Chùa Bửu Minh Gia Lai - Mobile
Chấn hưng Phật giáo ở miền Bắc: Vai trò của trí thức cư sĩ
Minh Thạnh
12/08/2012 21:10 (GMT+7)

Tuy nhiên, sự đóng góp của người trí thức cư sĩ ở ba miền còn có sự khác biệt. Miền Bắc, theo ông Lê Tâm Đắc, tác giả quyển “Phong trào chấn hưng Phật giáo ở miền Bắc Việt Nam (1924 - 1954)”, nhà xuất bản Chính trị Quốc gia – Sự thật, Hà Nội, 2012, thì “Nhưng khác với các trí thức ở miền Trung và miền Nam, phần đông trí thức Tây học ở miền Bắc không phải là những người tu tập Phật giáo, những gì họ đề cập đều dừng ở mức độ nghiên cứu và bước đầu thâm nhập vào giáo lý kinh tạng. Cho nên, họ không thể đóng vai trò người người hướng dẫn và đào tạo Phật học thực sự giống như các trí thức cư sĩ ở miền Trung”.

Về đóng góp của người cư sĩ trí thức đối với hoạt động giáo dục Tăng Ni, tác giả Lê Tâm Đắc có nhận xét: “Trong sự giáo dục Tăng Ni của các tổ chức Phật giáo ở miền Bắc, vai trò của các cư sĩ đã thể hiện rõ, nhưng chỉ tập trung vào hai khía cạnh là bảo trợ và tổ chức, chưa phải là những giảng sư có uy tín trong lĩnh vực giảng giải giáo lý và tu tập như các cư sĩ ở Huế, mà điển hình là Tâm Minh Lê Đình Thám và một số nhân vật khác”.

Như vậy, những đóng góp của người trí thức cư sĩ vào công cuộc chấn hưng Phật giáo ở miền Bắc còn một số hạn chế nếu so với miền Trung và miền Nam. Nhưng cũng cần thấy rằng, dù có những hạn chế như thế, thì những đóng góp của người trí thức cư sĩ miền Bắc vào sự nghiệp chấn hưng Phật giáo vẫn là hết sức lớn lao, đạt được đến mức độ, mà có thể nói, cho đến nay chưa thể nào khôi phục lại được những gì họ đã làm được gần 1 thế kỷ trước.

Đó là, tập họp được những trí thức cư sĩ khoa bảng và nổi danh vào sự nghiệp Chấn hưng Phật giáo.

Sách “Biên niên sử Phật giáo miền Bắc (1920 - 1953)”, tác giả Nguyễn Đại Đồng, Nhà xuất bản Tôn giáo, Hà Nội, 2008, có cho chúng ta biết 27 trí thức cư sĩ là Hội viên sáng lập Hội Phật giáo Bắc Kỳ. Đó là các ông:

1. Cung Đình Bính, Tham tá Thương chính hưu trí, Hà Nội;

2. Nguyễn Văn Canh, Phán sự Thương chính, Hà Nội;

3. Lê Dư, Phiên dịch viên phủ Toàn quyền, Hà Nội;

4. Trần Văn Giác, Phán sự Thương chính, Hà Nội;

5. Trần Văn Giáp, Tham tá trường Bác Cổ, Hà Nội;

6. Trần Trọng Kim, Đốc học, Hà Nội;

7. Bùi Kỷ, Phó bảng, giáo sư trường Cao đẳng, Hà Nội;

8. Phạm Huy Lục, Nghị trưởng, viện Dân biểu, Hà Nội;

9. Nguyễn Văn Minh, Phán sự Thương chính, Hà Nội;

10. Nguyễn Can Mộng, Phó bảng, Kiểm học, Hà Nội;

11. Nguyễn Đỗ Mục, Tú tài, Hà Nội;

12. Nguyễn Văn Ngọc, Đốc học, Hà Đông;

13. Nguyễn Quang Oánh, Kiểm học, Hà Nội;

14. Lê Văn Phúc, Chủ nhà in, hội viên Hội đồng Tư nghị, Hà Nội;

15. Trần Văn Phúc, Tham tá sở Toàn quyền, Hà Nội;

16. Nguyễn Đình Quế, Giáo học, Hà Nội;

17. Nguyễn Năng Quốc, Hiệp tá đại học sĩ, Tổng đốc trí sĩ, Thái Hà ấp;

18. Bùi Xuân Thành, Tài chủ, Hà Nội;

19. Nguyễn Quốc Thành, Tham tá Thương chính, Hà Nội;

20. Văn Quang Thùy, Phán sự Thương chính, Hà Nội;

21. Nguyễn Hữu Tiến, Tú Tài, Hà Nội;

22. Phan Đình Tiến, Lục sự hưu trí, Hà Nội;

23. Nguyễn Văn Tố, Tham tá trường Bắc Cổ, Hà Nội;

24. Lê Toại, Phán sự tòa Đốc lý, Hà Nội;

25. Dương Bá Trạc, Cử nhân, Hà Nội;

26. Nguyễn Văn Vĩnh, Chủ báo An Nam – Nouveau, Hà Nội;

27. Phạm Mạnh Xứng, hiệu Đông Phố, Tú tài, Hà Nội;”

Những vị trí cư sĩ này, tuy một số không nhỏ chỉ là những học giả Phật giáo, chưa có trải nghiệm tu tập, nhưng đã có đóng góp quan trọng vào sự nghiệp hoằng hóa.

Về diễn giảng, những trí thức cư sĩ đã tổ chức những buổi diễn giảng thường kỳ hàng tuần tại chùa Quán Sứ, Hà Nội, và những buổi diễn giảng đột xuất tại các buổi lễ Phật giáo quan trọng ở khắp miền Bắc. Các ông Trần Trọng Kim, Dương Bá Trạc, Nguyễn Hữu Kha, Nguyễn Trọng Thuật… là những diễn giả quen thuộc, thường xuyên xuất hiện trên các pháp tòa Phật giáo miền Bắc nửa đầu thế kỷ XX.

Gần 100 năm sau, những thành tựu của công cuộc chấn hưng Phật giáo ở miền Bắc, hiện nay, Phật giáo Việt Nam hầu như không còn đội ngũ những nhà hoạt động Phật giáo là trí thức khoa bảng, lại càng không có được đội ngũ giảng sư Phật học cũng là những trí thức khoa bảng. Trong những cuộc hội thảo, hội nghị Phật giáo lớn, những nhà trí thức khoa bảng hiện nay chỉ xuất hiện trong vai trò là những người bạn của Phật giáo, không phải trong cương vị người cư sĩ Phật tử. Nếu có trường hợp cư sĩ trí thức thuyết pháp thì cũng là trường hợp cá biệt, rất hiếm khi, và không thể hiện được vai trò chung của người trí thức cư sĩ. Đây có thể nói là một diễn tiến suy thoái của Phật giáo Việt Nam hiện đại, mà toàn thể Tăng Ni Phật tử Việt Nam cần phải giải quyết. Lẽ nào, thành quả đóng góp của người trí thức cư sĩ có được cách đây gấn 100 năm, đến nay lại không còn giữ được?

Về truyền thông Phật giáo, Hội Phật giáo Bắc kỳ từ năm 1935 đã có được “Tuần báo ra ngày 1 và 15”, Đuốc Tuệ.

Có 2 điều đáng chú ý ở tờ báo này. Đó là Đuốc Tuệ có một phụ bản là Tinh TiếnPhụ trương Đuốc Tuệ ra ngày thứ 3, thứ 5 và thứ 7”, thực chất đã là một dạng báo cách ngày của Phật giáo, phát hành rộng rãi trên toàn miền Bắc.

Điểm đáng chú ý là tờ báo liên tục hoạt động từ năm 1935 đến năm 1945, vượt qua những khó khăn, trở ngại đủ mọi mặt, từ giấy in, phương tiện in và phát hành thời kỳ Chiến tranh Thế giới Thứ II.

Hiện nay, Phật giáo cả nước chỉ còn một tờ tuần báo ấn bản giấy, tờ Giác Ngộ của Thành hội Phật giáo TPHCM. Tức là, so với những gì chỉ riêng Phật giáo miền Bắc làm được ở lãnh vực báo chí, Phật giáo Việt Nam hiện nay vẫn còn ở phía sau với khoảng cách khá xa.

Về giáo dục xã hội, một trong những lãnh vực quan trọng của công cuộc chấn hưng Phật giáo, Hội Phật giáo Bắc kỳ đã bước đầu mở được trường học, trước tiên là Trường Phổ Quang, sau đó là Trường Khuông Việt. Quy mô của Trường Khuông Việt lên đến 280 học sinh (1950).

Hiệu trưởng trường Khuông Việt là trí thức cư sĩ (ông Nguyễn Ngọc Quỳnh, sau đó là ông Nguyễn Đình Quế). Giáo dục xã hội là lãnh vực tiến triển chậm trong sự nghiệp chấn hưng Phật giáo ở miền Bắc, thành quả đạt được khiêm tốn, nhưng những ngôi trường có được đánh dấu một bước tiến đáng kể. Bên cạnh đó, Phật giáo miền Bắc vào năm 1940 cũng mở được một trường bảo trợ dành cho trẻ em nghèo và mồ côi, dạy kiến thức văn hóa lẫn huấn luyện nghề nghiệp. Sách “Biên niên sử Phật giáo miền Bắc (1920-1953)” cho biết trường cũng có những hoạt động hoằng pháp như “Hàng ngày các em có một buổi niệm Phật vào 7.30 và hàng tuần có một khóa lễ vào sáng chủ nhật.”

Sách dẫn trên cũng cho biết đến năm 1953, Phật giáo miền Bắc đã xây dựng trường Vạn Hạnh: “Lúc bấy giờ do Hà Nội rất thiếu trường học nên Hội tập trung xây trường Vạn Hạnh trước. Sáu tháng sau, Hội đã xây được 2 ngôi nhà 2 tầng (làm bằng xi măng cốt thép), mỗi ngôi có 4 phòng học (mỗi phòng có diện tích 6m x 8m) chưa kể hiên; 1 ngôi nhà làm văn phòng và lớp, gia đình cùng các nhà phụ, tất cả các nơi đều đầy đủ dụng cụ. Một ngôi nhà do Ban Ưu Bà Di phát tâm cúng vào để làm trường và tự viện của Ban. Tất cả số tiền xây nhà và mua sắm dụng cụ hết trên 1 triệu đồng. Tới kỳ nghỉ hè năm 1954, trường được hoàn thành và khai giảng ngay lớp hè lấy tên là trường Vạn Hạnh”.

Như vậy, trong những điều kiện khó khăn lúc bấy giờ, hoạt động giáo dục xã hội của Phật giáo miền Bắc do trí thức cư sĩ đảm nhiệm vẫn có tiến triển. Những thành quả đó, theo chúng tôi, vẫn là đáng kể. Và Phật giáo Việt Nam hiện đại vẫn có một khoảng cách đối với những gì chỉ riêng Phật giáo miền Bắc đã đạt được lúc đó trong công cuộc chấn hưng Phật giáo.

Tuy thấy rằng những đóng góp của người trí thức cư sĩ đối với công cuộc chấn hưng Phật giáo ở miền Bắc vẫn còn một số hạn chế như những nhận xét đã trích dẫn ghi nhận, nhưng đặt những thành quả đã đạt được liên hệ đến hoàn cảnh hôm nay, thì quả thật những kết quả đó không hề là nhỏ. Nó nói lên rằng người trí thức cư sĩ hôm nay cần phải nỗ lực rất nhiều thì mới có thể đạt được những gì mà những vị trí thức cư sĩ tiền bối đã làm được đối với sự nghiệp chấn hưng Phật giáo gần 100 năm trước, trong những điều kiện đã khó khăn hơn rất nhiều so với hoàn cảnh đang có được hiện nay.

Điều đó cũng nói lên rằng sự nghiệp chấn hưng Phật giáo vẫn cần được tiếp tục, mà trước mắt, vẫn là khôi phục những gì đã đạt được từ nửa đầu thế kỷ trước. Nói như thế để thấy được công cuộc chấn hưng Phật giáo là cấp thiết đến mức nào, mà trong đó, vai trò của người trí thức cư sĩ là hết sức quan trọng.

MT

Các tin đã đăng:
Về đầu trang