Chùa Bửu Minh Gia Lai - Mobile
Phật sự hôm nay: Phục hồi, tiếp nối nghi thức truyền thống dân tộc với lễ rước Kiệu Phật
Minh Thạnh
07/05/2011 17:12 (GMT+7)

Sử dụng hình thức mới, chúng tôi muốn tạo nên sự hấp dẫn, thu hút của bài đăng tải. Tuy nhiên, trên hết là mục tiêu nêu bật được vấn đề, tìm cách giải quyết, thông qua việc thảo luận, cọ xát ý kiến giữa 2 hay có thể nhiều bên.

Bài đăng tải sẽ là “cuộc nói chuyện khó khăn” về những đề tài Phật sự nóng hổi, mà ở đó, việc phát hiện vấn đề và tìm cách giải quyết không phải là dễ dàng trơn tru như một bài viết thông thường, mà sẽ là một sự va chạm, chất vấn đầy kịch tính, trong tiến trình dẫn tới việc làm sáng tỏ vấn đề, thống nhất giải pháp.


Mục tiêu của dạng bài viết này cũng là mong muốn sự tham gia tìm hiểu, nghiên cứu vấn đề từ nhiều phía, huy động được trí tuệ của bạn đọc.

Tuy nhiên, cũng có thể coi đây là một dạng bài phỏng vấn báo chí, tuy đặc biệt, có biến thể so với truyền thống, trong đó không phải là một chiều hỏi đáp, mà điều trông đợi, là 2 chiều hay nhiều chiều. Và nếu là một chiều, thì câu hỏi sẽ gay gắt hơn so với phỏng vấn bình thường, nhằm mổ xẻ vấn đề một cách dứt khoát, triệt để.

“Phật sự hôm nay”cần sự cộng tác của quý Tôn đức Tăng Ni Phật tử, vì như đã nói, bài đăng tải không là ý kiến của riêng người viết, mà người viết chỉ tham gia như một bên đối thoại.

Để tham gia các bài “Phật sự hôm nay”, xin quý thầy cô và đạo hữu gửi thông tin về số điện thoại của quý vị vào phản hồi dưới các bài đã đăng tải thuộc dạng này, có thể nêu vấn đề cần trao đổi, cũng có thể không. Chúng tôi sẽ gọi lại hẹn trao đổi vào thời điểm thuận tiện để cùng nhau xây dựng bài đăng tải.

Mở đầu loạt bài “Phật sự hôm nay”, chúng tôi xin mời quý bạn đọc đọc lại văn bản buổi trao đổi ý kiến về vấn đề Cộ Phật, tức kiệu Phật, với Đại đức Thích Giác Đạo, chùa Giác Tâm, Quận 5, TPHCM về việc Cộ Phật và những khó khăn chung quanh việc thực hiện nghi lễ này, đặc biệt là vào dịp Phật Đản PL 2555.

Như đã trình bày, do có chủ định, với mục tiêu là cố gắng mổ xẻ vấn đề ở mức tối ưu nhất, các câu hỏi sẽ căng thẳng, có khi không đặt trong quan hệ Tăng Ni – Cư sĩ, mà là những người cùng nhau tìm hiểu giải quyết vấn đề.

Minh Thạnh (MT): Thưa thầy, phải chăng Cộ Phật, tức kiệu Phật là hình thức nghi lễ mới sáng tạo của một vài chùa ở TPHCM, vì thế không được cho phép. Khác với xe hoa Phật Đản là việc phục hồi một hoạt động thường niên trong dịp Phật đản trước 1975?

Đại đức Thích Giác Đạo (ĐĐTGĐ): Không phải cộ Phật (kiệu Phật) là một nghi lễ mà chùa Giác Tâm hay một chùa nào đó ở TPHCM mới nghĩ ra. Cộ Phật là một nghi lễ Phật giáo Việt Nam đã có từ hơn 1.000 năm nay và có thể còn sớm hơn nữa.

1000 năm là thời điểm mà chúng ta biết đến nghi thức qua các thư tịch cổ như Văn bia Tháp Sùng Thiện Diên Linh, Đại Việt sử ký toàn thư… Cụ thể là vào thời nhà Lý, Cộ Phật được cử hành trang nghiêm để rước Phật trong nhiều dịp lễ khác nhau, chứ không chỉ mừng Phật đản, và không chỉ là Tăng Ni Phật tử cử hành, mà còn có sự tham dự của vua quan và bá tánh nói chung.


Nghi thức cộ Phật cũng không phải được cử hành vào những dịp lễ cố định, mà có thể trong những dịp lễ đột xuất, vì nhu cầu chung, như cầu mưa chẳng hạn.

Anh có thể tìm thấy những miêu tả chi tiết về cộ Phật trong nhiều tài liệu, thí dụ Bộ Thơ Văn Lý Trần (3 tập) Viện Văn học, Ủy ban Khoa học Xã hội Việt Nam tổ chức sưu tầm, chỉnh lý, biên soạn, Nhà xuất bản Khoa học Xã hội xuất bản, hoặc bộ Đại Việt Sử ký toàn thư của sử gia Ngô Sĩ Liên, được dịch và xuất bản bởi nhiều nhà xuất bản khác nhau.

MT: Thưa thầy, trước năm 1975 và mãi cho đến gần đây ở TPHCM, riêng tôi, chưa thấy nghi thức Cộ Phật này. Vậy phải chăng, Cộ Phật là một nghi thức đã bị mai một, và vì vậy, bây giờ phục hồi là cả một vấn đề?

ĐĐTGĐ: Có thể nói nghi thức này đã có những mai một và cần đặt ra vấn đề phục hồi, tất nhiên là như thế có thể phải xin phép, ở một số địa phương, như TP.HCM chẳng hạn. Phật đản năm 2009, Thành hội Phật giáo TP.HCM cũng có rước kiệu Phật, nhưng ở trong sân vận động.

Trong khi đó, Cộ Phật nói riêng, cũng như cộ các bậc thần thánh khác, là một nghi lễ thông thường, quen thuộc, có tính truyền thống ở đại đa số địa phương miền Bắc nước ta. Vì là nghi lễ truyền thống dân tộc nên việc cử hành ở miền Bắc là chuyện bình thường, như đi chùa, không cần phải đặt ra khái niệm xin phép hay cho phép.

MT: Nhưng phải chăng cũng có sự gián đoạn và phục hồi trong khoảng thời gian sau 1954?

ĐĐTGĐ: Không, sau thời điểm mà anh nói, có thể nghi thức cộ Phật rước Phật có hạn chế hơn, nhưng vẫn được duy trì ở nhiều vùng miền Bắc. Ở Huế cũng có truyền thống rước Phật từ chùa Diệu Đế đến chùa Từ Đàm rất trang trọng, nghi thức này cũng mới được phục hồi trong mấy năm gần đây.

Nếu tôi nhớ không lầm, là vào khoảng cuối thập niên 1950, Phật giáo nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa đã tổ chức rước dưới hình thức tương tự như Cộ Phật cây bồ đề, là cây con từ nơi Phật thành đạo, là quà tặng của Thủ tướng Ấn Độ dành cho Chủ tịch Hồ Chí Minh nhân dịp Bác đi thăm hữu nghị nước Cộng Hòa Ấn Độ.

Cây bồ đề được cộ rước về trồng ở sân chùa Quán Sứ, Hà Nội.

Vì vậy, anh nói là có thời gian gián đoạn nghi thức nói trên ở miền Bắc Việt Nam chỉ là gián đoạn ở một số nơi như Hà Nội, còn các vùng quê đồng bằng Bắc Bộ khác thì không gián đoạn. Nghi lễ truyền thống này vẫn được một số làng duy trì và trường hợp dẫn ra ở trên là một ví dụ điển hình.

MT: Vậy, theo thầy, cộ Phật  ở miền Nam chẳng hạn do chùa Giác Tâm thực hiện chỉ là sự thừa tiếp nghi lễ truyền thống dân tộc?

ĐĐTGĐ: Quê hương chúng tôi ở miền Bắc, vào hành đạo ở miền Nam, chúng tôi chỉ mong thực hiện nghi thức truyền thống Phật giáo Việt Nam để mừng Phật đản, cũng như các dịp lễ khác. Rước Kiệu (Cộ Phật) Phật là truyền thống Phật giáo và dân tộc.

Đây là việc kế thừa và phát huy truyền thống dân tộc, là thực hiện một chủ trương lớn của Đảng và nhà nước.

MT: Nhưng được biết ở TPHCM chỉ có vài chùa mong muốn thực hiện nghi thức này?

ĐĐTGĐ: Đó là việc đáng tiếc, là việc gián đoạn truyền thống. Chúng tôi mong rằng nghi thức rước Kiệu Phật truyền thống sẽ được phục hồi trên phạm vi cả nước.

MT: Xin thầy miêu tả chi tiết nghi thức Cộ Phật, vì có lẽ một số Tăng Ni, Phật tử TPHCM chưa hề biết đến nghi thức này?

ĐĐTGĐ: Kiệu Phật có nhiều hình thức, tùy làng xã tổ chức mà có sự khác biệt, không có một mẫu chuẩn chung. Tùy điều kiện, tùy nơi, và có thể tùy thời điểm, Kiệu Phật hay kiệu các vị Thánh là thiên thần, nhân thần cũng có thể có sự thay đổi, gia giảm.

Nhưng anh nghĩ rằng người dân TPHCM xa lạ với “cộ”, chưa biết đến cộ, là chưa chính xác.

ĐĐTGĐ: Anh có dự lễ hội Nghinh ông ở Cần Giờ chưa?

MT: Dạ có, cả ở thị trấn Cần Giờ và xã Đồng Hòa, năm nào cũng Nghinh ông bằng cộ, có người khiêng từ Dinh Thủy Tướng xuống thuyền ra biển cúng tế, rồi lại cộ về Dinh Thủy tướng.

Theo lệ, theo rước cộ có múa lân, sư tử, rồng, ban nhạc, phan phướn. Đi trước có  hương án. Người đi theo rất đông. Cộ nhích từng bước giữa đám đông chen chúc, cả người xem và người đi theo rước.

Hầu như mọi người dân thành phố HCM cũng dự qua lễ hội này ít  nhất một lần. Đúng là rước cộ vốn là truyền thống dân tộc. Có điều khác, chỉ là trên cộ là Phật hay là Thần thánh mà thôi.

ĐĐTGĐ: Năm anh dự lễ Nghinh ông số người rước cộ khoảng bao nhiêu?

MT: Tôi dự nghinh ông nhiều lần. Cứ 16 tháng 8 Âm lịch mà rỗi việc đều về huyện Cần Giờ dự nghinh ông. Nếu tính cả dân thị trấn, người dự lễ từ các nơi về dự, bằng xe, và ghe tàu, thì có lẽ dự nghinh ông có đến hàng trăm ngàn người, đoàn cộ dài mấy km, và không tài nào đến được gần cộ.

ĐĐTGĐ: Còn nói về hình thức thì kiệu có nhiều loại, thành tố “cộ” trong từ “xe cộ” không phải là vô nghĩa. Trong truyền thống dân tộc, cộ thông dụng như xe vậy. Và cũng có nhiều loại. Cộ hay kiệu, có Kiệu Bành, Kiệu ngai thường dùng để rước Phật, Cộ (kiệu) ngự, long đình… thường dùng để rước Thánh…

Có thể phân loại kiệu theo số lượng người khiêng. Kiệu chùa Giác Tâm theo kiểu Bát Cống, có tám người khiêng, lớn hơn loại có 4 người khiêng. Chúng tôi có cải biến đặt trên bánh xe, để không vất vả cho người khiêng. Việc kiệu chỉ là tượng trưng, còn trọng lực chịu trên bánh xe, không còn chịu trên vai người khiêng như trước.

MT: Cộ ở miền Bắc có múa lân, múa rồng, múa sư tử như ở Cần Giờ không thưa thầy?

ĐĐTGĐ: Nghi thức truyền thống dân tộc tương đồng nhau về đại thể. Cũng cần nói thêm là người khiêng cộ phải là người được tuyển chọn. Và là một vinh dự lớn nếu được chọn. Tiêu chuẩn thì theo từng nơi, có làng chỉ tuyển đồng nam, đồng nữ (còn trinh tiết), có làng tuyển chọn các vị trung niên gia đình đạo đức, hạnh phúc, lối sống mẫu mực.

Ngày trước, Cộ Phật ở Bắc chỉ có phan, phướn, cờ đuôi nheo, múa ông địa, đánh trống ngũ lôi, thổi kèn bát âm, chưa có cờ nước, cờ Phật giáo. Nay thì có rước cờ nước, cờ Phật giáo rất trang nghiêm. Có làng rước kiệu còn có cả đội trống thiếu nhi, kèn tây…, một hình thức thường dùng trong những đám rước gần đây.

MT: Cộ Phật ở miền Bắc theo lộ trình ra sao?

ĐĐTGĐ: Lộ trình thì cũng tùy làng. Có khi đi vòng quanh làng. Có khi đi từ làng này sang làng kia. Có khi từ chùa này đến chùa khác. Có một điểm đặc biệt ở miền Bắc là Phật bao giờ cũng được quan niệm là cao nhất, tối linh nhất cho nên bất cứ kiệu rước thánh, thần nào nếu đi ngang qua chùa là phải dừng kiệu vào bái Phật rồi mới được phép đi tiếp. Lộ trình phong phú lắm, có khi rước kiệu lên thuyền ra giữa sông, lấy nước giữa dòng về để cúng tế.

MT: Còn lộ trình Cộ Phật của chùa Giác Tâm?

ĐĐTGĐ: Trong các năm 2007, 2008, 2009 chúng tôi chưa thỉnh kiệu rước từ miền Bắc vào nên dùng kiệu Phật tự chế, rước theo lộ trình các đường lớn quanh Phường 12, Quận 5, từ chùa đường Thuận Kiều ra đường Nguyễn Chí Thanh, Ngô Gia Tự, Hồng Bàng rồi lại về chùa. Lộ trình vừa sức cho buổi đi bộ khoảng 1 giờ, như vòng quanh làng ở miền Bắc.

MT: Cộ Phật như chùa Giác Tâm tổ chức có làm kẹt xe, trở ngại giao thông?

ĐĐTGĐ: Anh có dự Kiệu Bà Thiên Hậu ở Bình Dương chưa? Họ đi vào giờ cao điểm buổi chiều, trong ngày có thể là ngày làm việc (ngày rằm tháng Giêng), thu hút cả trăm ngàn người. Chỉ nội lân, sư rồng đã tới mấy chục đoàn, nên việc kẹt xe là đương nhiên.

Còn cộ Phật do chùa Giác Tâm tổ chức sau giờ cao điểm, chỉ có Tăng Ni Phật tử nhà chùa tham dự, đi sát lề phải trên các đường lộ rộng lớn ở Q5, TPHCM nên nói chung không gây trở ngại giao thông, huống chi là kẹt xe, đôi lúc đi qua các ngã tư, chúng tôi có làm những tấm biển với dòng chữ “Xin cảm ơn vì đã nhường đường rước Phật” và người cầm bảng đó phải nở nụ cười và cúi đầu chào cảm ơn, lúc đó, mọi người đi đường ai nấy đều hoan hỷ, không có cảm giác khó chịu, và có người còn nhập đoàn rước luôn.

MT: Có ý kiến cho rằng các tôn giáo khác cũng có “kiệu” của họ. Cho phép kiệu Phật thì cũng cho phép kiệu của các tôn giáo khác?

ĐĐTGĐ: Cần phân biệt đám rước của tôn giáo khác du nhập từ phương Tây và kiệu theo truyền thống dân tộc.

Kiệu theo truyền thống dân tộc là nghi thức truyền thống của Phật giáo và tín ngưỡng dân gian Việt Nam.


Đám rước theo kiểu các tôn giáo phương Tây, về cơ bản, hoàn toàn khác với nghi thức rước kiệu trong truyền thống dân tộc. Còn việc họ bắt chước theo nghi thức dân tộc thì chỉ là cá biệt và về sau thôi.

Vì vậy, không nên nhầm lẫn truyền thống dân tộc với các hình thức đến từ tôn giáo phương Tây và cũng không thể đối xử với nghi thức truyền thống dân tộc và nghi lễ tôn giáo ngoại lai như nhau.

MT: Nếu là sự kế thừa và phát huy truyền thống dân tộc, thì đó phải là hoạt động đương nhiên, bình thường, nhà chùa chỉ việc thông báo khi tổ chức, để cơ quan chức năng biết và tổ chức giữ gìn trật tự an ninh cho hoạt động truyền thống. Sao lại có sự vướng mắc?

ĐĐTGĐ: Ở miền Bắc, ở miền Trung là vậy, kiệu Phật rước Phật là bình thường. Những cuộc rước Phật ở các làng, ở Hà Nội, ở Huế chẳng hạn đã là hoạt động thường niên. Hơn nữa, khi ngày Phật đản là ngày lễ tôn giáo được Đại Hội đồng Liên Hiệp Quốc công nhận là lễ hội văn hóa, tôn giáo quốc tế của Liên Hợp quốc. Những hoạt động kỷ niệm sẽ được diễn ra hàng năm tại trụ sở và các trung tâm của Liên Hợp quốc trên thế giới từ năm 2000 trở đi, vì vậy mọi hình thức để tôn vinh Đức Phật vào ngày kỷ niệm này đều chính đáng.

Riêng đối với trường hợp ở TPHCM, cụ thể là của chúng tôi, thì vướng mắc có thể tháo gỡ dễ dàng nếu văn bản của Ban Trị sự Thành hội Phật giáo nêu cụ thể, chi tiết tất cả phương thức kính ngưỡng Đức Phật được tổ chức ngoài khuôn viên chùa. Bên cạnh xe hoa, cần liệt kê các phương thức khác như Kiệu Phật (cộ Phật), thuyền hoa, rước Phật để địa phương có cơ sở để giải quyết. Một số vị làm trong lĩnh vực quản lý tôn giáo cũng nói là sẽ tạo điều kiện cho rước Phật, nếu công văn của Giáo hội ghi chi tiết nội dung rước kiệu Phật, rước thuyền hoa, xe hoa… Còn nếu công văn đã ghi rõ mà nơi này nơi kia chính quyền gây khó dễ thì điều đó đi ngược với chính sách đoàn kết tôn giáo, dân tộc của nhà nước.

MT: Như vậy, khả năng tháo gỡ vướng mắc lại là ở về phía Giáo hội?

ĐĐTGĐ: Đúng vậy, khi các văn bản đã ban hành nếu chưa nói cụ thể, thì chỉ cần Giáo hội có văn bản đề nghị bổ sung, tạo thuận lợi cho các chùa tổ chức triển khai các nghi thức tôn kính Đức Phật nhân ngày Phật đản một cách phù hợp với điều kiện cụ thể từng chùa.

Tưởng cũng cần nhắc lại là chùa Giác Tâm (Q.5), chùa Kim Cương (Q.3, đều ở TPHCM) đã tổ chức kiệu Phật trong nhiều năm trước. Sau đó, có nơi được tiếp tục tổ chức, có nơi không.

MT: Tổ chức cộ Phật có tốn kém không? Có thể giáo hội ngại tốn kém nên không khuyến khích bằng cách chỉ đạo cụ thể?

ĐĐTGĐ: Cộ, tức là kiệu dùng để rước Phật thì chúng tôi đã có, mỗi năm đem ra trang trí, dùng để rước trong một ngày, như kiệu ở các làng miền Bắc có thể dùng đến hàng trăm năm. Cờ, phướn, hương án, trống khánh, lọng vàng, nghi trượng… cũng đều có sẵn và có thể dùng trong nhiều năm. Anh nghĩ là sẽ tốn những gì?

MT:  Tôi nghĩ là còn ít tốn hơn cả xe hoa. Vì hết lễ Phật đản xe hoa thì phải tháo dỡ. Còn cộ thì cứ để đó sang năm lại dùng. Nhiều lần dự lễ Nghinh Ông ở Cần Giờ tôi chỉ thấy có mỗi một cái cộ, năm nào cũng như năm nào.

ĐĐTGĐ: Rước Kiệu Phật là nghi thức truyền thống dân tộc, tiết kiệm chi phí, có tính quần chúng cao, phù hợp với Thông bạch hướng dẫn tổ chức Phật đản của Trung ương Giáo hội, đặc biệt về việc quần chúng hóa việc tổ chức lễ Phật đản, kiệu Phật là nghi thức đã được tổ chức ở nhiều nơi trong cả nước và hình thức tương tự đã được tổ chức thường niên ở TPHCM. Vì vậy, khi phía lãnh đạo Phật giáo có chức năng có thể tháo gỡ vướng mắc nhưng không thực hiện, thì quả là điều khó hiểu.

Tôi nghĩ là, chẳng những cơ quan chức năng phía Phật giáo không những cần xúc tiến tháo gỡ vướng mắc, mà còn cần phải tổ chức hướng dẫn tổ chức rước Kiệu Phật trên phạm vi cả  nước, không những vào dịp lễ Phật Đản, mà còn vào các dịp lễ khác, như cầu quốc thái dân an, cầu mưa thuận gió hòa…

MT: Thấy có thể đặt cộ Phật lên một chiếc xe hơi, trang trí thành xe hoa, và tăng ni Phật tử, thay vì đi bộ thì chạy xe gắn máy, xe ô tô theo sau một cách như là tự phát. Cũng là một cách tháo gỡ vướng mắc?

ĐĐTGĐ: Tôi nghĩ không nên “tháo gỡ” bằng cách đó, vì:

-         Chúng ta cần giữ gìn và tiếp nối một nghi thức truyền thống của dân tộc một cách đúng đắn, nghiêm túc, không phải là biến hóa nó đi để đối phó, dù là có thể làm như vậy rồi uốn éo giải thích chữ nghĩa, từ vựng.

-         Việc rước Phật phải danh chính ngôn thuận, phép tắc phân minh, không thể chấp nhận việc “lách” dù là có thể được việc đôi chút. Vì Đức Phật là một vị Giáo chủ được cả thế giới, cụ thể là Đại Hội đồng Liên Hiệp Quốc thông qua việc tổ chức ngày kỷ niệm hàng năm để tôn vinh Ngài. Không có nhân vật Giáo chủ thứ hai nào trên thế giới có được sự tôn kính đó.

-         Chủ trương giữ gìn phát huy truyền thống dân tộc là một chủ trương đúng đắn, và là xu thế của thời đại. Tôi tin rằng một ngày nào đó rước Kiệu Phật sẽ là nghi thức phổ biến ở các chùa phía Nam, như ông bà chúng ta đã làm hàng ngàn năm trước từ khởi nguyên đất Bắc. Tôi tin là tổ tiên sẽ hiển linh phù hộ để Phật sự viên thành.

MT: Chúc thầy nghị lực để tiếp tục theo đuổi ước vọng phục hồi, tiếp nối một nghi thức truyền thống của dân tộc.

 

Các tin đã đăng:
Về đầu trang