Tính chất vương quyền thể hiện ở kết cấu, quy hoạch và quy mô kiến
trúc hoàng thành Thăng Long cũng như các không gian cung đình khác ở Bắc
Ninh và các địa phương. Một hệ thống dày đặc các chùa Phật được xây
dựng với quy mô lớn nhất, lớn hơn mọi thời kỳ sau. Kết cấu kiến trúc và
phong cách mỹ thuật hoàn toàn thống nhất đến mức hiếm có. (Năm 973 Đinh
Liễn khắc 100 cột kinh Phật ở Ninh Bình, năm 1007 Minh Đề và Hoàng Thành
Nhã sang Tống xin sách Nho và kinh đại tạng, năm 1040 triều đình làm
tượng Phật, tranh Phật, đại phan mỗi thứ 1000 bản, năm 1075 dựng chùa
Phật Tích, năm 1087 dựng chùa Dạm, ngoài ra còn có tháp Báo Thiên,
chuông Quy Điền - chùa Một Cột..., tất cả đều quy mô nhất trong lịch sử
Phật giáo Việt Nam). Mô hình hòa nhập vương quyền và thần quyền (các vua
đều đi tu, thậm chí Lý Thánh Tông còn khai minh phái Thảo Đường, phát
triển Phật học, tăng lữ tham gia triều chính, làm quốc sư, chăm lo giáo
dục đào tạo. Theo Lê Văn Hưu thì thời Lý “nhân dân quá nửa là sư, sãi,
trong nước chỗ nào cũng có chùa”. Mô hình này sẽ dẫn tới đồng nhất thần -
vua như “Phật Hoàng” Trần Nhân Tông ở ta hay gương mặt Jayavarman VII
và mặt Phật Bayon ở Cambodia sau này. Các ngôi chùa thời Lý chắc chắn
từng là những trung tâm đào tạo và trung tâm văn hóa quan trọng nhất của
đời sống Đại Việt.
2.
Trong quá trình củng cố vương quyền và khuếch trương đạo Phật, mỹ thuật
tất nhiên đã đóng vai trò quan trọng nhất, hơn mọi ngành văn nghệ khác.
Cũng tất nhiên là nền mỹ thuật có vẻ là non trẻ nhất trong thế giới
Đông Á và Đông Nam Á sẽ giao hòa mọi ảnh hưởng từ các nền mỹ thuật lân
cận, đậm nét nhất là với mỹ thuật Trung Hoa và mỹ thuật Chăm. Tuy nhiên
trực tiếp hơn, gần gũi hơn, sâu nặng hơn là với mỹ thuật Chăm bởi có sự
tham gia cụ thể trực tiếp của các thầy và thợ Chăm từ phía Nam ra định
cư ở đất Bắc. Mỹ thuật ở Hoàng thành Thăng Long, chùa Dạm, chùa Phật
Tích và các di tích Lý khác nói lên điều đó. Cột biểu chùa Dạm với kết
hợp kỳ lạ có một không hai Linga-Yoni-Rồng là biểu trưng sáng rõ của sự
giao hòa máu thịt này. Sự giao hòa văn hóa Bắc - Nam không chỉ trong mỹ
thuật mà còn rộng rãi ở mọi lĩnh vực: ca, múa, nhạc, diễn xướng… (Năm
1060 triều đình dịch nhạc khúc và đánh điệu trống Chiêm Thành, sai nhạc
công ca hát. Sự giao hòa có lúc “quá đà” đến mức năm 1374 triều đình
Trần phải cấm quân dân mặc áo kiểu người phương Bắc - dân Tống sang lánh
nạn mang theo hàng hóa phong tục của họ - cấm bắt chước tiếng nói của
các nước Chiêm, Lào!…). Giao lưu hàng hóa, thương mại với các nước
Indonesia, Malaysia, Xiêm La…cũng làm cho cuộc giao hòa thêm sặc sỡ.
Thiết tưởng mỹ thuật Lý nói riêng và văn hóa Đại Việt thời Lý nói chung
từng là kết quả của một cuộc hội nhập khu vực và quốc tế “lần thứ nhất”
khá sâu rộng. Mỹ thuật Lý đặc sắc chính bởi những kết quả hội nhập đó.
3.
Nhà Lý mở đầu và kết thúc bằng hai lần nhường ngôi “êm ả”. Hai thế kỷ
Lý cũng là thời kỳ thanh bình, khoan hòa, an lạc nhất trong lịch sử Việt
Nam. Mỹ thuật Lý thấm đậm lý tưởng Phật giáo nhu hòa, bao dung, hỷ xả.
Tính tinh tế, kỳ bí, mềm mại, uyển chuyển và dày đặc của nghệ thuật
trang trí kiến trúc cũng như các thành phần điêu khắc giàu chất trang
trí trên hai chất liệu chính là đá và gạch nung là sự đối lập hữu cơ với
tính hoành tráng, đồ sộ uy nghi của các công trình. Đường cong họa
tiết, các đồ án hình tròn, bán viên và hoa dây lên ngôi, làm mẫu mực cho
các thời kỳ sau. Nghệ thuật gốm đạt đỉnh cao chưa từng có với gốm men
ngọc, men lam và men nâu của các “lò quan” cung đình cũng như “lò chợ”
dân gian. Điêu khắc - tháp Chăm, gốm Lý Trần Mạc và tượng gỗ - đình chùa
Bắc bộ thế kỷ 16-18 chắc chắn là những ba đóng góp đáng kể nhất của văn
hóa Việt Nam vào văn hóa nhân loại.
4. Nói
đến mỹ thuật Việt Nam nói chung và mỹ thuật Lý nói riêng chúng ta
thường nêu ra chủ đề tranh luận về ảnh hưởng của mỹ thuật Trung Hoa và
mỹ thuật Chăm tới mỹ thuật Việt như là ảnh hưởng hay tiếp biến văn hóa
từ Bắc xuống và từ Nam lên. Điều đó cũng có nghĩa là ta đã đánh đồng mỹ
thuật của người Việt - Kinh với mỹ thuật Việt Nam. Đó là một khía cạnh
bất công và sai lầm bởi mỹ thuật Việt Nam bao gồm các thành phần khác
quan trọng và rực rỡ như mỹ thuật Chăm, mỹ thuật Hoa, mỹ thuật K’me, mỹ
thuật của các dân tộc Tây Nguyên - Miền Trung và mỹ thuật của các dân
tộc thiểu số miền Bắc.
Trong
khi mỹ thuật của người Kinh trong thiên niên kỷ thứ nhất còn là một dải
băng trắng thì mỹ thuật Việt Nam chúng ta có mỹ thuật Chăm làm xương
sống, phát triển rực rỡ đến tầm nhân loại ở một vương quốc độc lập duy
nhất trên lãnh thổ Việt Nam ngày nay.
Một trong những giá trị nổi bật, tiêu
biểu của mỹ thuật thời Lý chính là Hoàng thành Thăng Long, đã được
UNESCO công nhận là di sản văn hóa thế giới. |
Trong thiên niên kỷ thứ hai mà mở đầu là nhà Lý, mỹ thuật của người
Chăm giao hòa với mỹ thuật của người Kinh để phát triển mỹ thuật Việt
Nam tới thế kỷ 19. Cộng đồng người Chăm ở miền Trung và cả ở miền Bắc đã
giao hòa với người Việt góp phần phát triển tộc người Việt cận hiện
đại. Mặt khác cộng đồng người Chăm còn tồn tại độc lập như một tộc thiểu
số vẫn có mỹ thuật riêng của mình. Quá trình giao hòa văn hóa và dòng
tộc này gắn với quá trình mở đất về phương Nam. Có thể nói không quá
rằng đoạn kết của giai đoạn “Tam Quốc” Chúa Trịnh - Chúa Nguyễn - và các
Vua Chăm là sự hình thành quốc gia và dân tộc Việt Nam hiện đại vào
cuối thế kỷ 18 đầu thế kỷ 19. Tôi từng cảm thấy có lỗi và xấu hổ khi
nhiều sinh viên hỏi tôi vì sao họ không được học lịch sử các vương quốc
Chăm và lịch sử mỹ thuật Chăm (trong cả phần lịch sử mỹ thuật Việt Nam
cũng như lịch sử mỹ thuật thế giới). Họ “lý luận” rằng nếu Tần Thủy
Hoàng hay Hán Cao Tổ thống nhất Trung Quốc và chữ Hán được dùng cho tất
cả các tộc người trên đất Trung Hoa thì mỹ thuật Trung Hoa cũng vẫn là
thống nhất bao gồm cả mỹ thuật Tây Vực, Tần, Hán, Sở, Việt, Ngô…và cả
Nguyên-Mông, Kim-Thanh…sau này nữa. Tôi ước mong các nhà giáo dục lịch
sử Việt Nam và các nhà lịch sử mỹ thuật trong tương lai gần sẽ trả lời
và đáp ứng được nhu cầu của họ.
Theo Họa sĩ, nhà phê bình Nguyễn Quân - VH&TT