12/02/2014 19:04 (GMT+7)
Số lượt xem: 1597
Kích cỡ chữ:  Giảm Tăng

(PGVN)

Thi thoảng chuột vẫn chạy qua, lại nơi ruộng nhà dân, dấu chân thì còn nhiều. Nhưng, “các ông” ý chỉ đứng… ngó ruộng nhà chùa rồi đi, chứ không hề lấn sân sang ruộng chùa bao giờ.



Tuần đầu Xuân Giáp Ngọ 2014, nhóm phật tử chúng tôi từ Hà Nội về thăm một ngôi chùa quê, gần đến nơi, xe chúng tôi đón thêm chị Ngọc Anh là phật tử tại địa phương và cũng là người đã mời đoàn phật tử chúng tôi du xuân về thăm chùa quê đầu năm.

“Miếng trầu đầu câu chuyện” khi chúng tôi cùng nhau tới ngôi chùa nhỏ - chùa Kim Bản ở thôn Tràng, xã Cẩm Đông, huyện Cẩm Giàng, tỉnh Hải Dương. 

Chị Ngọc Anh, “hướng dẫn viên” bất đắc dĩ ríu rít cùng chúng tôi trên đường về chùa Kim Bản: Có chuyện lạ lắm các cô, các chú nhé. Nếu chỉ nghe các ông, các bà trong thôn nói thì con cũng không tin. Nhưng chính mắt con có lần nhìn thấy ngay lối đường đất Thầy (Tỳ kheo Thích Tâm Hiệp) mới đắp, mới kè lại quanh khu ruộng nhà chùa, chuột tung tăng cả đàn dày xéo bên ruộng phía ngoài. Nhưng tuyệt nhiên không con chuột nào bén mảng sang ruộng nhà chùa, dù hoa màu, lúa mạ tươi tốt lắm…

Ảnh mang tính minh họa. Nguồn: Internet

Tôi thầm nghĩ: Có tin được không? Vì với chuột đồng, chúng thường đào hang quen rìa ruộng, bên triền đê. Vùng quê nào đắp đê thì chuột rộng đất đào hang hơn, vì đê kè cao nên cách xa mặt đầm, mặt ruộng. Ruộng bờ, ruộng thửa nền thấp, thì hang chuột ít hơn. Nhưng, nhiều ít gì thì chuột đồng cũng là “kẻ thù số một” của hoa màu, của lúa mạ… 

Tuy đã 6h tối, nhưng đích thân chúng tôi phải mục sở thị thì mới có thể tin, còn nghe kể vẫn còn bán tin - bán nghi. Chùa nằm bên bìa làng hai mặt giáp cánh đồng lúa nên trời khá quang, đủ sáng để tôi tác nghiệp. Xe vừa dừng bánh. Tôi chỉ kịp: Con chào Thầy ạ! Khi thấy Tỳ kheo Thích Tâm Hiệp, hiện đang tiếp quản chùa Kim Bản cùng vài phật tử ra đón đoàn. 

Toàn cảnh đồng ruộng nơi chùa Kim Bản

Tôi xách máy ảnh đi ngay ra khoảng ruộng mà chị Ngọc Anh chỉ trên đường vào chùa. Một bác phật tử trong thôn dường như đoán được “sự tình” nên đi theo tôi lúc nào không hay. Khi tôi lui cui soi xét, tìm “dấu vết”,  nghe có tiếng người sát cạnh: Cháu cố cũng không tìm thấy dấu chân chuột nào đâu. Hết vụ mùa rồi, làm gì còn chuột mấy. Thi thoảng chuột vẫn chạy qua, lại nơi ruộng nhà dân, dấu chân thì còn nhiều. Nhưng, “các ông” ý chỉ đứng… ngó ruộng nhà chùa rồi đi, chứ không hề lấn sân sang ruộng chùa bao giờ.



Bờ đất ngăn cách mới được đắp

Khoảng đất ruộng nhà dân dấu chân chuột vương đầy...

...cách có bờ đất, bên ruộng chùa cỏ cây vẫn tốt tươi, không hề có dấu hiệu bị chuột đồng xâm phá

Chụp nhanh vài bức ảnh, tôi cảm ơn bác mà quên béng cả hỏi tên. Vào chùa, quây quần cùng mọi người bên tách trà ấm cùng bánh, mứt, kẹo ngày Tết, tôi mạnh dạn thưa chuyện cùng thầy Thích Tâm Hiệp: Thưa thầy, con có nghe chị Ngọc Anh, cùng bà con nói đã nhiều năm nay, nhà chùa có “hiện tượng” lạ là chuột đồng rất nhiều, ruộng dân với ruộng chùa cách nhau có bờ đất nhỏ mà chuột có vẻ “chê” không sang quấy phá ruộng chùa? Chuyện này có thật không thưa Thầy!

Thầy Tâm Hiệp vừa nhấp ngụm trà nhỏ, vừa chậm rãi: Chuyện này nghe các cụ trong thôn nói nhiều lần, nhưng thầy cũng chỉ bán tín bán nghi thôi. Đến vụ mùa năm nay, thì quả có lúc thầy cũng thấy như vậy. Thầy cũng chưa rõ nguyên cớ. Còn con đường đất bao quanh ruộng nhà chùa là thầy mới cho đắp khi vừa hết vụ Thu Đông năm nay con ạ.

Tôi tranh thủ thưa tiếp cùng thầy: Thưa thầy, phải chăng chuột hàng ngày, hàng giờ được nghe Kinh kệ. Tiếng chuông, nhịp mõ khi tối, hồi sớm đã tác động tới vùng tâm thức sâu thẳm chúng sinh, từ đó chúng sinh là những chú chuột đồng biết “phân biệt” ruộng của dân và ruộng chùa ạ?

Thầy Tâm Hiệp không trả lời thẳng vấn đề, mà kể chúng tôi nghe một câu chuyện: Có chị phật tử trong thôn, bỗng có năm chuột vào nhà vô kể. Chị đến “cầu cứu” thầy, nhờ thầy chỉ cách làm sao để chuột không vào nhà. Thầy chia sẻ cùng chị: Chúng sinh nào, ở kiếp súc sinh cũng có thể coi như oan gia trái chủ với mình. Có “duyên”, mang “nợ” thì mới tìm đến nhau. Con về nhà hàng ngày tụng chú Đại Bi, đọc Kinh rồi hồi hướng công đức cho chúng sinh. Và, nên để đĩa cơm, chút thức ăn ở một góc riêng trong nhà, hoặc ngoài vườn.

Chưa đến 2 tháng sau, thực hành những gì thầy chia sẻ, chuột đã không vào nhà nữa, và “quên” hẳn nhà chị đến tận bây giờ…

Tôi thầm nghĩ, hồi tưởng lại một nếp sinh hoạt mà các gia đình khi nay hầu như không còn giữ nữa, đó là thường nhà ai có nuôi mèo, nuôi chó, khi ăn cơm xong bao giờ cũng dành bát cơm cho những vật nuôi đó. Có lẽ, được ăn no, ăn đủ nên mèo ít ăn vụng, chó cũng thờ ơ với thịt, cá bày mâm mà không cần đậy lồng bàn.

Nhưng, chuột đồng đâu có được như vậy? Phải chẳng, câu Kinh, tiếng kệ, nhịp chuông, mõ hàng ngày cũng góp phần "tác động". Đất chùa, ruộng chùa, lúa mạ hoa màu “ngấm sâu” giáo lý nhà Phật mà chuột đồng cảm nhận được, tự biết: Cây lúa này, đồng ruộng này là của nhà chùa nên không nỡ…

Câu chuyện nhỏ ghi nhận một hiện tượng, và cũng chỉ là những suy nghĩ củng cố niềm tin sở khởi, cũng không nên quá "thần thánh" hóa biến thành mê tín không cần thiết. Nhưng quả thật, với chúng tôi đây là câu chuyện đầu năm hết sức có ý nghĩa. Vì câu chuyện do chính những người dân trải nghiệm và kể lại.

Vậy là đầu năm du xuân, chúng tôi lại có thêm niềm tin; chúng sinh dù chưa đủ nhân duyên mang kiếp thân người, nhưng tâm thức đã có ý thức. Thật kỳ diệu!

Thường Nguyên 


Âm lịch

Ảnh đẹp