Những tranh cãi về người thực hiện bức thư hoạ này hiện đang là mối
quan tâm của nhiều người yêu nghệ thuật và thích sưu tầm văn hoá lịch
sử. Người yêu thích thiền phái Trúc Lâm thì đang mơ được chiêm ngưỡng
vẻ đẹp của bức hoạ để thoả sức tưởng tượng về một vị vua, bỏ hết tất
thảy, về với Phật pháp trong cõi hư vô...
Bức tranh triệu đô
Tranh thủy mặc mang tên Trúc Lâm đại sĩ
xuất sơn chi đồ được Trần Giám Như thư hoạ vào năm 1363. Nó là một
trong những báu vật ở kho tàng của Hạng Nguyên Biện - một giám thưởng
gia nổi tiếng sống vào đời Minh sang đời nhà Thanh. Bức hoạ này được
giữ trong Cố Cung của Trần Giám Như như một quốc bảo. Năm 1922, vua Phổ
Nghi - Hoàng đế cuối cùng của nhà Thanh đã bí mật tuồn ra ngoài bức
hoạ này cùng với hơn 1.300 bảo vật. Từ đó, bức hoạ lưu lạc trong chiến
cuộc ở Trung Quốc đến năm 1949, nó cùng một số báu vật khác mới được
đưa vào bảo tàng Liêu Ninh lưu giữ. Chính vì nguồn gốc xuất thân là báu
vật và bị lưu lạc nên công chúng không có dịp được chiêm ngưỡng. Nguyên
bản bức hoạ này có kích thước 961x28cm và được thể hiện trên chất liệu
giấy xuyến. Công chúng biết nhiều đến bức hoạ thuỷ mặc Trúc Lâm đại sĩ
xuất sơn chi đồ bắt đầu từ bản sao, được bán đấu giá 1,8 triệu USD vào
tháng 4/2012.
Tại Việt Nam, bức hoạ Trúc Lâm đại sĩ
xuất sơn chi đồ được người yêu tranh biết đến từ bản sao, được chụp lại
trên mạng với những thông tin từ bài thuyết trình của thạc sỹ Phạm Văn
Tuấn (Viện Nghiên cứu Hán Nôm). Cùng với những ý kiến đóng góp của các
chuyên gia mỹ thuật, sử học, bức hoạ đã được tái hiện lại một cách đầy
đủ về cả giá trị nghệ thuật và lịch sử.
Nhân vật trung tâm trong bức hoạ là vua
Trần Nhân Tông (1258 - 1309), đại sĩ của thiền phái Trúc Lâm. Ông vua
này đã hoàn toàn dứt bỏ cả gia tư lẫn triều chính để tu từ năm 1299,
đại giác và trở thành đệ nhất tổ của thiền phái Trúc Lâm ở Việt Nam.
Với Trúc Lâm đại sĩ xuất sơn đồ, lần đầu tiên người xem được diện kiến
ảnh tượng Phật Hoàng (ngồi cáng) an nhiên mà sinh động, xuống núi khởi
sự giáo hóa chúng sinh. Đây là bức ảnh độc, không tìm thấy trong kho tư
liệu về Trần Nhân Tông. Hiện di ảnh Trần Nhân Tông được lưu giữ đến
nay chỉ còn đôi ba bức họa và tôn tượng nên bức hoạ Trúc Lâm đại sĩ
xuất sơn chi đồ là một tư liệu quý giá. Nó không chỉ có giá trị về một
sự kiện lịch sử mà còn tiết lộ chân dung vốn rất hiếm hoi của Thượng
hoàng Trần Nhân Tông, con gái và Hoàng đế Trần Anh Tông (1267 - 1320).
Bức thư họa có tổng chiều dài lên đến
9.61m trong đó 3.1m là phần lòng tranh, còn lại là triện đầu tranh và
các bài bạt tựa phía sau tranh được cho là của họa gia Trần Giám Như.
Các sử gia, chuyên gia mỹ thuật Việt Nam đang đặt dấu chấm hỏi về tác
giả thực của bức thư hoạ. Bởi một giám thưởng gia ở thời kỳ nhà Minh,
làm sao biết được vua Trần Nhân Tông dứt bỏ bụi trần, lên núi tu hành
để hoạ bức thư hoạ có giá trị lịch sử và nghệ thuật đến thế? Có thể, vì
những lý do chưa rõ ràng, nên bức thư hoạ vẫn cứ lưu lạc, lang thang
chăng?

Cận cảnh bản sao bức tranh.
Kiệt tác thư họa
Thư pháp hợp cùng họa phẩm tạo nên một
chỉnh thể nghệ thuật thư - họa đặc sắc ở bức thư hoạ Trúc Lâm đại sĩ
xuất sơn chi đồ... Màu sắc dùng để tái hiện bức tranh là hai màu nguyên
bản đen và trắng kết hợp với bút pháp tái hiện mây, núi, sông, cùng
tùng, trúc, cây cổ thụ mang tính ước lệ như cây bồ đề, cây phong xen
lẫn cây cỏ dại ven đường tạo hiệu ứng thẩm mỹ về không gian và thời
gian. Với các điểm nhấn về con người, voi, ngựa, trâu, hạc cùng võng
lọng, ngai, nghi trượng... làm nên một chỉnh thể hoàn chỉnh về bố cục
của bức thư hoạ.
Sự tinh tế trong bút pháp khắc họa thể
hiện ở trang phục của các nhân vật mặc. Tranh có hơn 80 nhân vật trong
đó nhân vật chính trong bức họa là một số tăng nhân Ấn Độ. Với đặc
trưng về dị tộc rất đặc thù như tăng nhân Ấn Độ tay cầm tích trượng,
bình bát, kinh quyển. Phía đoàn đón rước có vua Trần Anh Tông cùng các
tuỳ tùng cung nghinh Phật hoàng khi người xuống núi. Nhóm phục vụ đi
sau vua Anh Tông có trang phục áo chẽn đến nách, cầm gậy trên trông như
lông chim còn nhóm phục vụ nghi trượng gồm 10 người tay cầm nghi
trượng, áo cụt đến khuỷu tay. Nhóm quan lại phía trước vua Anh Tông,
gồm: 2 quan võ, cầm gươm và 5 quan văn đi giày nghiêm cẩn, tay chắp tôn
kính. Đặc biệt nhóm ra đón, mũ giống nhau. Các tùy tùng khiêng ngai,
kiệu, dắt ngựa, cầm đao, trừ những quan văn võ trong triều thì còn lại
đều đi chân đất.
Tâm điểm hay còn gọi là trung tâm của
bức thư hoạ là Phật hoàng Trần Nhân Tông ngồi trên cáng từ động Vũ Lâm
xuất du xuống núi với 8 đệ tử là tăng sĩ và 4 phu khiêng, 2 phu cầm
quạt lông và lọng nan; hai đệ tử, 1 cầm gậy trúc, 1 cầm phất trần, còn
lại đi phía sau. Hình ảnh vua Trần Nhân Tông được tái hiện đầy thần
thái với mày dài, có râu, tai to, tay lần tràng hạt. Họa sỹ Vương Hòa
đánh giá: "Đây là một tuyệt phẩm cả về nội dung lẫn hình thức. Một số
hình ảnh mang tính ước lệ như voi tải kinh, hạc dẫn đường nhưng lại đóng
vai trò là điểm nhấn góp phần làm hoàn hảo bố cục của bức tranh. Voi
trong bức thư hoạ này đẹp hơn hẳn so với các tranh Trung Quốc khác".
Nghi vấn về tác giả thực
Bên cạnh giá trị nghệ thuật hàm chứa của
bức thư hoạ thì một số những tranh cãi bên lề về thông tin của Trần
Giám Như - được coi là tác giả bức tranh quý hiếm này cũng khiến nhiều
người quan tâm. Trần Giám Như là họa sư đời Nguyên, một thượng thủ về
tranh vẽ truyền thần, học trò của Triệu Mạnh Phủ, và cũng đã nhiều lần
vẽ chân dung cho Triệu Mạnh Phủ. Hiện tại, tác giả bức thư hoạ Trúc Lâm
đại sĩ xuất sơn chi đồ là Trần Giám Như, được công nhận là một họa sỹ
người Trung Quốc. Tuy nhiên, không ít giả thuyết đặt ra cho rằng Trần
Giám Như là người Việt. Bởi ông vẽ rất thật con người, con vật, tỉ lệ,
không gian của người Việt hoặc sau khi Mạnh Phủ chết (1322) Giám Như vẫn
đương là họa gia đứng đầu trong triều, nhưng ông đã sang Đại Việt và
vẽ bức tranh vào năm 1363. Chính các học giả hiện đại của Trung Hoa đưa
ra khả năng, Giám Như không phải là tác giả của bức thư hoạ nổi tiếng
ấy. Đó là nghi ngờ, song cũng có những lý do nhất định có sự nghi ngờ
đó. Hơn nữa, người đề tên ở bức thư hoạ đó là Trần Đăng - một bậc
thượng thủ viết triện thời Minh, hiện còn nhiều tác phẩm để lại. Theo
nhà nghiên cứu văn học dân gian Nguyễn Hùng Vỹ - giảng viên bộ môn Văn
hóa dân gian - trường Đại học khoa học xã hội và nhân văn thì: "Nội
dung trong đề bạt nhiều điểm giống với nội dung Thánh Đăng ngữ lục, tam
tổ thực lục, trong thư tịch Phật giáo hiện còn lưu".
Điều đáng nói, bức thư hoạ có sự hiện
diện của 3 nhân vật họ Trần, liên quan đến Trúc Lâm đại sĩ xuất sơn đồ
là Trần Giám Như, Trần Đăng và Trần Quang Chi. Chính 3 nhân vật họ Trần
này đã gây ra sự chú ý và tranh cãi. Trong bài thuyết trình của mình,
thạc sỹ Phạm Văn Tuấn, dựa vào những bài bình, tấu trong cuộn tranh để
có thể đưa ra kết luận: Vào khoảng năm 1420, họa phẩm mới trở thành sở
hữu của Trần Quang Chi, người sông Lô. Trước đó, tranh thuộc về Trần
Đăng. Tuy nhiên không rõ Trần Đăng sở hữu bức tranh thời điểm điểm,
ngay sau khi Giám Như hoàn thành tác phẩm (1363), hay phải đợi đến vài
năm sau đó. Họa phẩm của Trần Giám Như thật đáng chú ý vì lẽ nó là tác
phẩm của một danh họa sống dưới một vương triều từng bị đánh bại đôi
lần bởi vị Hoàng đế trong tranh và chủ nhân của nó. Trần Quang Chỉ có
thể là một hậu duệ nhà Trần lưu lạc sang Trung Quốc. Điều đáng chú ý
trong bức tranh có sự hiện diện của đạo sĩ Hoa Lâm Thời - là dấu tích
giao lưu văn hoá Việt - Trung rõ rệt.
Nguyên bản Trúc Lâm đại sĩ xuất sơn chi
đồ đang được lưu giữ ở Trung Quốc khiến người yêu thích thiền phái Trúc
Lâm, yêu thích vị vua thành Phật và yêu thích lịch sử không khỏi tiếc
nuối.
Theo Đại
Việt sử kí toàn thư ghi chép, thì Vua Trần Nhân Tông xuất gia ở động
Vũ Lâm, tỉnh Ninh Bình ngày nay. Điều này phù hợp với nội dung trong
bức thư hoạ mô tả cảnh Hoàng đế Trần Nhân Tông đi từ động Vũ Lâm
(Ninh Bình) ra Thăng Long.
Triện đầu
tranh và các bài bạt tựa phía sau tranh được các danh sĩ đời Minh
viết thêm lời bình dẫn nhằm tôn vinh và tái hiện một cách hoàn hảo về
thần thái của bức tranh. Bài dẫn của Đinh thời Đinh Vĩnh Lạc 18,
viết năm 1420 thể hiện: "Nay bức họa miêu tả lúc ông (Trần Nhân Tông)
từ động Vũ Lâm xuất du. Đại sĩ ngồi trên cáng, còn các tùy tùng đều
khoác áo tăng. Voi trắng chở kinh đi ở sau cùng. Phía trước voi có
người đội mũ vàng, cưỡi trâu, ấy hẳn là đạo sĩ Lâm Thời Vũ. Cung
nghênh trên đường chính là con của đại sĩ, người nối ngôi, thay cha
trị nước".
|
Theo Tuệ Linh - NĐT