo ở thập niên 60 đã có nhận xét rằng: “tôn giáo lịch sử phát hiện ra cái tôi; tôn giáo cận đại tìm ra nền tảng giáo lí trong đó chấp nhận cái tôi trong tất cả sự mập mờ mang tính thực nghiệm của nó; tôn giáo hiện đại bắt đầu hiểu những luật lệ về sự tồn tại của riêng cái tôi và cũng giúp con người tự chịu trách nhiệm về số phận của mình”([1]). Sự chú ý của tác giả nhằm vào sự chuyển
biến của các “tôn giáo cá thể” đặc biệt là các hệ phái Tin lành mới nảy sinh trong thời hiện đại. Nhưng những gợi ý của ông vẫn có thể giúp chúng ta thấy được sự chuyển biến của tín ngưỡng - tôn giáo trong xã hội đương đại. Ở một chỗ khác R. Bellah còn nói đến một khái niệm gọi là “hàm ý xã hội cốt yếu” của hoàn cảnh tôn giáo hiện đại, đó là sự rộng mở cho những xu hướng đa dạng hóa đời sống tôn giáo, trước hết là sự lựa chọn đức tin, tín ngưỡng phù hợp với xu thế của một xã hội công dân, khuynh hướng dân chủ ngày càng rộng mở. Với các hình thức tín ngưỡng, hàm ý xã hội ấy ảnh hưởng đến nó như thế nào ?
Các nhà nghiên cứu tôn giáo, văn hóa học… ở Việt Nam hiện nay cũng đã bắt đầu chú ý đến hiện tượng này. Nhiều hội nghị quốc tế ở Hà Nội những năm gần đây về Đạo Mẫu là một ví dụ. Đạo Mẫu là một hình thức tín ngưỡng tôn giáo khá tiêu biểu ở Việt Nam cũng như ở Trung Quốc, Hàn Quốc và nhiều nước khác. Người ta cố gắng cắt nghĩa “hiện tượng lên đồng” - nét đặc sắc bậc nhất có liên quan đến hiện tượng Tín ngưỡng thờ Mẫu (hay có người gọi là Đạo Mẫu) ở Việt Nam – vì sao lại có thể phát triển mạnh trong các thập niên gần đây ở các xã hội Âu – Mỹ ? Liên quan đến vấn đề này trong nghiên cứu của chúng tôi về cácĐạo Lạ mới nảy sinh gần đây ở miền Bắc Việt Nam cũng cho thấy những hàm ý xã hội như thế mà chúng tôi sẽ trình bày dưới đây.
Có thể nói rằng, các hình thức tín ngưỡng dân gian hiện nay cũng như các loại hình tôn giáo khác đang chịu những tác động nhiều chiều của sự chuyển biến đời sống tâm linh tôn giáo trong xã hội hiện đại ít nhất trên ba phương diện sau đây: sự đa dạng trong lựa chọn đức tin; sự chuyển hóa các giá trị và đời sống đức tin; sự “bình đẳng” hơn giữa các loại hình đức tin, tín ngưỡng cũng như “sự liên thông” của chúng trong mỗi dân tộc cũng như ở tầng cấp “xuyên quốc gia”.
Trong những năm vừa qua, theo sự khảo sát của chúng tôi với một số nhóm phái thuộc các “hiện tượng tôn giáo mới” ở miền Bắc nước ta, trong đó không ít các nhóm phái chịu ảnh hưởng của Đạo Mẫu mà chúng tôi coi đó là “nghiên cứu trường hợp” sẽ được đề cập ở phần tiếp sau. Nhưng, có thể nói ngay rằng, Đạo Mẫu, một tín ngưỡng (hoặc một tôn giáo) đã và đang có sự chuyển đổi tiêu biểu bậc nhất cho quá trình chuyển biến tín ngưỡng, tôn giáo của người “bình dân” miền Bắc hiện nay nói chung và nói riêng là sự chuyển biến từ các hình thức tín ngưỡng dân gian đi tới các “đạo lạ”.
Căn cứ một số “lí thuyết” của các nhà nghiên cứu trong và ngoài nước, chúng tôi có thể khái quát đưa ra một số nhận xét chủ yếu sau đây của quá trình đó :
- Thứ nhất, bản thân hệ thống tín ngưỡng, dù trong môi trường hiện đại, nó vẫn là không gian tâm linh, địa bàn nảy sinh (phương diện tín ngưỡng tư tưởng cũng như phương diện con người) và nuôi dưỡng các hình thức “hiện tượng tôn giáo mới”.
- Thứ hai, đành rằng các hiện tượng tôn giáo mới có từ nhiều nguồn gốc (nhập nội, loại mới nảy sinh, tách ra từ các tôn giáo lớn vốn có trong cộng đồng xã hội, v.v… nhưng ít nhất là trường hợp ở Việt Nam, dường như tất cả các hiện tượng tôn giáo mới ấy đều cố gắng tận dụng về mặt triết lí tâm linh hoặc hình thức nghi lễ, sinh hoạt của các loại hình tín ngưỡng bản địa để phát triển. ở Hà Nội những năm gần đây, trường hợp Trường ngoại cảm Tố Dương của “giáo chủ” Trịnh Thái Bình là một mẫu tiêu biểu cho sự chuyển biến này khi vài năm nay nó đã có tên mới là Mẫu Hội hoặc Mẫu Hội Thái Bình.
- Thứ ba, cách phổ biến mà các hiện tượng tôn giáo mới ở Việt Nam “tìm kiếm” triết lí tín ngưỡng và hình thức sinh hoạt của cộng đồng tín ngưỡng mới hình thành này là trên cơ sở tạo ra “một thị trường biểu tượng” rộng lớn hơn trên cơ sở các nguyên mẫu – những hình thức tín ngưỡng đã có – để lựa chọn điểm chung nhất, khả năng phổ quát hơn để có thể thu hút nhận thức và tình cảm tín ngưỡng của những tín đồ mới hình thành và từng bước hoàn thiện những hình thức sinh hoạt thích hợp.
Có thể những nhận xét trên đây chỉ là bước đầu. Nó chưa thể là một hệ lí thuyết đầy đủ cho sự chuyển biến của đời sống tín ngưỡng - “đạo lạ” ở Việt Nam hiện nay, nhưng chắc chắn, nó cũng là những nhận xét có cơ sở trong nhiều năm nghiên cứu thực địa của chúng tôi.
Dưới đây, trong các nội dung tiếp theo, chúng tôi sẽ làm rõ hơn những nhận định ấy.
2. “Hiện tượng tôn giáo mới” ở Việt Nam hiện nay
2.1. Vào những thập niên cuối thế kỉ XX, nhất là từ khi nước ta thực hiện công cuộc đổi mới đất nước, chuyển từ nền kinh tế quan liêu, bao cấp sang nền kinh tế nhiều thành phần theo cơ chế thị trường và định hướng xã hội chủ nghĩa, ở nhiều nơi trong phạm vi cả nước, những “đạo lạ” đã xuất hiện, có “đạo lạ” sau nhiều năm ngừng hoạt động nay xuất hiện trở lại, nhưng tập trung chủ yếu ở khu vực đồng bằng Bắc Bộ và một số tỉnh trung du Bắc Bộ. Ngoài ra, còn có một số “đạo lạ” được du nhập từ nước ngoài vào Việt Nam. Qua tìm hiểu bước đầu, ở nước ta hiện nay có khoảng 50 “đạo lạ” khác nhau. Lí thuyết của các “đạo lạ” khác nhau. Lí thuyết của các “đạo lạ” thường có mối quan hệ với Phật giáo, Đạo giáo và một số hình thức tín ngưỡng dân gian.
Hoạt động của các “đạo lạ” thời gian qua đã gây nên những ảnh hưởng nhất định đến đời sống kinh tế, văn hóa, tín ngưỡng, tôn giáo của một bộ phận quần chúng, nhất là các loại hình “đạo lạ” cực đoan, phản văn hóa như đạo Lưu Văn Ty ở Hà Tĩnh, đạo Phạ Tốc ở Sơn La, đạo Chặt ngón tay ở Thành phố Hồ Chí Minh. Bên cạnh đó, lại có loại hình “đạo lạ” trong sinh hoạt, lễ nghi có dáng dấp là một hình thức tín ngưỡng như Hội truyền phái Trúc Lâm Yên tử, Đạo Bác Hồ, Đạo Thiền vô vi,v.v… Có loại “đạo lạ” lại xin đăng kí hoạt động với các cấp chính quyền để được hoạt động như các tín ngưỡng, tôn giáo khác. Nhìn chung, các hoạt động của các “đạo lạ” đang diễn ra dưới nhiều hình thức khác nhau ở nhiều tỉnh, thành phố trong cả nước, tác động trực tiếp đến quá trình thực hiện chính sách tín ngưỡng, tôn giáo của Đảng và Nhà nước ta nói chung và chính sách đảm bảo quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo nói riêng.
Trước tình hình hoạt động của các “đạo lạ”, các nhà nghiên cứu, các cơ quan quản lí nhà nước về tôn giáo trong cách tiếp cận, nhìn nhận “đạo lạ” đang tồn tại những ý kiến chưa đồng thuận, dẫn đến cách ứng xử với “đạo lạ” thiếu tập trung thống nhất. Có địa phương cho rằng, đó là một loại hình “tà đạo” cần phải được “loại bỏ” ra khỏi đời sống tín ngưỡng, tôn giáo của nhân dân, từ đó đã đưa ra những biện pháp giải quyết mạnh mẽ dẫn đến sự phản cảm của một bộ phận tín đồ “đạo lạ” và hiệu quả đạt được cũng hạn chế. Một số địa phương khác lại cho rằng, gọi hiện tượng này là “tà đạo” sẽ là nóng vội, thiếu tính khách quan, mâu thuẫn với chính sách tín ngưỡng, tôn giáo của Nhà nước nên đã thận trọng trong đánh giá, ứng xử với “đạo lạ”, và trong khi chờ đợi hướng dẫn của Trung ương, các địa phương chỉ đơn giản thực hiện biện pháp duy nhất là vận động quần chúng tín đồ “đạo lạ”, hoặc thiếu sự quan tâm đúng mức. Bên cạnh đó, có địa phương đã kịp thời xác định trong số các “đạo lạ” có loại cực đoan, phản văn hóa nên đã có biện pháp hữu hiệu loại trừ loại “đạo lạ” này, đảm bảo đời sống tôn giáo lành mạnh cho nhân dân. Trong khi đó, một số nhà nghiên cứu và cơ quan quản lí nhà nước ở Trung ương và một số địa phương cho rằng cần căn cứ vào tính chất, nội dung hoạt động để phân loại “đạo lạ” thành các loại hình khác nhau, để từ đó tìm cách ứng xử cho phù hợp với mỗi loại hình “đạo lạ”, như thế sẽ vừa đảm bảo quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo cho nhân dân vừa ngăn chặn, loại trừ được các loại hình “đạo lạ” cực đoan, nguy hiểm, phản văn hóa. Điều cần chú ý là, một số nước trên thế giới gọi hiện tượng mới phát sinh này là “hiện tượng tôn giáo mới”.
Thực trạng tình hình “đạo lạ” và công tác đối với “đạo lạ” thời gian qua cho thấy phương diện tiếp cận, nhận diện “đạo lạ”, xác định nội dung, biện pháp công tác đối với “đạo lạ” đang tồn tại những hình thức không giống nhau, thiếu tập trung thống nhất. Vì vậy, đây là vấn đề cấp thiết đặt ra, cần phải sớm xây dựng những luận cứ khoa học, thực tiễn cho việc hình thành chủ trương công tác và các giải pháp đối với “đạo lạ” ở nước ta hiện nay :
1. Xác định cơ sở khoa học, phương pháp tiếp cận trong việc nhận diện, đánh giá khách quan về “đạo lạ” trên cả hai phương diện lí luận và thực tiễn.
2. Xác định nguyên nhân, ảnh hưởng của các loại hình “đạo lạ” hiện nay, đặc biệt, cần chú ý đến những điều kiện kinh tế - xã hội, văn hóa, tín ngưỡng, tôn giáo đã đưa một bộ phận quần chúng tin theo “đạo lạ”.
3. Làm rõ điểm cơ bản trong lí thuyết của “đạo lạ” và mối liên hệ tương đối giữa lí thuyết ( giáo lí sơ khai) của “đạo lạ” với các hình thức, tín ngưỡng, tôn giáo truyền thống.
4. Xác định rõ tính chất, nội dung hoạt động của từng “đạo lạ”, trên cơ sở đó nhận diện, phân loại được các loại hình “đạo lạ” ở nước ta hiện nay.
5. Đề xuất một số định hướng, kinh nghiệm giải quyết và các giải pháp công tác đối với “đạo lạ”, vừa đảm bảo quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo cho nhân dân, vừa có khả năng loại trừ được những yếu tố tiêu cực, những hình thức hoạt động trái pháp luật để xây dựng đời sống tín ngưỡng, tôn giáo lành mạnh trong nhân dân.
2.2. Những khó khăn trong việc nghiên cứu và hoạch định chính sách đối với hiện tượng Đạo Lạ
2.2.1. Khó khăn đầu tiên là chưa có một định nghĩa về “đạo lạ” khả dĩ được đông đảo mọi người thừa nhận, hơn thế nữa, bản thân giới nghiên cứu tôn giáo học cũng tiến hành nghiên cứu chưa lâu. Cụ thể, để có một định nghĩa như thế, hiện còn một số băn khoăn chủ yếu sau đây :
a) “Đạo lạ” nếu coi nó là “hiện tượng tôn giáo mới” thì nó khác gì với việc ở đâu đó trên thế giới vẫn “đều đều” xuất hiện các đạo mới, ít nhất là từ nửa đầu thế kỉ XX đổ về trước (kiểu như đạo Cao đài, Tịnh độ Cư sĩ Phật hội, Phật giáo Hòa Hảo ở Việt Nam hay Chứng nhân Jéhovah, Mormons ở Mỹ giữa thế kỉ XIX đầu thế kỉ XX ?).
b) Những yếu tính trong định nghĩa của giới nghiên cứu tôn giáo học, nhất là từ thập niên 80 của thế kỉ XX trở lại đây, đã đủ sức thuyết phục :
- Thứ nhất, “đạo Lạ”, “hiện tượng hay phong trào tôn giáo mới” là hiện tượng tôn giáo từ nửa sau thế kỉ XX trở lại đây, trong đó phản ánh những nét mới trong sự chuyển biến đức tinvà lựa chọn đức tin của nhân loại với các yếu tính :
+ Tôn giáo mang tính cá thể
+ Tôn giáo của những “niềm tin song song”
+ Tôn giáo của những “cứu thế luận hiện thực”
+ Tôn giáo “mê tín dị đoan” ( Trung Quốc).
- Thứ hai, “đạo lạ” hiện tại được coi là “tôn giáo nhóm nhỏ”, “bồng bềnh”, “bên lề”: không có cơ cấu tổ chức như các tôn giáo truyền thống, nửa công khai, nửa bí mật, khó kiểm soát, lành ít, dữ nhiều.
2.2.2. Khó khăn lớn thứ hai là, về phương diện pháp lí, hiện có một mâu thuẫn: Trong khi các nước ngày càng có xu hướng mở rộng, khoan dung hơn với “quyền tự do tôn giáo”, trong đó quan trọng nhất là việc thừa nhận quyền đổi đạo, cải đạo của con người thì người ta lại có cơ sở, kinh nghiệm với sự hiện diện dễ dẫn đến việc gây mất an ninh chính trị, xã hội, chuẩn mực đạo đức, sức khỏe cộng đồng của loại đạo này.
- Nhiều quốc gia cho rằng: Nhà nước không giành quyền định nghĩa các tôn giáo mà quyền đó để các tôn giáo tự định nghĩa hay ít nhất là lựa chọn một “định nghĩa thỏa thuận” hoặc “một định nghĩa thỏa thuận có tính toán”. Vì, đặc điểm tôn giáo thế giới hiện nay là tôn giáo nhóm nhỏ, thiểu số, vấn đề ở đó !
- Rất khó phân biệt “đạo lạ” với các vấn đề giáo phái (Sectes) hay tiểu nhóm, tiểu đạo (trong Anh ngữ: dénominations). Đã có xung đột lớn giữa người Mỹ với người Pháp trong vấn đề này.
- Vả lại, vì là “hiện tượng tôn giáo mới”, người ta cũng chưa thể nhận diện loại “tôn giáo bên lề” này, những đe dọa tiêu cực với xã hội là có thực từ thập niên 60 của thế kỉ XX trở lại đây là có thực và xung đột giá trị đạo đức chuẩn mực là khá cao.
- Gây phức tạp hơn trong quan hệ quốc tế về tôn giáo, nhân quyền (khung cảnh toàn cầu hóa, chủ nghĩa khủng bố, sự trỗi dậy của chủ nghĩa quốc gia, hình thành chủ nghĩa quốc gia xuyên quốc gia…).
2.3. Mấy ý kiến về Đạo Lạ ở nước ta: từ lí thuyết đến thực tiễn, chính sách tôn giáo.
2.3.1. Có thể khẳng định đầu tiên: Việt Nam là nơi, là một trong những nước ở khu vực Đông Á và Đông Nam Á có “nhiều khả năng” nảy sinh hiện tượng “đạo lạ”, và thực tế, đã có một “hệ thống” “đạo lạ” khá phong phú, ít ra từ thập niên 80 trở lại đây.
a) Chiều kích lịch sử: “Những khoảng trống tâm linh” hôm qua và hôm nay ở Việt Nam
Từ phía các tôn giáo lớn, truyền thống đã có ở nước ta, có những lí do gì mà một bộ phận tín đồ “không thoả mãn” với những tâm linh cũ và có nhu cầu tâm linh mới.
b) Chiều kích hiện tại: Mở cửa, hội nhập, toàn cầu hoá. Việt Nam có nhiều “khả năng” vì làđiểm nóng của sự mở cửa, tăng trưởng kinh tế, mở rộng làm ăn với các quốc gia khác và đặc biệt có gần 3 triệu người Việt ở nước ngoài (chỉ riêng các nhóm phái “đạo lạ” thuộc Tin Lành, đúng hơn trong “hệ Kitô giáo” và Nhất quán đạo hiện nay cũng đủ rõ) !
2.3.2. Cần tăng cường nghiên cứu, nhận diện về “đạo lạ” ở Việt Nam, trước mắt cần có những bộ hồ sơ có thể tin cậy về từng nhóm phái.
- Năm 2001, Viện Nghiên cứu Tôn giáo đã mở hội thảo về “hiện tượng tôn giáo mới”. Đây là lần đầu tiên các nhà khoa học Việt Nam đưa ra ý kiến về khái niệm này, trong đó lưu ý tiêu chí ba loại “đạo lạ” ở nước ta (mới nảy sinh từ các tôn giáo lớn đã có, tách ra và nhập nội). Thực ra, cái khó ở chỗ này là chúng ta chưa có sự đầu tư thực sự cho khảo sát, nghiên cứu. Về đặc điểm “đạo lạ” ở Việt Nam, do chúng ta chưa hiểu được, nên “phân loại” cũng khó (chưa kể việc “thay tên đổi họ”, vai trò của giáo chủ - vốn rất quan trọng - cũng như các đặc điểm sinh hoạt tôn giáo của họ, chúng ta cũng không rõ lắm…).
Đó là chưa kể quan hệ “quốc tế” của các “đạo lạ” và thái độ của chúng với chế độ xã hội, nhà nước dân sự và các tôn giáo khác.
- Để làm việc này (điều tra cơ bản, lập hồ sơ) cần có tiêu chí khoa học. Viện Nghiên cứu Tôn giáo cần đứng ra tổ chức việc này, đặc biệt hướng dẫn và dựa vào các địa phương.
2.3.3. Vấn đề ứng xử, chính sách với “đạo lạ” là rất khó. Ta đã chuyển từ thái độ “lờ đi”,trung lập xưa nay, qua thái độ xem xét từng bước (thận trọng) công nhận họ về pháp lí. Đó là bước chuyển rất tích cực, cần tiếp tục.
- Từ sau khi có Chỉ thị 01 của Thủ tướng Chính phủ đầu năm 2005, vấn đề “đạo lạ”, dù cách nói thế nào, đã bắt đầu được giải quyết (tôi còn coi đó là món nợ pháp lí khi ta chọn mô hình 2 của nhà nước thế tục).
- Nên phân loại (tiếp tục), chủ động, từng bước xem xét các nhóm phái tiếp theo. Cần chắc chắn, an toàn, nhưng cũng dám quyết khi đã hội đủ điều kiện.
- Nên “lo trước” các “đạo lạ” liên quan đến Tin lành vì tính quốc tế, nhạy cảm của nó.
- Loại số đông, gần Phật giáo, Đạo giáo thì tùy cơ ứng biến, trước hết hãy nghiên cứu đã.
Từ năm 1985 đến nay, theo các nghiên cứu của Viện Nghiên cứu Tôn giáo, cũng như nhiều nước trên thế giới đã xuất hiện và phát triển các “hiện tượng tôn giáo mới”, trong dân gian quen gọi là: Đạo lạ, Tà giáo, giáo phái… ([2]). Theo thống kê chưa đầy đủ, đến cuối
thập niên 90 của thế kỉ XX, con số “đạo lạ” ấy đã lên đến 50 nhóm giáo phái với khoảng 60 tên gọi khác nhau. Trong số đó, có nhiều nhóm giáo phái từ nước ngoài du nhập vào Việt Nam như: Thanh Hải Vô thượng Sư (từ Đài Loan); Ômôtô giáo; Soka Gakkai (từ Nhật Bản);Vôvi Pháp (từ Pháp); Phật mẫu địa cầu hay Địa Mẫu (từ Trung Quốc),v.v… Có khoảng 8 nhóm giáo phái như thế trong tổng số 50 “hiện tượng tôn giáo mới”.
2.3.4. Về phân loại
Hiện nay, đa số các nhà nghiên cứu Việt Nam đều có cách phân loại giống nhau, nghĩa là gồm 3 loại “tôn giáo mới” như trong Báo cáo Đề dẫn của chúng tôi tại Hội thảo của Viện Nghiên cứu Tôn giáo năm 2001. Nhưng “trong ruột” 3 loại “tôn giáo mới” ấy gồm các giáo phái nào thì quan niệm của các nhà khoa học lại rất khác nhau, do chỗ hiểu biết từng nhóm phái là khác nhau.
Chẳng hạn, tác giả Thiều Quang Thắng (Ban Tôn giáo của Chính phủ), “tạm xếp 50 hiện tượng tôn giáo mới” nêu trên thành 5 loại sau đây :
(1). Loại từ nước ngoài mới nhập vào Việt Nam gồm:
Thanh Hải Vô Thượng Sư (từ Đài Loan), Tam Thiên thánh hiền (từ Đài Loan), Ômôtô giáo (từ Nhật Bản), Vô Vi hay Vô Vi Pháp (từ Pháp), Phật mẫu địa cầu hay Địa Mẫu (từ Trung Quốc), Nhất Quán đạo hay còn gọi là Đạo Trứng (từ Đài Loan), Ôn Baha (từ ấn Độ) và Soka Gakkai (từ Nhật Bản).
Như vậy: có 8 tôn giáo mới ở nước ngoài xâm nhập vào Việt Nam, còn lại 42 “hiện tượng tôn giáo mới” khác phát sinh từ trong nước.
2. Loại gần với Phật giáo gồm: Long Hoa Di Lặc, Ngọc Phật Hồ Chí Minh, Chân tu tâm kính, Tiên thiên Phật nhất giáo, Trung Thiên vận hội, Phật Mẫu địa cầu, Chân tâm bảo vệ di tích, Vô đạo Phật tổ Như Lai, Đạo Nghiệp chướng, Hội Phật trời Vua cha hoàng, Tam tổ thánh hiền, Phật nhất giáo, Đạo Phật thiện.
3. Loại gần với tín ngưỡng dân gian (thờ Thành hoàng, thờ Mẫu, thờ Tổ tiên) gồm: Đoàn 18 Hùng Vương, Ngọc Phật Hồ Chí Minh hay Thánh minh vì tình dân tộc, Lạc Hồng - Âu Cơ, Đạo Trần Hưng Đạo, Khổng Minh thánh đạo hội, Đạo Tiên, Đạo Cội nguồn.
4. Loại cực đoan trong hành vi hành đạo như: Thanh Hải vô thượng sư, Vô vi pháp, Đạo Chân không.
5. Loại chưa xác định được gồm: Tâm linh, Đạo Lẽ phải, Huynh đạo, Tiên nhiên Huynh Kỳ, Tố dương, Thần linh tiên, Đạo Vả hay Vô điểm thỉnh điểm tô, Đạo Thiên cơ, Tâm linh thần quyền, Đạo Hoa Vàng, Đạo Thiên nhiên, Đạo con hiền, Tam giáo tuyên dương, Đạo Thiên nga, Đạo Khổ hạnh, Đạo Khăn Vàng.
Trong khi đó, trong Tham luận của mình tại Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ IX, tác giả Đặng Hữu “phân loại” các “hiện tượng tôn giáo mới” ở nước ta hiện nay thành 2 loại: Từ nước ngoài đến và tự phát sinh từ trong nước.
- Một là, những “giáo phái” tách ra từ một tôn giáo: Theo tác giả, “nó bị chính ngay các tôn giáo đó phủ nhận vì đã quá xa với nguyên lí của đạo”. Ông đưa ra các nhóm: “Ngũ Tuần, Nhân chứng Giêhôva, Mócmông và đặc biệt hiện tượng đạo Vàng Chứ dựa vào yếu tố tín ngưỡng của người Hmông. Đạo Tin lành đồng nhất “Thiên vương” (của người Hmông) với Đức Chúa Trời.”
- Hai là, những “hiện tượng tôn giáo” do một người khởi xướng tập hợp quần chúng thành nhóm, tạo ra một giáo lí “hỗn tạp”.
Tác giả Đặng Hữu không nêu ra tên nhóm phái cụ thể nào của Việt Nam thuộc loại này, mà chỉ đưa ra trường hợp Pháp luân công của Trung Quốc.
Nêu một vài ý kiến như trên, chúng tôi muốn trở lại với ý kiến đầu tiên của mình: Phải bắt đầu từ sự nhận diện, “đọc tên” từng nhóm phái trong sự phân tích, nhìn nhận với nhãn quan khoa học về tôn giáo.
2.3.5.Vài ghi nhận đầu tiên
Mặc dù chưa thể nghiên cứu kĩ từng nhóm phái, nhưng qua tài liệu điền dã, báo cáo của địa phương và phân tích, đối chiếu, chúng tôi xin đề cập một số nhận xét sau :
a) Về thời điểm xuất hiện: đa số từ thập niên 90 thế kỉ XX trở lại đây.
- Nếu như trước thập niên 90 thế kỉ XX, chỉ có một số địa phương xuất hiện “đạo lạ”: Tp. Đà Nẵng (1986, Lẽ phải); Phú Thọ (1988, Long Hoa Di Lặc); Bà Rịa - Vũng Tàu (1981, Tiên Thiên Huỳnh đạo) thì từ năm 1990 trở lại đây con số “đạo lạ” này tăng vọt:
Từ năm 1991 đến 1995 là các “đạo mới” như: Long Hoa Di Lặc (1990); Quang Minh tu đức(1990); Đạo Bác Hồ (1992); Đạo Phật thiên (1992); Ngọc Phật Hồ Chí Minh (1993); Quần Tiên(1993); Nghiệp Chướng(1993); Siêu hóa (1994); Quang Minh tu đức (1994); Địa Mẫu (1995);Tiên Thiên (1997); Đạo Tiên (1997); Đạo Con hiền (1997); Chân đất (1998); Quang Minh(1998); Hoa Vàng (1999); Võ đạo Phật tổ Như Lai (1998); Chân tâm bảo vệ di tích (2000).
- Không chỉ phát triển về số lượng các nhóm phái “tôn giáo mới” mà còn có nét mới là với mỗi nhóm phái đều có sự phát triển rộng trên địa bàn các tỉnh, thành trong cả nước :
Thí dụ: + Nhóm Long Hoa Di Lặc có mặt ở 31/61 tỉnh, thành.
+ Nhóm Thanh Hải Võ Thượng sư có mặt ở 20/61 tỉnh, thành.
+ Nhóm Ngọc Phật Hồ Chí Minh có mặt ở 15/61 tỉnh, thành (chủ yếu từ Hà Tĩnh trở ra Bắc).
b) Về khu vực trọng yếu: như đã phân tích ở trên, khu vực đồng bằng Bắc Bộ là nơi tập trung xuất hiện nhiều nhóm phái “tôn giáo mới”. Điều này hoàn toàn khác với tình hình tôn giáo, tín ngưỡng ở Nam Bộ trước đây.
Chẳng hạn: chỉ riêng tỉnh Hà Tây (cũ) đã có mặt các nhóm phái: Long Hoa Di Lặc; Ngọc Phật Hồ Chí Minh; Chân Tu Tâm Kính; Chân Không, Đạo Bạch; Thanh Hải Vô Thượng Sư; Quốc tổ Lạc Hồng; Lạc Hồng Âu Cơ; Quang Minh Tu Đức; Quần Tiên.
Tỉnh Hải Dương có: Long Hoa Di Lặc; Ngọc Phật Hồ Chí Minh; Tam Tổ thánh hiền; Thanh Hải Vô Thượng Sư; Đạo Phật Thiện; Hoa Vàng; Thiên nhiên.
Tỉnh Nam Định có: Nghiệp Chướng; Quang Minh; Địa Mẫu; Thanh Hải Vô Thượng Sư; Võ đạo Phật tổ Như Lai,v.v...
Đây là một “sự kiện tôn giáo - tín ngưỡng” đáng lưu ý. Phải chăng, giờ đây đến lượt khu vực phía Bắc nảy sinh mảnh đất màu mỡ cho “tôn giáo mới” ra đời và phát triển. Phải chăng, chúng ta đã đứng trước một logic mới là các tỉnh phía Bắc, giờ là lúc hơn đâu hết, có sự hẫng hụt về tâm thức tôn giáo rõ nét hơn. Đó lại chính là thời điểm để các tôn giáo tấn công, giành giật với chính quyền, các đoàn thể xã hội, các vị trí tốt trong công tác chuyên môn hiện nay !
Các “tôn giáo mới” cũng rất hay sử dụng biện pháp đổi tên đạo để dễ thích nghi trong đời sống tôn giáo.
Chẳng hạn: Đạo Chân Không của Lưu Văn Ty (lập 1991) được sử dụng với các tên khác như: Đạo Siêu hóa; Đạo tâm pháp; Đạo Chân đất.
Đạo Vô Vi Khoa học huyền bí Phật pháp do Lương Sĩ Bằng lập từ 1958 (Canada) đã mang các tên khác như: Vô vi khoa học huyền bí, Vô Vi, Vô Vi pháp.
Đạo Ngọc Phật HCM do bà Nguyễn Thị Lương lập năm 1963 ở Hải Phòng, khi đến các nơi khác có các tên như: Đức Ngọc Phật Hồ Chí Minh, Quang Minh Hồ Chí Minh, Đạo Bác Hồ, Thánh Minh vì tình dân tộc. Hay Long Hoa Di Lặc cũng có các tên khác như: Long Hoa Tam hội, Long Hoa Chính pháp.
c) Về trung tâm xuất phát:
Như đã nói ở trên, từ 1985 trở lại đây, chính đồng bằng Bắc Bộ là nơi xuất hiện nhiều nhất các “nhóm tôn giáo mới”. Điều này là ngược lại với tình hình Nam Kỳ thời Cận đại, nơi đây vốn được coi là “đất của tôn giáo”.
Vì sao vậy ? Bước đầu, theo chúng tôi, chính khu vực phía Bắc hiện nay có số lượng “những người bị loại trừ” đông đảo hơn, nhiều điều kiện tư tưởng – xã hội thuận lợi: chấn động của sự sụp đổ của Liên Xô và hệ thống XHCN (1991) có vẻ sâu sắc hơn bất cứ nơi nào ở nước ta ? Nhân vật tôn giáo có điều kiện xuất hiện nhiều hơn và nhu cầu tôn giáo – tín ngưỡng sau nhiều thập niên bị “kìm nén” nay bộc lộ mạnh mẽ, dữ dội hơn tất cả các tỉnh, thành khác trong cả nước.
d) Về những yếu tố mang tính tôn giáo:
Các nhóm “tôn giáo mới” – mới chỉ có lời răn dạy và hướng dẫn thờ cúng, chưa hình thành cơ cấu tổ chức giáo chủ, giáo lí và giáo lễ rõ rệt.
1) Lời răn dạy và hướng dẫn thờ cúng: thường tự sáng tác (thơ, văn) chép tay hoặc đánh máy, sau đó đem đi photocopy để phổ biến rộng rãi hoặc truyền miệng (cá biệt phổ biến qua băng hình và băng ghi âm như Thanh Hải Vô Thượng Sư).
2) Cơ cấu tổ chức: Không có hệ thống rõ rệt, ngoài người đề xướng (thường ở từng địa phương) còn có một số người được phân công làm Hội trưởng, Hội phó, Thủ quỹ để quản lí số người theo từng địa bàn (tuy vậy có trường hợp như Long Hoa Di Lặc có lúc có khả năng tập hợp tại một địa điểm đến trên 2.000 người).
3) Hình thức sinh hoạt
+ Số lớn vẫn duy trì hướng thiện và tu nhân tích đức.
+ Đã đan xen yếu tố mê tín dị đoan (ma thuật), có nhóm khá trầm trọng.
+ Thậm chí có biểu hiện nội dung chính trị phản động (Thanh Hải Vô Thượng Sư của Đặng Thị Trinh) hoặc đồi trụy (Chân Không của Lưu Văn Ty).
4) Người đề xướng (hoặc cầm đầu) và người theo:
- Người theo đa phần là phụ nữ ở nông thôn và khá đông những người cầm đầu các nhóm phái “tôn giáo mới” là phụ nữ: Đặng Thị Trinh ở Đài Loan (Thanh Hải Vô Thượng Sư); Đinh Thị Hà ở Phú Thọ (Đoàn 18 Hùng Vương); Nguyễn Thị Lương ở Hải Phòng (Ngọc Phật Hồ Chí Minh); Huỳnh Thị Bảy ở Plâycu (đạo Tiên – Phật nhất giáo); Nguyễn Thị Nối ở Thái Bình (Đạo Cô Nong hay Đạo Thiên cơ); Nguyễn Thị Triệu ở Hải Dương (Đạo Thiên nhiên).
Đó là chưa kể việc du nhập gần đây của các hệ phái thuộc “gia đình Tin lành” từ Âu - Mỹ vào Việt Nam mà chúng ta không dễ bóc tách, nhận diện. Ngoài hệ phái Tin lành tách ra từ các hệ phái đã có trong nước như trường hợp Hội Thánh Liên hữu Cơ đốc, các Hội Thánh Tin lành tư gia… hiệp thông với nhau trong các tổ chức như “Hiệp hội thông công Tin lành Việt Nam” và “Hiệp hội Thông công Liên hữu Tin lành Việt Nam”,v.v…
Có nhiều hệ phái Tin lành ở Việt Nam phục hồi sự hoạt động của họ những năm gần đây do quá trình mở cửa, hội nhập: các hệ phái Tin lành Baptist, Trưởng lão, Ménonite và đặc biệt là Tin lành Ngũ Tuần,v.v…
Ở trong nước, các nhóm “đạo lạ” nảy sinh đều đặn và ngày một nhiều. Các nhóm phái tách ra từ các tôn giáo lớn đã có, trước hết là Phật giáo như Long Hoa Di Lặc, Hội Phật Mẫu, Chân tu tâm kính, Tiên Phật nhất giáo, Phật Mẫu địa cầu. Một hướng khác của sự nảy sinh các “đạo lạ” là hoàn toàn mới mẻ: Ngọc Phật Hồ Chí Minh, Đoàn 18 Phú Thọ, Mẫu hội địa cầu, Thanh minh vì tình dân tộc, Lạc Hồng Âu Cơ, Đạo Thiên cơ, Đạo Cô Non, Đạo Con Hiền, Chân Không (Đạo sex, Siêu hóa), Cội Nguồn, Trường Ngoại cảm Tố Dương, Đoàn Cách mạng Phật đản.
Việc xuất hiện “đạo lạ” là tên gọi “trung tính” xem ra dễ được sự chấp nhận của giới bình dân cũng như cơ quan quản lí nhà nước. Để chỉ hiện tượng này trong nhiều năm trước, báo chí hay dùng các thuật ngữ như tà giáo, giáo phái, hệ phái,v.v… một cách lẫn lộn và rối rắm, còn “hiện tượng tôn giáo mới” thì vẫn là thuật ngữ của các nhà tôn giáo học Việt Nam vận dụng từ kinh nghiệm nước ngoài.
Có thể nói rằng, việc xuất hiện “các hiện tượng tôn giáo mới” trong “hệ thống tôn giáo” ở Việt Nam([3]) là những thách đố đầu tiên dễ
thấy nhất của xu thế “đa nguyên về tôn giáo” (pluralisme). Chúng tôi cũng muốn nói thêm rằng, với sự nghiên cứu bước đầu qua cuộc khảo sát hai năm ở các tỉnh phía Bắc (khảo sát tại chỗ tỉnh Thanh Hóa, Hà Nội, Vĩnh Phúc và một phần ở Hải Phòng), chúng tôi đã rút ra ba nhận xét về “đạo lạ” ở Việt Nam trong bối cảnh mở cửa, hội nhập và toàn cầu hóa :
Thứ nhất, trước đây các “đạo lạ” ở Việt Nam nếu có thường chỉ xuất hiện ở Nam Kỳ (Nam Bộ) dưới cái tên như Hội kín, Thiên Địa hội và đặc biệt các phong trào Ông Đạo như đã nói ở trên (nổi tiếng nhất là hiện tượng Đạo Dừa ở Bến Tre (1960-1985)). Nhưng hiện nay có vẻ như về địa - tôn giáo đã thay đổi. Các “đạo lạ” thời mở cửa, hội nhập lại xuất hiện nhiều hơn, tập trung hơn ở các tỉnh phía Bắc. Vậy là phải chăng ở khu vực này cũng đã xuất hiện “những khoảng trống về tâm linh” ?
Thứ hai, cũng như nhiều nước trên thế giới, “đạo lạ” ở Việt Nam trước đây đều do các Guru (giáo chủ) là đàn ông([4]) thành lập và điều khiển. Ngược lại, các “đạo lạ” ở Việt Nam trong khoảng 20 năm trở lại đây phần lớn các Guru lại là phụ nữ([5]): chẳng hạn Đặng
Thị Trinh (Thanh Hải Vô Thượng Sư), Đinh Thị Hà (Đoàn 18 Phú Thọ), Nguyễn Thị Lương (Ngọc Phật Hồ Chí Minh), Bà Minh (Long Hoa Di Lặc, Sóc Sơn – Hà Nội), Nguyễn Thị Nối (Đạo Cô Non, Thái Bình), Nguyễn Thị Ninh (Hội Phật Mẫu, Hải Dương),v.v…
Thứ ba, về lực lượng tham gia, khác với các nước Âu - Mỹ, lực lượng tham gia các “đạo lạ” ở Việt Nam hiện nay số đông chưa phải là những tầng lớp trung lưu, thị dân, thanh niên, sinh viên, trí thức. Hiện nay, quần chúng tín đồ của các “đạo lạ” ở Việt Nam chủ yếu là các nhóm xã hội thuộc “giới bị loại trừ”: những cán bộ, bộ đội về hưu, những thị dân, những người thu nhập thấp và rất ít khả năng hội nhập, thích ứng với môi trường sôi động của xã hội thông tin.
Chúng tôi rút ra những nhận xét trên qua một số nhóm phái cụ thể, kể cả việc phỏng vấn sâu hay đối thoại trực tiếp với một số “Guru” của các nhóm phái như thế. Thực ra trong những năm qua, giới báo chí và truyền thông ở Việt Nam cũng để ý không ít đến hiện tượng này. Báo chí đã đề cập đến “lí lịch” và phê phán không ít những biểu hiện tiêu cực về mặt văn hóa và đạo đức của các “đạo lạ” nói trên.
Có thể nói rằng, ở Việt Nam, thách đố về bản sắc văn hóa vẫn là cơ bản nhất, phổ biến nhất. Người Việt Nam từ xưa đến nay vẫn giữ trong tâm thức của mình về truyền thống “tam giáo đồng nguyên” đạo nào cũng tốt. Thực ra, đối với người Việt Nam, việc xuất hiện một “đạo lạ” tự nó không hẳn đã gây ra sự phản ứng tức thì về văn hóa, tôn giáo. Người ViệtNam nói chung không có một tâm thức về một đạo đóng vai trò quốc giáo (ngay trường hợp Phật giáo ở thế kỉ XI-XIII có phải là quốc giáo hay không cho đến nay vẫn còn phải tranh luận). Hơn nữa, thói quen ứng xử hòa đồng với các tôn giáo “trước lạ sau quen” từ lâu đã tạo ra cho “hệ thống” tôn giáo ở Việt Nam sự phong phú, tập trung nhiều luồng tôn giáo trên thế giới và khu vực. Vấn đề chỉ còn ở chỗ phản ứng của bản sắc văn hóa với xu trào đa nguyên tôn giáo hiện nay ở Việt Nam như thế nào ?
Theo dõi trên báo chí và các phương tiện truyền thông nhiều năm nay, qua khảo sát thực địa của Viện Nghiên cứu Tôn giáo trong các năm 2001, 2003 và đặc biệt tham khảo cuốn sách Hỏi đáp một số vấn đề về đạo lạ ở nước ta hiện nay của Vụ Công tác Tôn giáo biên soạn, (Nxb. Tôn giáo, 2007, 110 trang), bao gồm 20 câu hỏi và trả lời xung quanh hiện tượng “đạo lạ” ở Việt Nam hiện nay, chúng tôi có thể nêu ra hai nhận xét liên quan đến thách đố đầu tiên này của xu hướng “đa nguyên về tôn giáo” (Pluralisme) ở Việt Nam:
Thứ nhất, việc xuất hiện các “đạo lạ” (hiện tượng tôn giáo mới) - biểu hiện cơ bản nhất của xu hướng “đa nguyên về tôn giáo” (Pluralisme) ở Việt Nam từ năm 1986 - 1987 trở lại đây đã gây ra sự phản ứng, lên án hoặc e ngại với các hiện tượng tôn giáo phi truyền thống này vì dù sao chúng cũng gây ra rất nhiều phản cảm trong cái nhìn của dân chúng, sự cảnh giác của chính quyền trước các hành vi phản văn hóa, làm ảnh hưởng đến sức khỏe, đạo đức, lối sống lành mạnh của xã hội. Theo sự phản ánh của báo chí và cuốn sách nói trên, rất nhiều “đạo lạ” có những hoạt động tuyên truyền mê tín dị doan như tuyên truyền về “ngày tận thế”, tự xưng là các “con Trời”, “Phật tái thế”, cháu chắt các vị Thánh thần được cử xuống trần gian cứu vớt chúng sinh khỏi họa diệt chủng, khuyên mọi người chuyên tâm đọc kinh sách xa rời nhu cầu lao động, thậm chí khuyến khích hành xác, khất thực, “tập bay”, đốt bỏ một phần tài sản,v.v… Các “đạo lạ” giống nhau ở chỗ muốn tìm một giải pháp cho vấn đề khó khăn và rất phổ biến là “tôn giáo - bệnh tật”. Trong các “đạo lạ” ở miền Nam, lối dùng đạo để chữa bệnh của các Guru khá giống nhau: bằng cầu cúng, cho uống nước lã đặt trên bàn thờ cùng với tàn nhang; dùng “thọ kí” để trừ tà ma (đạo Siêu hóa); bốc thuốc chữa bệnh bằng các loại cây cỏ, thôi miên và sử dụng những nguồn năng lượng thần bí khác của con người.
Trong báo cáo đề dẫn tại Hội nghị khoa học về “Hiện tượng tôn giáo mới” do Viện Nghiên cứu Tôn giáo tổ chức tại Hà Nội năm 2001, chúng tôi đã đưa ra một nhận định: “Hiện tượng tôn giáo mới” ở Việt Nam đang nảy sinh tốc độ nhanh nhưng chưa gây ra những chấn động lớn về tâm lí xã hội, nhưng thách thức lớn về đạo đức và an ninh xã hội giống như các tôn giáo Cổng Thiên đường, Đền Mặt Trời ở Âu - Mỹ, hoặc những vụ đầu độc bằng hơi ngạt ga tàu điện ngầm ở Tôkyô của giáo phái Aum ở Nhật Bản,v.v…
Phải nói thêm rằng, cá biệt có những vụ việc rất lớn, nhưng qua sự thông tin còn hạn chế của báo chí, thường chỉ phê phán khía cạnh “mê tín dị đoan” ở một “đạo lạ” ở Việt Nam, mà không làm rõ được đã có những trường hợp “đạo lạ” cực kì nguy hiểm dẫn đến những bi kịch đỉnh điểm như trường hợp đạo “Phạ tốc” của “giáo chủ” Cà Văn Liêng (vua Liêng) ở bản Pahé, xã Tranh Đấu, Thuận Châu, Sơn La, đêm ngày 20/10/1993. Trong cái đêm kinh hoàng ấy, dưới sự dẫn dắt của “vua Liêng” trong cái bản người Thái vốn hiền lành và yên tĩnh đã diễn ra cuộc tàn sát tập thể của 53 đạo hữu trong bản, tuân lệnh “giáo chủ” tự đâm chém, đập đầu nhau đến chết rồi hỏa thiêu, những người được giao nhiệm vụ sau cùng đã dùng súng kíp tự sát để “cùng mau chóng được về nước Trời”.([6])
Thứ hai, phản ứng văn hóa của người dân với các “đạo lạ” còn thể hiện trên phương diện “hành đạo”. Trước đây, kể cả những hiện tượng trong “phong trào các Ông đạo”, dù là Thiên Địa hội, Đạo Nằm, Đạo Đứng, Đạo Đâm,v.v… vẫn có nét “sinh hoạt đạo” tương đối gần gũi với cuộc sống đời thường. Trường hợp Đạo Dừa ở Bến Tre nói trên cũng chỉ dị thường tới mức người theo đạo được khuyên ít tắm rửa, để tóc dài, sống chủ yếu bằng nước dừa và thiền định.
Trong nhiều hiện tượng “đạo lạ” những năm gần đây ở Việt Nam cũng đã thấy xuất hiện những kiểu thực hành nghi lễ phi nhân tính, kì quái hơn như đạo “chặt ngón tay”, tự hành xác như nằm phơi sương, ngâm mình trong hố vôi, đặc biệt gây sốc là hành động tín đồ có những ngày phải bỏ vào rừng hành xác, sống lõa thể như bầy đàn… (Đạo Chân Không, Lưu Văn Ty ở Hà Tĩnh).
Khoan hãy nói đến những vấn đề chuyển biến tâm linh và “lối sống đạo” của “hiện tượng tôn giáo mới”, ở Việt Nam những điều phân tích trên đây chắc chắn đã cắt nghĩa thách đố đầu tiên trên phương diện bản sắc văn hóa dân tộc với các hiện tượng “đạo lạ”, nói cách khác là việc xuất hiện các “tôn giáo mới” phần lớn có vẻ không bình thường trong con mắt người dân Việt Nam.
3. Từ “tín ngưỡng dân gian” đến “hiện tượng tôn giáo mới”
Khi nghiên cứu về hiện tượng tôn giáo mới, các nhà nghiên cứu Trung Quốc thường phân loại theo lối “nguồn gốc tôn giáo” để chia nó ra thành 5 loại :
- Những giáo phái từ Kitô giáo truyền thống như: Những đứa con của Chúa, Ngôi đền mặt trời.
- Những giáo phái thoát thai từ Islam giáo như Bahai.
- Các giáo phái có gốc rễ từ Ấn giáo, đạo Silk như giáo phái Krisna (Ấn Độ).
- Những giáo phái mới có nguồn gốc từ Phật giáo, Thần đạo như Soka Gakkai, Aum ShiriKyo.
- Cuối cùng là những giáo phái nảy sinh từ phong trào tu luyện thân tâm như Yoga, đạo Silk, Siêu giác tĩnh tọa (Trancendental Meditation).
Trong khi đó, các nhà nghiên cứu Phương Tây đi sâu vào mặt bản thể luận vì thế cung cấp cho ta những cái nhìn sâu sắc hơn về nguồn gốc “tôn giáo” của các “hiện tượng tôn giáo mới”.
Nhà nghiên cứu F. Champion rất nổi tiếng ở Pháp đã chia “hiện tượng tôn giáo mới” thành hai nhóm: Nhóm thần bí (Type Mystique) và Nhóm dân gian (Religion populaire). Theo bà, nhóm thần bí có một vị trí phổ biến hơn và là nhóm chủ yếu và quan trọng hơn với những đặc tính chủ yếu của nhóm này :
- Đặt niềm tin vào “cái thể nghiệm”
- Mục tiêu của tín đồ là biến đổi bản thân bằng kĩ thuật thân thể hay tâm lí (Yoga, thiền định, múa thiêng).
- Sự cứu rỗi gắn với hạnh phúc thực tại.
- Đạo đức tình yêu tương xứng với ứng xử đạo đức.
- Lạc quan có mức độ.
Phân tích trên của F. Champion có ý nghĩa tích cực trong việc nghiên cứu nguồn gốc và những đặc tính cơ bản của những “hiện tượng tôn giáo mới”. Bà cũng như nhiều học giả Phương Tây khác khi đưa ra các đặc điểm nói trên còn nhấn mạnh đến thái độ mới của các tín đồ về thuyết Cứu thế luận và Thuyết Thiên niên kỉ. Đồng thời cũng chỉ ra rằng, với các “hiện tượng tôn giáo mới”, người ta đã từ bỏ thuyết Nhị nguyên vốn là học thuyết rường cột của thần học Kitô giáo cũng như thái độ “lạc quan”, tích cực hơn của thuyết Cứu rỗi ([7]).
Nhưng như thế về cơ bản cũng chỉ thích ứng đối với các “tôn giáo mới” có nguồn gốc từ Kitô giáo.
Ở Việt Nam, như chúng tôi đã trình bày ở trên, một bộ phận không nhỏ các hiện tượng tôn giáo mới nảy sinh ở miền Bắc Việt Nam những năm gần đây có nét khác. Rất nhiều nhóm phái “đạo lạ” đã kể trên những năm gần đây có liên quan đến các tín ngưỡng truyền thống hoặc đan xen với những giá trị của các tôn giáo lớn vốn có.
Để làm rõ mối quan hệ này, chúng tôi xin đưa ra kết quả khảo sát hai nhóm “đạo lạ” tiêu biểu ở Vĩnh Phúc: Nhóm Long Hoa Di Lặc và Ngọc Phật Hồ Chí Minh. Việc lựa chọn Vĩnh Phúc không hẳn tỉnh này là tiêu biểu nhất cho phong trào “đạo lạ” ở miền Bắc. Nhưng dù sao, ở Vĩnh Phúc, một tỉnh đã và đang có sự chuyển đổi kinh tế, mở cửa hội nhập tiêu biểu (thu nhập tính theo đầu người của Vĩnh Phúc hiện nay đứng thứ hai chỉ sau tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu).
Vĩnh Phúc là một tỉnh có không gian tôn giáo tín ngưỡng khá đặc biệt gần Hà Nội, thuộc phạm vi khu vực “đất Tổ Hùng Vương” của Việt Nam. Không gian lịch sử văn hóa ấy tất yếu dẫn đến một không gian tôn giáo tín ngưỡng đặc biệt của tỉnh này. Nhiều biểu trưng của tâm thức tôn giáo – văn hóa cổ truyền Việt Nam bắt đầu từ vùng đất ấy: Sơn Tây là truyền thống thờ Thánh Tản Viên Sơn Tinh với “tứ cung” (Đền Thượng Ba Vì, Đền Hạt, Đền Và, Đền Đồng Mô). Còn “Ngũ cung” lại chính là Thôn Thượng, Yên Lạc.
Còn riêng “đất Thánh Mê Linh”, gắn liền với khởi nghĩa Hai Bà Trưng và triều Trưng Vương ngắn ngủi, thì càng đậm đặc một không gian tôn giáo tín ngưỡng.
Vĩnh Phúc cùng với tỉnh lân cận là Phú Thọ là những tỉnh nảy sinh nhiều “đạo lạ” trong những năm gần đây: từ Đoàn 18 Phú Thọ, Quốc Tổ lạc Hồng, Thánh Minh Vì Dân tộc, v.v…Qua nghiên cứu những nhóm phái như thế vào các năm 2000 và 2001, chúng tôi đã có nhận xét rằng, các nhóm phái ấy đang chịu ảnh hưởng ngày càng lớn của Đạo Mẫu nói trên: những năm gần đây, nhiều nhóm phái như thế đã có biểu hiện “liên giáo phái” khi họ đều hướng tới những hội Phật Mẫu với nhiều tên gọi khác nhau (Địa Mẫu, Hội Phật Mẫu, Mẫu Hội Địa Cầu, v.v…) nghĩa là đều đề cao đối tượng thờ phụng liên quan đến “nguyên lí Mẹ” quen thuộc của tín ngưỡng dân gian Việt Nam.
1- Trong thời gian 3 ngày làm việc tại tỉnh Vĩnh Phúc ( 12-2000) đoàn nghiên cứu chúng tôi đã tiến hành tiếp xúc trực tiếp với một số người thực hành thờ cúng theo hai môn pháiLong Hoa Di Lặc (gọi tắt là Long Hoa) và Ngọc Phật Hồ Chí Minh (gọi tắt là Ngọc Phật). Những người được chọn tiếp xúc đều có tuổi khá cao, đã có thời gian hoạt động khá lâu trong hai nhóm. Cụ thể bao gồm: cụ Đ.L, 82 tuổi, sống tại thị trấn Phúc Yên, đã tham giaLong Hoa từ gần 30 năm nay; bà M, hơn 70 tuổi, thị xã Vĩnh Yên cũng thờ cúng theo Long Hoa từ khoảng hơn 10 năm nay và ông C. hơn 70 tuổi, xã Minh Trí, huyện Phúc Yên có thời gian hoạt động theo nhóm Ngọc Phật từ 15 năm nay.
Trước khi đi khảo sát nghiên cứu tại tỉnh Vĩnh Phúc, chúng ta đã được biết ít nhiều về hai nhóm “đạo lạ” này. Đặc biệt qua các phương tiện thông tin đại chúng, chúng tôi đã được đọc nhiều bài phóng sự điều tra về các nhóm phái này với những sự phê phán khá gay gắt.
Chẳng hạn, bài Đau lòng vì tà đạo của Hoài Nguyên đăng trên tờ Giáo dục và Thời đại số ra ngày 3/4/1998. Bài báo nhắc lại sự việc gia đình một cháu bé bị ngã gãy xương, vì quá tin vào “đạo Hoa Long” chỉ tụng niệm và cứu chữa bằng “nước Thánh”, nên cháu đã bị chết.
Bài Tà đạo Long Hoa Di Lặc – một “quái thai” mê tín dị đoan của Thu Hòa (Báo CAND, số ra ngày 20/01/1999 ) nói về bà Đào Thị Minh, “người khởi xướng tà đạo Long Hoa Di Lặc, một phụ nữ sinh năm 1927 ở thôn Phú Hạ, xã Minh Phú, huyện Sóc Sơn, Hà Nội. Bài báo phân tích lướt nội dung kinh sách của tà đạo này, coi nó là “rất nhảm nhí và đậm sắc mê tín dị đoan” cũng như tác hại về sức khỏe, tâm lí xã hội mà nó gây ra. Tác giả còn cho hay, “đến nay, Long Hoa Di Lặc đã loang ra 12 tỉnh phía Bắc”.
Với sự giúp đỡ của tỉnh Vĩnh Phúc, đặc biệt Sở Văn hóa - Thông tin và phòng Văn hóa huyện Mê Linh, chúng tôi đã có dịp khảo sát trực tiếp một số nhân vật của hai nhóm Long Hoa Di Lặc và Ngọc Phật Hồ Chí Minh.
3.2. Một số nội dung nổi bật trong trả lời phỏng vấn:
Chúng tôi đã tiến hành thu lại băng ghi âm các cuộc phỏng vấn với ba vị này, phối hợp với cách bố trí nơi thờ cúng, sau khi xem xét, chúng tôi có ghi nhận mấy điểm nổi bật như sau :
· Cụ Đ.L.
+ Nhấn mạnh vài lần đến hành vi “mê tín dị đoan”: “ Bấy giờ có nhiều người có hiểu đâu, cúng tà quỷ, lễ báo linh đình, vàng mã đốt cả gian nhà chưa hết”.
+ Tác động của Long Hoa đối với việc dẹp bỏ loại hành vi này: “bây giờ mà theo đường lối này thì không ai người ta dám làm như thế nữa !”.
+ Tác dụng của thờ cúng đối với bản thân: thấy “trong người khỏe mạnh không tốn kém gì”.
+ Nhấn mạnh đến sự khác biệt giàu nghèo, Hà Nội với nông thôn trên phương diện tiếp thu đạo Long Hoa: “Hà Nội đông đúc, chen chúc nhau buôn bán kiếm tiền thì người giáng làm sao được, người chỉ giáng vào người nghèo thôi !”.
+ Về phương diện ảnh hưởng của đạo đối với những tình huống khó khăn trong cuộc đời: “Trên mà chửi cũng cười, vì là đạo hiền mà, Bác đã dạy như thế”.
+ Về phương diện hành động trong tương lai: “Nếu Phật cho đi thì lại đi, Phật bảo ở nhà thì ở nhà”.
· Ông Đ.
+ Về phương diện nghi lễ: “Đầy là văn minh, lễ chính nghĩa”; “cấm khẩu mười ngày vào hôm kỉ niệm Bác Hồ mất”.
+ Về tác dụng của thờ cúng đối với bản thân: “Chúng tôi thờ được thì chúng tôi khỏe mạnh”; “Từ khi lập chùa này, tôi sướng cái khỏe mạnh, các con cho thuốc có khi tôi vứt đi”.
+ Suy nghĩ về thái độ của những người khác đối với việc thờ cúng của bản thân:
- Với Nhà nước: “(…) chùa đây thờ thánh thì tùy Nhà nước cho thờ hay không thì không biết”.
- Với gia đình: “còn nói đúng ra các con tôi cũng chưa tin”.
· Bà M. :
+ Nhấn mạnh đến sự khó khăn của việc tu hành :
“Tín ngưỡng bây giờ thực ra mà nói, nó cũng khó lắm (…)
“Một câu phát ra khỏi miệng là đã bị ghi rồi nên không dám nói dối.”
“Chỉ sợ mình mượn đạo, tạo đời nên không đắc thành thôi”.
+ Lược trình về quá trình tu hành của bản thân: “Chúng tôi thực ra mà nói cũng xoay tất cả rồi, nào là mê tín, nào là bói toán,v.v…”
+ Tác dụng của việc tu hành đến bản thân: “Ngày xưa tôi chỉ 45 kg, nhưng từ hồi tụng kinh theo đạo này là tôi khỏe và béo hơn nhiều, rất ít khi dùng thuốc”.
+ Về thành phần của người tu: “những người tu ở đây rất nghèo, toàn là nông dân”.
+ Về đặc điểm tu hành của Long Hoa :
“Tu tắt, không thì muộn, mà người dân lại không có trình độ nên chỉ biết có kinh là người ta tụng kinh”.
“Cái tâm phải làm được, mà những người có tâm thì phải xả thân, không có của thì phải xả thân chứ bo bo thì không ăn thua đâu !”
+ Giải thích sự tiêu cực của tín ngưỡng, tôn giáo dân gian: “Thích Ca tâm tà, vì tà đạo mạnh nên nó mới nảy ra nhiều cái đồng bóng khác”.
+ Về Hồ Chí Minh :
“Cái đức của Bác lớn quá nên đắc thành thôi”.
“Mình thờ Cụ đây, có bao giờ nhìn thấy Cụ đâu nhưng có việc gì thì trong gia đình Cụ biết hết, làm sai đúng đều biết hết”.
+ Về tương lai :
- Về tinh thần: “đến thời của Ngài chỉ có cười thôi”;
- Về đời sống vật chất: “Việt Nam phồn vinh không thể tưởng tượng nổi”
+ Về quan hệ với các tôn giáo khác: “Và sau đây, mình cũng như bên đạo (Thiên Chúa) thôi, tất cả đều ngồi làm lễ kinh ở nhà và lễ Phật, theo tôi thì Phật cũng như Chúa, tất cả đều do con người thôi”.
3.3. Dưới đây là một số ghi nhận có tính cách “tôn giáo học”.
· Về nhóm Long Hoa:
Hiện nay ở Vĩnh Phúc có hai nhóm Long Hoa: nhóm Long Hoa chủ yếu có nguồn gốc từ bà Đào Thị Minh (nói trên) truyền vào, hiện có thể coi cụ Đ.L sống tại thị trấn Phúc Yên là người đứng đầu nhóm này.
Nhóm Long Hoa từ Tân Lập - Đan Phượng truyền vào do Nguyễn Ngọc Lợi làm Phật thủ , gọi là Long Hoa Tam Hội, cũng có cơ sở ở Vĩnh Phúc cho đến nay.
Chúng tôi đã trực tiếp phỏng vấn cụ Đ.L, bà M, (hơn 70 tuổi, thị xã Vĩnh Yên), cũng theo Long Hoa hơn 10 năm nay.
Nói chung, những người mà chúng tôi tiếp chuyện đều kiên quyết bảo vệ “tín ngưỡng” của họ và cũng khá cởi mở.
Dưới đây là vài ghi nhận có tính “tôn giáo học”
a. Về đối tượng thờ cúng:
Khảo sát mặt này với các hiện tượng “đạo lạ” là không đơn giản. Cụ Đ.L dẫn chúng tôi lên thăm điện thờ tại gian xép riêng trên gác của gia đình. Bố trí như sau:
Giáo chủ Di lặc Tôn Phật
Hồ CHí MINH QUAN ÂM Bồ TáT
Cây Bồ đề ( tượng trưng nơi Phật thành đạo)
Mẹ CHồNG
Phía dưới bàn thờ có đặt hoa và nhiều lọ nước 1,25 lít đựng nước trắng.
Riêng ở nhà bà M (thị xã Vĩnh Yên), chúng tôi không thể đến thăm. Ở phòng khách, chỉ có ảnh Bác Hồ rất to, không có bát hương phía dưới.
b. Theo nghiên cứu của chúng tôi, hiện tượng Long Hoa Di Lặc phản ánh tâm trạng “sốt ruột” của một số Phật tử với sự “giải thoát” chậm chạp của Đức Phật tổ Thích Ca. Họ quay ra tôn Đức Di Lặc làm Giáo chủ, mong có sự hỉ xả sớm đến hơn.
Long Hoa Di Lặc đã có ở miền Nam khá lâu từ trước năm 1975. Ở miền Bắc, có phải bà Đào Thị Minh là “người khởi xướng” đạo này hay cũng là sự truyền đạo từ miền Nam ra, điều ấy còn phải xem xét.
Vấn đề lí thú là vì sao Long Hoa lại thờ cả Cụ Hồ và họ chủ trương thờ Cụ Hồ từ bao giờ ?
Cụ bà Đ.L cho hay: Lúc đầu, chúng tôi chỉ thờ Đức Di Lặc. Đầu thập niên 80, nhận thấy: cái Đức của Bác Hồ lớn quá nên đắc thánh; Bác Hồ là Đấng Thánh nên thường giáng trầnrăn dạy kinh sách, tạo dựng đạo hiền bên cạnh Đức Di Lặc để mở hội Long Hoa…
Chúng tôi hiểu: nhóm Long Hoa với kinh kệ thô sơ mà “tín đồ” cũng chẳng mấy ai hiểu (kinh Di Lặc Tôn Phật, Ngọc Phật giáng bút, Thờ Mẹ Mẫu…) để lôi kéo quần chúng, người ta lợi dụng luôn việc “thánh hóa” hình tượng Bác Hồ để dễ đi vào lòng người hơn.
Điều thú vị khác là, khi khảo sát nhóm Ngọc Phật Hồ Chí Minh, chúng tôi không thấy có tình trạng này: nghĩa là, nhóm Ngọc Phật không hề cầu viện đến Đức Di Lặc ?
c. Trong các bài “giáng bút” - lối truyền đạo kiểu đạo Cao đài mà nhóm Long Hoa triệt để khai thác - (gần đây nhất là lối thơ vè dân gian, lục bát, nhại thơ Tố Hữu khá thịnh hành). Có những dấu hiệu đáng chú ý: Người ta đã bàn đến “quốc sự” trực tiếp hơn.
Chẳng hạn, thái độ với các cuộc chiến tranh và cách mạng, chiến tranh Biên giới Việt – Trung 1979, quan hệ Việt – Mỹ ( kể cả chuyến thăm Việt Nam của Tổng thống Mỹ B. Clintơn…)
· Về nhóm Ngọc Phật:
Tại gia đình ông C., một quân nhân phục viên đã trên 70 tuổi, ở xã Minh Trí, huyện Phúc Yên, đã hoạt động cho nhóm Ngọc Phật Hồ Chí Minh hơn 15 năm nay, chúng tôi thấy:
- Đối tượng thờ phụng : Bàn thờ, gian giữa, có viết:
TẠI GIA CHÙA THANH TRÌ MỚI
TRỜI
THỜ BÁC HỒ
Thế kỉ XX đang XXI đầu 2001
Kỉ niệm năm thứ năm chùa lên 5 tuổi
Ngày 1 tháng 10 năm Canh Ngọ 30/9/90
Phụng sự tại gia
Ông C. tiếp chúng tôi như một đạo sĩ, lúc mê sảng, lúc lại như một “chính trị viên Đại đội”. Ông đưa chúng tôi xem sổ ghi tên những người, gia đình quy “đạo Ngọc Phật” và tờ giấy có chữ kí (và điểm chỉ):
Đạo Bác Hồ kêu gọi
Hai ngàn năm qua
Thế kỉ 21 tới nơi
Chùa Thanh Trì tổ chức 13 năm
Dựng cờ sinh nhật Bác Hồ
Tổ chức 3 ngày 19. 20. 21
Không phân biệt nam nữ trẻ già
Từ trăm tuổi xuống một tuổi trở lên
Đến Chùa dự lễ sinh nhật Bác
Nghe giảng một tiếng 12 – 14 giờ trưa
Là giờ Hoàng đạo sáng soi nước nhà
Vào sổ sinh và năm sinh
Chùa Thanh Trì 19. 5. 1999
(Chép nguyên văn)
Khác với 2 nhân vật trên của nhóm Long Hoa, 2 phụ nữ cao tuổi nhưng suy nghĩ, diễn đạt rất mạch lạc, lôi cuốn, vị đứng đầu đạo Ngọc Phật này của vùng Vĩnh Phúc lại đầy vẻ một đạo sĩ, đúng hơn là một thầy pháp, điều nhận ra ngay khi ta bước vào cửa nhà ông mà ông gọi là chùa Thanh Trì !
Đúng là nhóm Ngọc Phật hiện nay ở Vĩnh Phúc là từ huyện Sóc Sơn, Hà Nội truyền đến. Từ năm 1990, bà N. và một số người ở xã Hiền Lương lập ra Đoàn Ngọc Phật Sóc Sơn. Từ đó, lan đến các vùng xung quanh, trong đó có huyện Mê Linh với số lượng hàng trăm người.
Phương thức truyền đạo của Ngọc Phật lúc đó là lên đồng: các đầu đồng, bóng đồng quân đội, tượng trưng cho 34 chiến sĩ đầu tiên của Việt Nam Tuyền truyền Giải phóng quân. Nghe nói những năm đầu, Đoàn Ngọc Phật Sóc Sơn có dựng bàn thờ với 3 bát nhang: một thờ Bác Hồ, một thờ các liệt sĩ và một thờ Âu Cơ. Đỉnh cao của Đoàn Ngọc Phật Sóc Sơnlà năm 1992, khi họ tổ chức vài trăm tín đồ, đi xe ca có cờ, biểu ngữ đi xuống Hà Nội viếng lăng Bác và một số chùa ở Hà Nội.
· Một số nhận xét qua sự so sánh 2 nhóm Long Hoa và Ngọc Phật
Qua sự quan sát và phỏng vấn, xin có vài nhận xét về hai nhóm này:
- Về phương diện biểu trưng và nghi thức hành đạo
Với cả hai nhóm, biểu tượng về Hồ Chí Minh là đậm nét. Biểu tượng Di Lặc chỉ có ở nhóm Long Hoa.
Nhóm Ngọc Phật “kinh kệ” thô sơ hơn, chỉ thờ cúng tại gia và gắn với những ngày kỉ niệm Bác Hồ, Quốc khánh.
Ngược lại, nhóm Long Hoa kết hợp kinh Phật với các “kinh mới” do Phật, Hồ Chí Minh “giáng bút” với những nội dung phức tạp hơn. Thậm chí, bộc lộ những khía cạnh chính trị bất lợi.
Tuy vậy, cần lưu ý, hai nhóm “đạo lạ” này, rõ ràng có quan hệ khá mật thiết, từ khi nhómLong Hoa tìm đến biểu tượng Hồ Chí Minh.
- Về thành phần xã hội:
Theo số liệu của địa phương, cho đến nay, nhóm Long Hoa vẫn còn khoảng 800 hộ vàNgọc Phật khoảng 100 hộ. Chúng tôi hiểu các con số này là sự rút gọn, sự cố gắng vận động nhiều năm của các cơ quan hữu trách.
Tuy thế, một nhận xét có tính xã hội học tôn giáo là: dù sao, đây cũng không chỉ là hiện tượng lẻ tẻ, thờ cúng tại gia. Với quy mô trên, và qua cảm nhận khi phỏng vấn 3 trường hợp trên, chúng tôi cho rằng, 2 nhóm này ở Vĩnh Phúc vẫn có tầm vóc cỡ trung bình và nhỏ so với các phong trào tôn giáo mới khác!
Về thành phần xã hội: nhóm Long Hoa chú ý đến đối tượng nông dân, dân nghèo thành thị. Cụ Đ.L rất hay nhấn mạnh đến sự “bất công”, đối lập nông thôn với thành thị ( Hà Nội), tâm lí bị hất ra ngoài lề đời sống xã hội hiện nay.
Nhóm Ngọc Phật ít nói đến sự đối lập giàu nghèo. Họ quan tâm hơn đến sự đối lập giữa Trung ương và Làng xã ( “phép vua thua lệ làng”), sự tha hóa đạo đức của các cơ quan chính quyền, cơ quan quản lí kinh tế,v.v… Tuy vậy, hướng xã hội của sự truyền đạo của Ngọc Phật chưa rõ nét.
Cái chung là cả hai nhóm thu hút người lao động ở nông thôn, những lớp người có vẻ “vất vả” nhất trong sự hội nhập công cuộc Công nghiệp hóa, hiện đại hóa hiện nay. Số cán bộ về hưu ở huyện, tỉnh ít nhiều cũng là đối tượng nhằm đến.
- Thái độ với lịch sử và Đổi mới:
Cả hai nhóm xem ra đều nhấn mạnh đến truyền thống lịch sử và cách mạng. Nhưng sự khai thác “lịch sử” của Long Hoa có vẻ sâu sắc và có phần “biểu tượng hai mặt” hơn, kể cả việc khai thác triệt để hình tượng “Bác Hồ”.
Dẫu sao, “tính cách xã hội” của Long Hoa “hấp dẫn” hơn, nên nó có khả năng tồn tại và phát triển hơn nhóm Ngọc Phật.
Và đây chính là điểm lí thú cần tiếp tục nghiên cứu.
Ở Vĩnh Phúc thực ra còn có một số hiện tượng “đạo lạ” khác : Đạo Đồng Nhân, Khất thực Đạo Phật, một số giáo phái Tin lành mới chớm nở,v.v…
Cả điều này nữa, cũng trở lại với nhận định ban đầu của chúng tôi: Vĩnh Phúc, có một không gian tôn giáo tín ngưỡng khá đặc biệt, không nên chỉ đóng khung trong các “tôn giáo có pháp nhân” để nhận định, kết luận.
Trở lại vai trò của Đạo Mẫu. Trong một số hệ phái như thế những năm gần đây cho thấy ngày càng rõ hơn vai trò “liên hiệp”, dẫn dắt của Đạo Mẫu.
Ở khu vực Hà Nội, Hà Tây, Vĩnh Phúc, Phú Thọ,v.v… hiện nay đã có sự “liên hiệp” như thế giữa các nhóm Ngọc Phật Hồ Chí Minh, Đoàn 18 Phú Thọ, Long Hoa Di Lặc, Trường Ngoại Cảm Tố Dương trong một “tổ chức” chung gọi là Trường Phật Mẫu Địa Cầu (2006).
Con ơi! Một chốn cửa Thiền
Tâm con tu phúc cầu cùng mẹ - cha
Cầu Trời kính Phật cầu hiền
Mẫu Tiên Thủy Tổ, Tiên Bà chứng linh… ([8]).
Rất nhiều “hiện tượng tôn giáo mới” ở Miền Bắc Việt Nam hiện nay chủ yếu vẫn sử dụng phương pháp Cầu cơ - giáng bút, các phương pháp phù thủy, gọi hồn của Đạo giáo dân gian được “cách tân” trong bối cảnh hiện đại hóa, toàn cầu hóa hiện nay.
Vai trò của các tín ngưỡng tôn giáo truyền thống trong việc xuất hiện các “hiện tượng tôn giáo mới” nói cho cùng cũng phù hợp với những sự biến đổi của các “hiện tượng tôn giáo” thời hiện đại như chúng tôi đã đề cập ở phần trên. Điều này cũng liên hệ với nhận xét của các nhà xã hội học tôn giáo Tây Âu như ý kiến của J.P. Willaime : “trong xã hội hiện đại, nhà nước thế tục, việc giảm hiện tượng gắn tôn giáo với đời sống xã hội bên ngoài giảm dần vị trí. Thế tục hóa và đi liền với nó là quá trình tính hiện đại của tôn giáo đòi hỏi không chỉ “ít thực hành tôn giáo” mà là “thực hành tôn giáo theo cách khác”([9]). Trong sự hình thành các “hiện tượng tôn giáo mới” nói trên ở Việt
Nam, chính những hình thức tín ngưỡng tiêu biểu như truyền thống Đạo Mẫu đã đáp ứng được nhu cầu đó cho một bộ phận quần chúng, nhất là quần chúng thị dân ở các đô thị.
Nói tóm lại, qua việc nghiên cứu “hiện tượng tôn giáo mới” ở Việt Nam, chúng ta đã có khả năng thấy được những sắc thái, biểu hiện và những quy luật vận động của nó, để từ đó đi đến những nhận biết quan trọng đầu tiên về sự chuyển biến tín ngưỡng, tôn giáo nước ta ở thời hiện tại. /.
GS - Đỗ Quang Hưng
[1] . Xem bài: Sự tiến hóa của tôn giáo của Robert N. Bellah trong cuốn Nhân học về tôn giáo, sưu tập dịch, Nxb. Thế giới, 2006.
[2] . Cuộc khảo sát của Viện Nghiên cứu Tôn giáo năm 2001 - 2002 về “hiện tượng tôn giáo mới” ở các tỉnh phía Bắc và báo cáo đề dẫn hội thảo của Đỗ Quang Hưng : “Hiện tượng tôn giáo mới” – Mấy vấn đề lí luận và thực tiễn, Tạp chí Nghiên cứu Tôn giáo, số 5/2001.
[3] . Theo chúng tôi, “hệ thống tôn giáo” ở Việt Nam hiện nay có 4 nhóm: nhóm thứ nhất, hệ thống tôn giáo tín ngưỡng bản địa truyền thống ở cả 3 cấp độ tế tự tại gia đình, làng xóm và quốc gia; nhóm thứ hai, các tôn giáo nhập nội từ Tam giáo đến Islam giáo, Kitô giáo (Công giáo và Tin Lành từ thế kỉ XVI); nhóm thứ ba, các tôn giáo tích hợp mới nảy sinh đầu thế kỉ XX ở Nam Bộ như đạo Cao Đài và Phật giáo Hòa Hảo; nhóm thứ tư, “hiện tượng tôn giáo mới” ( đạo lạ) chủ yếu từ cuối thập niên 80 thế kỉ XX trở lại đây.
[4] . Guru (chữ Phạn: thầy giáo) là người đứng đầu cộng đồng tôn giáo của người Sik ở Penjap. Các nhà nghiên cứu “hiện tượng tôn giáo mới” thường lấy từ này để chỉ các giáo chủ, thủ lĩnh của các giáo phái ấy trong thời hiện đại.
[5] . Xem cuốn Hỏi đáp một số vấn đề về đạo lạ ở nước ta hiện nay, Vụ Công tác Tôn giáo, Ban Dân vận Trung ương, Nxb. Tôn giáo, 2007.
[6] . Vụ Pahé. Hỏi đáp một số vấn đề đạo lạ ở nước ta hiện nay, Sđd, tr. 85.
[7] . F. Champion là nhà nghiên cứu nổi tiếng về “hiện tượng tôn giáo mới” của Trung tâm Nghiên cứu Quốc gia về Khoa học Xã hội của Pháp. Bà là tác giả của nhiều công trình nghiên cứu về các phong trào tôn giáo mới ở Pháp và Châu Âu.
[8] . Tài liệu điền dã của chúng tôi năm 2006 về một số “đạo lạ” ở miền Bắc Việt Nam những năm gần đây.
[9] . J.P. Willaime. Tiếp cận xã hội học các hiện tượng tôn giáo, trong cuốn Tôn giáo và tính hiện đại, Paris, 2006, tr. 34.