Y học cổ truyền không có bệnh danh
"đái tháo đường"; nhưng đối chiếu với các chứng trạng lâm sàng, căn bệnh
này được quy vào phạm vi chứng "tiêu khát". Bệnh phát sinh chủ yếu do
các nguyên nhân như di truyền, ăn uống bất hợp lý, yếu tố tâm thần kinh,
trường, nhiễm trùng, dùng thuốc bất hợp lý hoặc tửu sắc và lao lực quá
độ. Các nguyên nhân này làm rối loạn công năng các tạng phủ, đặc biệt là
ba tạng tỳ, phế và thận, từ đó mà phát sinh tiêu khát. Chẳng hạn, việc
dùng quá nhiều đồ ăn thức uống béo bổ và khó tiêu khiến cho tỳ vị bị tổn
thương, mất khả năng vận chuyển và tiêu hóa thức ăn gây nên tích trệ,
lâu ngày hóa nhiệt làm tổn hao âm dịch mà phát sinh thành bệnh. Căng
thẳng thần kinh kéo dài làm cho tạng can mất khả năng sơ tiết, can khí
uất kết mà hóa hỏa, hỏa phía trên gây tổn thương âm dịch của phế và vị,
phía dưới gây tổn thương âm dịch của thận, từ đó mà phát sinh tiêu
khát...
Cũng như các bệnh lý nội khoa mạn tính khác, đối với chứng tiêu khát, nguyên tắc trị liệu của y học cổ truyền là:
Điều
trị toàn diện: Xuất phát từ quan điểm chỉnh thể, coi nhân thể là một
khối thống nhất. Trong trị liệu phải luôn luôn chú ý xem xét và điều
chỉnh công năng tạng phủ bị bệnh trong mối quan hệ ràng buộc và tác động
qua lại với tất cả các tạng phủ khác. Sử dụng tổng hợp các biện pháp
như dùng thuốc và không dùng thuốc, chế độ ăn uống, sinh hoạt, tập luyện
khí công dưỡng sinh...
Biện chứng luận trị: Nghĩa là phải căn cứ
vào bệnh cảnh lâm sàng cụ thể, loại hình và giai đoạn bệnh, đặc điểm về
thể chất, giới tính, tuổi tác... của từng người mà lựa chọn thuốc và các
biện pháp trị liệu cho phù hợp.
Để chữa tiểu đường, Đông y vận dụng
các liệu pháp có tính tự nhiên như dược thiện (món ăn - bài thuốc), trà
dược, xoa bóp, bấm huyệt, khí công, dưỡng sinh... Nguyên tắc này dựa
trên quan điểm "thiên nhân hợp nhất": con người và tự nhiên là thống
nhất, con người khởi nguồn từ tự nhiên, dựa vào tự nhiên, phát triển
cùng với tự nhiên. Con người là sản phẩm, là một bộ phận cấu thành của
tự nhiên, mọi biến đổi sinh lý và bệnh lý của nhân thể luôn luôn chịu sự
ảnh hưởng và chi phối của tự nhiên.
Điều trị không dùng thuốc
Là
sử dụng các liệu pháp tự nhiên như châm cứu, bấm huyệt, xoa bóp, dược
thiện, trà dược, cháo thuốc, dán thuốc vào huyệt, tắm thuốc, tập luyện
khí công dưỡng sinh... Chế độ ăn nên trọng dụng các loại thực phẩm như
râu ngô, các chế phẩm của đậu tương và đậu đen, xích tiểu đậu, bạch biển
đậu, mướp đắng, bí đỏ, bí đao, dưa hấu, tỏi, hoài sơn, hành tây, rau
cần, cà rốt, củ cải, măng, hẹ, ngân nhĩ, hải tảo, tụy lợn, cá quả, cá
trạch, hải sâm... Thường xuyên dùng các loại trà dược như khổ qua trà,
nam qua phấn giáng đường trà, ngọc mễ tu trà, la hán quả trà, mạch môn
hoàng liên trà, hoàng tinh ngọc trúc trà, mạch đông sinh địa tiêu khát
trà, cát phấn ngọc tuyền trà, dương sâm hoa phấn tiêu khát trà... Có thể
dùng các loại cháo thuốc như cháo tụy lợn, cháo khổ qua, cháo địa cốt
bì ngọc mễ tu, cháo đông qua dĩ nhân...
Dùng thuốc theo kinh nghiệm dân gian
Đây
là phương pháp trị liệu rất đơn giản, dễ kiếm, dễ dùng, rẻ tiền và có
hiệu quả ở các mức độ khác nhau. Kinh nghiệm trị liệu đái tháo đường
trong dân gian là rất phong phú nhưng chưa được chú ý đúng mức và khai
thác hết. Ví dụ: dùng lá ổi, rễ cây dâm bụt, rễ cây dâu tằm, mướp đắng,
thiên hoa phấn, củ mài, hoàng liên sắc uống; dùng dưa hấu, cà rốt, lê,
dưa chuột, bí đao, mướp đắng ép lấy nước uống hàng ngày; dùng con gián
hoặc nhộng tầm sao vàng tán bột uống... Dùng thuốc độc vị: Nhộng tằm 20
con, rửa sạch, xào ăn bằng dầu thực vật. Ô mai 15 g, hãm với nước sôi
uống thay trà. Đậu đỏ để cả vỏ, sấy khô, mỗi ngày dùng 50 g nấu nước
uống. Nấm mỡ lượng vừa đủ, nấu canh hoặc xào với dầu thực vật ăn hàng
ngày. Bí đao tươi 100 g, rửa sạch, ép lấy nước uống hàng ngày. Cà rốt
tươi lượng vừa đủ, rửa sạch, ép lấy nước cốt uống hằng ngày. Rễ cỏ tranh
50 g, rửa sạch sắc uống thường xuyên. Ăn lê tươi hàng ngày. Bí đỏ 250 g
nấu canh ăn trong ngày. Mướp đắng sấy hoặc phơi khô, tán bột, mỗi ngày
uống 3 lần, mỗi lần 15-20 g. Vừng đen 100 g sắc uống hàng ngày. Uống
nước ép vòi voi hoặc măng tre tươi hằng ngày. Rễ hoặc lá cây ngưu bàng
sắc uống thay trà.
Dùng nhiều vị: Hạt tía tô và hạt cải củ lượng
bằng nhau, sao thơm tán bột, mỗi ngày uống 9 g với nước sắc rễ cây dâu
(tang bạch bì). Hạt dưa hấu 50 g giã nát, hòa với nước rồi lọc bỏ bã,
đem nấu với 30 g gạo tẻ thành cháo ăn. Bột hoài sơn 2 phần, bột ý dĩ 1
phần trộn đều, mỗi ngày dùng 90 g với nước sôi ăn. Củ cải 5 củ, rửa
sạch, thái miếng luộc lấy nước nấu với 100 g gạo tẻ thành cháo ăn hàng
ngày. Lá hồng 30 g, đậu xanh 30 g, sắc uống. Hoa đậu ván trắng 30 g, mộc
nhĩ đen 30 g, sấy khô, tán thành bột mịn, mỗi ngày uống 2-3 lần, mỗi
lần 3-5 g. Vỏ bí xanh 15 g, vỏ dưa hấu 15 g, thiên hoa phấn 12 g, sắc
uống. Cá diếc 500 g, trà xanh 10 g, cá làm sạch, bỏ ruột rồi nhồi trà
xanh vào trong bụng, hấp cách thủy, chia ăn vài lần trong ngày. Lá khoai
lang 100 g, thiên hoa phấn 20 g, ngọc trúc 15 g, sắc uống. Ngân nhĩ
(mộc nhĩ trắng) 15 g, ngọc trúc 20 g, đường phèn 25 g, sắc mộc nhĩ và
ngọc trúc lấy nước hòa đường phèn uống.
sưu tầm