Nhớ
xưa vua Trần Nhân Tông đã làm bài “Xuân nhật yết Chiêu Lăng” để nhắc
chuyện thời Nguyên Phong cho quần thần nghe. Xuân năm nay, BBT xin trân
trọng giới thiệu đến quý độc giả bài viết của TT. Thích Phước An để thấy
rằng “không phải chỉ những người lính già đầu bạc thời Trần Nhân Tông
kể mãi chuyện đời Nguyên Phong đâu - mà cả đến ngày nay nữa…”. Khi giã từ núi Yên Tử trở về lại kinh đô Thăng Long - Thiền sư Trúc Lâm đã căn dặn Trần Thái Tông: “...
Nay muôn dân đã muốn bệ hạ về, thì bệ hạ về sao không được! Duy có việc
nghiên cứu nội điển thì xin bệ hạ đừng chút xao lãng mà thôi...” (Thơ
văn Lý Trần - quyển 2 NXBKHXH, trang 29) Thái
Tông đã nghe theo lời thầy dạy, và nhất là tiếng réo gọi của một tâm
bức bách nên đã không bỏ lỡ một cơ hội nào trong việc nghiên cứu đạo
Phật. Hôm ấy có lẽ là ngày rảnh
rỗi triều chính, Trần Thái Tông đến chùa Thanh Phong thăm Thiền sư Đức
Sơn và ở lại đêm. Bấy giờ, chắc cũng đã khuya lắm rồi. Trước sân chùa
chỉ còn có Thiền sư Đức Sơn và Trần Thái Tông đứng ngắm trăng. Đêm mênh
mông và tĩnh mịch quá, một cơn gió nhẹ lay động cây tùng bách mà cũng
nghe được tiếng động. Trong giờ phút tâm và cảnh như chung hòa nhập đó,
Trần Thái Tông thấy tâm hồn tràn ngập niềm vui và nhà vua đã làm một bài
thơ: Ký Thanh Phong am tặng Đức Sơn: Phong đả tùng quan nguyệt chiếu đình, Tâm kỳ phong cảnh cọng thê thanh Cá trung tư vị vô nhân thức Phó dữ sơn tăng lạc đáo minh. Thượng tọa Mật Thể dịch: Gió đập cửa thông nguyệt dọi sân Tình này cảnh ấy luống bâng khuâng, Mùi thiền trong đó ai nào biết Thức suốt đêm trường vui với Tăng. Thiền
tông là tông phái chính của Phật giáo Việt Nam, mà Thiền lại có khuynh
hướng về thiên nhiên: thiên nhiên là cây cỏ, hoa lá, đất đá, núi sông,
mưa nắng, trăng nước cùng mây gió, vì thế mà hầu hết những ngôi chùa của
Việt Nam đều được thiết lập trên rừng núi, hoặc tại các thôn làng hẻo
lánh, tránh xa các khu dân cư. Những
ai đã từng trải qua năm tháng sống cô tịch tại các chùa trong thôn xóm
vắng vẻ của Việt Nam, thì sẽ dễ nhận ra bài thơ trên, một bài thơ Thiền
hay tuyệt, mà Trần Thái Tông đã gởi lại cho chúng ta: Sứ mạng của Phật
giáo trên thế gian nầy là đánh thức giấc ngủ mê của con người dậy: “Làm
sao vui cười, có gì thích thú, khi ở trong cõi đời luôn luôn bị thêu
đốt? Ở trong chỗ tối tăm, bưng bít, sao không tìm tới ánh sáng quang
minh”. (PC 146) Con người đang đi trong đêm tối mông lung - nhưng đau đớn thay, chúng ta không biết chúng ta đang đi trong bóng tối. Trần
Thái Tông, trong một bài thơ, đã ghi lại hình ảnh một ngư ông say sưa
nằm ngủ trên chiếc thuyền, trong khi bốn bề cuồng phong đang nổi dậy.
Những cơn sóng to dữ dội đậy chiếc thuyền trôi dạt trên dòng sông vô
định, nhưng mà ông già vẫn nằm ngủ, và không hề hay biết. Đến khi trời
quang mây tạnh, chợt tỉnh giấc thì thấy đêm đã sắp tàn, và trăng cũng
sắp lặn trên dòng sông dài kia rồi. Bãi đãng cuồng phong quát địa sanh Ngư ông túy lý, điếu chu hoành, Tứ thùy vân hợp âm mai sắc Nhất phái ba phiên cổ động thanh, Vũ cước trận thôi phiêu lịch lịch Lôi xa luân chuyển mộ oanh oanh, Tạm thời trần liễm thiên biên lĩnh Nguyệt lạc trường giang dạ kỷ canh.
Dịch: Đất nổi cuồng phong cát bụi bay Ông chài say tít, mặc thuyền quay Bốn phương mây tụ màu u ám Một ngọn trào dâng, tiếng chuyển lay Sầm sập trận mưa dồn dập đổ Ầm ầm xe sấm tít mù xoay, Bụi trần tạm lắng, bên trời tạnh Trăng lặn, sông dài, canh mấy đây? (Đỗ Văn Hỷ, Đào Phương Bình, Băng Thanh dịch - SĐD-NXB KHXH tr.48) Câu thơ cuối, có cái gì vừa luyến tiệc, và vừa như ân hận: Nguyệt lạc trường giang dạ kỷ canh. Trăng lặn, sông dài, canh mấy đây? Đọc
Trần Thái Tông - chúng ta thấy thời gian luôn luôn ám ảnh ông - vì thời
gian làm sụp đổ tất cả: tuổi trẻ, sắc đẹp, danh vọng, tài sản - và lúc
nào ông cũng thao thức muốn chuyển cài hữu hạn thời gian thành cái vô
hạn: Ở đó không còn sự đau khổ nửa, sự tàn phá nữa. Nếu ngày nào chúng
ta chưa làm được điều này mà chỉ để thời gian lướt qua trong lãng quên
thì sẽ làm cho chúng ta ân hận vô cùng. Khi
viết “Phổ thuyết tứ sơn”, Trần Thái Tông đã đem bốn cái cảnh khổ lớn
nhất của kiếp người: sanh, lão, bệnh, tử - theo quan điểm của Phật giáo,
để ví như sự vận hành của bốn mùa trong một năm, thì chúng ta thấy Trần
Thái Tông đã yêu cái đẹp đến chừng nào, và càng xót xa không kém khi
thấy cái đẹp bị thời gian hủy diệt: Đây
là mùa Xuân: “... Tướng sanh của người là mùa xuân trong năm. Khỏe khắn
thay sự thịnh vượng của dương xuân, mới mẻ thay vẻ tốt tươi của muôn
vật. Một trời sáng đẹp, xóm thôm liễu biếc đào hồng, muôn dặm phong
quang, chốn chốn oanh ca, bướm múa”. Và
đây là lúc cái đẹp sắp qua - và cũng là buổi xế chiều của kiếp người -
Trần Thái Tông viết về mùa Thu: “Tướng bệnh của người là mùa thu trong
năm, gặp khi sương buốt mới sa, vừa lúc cỏ xanh đều úa. Cây xanh rừng
rậm, gió vàng một trận đã tiêu sơ, núi biệc non xanh, móc ngọc vừa rơi
thêm lạnh lẽo”. (SĐD-tr47) Vậy
là khi viết về khổ đế của Phật giáo - Trần Thái Tông không phải là một
nhà thuyết giáo suông, mà còn là một nghệ sĩ tài hoa đã thực sự rung
động trước cái đẹp và đau khổ vì sự tàn phá của thời gian đối với cái
đẹp nữa! Nhưng vì sao Trần Thái
Tông sớm thức tỉnh trước sự đau khổ của cuộc đời như vậy? Vì nếu một
người có tâm hồn trung bình, mà được ở vào địa vị của Trần Thái Tông thì
họ chỉ biết thỏa mãn để mà hưởng thụ, chứ đau khổ để làm gì? Có nhiều
người cho là vì chuyện riêng tư. Vì Thái Tông bị Trần Thủ Độ ép lấy chị
dâu. Dĩ nhiên, một tâm hồn như Trần Thái Tông thì phải đau khổ trước một
việc làm phi đạo lý như vậy rồi. Nhưng trên tất cả, một tâm hồn vĩ đại
thì luôn luôn phải lấy sự đau khổ của thiên hạ làm cái đau khổ của chính
mình, và lấy niềm vui của mọi người làm niềm vui của mình. Sự đau khổ
riêng tư chỉ đóng một vai trò nhỏ trong hành động của họ mà thôi. Một
tâm hồn như tâm hồn của Trần Thái Tông, thì không một niềm vui nào có
thể mê hoặc và lường gạt được nữa, dù ông đang nắm trong tay quyền thống
trị cả một quốc gia. Điều này được Thái Tông nói rõ với Đại sa môn Trúc
Lâm tại núi Yên Tử: “... Lại nghĩ
sự nghiệp các đế vương thuở trước thay đổi bất thường, cho nên tìm đến
núi này chỉ muốn được thành Phật, chứ không cầu gì khác”. (sđd-tr28) Đó
là tâm trạng của một kẻ chỉ muốn thoát ra khỏi mọi hệ lụy của đời sống
tầm thường mà bước đến một chân trời cao rộng hơn. Cho nên khi nghe
Thiền sư Trúc Lâm lên tiếng: “Lão
Tăng ở nơi sơn dã đã lâu, xương gầy mặt võ, ăn rau đắng, nếm trái cây,
chơi cảnh rừng, uống nước suối, lòng như mây nổi, theo gió đến đây. Nay
bệ hạ muốn bỏ ngôi nhân chủ, tìm sự nghèo hèn nơi núi rừng, chẳng hay bệ
hạ muốn cầu gì mà đến đây?” (sđd-tr28) Trong
cách nói của Trúc Lâm thiền sư, chúng ta phải hiểu rằng Thiền sư đã tự
khẳng định đời sống giải thoát của chính mình. Dù đang sống tại thế
gian, mà tâm đã ra khỏi thế gian, không bị thế gian trói buộc nữa. Đó
chính là đời sống lý tưởng mà Trần Thái Tông đang mơ ước tìm đến. Nên
khi nghe Trúc Lâm thiền sư vừa dứt lời, thì tâm hồn Trần Thái Tông quá
xúc động, mà phải rơi lệ: “Trẫm nghe sư nói, rơi hai hàng nước mắt...”
(tr.28) Giọt nước mắt của Trần Thái Tông là giọt nước mắt sung sướng vì con đường giải thoát đã mở ra trước mặt. Vì
quá khát khao thực hiện cho kỳ được giấc mơ của mình, nên Trần Thái
Tông đã ra đi. Có lẽ, cuộc ra đi vĩ đại của đức Thế Tôn vẫn còn tác động
mạnh trong tâm hồn Trần Thái Tông, nên theo chính lời thuật của Trần
Thái Tông như sau: Đêm mùng 3
tháng 4 năm Bính Thân, niên hiệu Thiên Ứng Chính Bình thứ 3, trẫm cải
dạng ra khỏi cửa cung, rồi bảo với tả hữu rằng: “Trẫm muốn ra ngoài chơi
để lắng nghe tiếng nói của dân, xem xét lòng dân, ngõ hầu biết được
mọi khó khăn của công việc…” Cuộc ra đi thật gian nan, nhưng cũng thật cảm động - ta hãy nghe kể tiếp: Bấy
giờ tả hữu đi theo trẫm chỉ 7, 8 người. Giờ hợi đêm ấy, trẫm cưỡi một
ngựa lặng lẽ ra đi; qua sông về phương Đông, mới mang tình thực nói với
tả hữu. Họ đều ngạc nhiên rơi nước mắt. Giờ mão hôm sau đến bến đò núi
Phả Lại, sông Đại Than. Sợ có người biết, trẫm lấy che mặt qua sông, rồi
đi tắt theo đường núi, đến tối vào nghỉ ở chùa Giác Hạnh, đợi sáng lại
đi. Lặn lội vất vả, núi hiểm, suối sâu, ngựa mỏi không tiến lên được
nữa, trẫm liền bỏ ngựa vịn vách đá mà lần bước. Giờ mùi đến sườn núi và
yết kiến vị Quốc sư Đại sa môn phái Trúc Lâm…” (sđd - tr.28) Lịch
sử của nhân loại đã ghi chép quá nhiều về những chuyến ra đi của các
hoàng đế, nhưng tất cả đều ra đi để xâm lăng, nghĩa là chinh phục thiên
hạ bằng lưỡi kiếm - chứ chưa có một cuộc ra đi nào như Trần Thái Tông đã
thực hiện - ra đi dể tự chinh phục chính mình. Nhưng
rồi giấc mộng không thành tựu, bị bắt buộc phải trở về lại chính nơi mà
mình đã cố chối bỏ. Dù không sống được một đời sống “Chơi cảnh rừng,
uống nước suối, lòng như mây nổi” như các Thiền sư. Nhưng Trần Thái Tông
vẫn không từ bỏ khát vọng giải thoát của mình. Với trách nhiệm của một
nhà lãnh đạo quốc gia thì công việc triều chính bận rộn đã là một cản
trở rồi, mà lại còn phải đối mặt với vấn đề khó khăn nữa - đó là sự cám
dỗ của dục vọng - vì lạc thú của trần gian thì nằm gọn trong tay của vị
vua. Trần Thái Tông rất ý thức điều này. Khi ông viết trong lời tựa của Lục thời sám hối khoa nghi: “…
Trẫm nhờ lòng trời yêu mến, ở ngôi chí tôn. Việc dân vất vả, việc nước
bộn bề. Phồn hoa cám dỗ bên ngoài, thì dục vọng vò xé trong dạ. Miệng
chán cao lương; mình đầy vàng ngọc. Mắt, tai, tôi tớ sắc thanh, ăn ở yên
trong đài lạ”. (sđd - tr. 157) Trong
phần viết về Sám hối lục căn: nhãn, nhĩ, tỷ, thiệt, thân, ý. Đứng về
phương diện sáng tác thì không có gì mới mẻ rồi - Vì phần nhiều cũng chỉ
lấy lại ý từ các kinh và nghi thức về Sám hối. Tuy vậy chúng ta cũng
thấy được phản ảnh phần nào cuộc chiến đấu quyết liệt của Trần Thái Tông
trước sự quyến rũ của hương sắc cuộc đời. Nhưng
khi đọc “Sơ nhật thì” (Thời sáng sớm); “Trung nhật thì” (Thời giữa
trưa); “Nhật một thì” (Thời mặt trời lặn) v.v… đã hay về phương diện văn
chương rồi, mà còn thấy rõ tâm trạng của Trần Thái Tông nữa. Đó là tâm
trạng của một kẻ luôn luôn sợ thời gian trôi qua mà không làm được gì
cho sự thành tựu những giá trị vĩnh cửu nơi chính bản thân mình. Bởi
vậy, khi: Vừng đông vừa tang tảng Mặt đất sáng dần dần Chạm lòng, đòi náo nức Lóa mắt sắc tưng bừng Cùng với sự bừng dậy của mặt trời - Trần Thái Tông thúc dục: Xác thối đừng tham giữ Mái đầu sớm liệu nâng Ân cần sáu khóa niệm May được hợp cơ chân (Đào Phương Bình dịch sđd-tr.160) Ông
muốn chuyển hóa ngay lập tức, phải đạt cho kỳ được cái thiên thu vĩnh
cửu giữa lòng thời gian đau khổ này. Nếu không, con người vẫn luôn luôn
là một kẻ lang thang, đi mãi mà không tìm thấy được đường trở về: Vĩnh vi lãng đãng phong trần khách Nhật viễn gia hương vạn lý trình. Nguyễn Lang dịch: Lênh đênh làm khách phong trần mãi Ngày hết, quê xa vạn dặm đường Nhưng đi về nơi nào? Sau những đám mây phủ kín kia chắc? Thùy tri vân quyển, trương không tịnh Thúy lộ thiên biên, nhất dạng sơn Nguyễn Lang dịch: Ai hay mây cuốn trời quang tạnh Hiện rõ bên trời dáng núi cao Dáng
núi cao đó, chính là quê hương vĩnh cửu, là: bản lai diện mục: mà Trần
Thái Tông đã muốn chính mình và mọi sinh linh đau khổ trên trần gian này
lên đường trở về. Nếu cuộc Cách
mạng Pháp 1789 ở thế kỷ XVIII đã ảnh hưởng lớn lao trên khắp thế giới về
tư tưởng “dân quyền” hay nói một cách khác là “Lấy dân làm gốc” thì vào
thế kỷ XIII tại núi Yên Tử của quê hương, Thiền sư Trúc Lâm cũng khuyên
nhà lãnh đạo nước Đại Việt đương thời, nên tôn trọng con người, nhưng
bằng một phong cách khác, phong cách trầm lặng của nhà tư tưởng Đông
phương: “Phàm đã là bậc nhân quân,
tất phải lấy ý muốn của thiên hạ làm ý muốn của mình; lấy tấm lòng của
thiên hạ làm tấm lòng của mình”.(sđd-tr.29) Trần
Thái Tông vâng lời thầy xuống núi trở lại, và bắt tay ngay vào việc xây
dựng quốc gia. Dù là một Phật tử thuần thành nhưng ông không cực đoan,
mà biết rõ những tư tưởng đương thời nên đã dung hóa tất cả với mục đích
là đoàn kết dân tộc, khác hẳn với thái độ hẹp hòi của các nho sĩ khi
đắc thế thì triệt để bài xích Phật giáo - làm nguy hại cho đất nước, mà
lịch sử đã từng chứng minh. Đại Việt sử ký toàn thư chép: “Năm
Nguyên Phong thứ nhất, mùa thu tháng 8 mở khóa thi Tam giáo các khoa.
Năm Nguyên Phong thứ 3, Quý Sửu, mùa hạ tháng 6 lập viện Quốc Học, tô
tượng Khổng Tử, Mạnh Tử, Chu Công và họa tranh 72 bậc hiền để thờ. Tháng
8 mở nhà Giảng Võ, tháng 9 ban chiếu gọi Nho sĩ trong nước đến Viện
Quốc Tử Giám để giảng học kinh sách nho... Tứ thư, Lục kinh”. Chính nhờ tinh thần đó mà Thái Tông đã lãnh đạo toàn dân, đánh tan đạo quân hung hãn nhất thời bấy giờ đến xâm lược nước ta. “Ngày
24 tháng chạp năm Nguyên Phong thứ 7 (29-1-1258) Thái Tông đã cùng thái
tử Hoảng chỉ huy đoàn thuyền ngược dòng Thiên Mạc, phá tan giặc ở Đông
Bộ Đầu, chiếm lại kinh thành”. (Cuộc kháng chiến chống xâm lược Nguyên
Mông thế kỷ XIII. Hà Văn Tấn, Phạm Thị tâm.) (NXBKHXH-tr.73-74) Và đất nước dưới quyền lãnh đạo của Thái Tông, đẹp như một bài thơ: “Thăng
Long giải phóng. Những ngày thanh bình trở lại trên đất nước. Dân nghèo
và nô tỳ theo vương hầu đi khai hoang. Những người thợ nề đi xây chùa
Phổ Minh. Nhà sử học Lê Văn Hưu cặm cụi hoàn thành bộ sử của mình và Hàn
Thuyên làm thơ nôm đuổi cá sấu ở sông Hồng”. (Hà Văn Tấn, Phạm thị Tâm,
sđd-tr.80) Vào một ngày Xuân, vua
Trần Nhân Tông cùng các quan trong triều đi thăm mộ ông nội và đồng
thời cũng là người khai sáng ra triều đại nhà Trần oanh liệt. Nhà vua đã
cao hứng làm bài thơ “Xuân nhật yết Chiêu Lăng”, có hai câu cuối như
thế này: Bạch đầu quân sĩ tại Vãng vãng thuyết Nguyên Phong. Dịch: Người lính già đầu bạc còn đến ngày nay Thường kể lại chuyện đời Nguyên Phong. (Thơ văn Lý - Trần, quyển 2, NXB.KHXH-tr.453) Không
phải chỉ những người lính già đầu bạc thời Trần Nhân Tông kể mãi chuyện
đời Nguyên Phong đâu - mà cả đến ngày nay nữa - mỗi khi chúng ta bước
đi trên những nẽo đường của quê hương, hay đứng lại nhìn dòng sông, rồi
nhìn rặng núi - thì chúng ta vẫn nhắc hoài chuyện đời Trần Thái Tông.
Chẳng phải Người là một trong những người đã khai sơn phá thạch đó sao?❑
|