Đầu tiên, các khóa tu được tổ chức nhiều hơn, từ các trung
tâm hoằng pháp lớn ở TPHCM, Hà Nội, đến vùng Tây Nguyên xa xôi hay ở
tỉnh chót cuối mảnh đất hình chữ S của đất nước.
Nhiều chùa tổ chức những khóa tu quy mô, với số lượng dự tu lên đến
hàng ngàn. Nhưng cũng có nhiều chùa khởi đầu bắt tay vào hoạt động tổ
chức khóa tu, với số lượng vài trăm Phật tử, vài chục Phật tử…
Và cũng như thế với thời gian khóa tu. Cũng có những khóa tu dài
ngày, nhưng cũng có những khóa tu ngắn ngày, 24g, hay chỉ từ sáng đến
tối.
Nhưng đặc biệt là đối tượng khóa tu đã có sự thay đổi. Những hình ảnh
trên các phương tiện thông tin đại chúng cho thấy, thay cho những mái
tóc muối tiêu, là những mái tóc hớt cao của những em trai, những búi tóc
gọn gàng của những em gái, tuổi dưới đôi mươi. Nếu chúng ta làm thống
kê về số tuổi trung bình của Phật tử tham dự các khóa tu, chắc chắn chỉ
số trung bình sẽ dao động theo hướng xuống thấp một cách đáng kinh ngạc.
Vậy là con đường hướng đến một Phật giáo Việt Nam trẻ, vươn tới tương lai đã bắt đầu trở thành hiện thực.
Có ý kiến băn khoăn về số lượng chưa nhiều lắm của những đạo tràng tu học dành cho giới trẻ.
Thực ra, chúng tôi nhận thấy đây đã là chuyển động chung. Có những
chùa còn xa lạ với mô hình này, nay đã khởi động. Có thể, ở một số chùa,
vì với quy mô nhỏ, nên quý thầy chưa thông tin rộng rãi.
Điều quan trọng, là Phật giáo Việt Nam đã có những đầu tàu, và từ đó tạo nên lực kéo cho tất cả.
Vấn đề là làm sao để đẩy mạnh nó thành chuyển động chung của Phật giáo Việt Nam. Đó là mục tiêu của bài viết này.
Dưới đây là một trong những phương thức mà chúng tôi xin được đề xuất:
- Về mặt lý luận, tổ chức các buổi báo cáo chuyên đề về tổ chức
các khóa tu học tập trung dành cho giới trẻ. Tốt nhất và tiết kiệm nhất
có lẽ là tranh thủ những dịp tập họp đông đảo tăng ni, như Hội thảo
Hướng dẫn Phật tử, Hội thảo Hoằng pháp toàn quốc, các khóa huấn luyện
trụ trì…
- Tổ chức báo cáo chuyên đề tương tự ở các trường lớp Phật học,
học viện Phật giáo, kể cả các dip có điều kiện tu họp tăng ni sinh đông
đảo, chẳng hạn ngay vào dịp an cư kiết hạ chẳng hạn.
- Về mặt thực hành, thì trước hết, các cơ sở tổ chức khóa tu học
dành cho giới trẻ đầu tàu (như chùa Bằng, chùa Hoằng Pháp...), thiết
tưởng, cần có thông báo rộng rãi và thư mời tăng ni cả nước chia làm
nhiều đợt đến kiến tập, sau đó tham gia thực tập điều hành, kể cả thực
hành lãnh đạo tổ chức các khóa tu giành cho giới trẻ, để sau đó về áp
dụng chùa mình.
- Cung thỉnh quý vị tôn đức đã lãnh đạo tổ chức các khóa tu giành
cho giới trẻ đến tổ chức khóa tu với quy mô nhỏ ở các tự viện, tu viện
có điều kiện tổ chức. Sau đó, từ hình mẫu đã có sẵn ngay tại chỗ, chư
tăng ni, ở cơ sở tiếp nối tổ chức các khóa tu tiếp theo.
- Loại trừ hoặc ngăn cách những biểu hiện không phù hợp với sinh
hoạt giới trẻ ra khỏi chùa nếu có, để tạo môi trường tu học thích hợp
cho giới trẻ. Chẳng hạn, nếu chùa có quan tài vẫn dùng bố thí (như chùa
Linh Phước, Bến Lức, Long An chẳng hạn) thì không nên để lại nữa, hoặc
xây tường cao ngăn cách nếu cạnh chùa có nghĩa địa.
- Về mặt truyền thông, cung thỉnh chư vị tôn đức đã tổ chức thành
công các khóa tu dành cho giới trẻ biên soạn các tài liệu hướng dẫn tổ
chức, trong đó nói rõ mô hình, các bước tổ chức, kinh nghiệm tổ chức,
các khó khăn trở ngại có thể có và cách giải quyết.
Riêng trang tin Phattuvietnam.net chúng tôi sẽ tổ chức loạt
bài phỏng vấn chư tôn đức giữ vai trò “đầu tàu” trong hoạt động tổ chức
các khóa tu học dành cho giới trẻ để phổ biến kinh nghiệm và mong rằng
các đơn vị truyền thông Phật giáo cũng có hoạt động tương tự.
Chúng tôi nghĩ rằng, tổ chức các khóa tu dành cho giới trẻ ở các chùa
là việc nằm trong tầm tay quý tăng ni trẻ, và không có vấn đề lớn khi
Phật giáo Việt Nam chúng ta cố gắng nhân rộng hoạt động này.
Có thể, trừ một trường hợp cá biệt nào đó, còn nhìn chung chùa nào,
hệ phái nào… cũng đều muốn có Phật tử, nhất là Phật tử trẻ đến chùa đông
đảo, để tiếp nối liên tục sự nghiệp hộ pháp.
Khóa tu dành cho giới trẻ là hình thức gieo duyên lành rất có hiệu quả để đưa người trẻ đến chùa.
Chùa lớn như chùa Hoằng Pháp có thể tổ chức khóa tu cho 2000 em cùng
lúc, thì các chùa nhỏ có thể tổ chức khóa tu cho vài mươi em, với nhiều
khóa nối tiếp, thì tổng cộng các em tham dự có thể đến con số ngàn.
Tất sẽ có ý kiến đặt vấn đề kinh phí. Việc bắt buộc thu kinh phí (có
thể toàn phần, có thể một phần) từ phụ huynh các em đến tham dự khóa tu
cũng không phải là đều không thể nghĩ đến.
Những năm cuối thập niên 1970, trong hoàn cảnh kinh tế hết sức khó
khăn, Hòa thượng Thích Trí Quảng vẫn tổ chức được khóa tu chúng La Hầu
La, phần lớn là học sinh, sinh viên vào ngày chủ nhật. Tôi cũng tham dự
khóa tu, mang gạo tới chùa để góp vào nấu cơm trưa như rất nhiều bạn trẻ
khác.
Ngày nay, hoàn cảnh kinh tế đã khá hơn nhiều, nhưng chùa nào khó khăn
vẫn có thể áp dụng phương thức “nhà chùa và Phật tử cùng làm” nói trên.
Hoạt động khóa tu dành cho Phật tử trẻ sẽ dễ dàng trở thành truyền
thống tu tập của Phật tử Việt Nam khi mà quý Tăng ni Phật tử đồng lòng
trong Phật sự nhiều lợi ích này. Đó là chức năng và nghĩa vụ của tất cả
quý tăng ni, những vị thầy trong xã hội và đời sống tinh thần.