23/11/2013 12:15 (GMT+7)
Số lượt xem: 1228
Kích cỡ chữ:  Giảm Tăng


 

Giả sử ở nước ta, thời nay có vị lãnh đạo nào đó là phật tử, trước khi nhậm chức có đi lễ ở Chùa, Đền, Miếu…hoặc đặt tay tuyên thệ lên quyển Kinh của đạo Phật chắc ông sẽ cho là mê tín hoặc thiên vị tôn giáo

Ngày 16/11/2013, tại chùa Bái Đính, xã Gia Sinh, huyện Gia Viễn, tỉnh Ninh Bình đã  tổ chức Đại lễ cầu siêu tưởng niệm các nạn nhân tử vong vì tai nạn giaothông do TƯ GHPGVN và UB ATGTQG phối hợp trực tiếp tổ chức. 

Đây là một việc làm có ý nghĩa nhân văn sâu sắc, theo đúng truyền thống văn hóa của dân tộc, đa số các gia đình có người thân và bạn bè dự lễ với niềm tin sâu sắc để nguyện cầu cho hương linh của những người xấu số được siêu thoát. Trong không khí trang nghiêm, đại chúng cũng cầu nguyện cho gia đình các nạn nhân có niềm tin, nghị lực nén đau thương mất mát, vượt qua khó khăn trước mắt để tiếp tục xây dựng cuộc sống và xã hội thêm an lành, tốt đẹp. 

 Sự thành tâm của phật tử tại lễ cầu siêu nạn nhân tại nạn giao thông

Ai cũng biết việc giảm tai nạn giao thông cần có những biện pháp mang tính căn cơ về Quy hoạch giao thông, nâng cao ý thức chấp hành pháp luật về giao thông của người tham gia giao thông;...đó là cả một câu chuyện dài về quản lý Nhà nước trong lĩnh vực giao thông vận tải. 


Ấy vậy mà trên trang BBC ngày 19/11/2013, có bài “Cầu siêu để đối phó tai nạn giao thông?”; với cách đặt vấn đề đó có lẽ không phải thể hiện sự quan tâm chân thành đến số người chết vì tai nạn giao thông hàng năm tại Việt Nam mà quan tâm đến một khía cạnh khác như mục đích chính trong bài viết đã thể hiện rõ.


Nếu bạn đọc theo dõi liên tục trên trang BBC thì nhận thấy trong các chủ đề tôn giáo, BBC rất nhanh nhạy khi đưa tin bài liên quan đến các tôn giáo ở Việt Nam cũng như trên thế giới từ Phật giáo đến Ca tô giáo La Mã, Tin lành….trong đó đa số bài liên quan đến Phật giáo được BBC khai thác có chủ đề tiêu cực. 

Ví như: Việt Nam: Chùa chiền và tiền bạc; Phật tử tức giận vì tượng Phật ở Việt Nam, Về Phật giáo Việt Nam và hai giáo hội; hay với Phật giáo trên thế giới thì có các bài: Bị trục xuất vì xăm tay hình đức Phật, Đám đông Phật giáo tấn công đền thờ,…

Trở lại bài viết “Cầu siêu để đốiphó tai nạn giao thông?”, BBC trích dẫn lời của Giáo sư Ngô Đức Thịnh nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu Văn hóa dân gian:  Bộ Giao thông - Vận tải, với tư cách cơ quan của một nhà nước thế tục, không nên đứng ra tiến hành một hành vi thực hành tín ngưỡng như thế, rất dễ gây ra những hiểu lầm." 

Hay "Đây là một hành động của Phật giáo mà cá nhân các vị lãnh đạo hoặc nhà nước, có thể đến tham gia việc đó. Chứ theo tôi, Bộ Giao thông - Vận tải, với tư cách cơ quan của một nhà nước thế tục, không nên đứng ra tiến hành một hành vi thực hành tín ngưỡng như thế, rất dễ gây ra những hiểu lầm." 

Nhà nghiên cứu cho rằng ở Việt Nam hiện nay cần có một sự 'rạch ròi' về vấn đề này.

"Chứ không sẽ có nhiều cái dẫn đến hiểu lầm, một sự đánh giá, nhất là vấn đề rất nhạy cảm về tôn giáo, tín ngưỡng. Bản thân nhà nước Việt Nam là nhà nước theo ý thức hệ cộng sản, một ý thức hệ dù sao trước kia cũng theo chủ nghĩa vô thần."

Cũng là Giáo sư Ngô Đức Thịnh đã không ít lần trả lời trên BBC về chủ đề Phật giáo thuộc diện những nhóm bài như chúng tôi đã nêu ở trên.

Giáo sư Ngô Đức Thịnh đã có nhìn nhận sai lệch, nếu không sai lệch thì có lẽ do ông không có thông tin về đời sống tôn giáo ở các quốc gia khác, kể cả ở Mỹ. 

Hiện tại, Hiến pháp nước Mỹ đã tách tôn giáo ra khỏi nhà nước, và không riêng gì Mỹ đa số các quốc gia trên thế giới, trong đó có Việt Nam điều đó là rõ ràng. Vì Nhà nước giữ vai trò khách quan để tất cả các tôn giáo hoạt động bình đẳng trước pháp luật. 

Như ông biết, hiện nay nhiều hội, đoàn hoạt động thế tục, phi tôn giáo ở Mỹ, cũng như các tôn giáo không tin theo Kinh Thánh đang đặt ra những câu hỏi rất chính xác, mà không biết đến bao giờ nước Mỹ mới thực hiện được quyền bình đẳng tôn giáo với hoạt động của Nhà nước như “từng rêu rao”. Đó là quyển Thánh kinh chỉ là quyển kinh của người Ca tô giáo La Mã, Tin lành; trong khi đó nước Mỹ còn có hàng chục tôn giáo khác, và cả những hội - đoàn của những người vô thần, không tôn giáo….

Tại sao, từ khi lập quốc đến nay, gần như tất cả các tổng thống Mỹ đều để tay tuyên thệ lên quyển Kinh thánh trước Quốc hội? Chưa kể, trước khi nhậm chức gần như đa số các tổng thống Mỹ đều đi lễ nhà thờ (chương trình này nằm chính thức trong lễ nhậm chức tổng thống, không phải với tư cách cá nhân). 

Trong chương trình lễ nhậm chức tổng thống, ông Obama đã đi lễ tại nhà thờ St John. Ngoài ra, đồng tiền là để chi tiêu chung, không phân biệt tôn giáo. Tại sao trên đồng USD lại ghi In God We Trust – Chúng tôi tin tưởng ở Chúa Trời? 

Nước Mỹ làm như vậy, hàng chục tôn giáo khác không tin ở Chúa Trời họ có chạnh lòng? Họ có "rất dễ gây ra những hiểu lầm" (- GS Ngô Đức Thịnh) không - thưa Giáo sư? Nếu có dịp chất vấn các chính khách đó, mong ông hỏi dùm, các vị làm như vậy, có thực sự là nước Mỹ đã bình đẳng tôn giáo hay không? 

Gần như ở tất cả các nước phương Tây, và một số nước phương Đông các nguyên thủ quốc gia khi nhậm chức thường để tay lên quyển Kinh Thánh để tuyên thệ. Chúng ta không trách họ là thiên vị tôn giáo, vì:

Họ lớn lên trong môi trường văn hóa đó, cách thể hiện đó là quyền của họ. Còn chúng ta, sống trong môi trường văn hóa Việt, mà có lẽ trong tất cả các tôn giáo phải khẳng định Phật giáo có sự gắn bó sâu rộng nhất.

Giả sử ở nước ta, thời nay có vị lãnh đạo nào đó là phật tử, trước khi nhậm chức có đi lễ ở Chùa, Đền, Miếu…hoặc đặt tay tuyên thệ lên quyển Kinh của đạo Phật chắc ông sẽ cho là mê tín hoặc thiên vị tôn giáo. Còn ở Mỹ thì vô tư phải không ông? Vì ở Mỹ có những điều bất cập và mất tự do tôn giáo “khủng khiếp” ở cấp Nhà nước như vậy thì vì họ là "tự do tôn giáo".


Nước nào cũng vậy, dù công khai hay không, thì đều phải có tôn giáo nòng cốt. Tôn giáo nòng cốt, có khi là có số tín đồ đông nhất, hoặc có thể là thiếu số nhưng là truyền thống văn hóa của quốc gia đó. 


Chẳng hạn ở Úc, dân bản xứ chiếm số lượng không lớn, nhưng trong các nghi lễ quốc gia và nghi thức đón tiếp trọng thị của Úc khi dành cho các nguyên thủ quốc gia đến thăm. dấu ấn văn hóa của dân bản xứ là rõ nét (kể cả các nghi lễ tôn giáo bản xứ). 

Ở Mỹ tôn giáo có đông tín đồ nhất là Tin lành và Ca tô giáo La Mã, do vậy có sự ảnh hưởng về tôn giáo và văn hóa tôn giáo, nghi lễ mang tính tôn giáo trong các nghi thức cấp quốc gia của nước Mỹ cũng là điều hiểu được, và đó có lẽ không phải là sự vi phạm tự do tôn giáo hay thiên vị tôn giáo để cho các tôn giáo khác, và những người vô thần ở Mỹ chỉ trích.


Ở Việt Nam thì nòng cốt vẫn là Tam giáo đồng qui trong đó có vai trò trụ cột của Phật giáo, nếu ông còn băn khoăn xin ông chỉ ra cho tôi có tôn giáo nào khác thay thế được Phật giáo là tôn giáo nòng cốt đã định hình trong suốt chiều dài lịch sử dân tộc? 


Chính vì vậy, sự có mặt của nguyên thủ quốc gia, các chính khách ở các sự kiện này, góp phần tôn vinh văn hóa dân tộc, tiếp nối truyền thống văn hóa dân tộc, đúng với mục tiêu "xây dựng nền văn hóa tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc" chứ không phải là thiên vị tôn giáo như suy nghĩ của riêng ông.

Đạo Phật vào Việt Nam trên 2000 năm nay đã thấm sâu vào mạch máu người Việt đến mức, có lúc tư duy, quan niệm của Phật giáo thành nền tảng văn hóa Việt Nam, mà chúng ta không tìm hiểu kỹ sẽ khó nhận ra, chúng ta lại tưởng Phật giáo là một cái gì đó xa lạ. 

Ví dụ  “một điều nhịn, chín điều lành”, “ăn quả nhớ kẻ trồng cây”, “ở hiền gặp lành”, “đời cha ăn mặn, đời con khát nước”….tất cả những đúc kết đó trong đời sống là chiết xuất từ nền tảng đạo Phật được người Việt, Việt hóa một cách rất Việt Nam….


Sở dĩ, chúng tôi phải viết dài dòng một chút để thấy được đạo Phật với người Việt là vậy.


Đọc bài viết trên BBC và các ý trả lời của Giáo sư, tôi không hiểu ý ông muốn nói gì? Phải chăng Nhà nước cần hành xử công bằng để tránh gây hiểu lầm?. Xin ông chỉ cho biết ai và hiểu lầm ở đây là gì? Để tôi trả lời ông vào một bài viết khác cụ thể hơn, chi tiết hơn – nếu ông muốn tôi “nói có sách, mách có chứng” rõ ràng.


Trong khi chờ câu trả lời từ ông, xin được trình bày rõ hơn với ông, Phật giáo vào Việt Nam trong suốt chiều dài lịch sử đến nay đã bao giờ gây tổn hại gì cho dân tộc? Văn hóa Phật giáo có "xâm thực" văn hóa truyền thống của dân tộc hay không?


Có giai đoạn lịch sử nào mà Phật giáo câu kết với các thế lực ngoại bang để xâm chiếm đất nước ta hay không? Không có. Thưa ông!
Vì nếu có những phân tích công bằng, nhiều vấn đề lịch sử phải xới lại, trong khi cả tôi và ông đều muốn một cuộc sống hài hòa tôn giáo yên bình trên mảnh đất Việt Nam. 


Chúng tôi nghĩ rằng, cuộc sống hài hòa thì không thể thiếu nền tảng văn hóa tâm linh của dân tộc, dù theo tôn giáo nào thì hễ đã là người Việt Nam chúng ta hãy tôn trọng điều đó.


Phan Ngọc An

Source : http://phatgiao.org.vn/y-kien/201311/Cau-sieu-cho-nan-nhan-tai-nan-giao-thong-qua-goc-nhin-cua-BBC-va-Giao-su-Ngo-duc-Thinh-12736/

Link: http://www.giaodiemonline.com/noidung_detail.php?newsid=8037
 


Âm lịch

Ảnh đẹp