Chùa Bửu Minh Gia Lai - Mobile
Hiểu sự suy yếu có thể của đạo Phật từ một bài kinh
15/02/2011 12:30 (GMT+7)

Nỗ lực tu tập là vấn đề của mỗi cá nhân, giới hạn trong mỗi vị tu sĩ và cư sĩ.

Nó khác với vấn đề hòa hợp, đoàn kết, là vấn đề quan hệ giữa các cá nhân trong cộng đồng. Chính những việc chưa hoàn thiện ở hoạt động này đã đưa tới sự khủng hoảng ngấm ngầm trong lòng đạo Phật.

Nhưng nó cứ diễn tiến theo hướng như vậy. Và có khi bộc lộ trong những mâu thuẫn nổi cộm

Và cũng như mọi đơn vị, tổ chức…  việc phân hóa tất sẽ dẫn đến suy yếu. Và sự suy yếu là tiền đồ của diệt vong.

Trong Kinh Tăng Chi, bài Kinh Tôn giả Kimbila, bản dịch của Hòa thượng Thích Minh Châu dùng các cụm từ “không cung kính”, “không tùy thuận”. Chúng ta có thể hiểu là sự phân hóa, dẫn đến việc cục bộ, thiếu sự tôn trọng trên dưới và không nhất trí.

Kinh Tôn giả Kimbala như sau:

“Như vầy tôi nghe:

Một thời Thế Tôn trú ở Kimbila, tại rừng Trúc. Rồi Tôn giả Kimbila đi đến Thế Tôn, sau khi đến, đảnh lễ Thế Tôn, rồi ngồi xuống một bên. Ngồi xuống một bên, Tôn giả Kimbila bạch Thế Tôn:

- "Bạch Thế Tôn, do nhân gì, do duyên gì, khi Như Lai nhập diệt, diệu pháp không được tồn tại lâu dài?"

- "Ở đây, này Kimbila, khi Như Lai nhập diệt, các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo-ni, nam cư sĩ, nữ cư sĩ sống không cung kính, không tùy thuận bậc Đạo Sư; sống không cung kính, không tùy thuận Pháp; sống không cung kính, không tùy thuận chúng Tăng; sống không cung kính, không tùy thuận học pháp, sống không cung kính, không tùy thuận Thiền định; sống không cung kính, không tùy thuận không phóng dật, sống không cung kính, không tùy thuận nghinh đón. Này Kimbila, đây là nhân, đây là duyên, khi Như Lai nhập diệt, diệu pháp không được tồn tại lâu dài."


-"Bạch Thế Tôn, do nhân gì, do duyên gì, khi Như Lai nhập diệt, diệu pháp được tồn tại lâu dài?"

-"Ở đây, này Kimbila, khi Như Lai nhập diệt, các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo-ni, nam cư sĩ, nữ cư sĩ sống cung kính, tùy thuận bậc Đạo Sư, sống cung kính tùy thuận Pháp; sống cung kính tùy thuận học pháp; sống cung kính tùy thuận Thiền định; sống cung kính tùy thuận không phóng dật; sống cung kính tùy thuận nghinh đón. Này Kimbila, đây là nhân, đây là duyên, khi Như Lai nhập diệt, diệu pháp được tồn tại lâu dài."

Phật giáo từ lâu có lẽ đã thỏa hiệp với sự phân hóa. Một quan hệ tốt được thể hiện bên ngoài, còn bên trong, thì tồn tại tinh thần cục bộ, từ cá nhân, thầy tổ chúng, đạo tràng, chùa, tổ đình, tông phong, tông phái, hệ phái, rồi cả đến vấn đề giáo hội.

Mới đây, lại nổi lên vấn đề bài bác pháp tu hành của nhau, phê phán trực tiếp, căng thẳng!

Đó là mảnh đất thuận lợi cho việc cải đạo, như ý Thượng tọa Thích Giác Tâm nói, vì nguyên khí của chúng ta suy yếu nên tà khí xâm nhập.

Đọc lại bài kinh “Tôn giả Kimbila, vấn đề đã rõ như ban ngày, và là vấn đề cực kỳ lớn, nếu không muốn nói là nan giải trong bối cảnh hiện nay.

Minh Thạnh

Về đầu trang