Mời quý độc giả cùng chia sẻ ý kiến, bài viết suy tư,
trăn trở xung quanh diễn đàn "Làm gì để Thăng Long hôm nay bùng cháy
trong thế kỉ 21" . Đó cũng là chủ đề Chat với Việt Long vào lúc 2h chiều
nay. Mời các bạn gửi câu hỏi TẠI ĐÂY hoặc qua địa chỉ tuanvietnam@vietnamnet.vn.
Thăng Long - Hà Nội từ bao đời nay luôn là tâm điểm để muôn triệu con
tim đất Việt hướng về. Một thưở, trong sổ tay của lớp lớp thanh niên
lên đường Nam tiến, còn đậm ghi những câu thơ da diết:
Ai về Bắc ta đi với
Thăm lại non sông giống Lạc Hồng
Từ độ mang gươm đi mở cõi
Ngàn năm thương nhớ đất Thăng Long...
Đâu cần phải sinh ra hay lớn lên ở Hà Nội, mỗi người Việt Nam, mang
trong mình dòng máu Lạc Hồng, dù đi bất cứ nơi đâu, phiêu dạt ở phương
trời xa nào, những ngày này sao không khỏi đau đáu hướng về Thăng Long -
Hà Nội. Và những người, đang có cơ may hôm nay đứng trên mảnh đất này,
chứng kiến thời khắc thiêng liêng của nghìn năm hồn thiêng sông núi giao
hòa, làm sao không khỏi tự hào.
 |
Hồn
thiêng nghìn năm lắng đọng trong đất trời, cây cỏ, trên những khuôn mặt
người rạng ngời niềm tự hào, lạc quan ở tương lai. Ảnh:
thiduakhenthuong.org.vn
|
Không biết có phải thời khắc đặc biệt của nghìn năm Thăng Long hội tụ
mà đất trời những ngày này cũng như khoác trên mình dung mạo mới. Trời
vẫn xanh, nắng vẫn vàng như không hề biết đến bão giông đang quần thảo
ngoài kia. Dường như miền Trung đang oằn mình chịu lũ để Thăng Long - Hà
Nội mừng sinh nhật nghìn tuổi trong trọn vẹn. Tinh khí của đất trời,
lời thầm thì của non sông đang vọng về trong tiếng thở của đất, tiếng
reo của lá và trong bài ca miên man của gió như nhắn nhủ với ai kia.
Bay Lên Việt Nam
Năm
2006 là dấu mốc quan trọng của lịch sử đất nước Việt Nam, thời điểm đất
nước hội nhập hoàn toàn với thế giới. Ca khúc "Bay lên Việt Nam" của
nhạc sĩ Văn Kí đã ra đời với ý nghĩa hào khí Thăng Long hôm nay. Ca khúc
này cũng là thông điệp của VietNamNet gửi gắm đến đất nước nhân ngày lễ
trọng đại này.
|
Hồn thiêng Thăng Long, đâu phải ở cờ hoa, đèn quạt, hay màn pháo hoa
nghệ thuật hoành tráng - dẫu rằng cũng cần thiết để cháu con tỏ lòng ơn
kính với tổ tiên. Mà hồn thiêng nghìn năm lắng đọng trong đất trời, cây
cỏ, trên những khuôn mặt người rạng ngời niềm tự hào, lạc quan ở tương
lai. Bởi có mấy ai, trong đời mình có diễm phúc được là chứng nhân của
một khoảnh khắc lịch sử đặc biệt dường này.
Ai đó đã nói, hành trang tồn tại của một dân tộc ở đời là một quá khứ
hào hùng để tự hào và một tương lai để mơ mộng. Từ thưở vua Lý dời đô
về thành Đại La, lấy cái tên Thăng Long - Rồng bay lên, xác lập cho một
dân tộc bé nhỏ vừa bước ra từ đêm trường nghìn năm nô lệ một địa vị, tư
thế độc lập, tự chủ, hiên ngang đi trong suốt nghìn năm tiếp để đến được
hôm nay.
Cuộc trường chinh vĩ đại ấy đã kéo qua 3 lần hiển hách đánh thắng đế
chế hung bạo Nguyên Mông, qua chiến thắng Điện Biên Phủ lẫy lừng toàn
cầu, qua chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử đánh bại một siêu cường và qua
cả những năm dài đói khổ, cô độc để đến được với một Việt Nam đổi mới và
thanh bình của ngày hôm nay.
 |
Lẽ
nào, với hào khí Thăng Long được hun đúc bằng xương máu của tiền nhân, ở
thời khắc thiêng liêng nghìn năm hôm nay, không đủ nuôi dưỡng cho mỗi
chúng ta động lực tinh thần, lòng quyết tâm và tín tâm để viết nên trang
sử cho con cháu mai sau tự hào? |
Cuộc trường chinh ấy cũng mở rộng vô cùng đến không gian, từ một nửa
chữ S ngày đêm phập phồng lo sợ trước cơn thịnh nộ của sông Hồng, kéo
dài qua khúc ruột miền Trung sương gió, đến đồng bằng Nam bộ thênh
thang. Lưỡi gươm đi với lưỡi cày, lớp lớp cha ông đã ngã xuống trên
đường chinh chiến bảo vệ nền độc lập, và cả trên những dặm dài khai
hoang, mở cõi để dành lại cho cháu con ngày nay một dải đất nguyên vẹn
hình chữ S quật cường.
Nhưng đâu chỉ một dải đất để dung thân cho 86 triệu con dân Việt Nam
hôm nay, di sản cha ông để lại còn là cái tâm thức hào hùng, quật khởi
mang cái tên đầy kiêu hãnh: hào khí Thăng Long. Cái hào khí đã hun đúc
tinh thần và động lực để dân tộc bước đến vị thế hôm nay, mà có lẽ, cách
đây mấy chục năm nằm mơ cũng không nghĩ tới. Một dân tộc nhược tiểu,
luôn bị những nước lớn dòm ngó, xâm lăng, nay đàng hoàng hội nhập với
năm châu. Cuộc sống chưa thực sung túc, đủ đầy nhưng đã qua những ngày
nơm nớp lo cái ăn cái mặc thưở nào. Một bầu không khí xã hội, dù còn
nhiều điều phải nói, cũng có thể gọi là ổn định, và cởi mở.
Nhưng, tự hào về di sản ngàn năm của cha ông, làm sao không khỏi
chạnh buồn và một chút nào đấy, ngậm ngùi có lỗi với tổ tiên. Đất nước -
Dân tộc đã đi cả chặng đường dằng dặc để gìn giữ nền độc lập. Nhưng
giấc mơ "bay lên" của ngàn đời, từ thưở vua Lý Công Uẩn lấy tên Thăng
Long - Rồng bay đặt cho kinh đô Đại Việt, đến bây giờ vẫn ngòai tầm
tay. Bước tiến của cả dân tộc, so với chính mình làm sao có thể nói là
ngắn? Nhưng nhìn xung quanh, so với bước đi như vũ bão của người, sao
không khỏi lo lắng về nguy cơ tụt lại trên đường phát triển?
Còn nhớ, một học giả Harvard nổi tiếng, đã từng công phu nghiên cứu
để cho ra một cuốn sách mang tên "Theo hướng rồng bay", về một dân tộc
mà ông luôn tin là đầy tiềm năng để trỗi dậy trong một tương lai không
xa. Những lời khen ngợi của quốc tế dành tặng cho Việt Nam "đầy tiềm
năng", "sẽ hóa rống, hóa hổ" nay mai nghe mát tai, mát lòng nhưng có
khiến người nhận chạnh lòng day dứt: Tại sao tiềm năng dân tộc này mãi
chưa được khơi dậy? Vì sao con rồng Việt chưa thể bay lên?
Lại nhớ về chiêm nghiệm của vị học giả Harvard kia. Ông nói rằng, lợi
thế lớn nhất của Việt Nam chính là CON NGƯỜI, chứ không phải ở tài
nguyên thiên nhiên. Một dân tộc thông minh, ham học hỏi và giàu ý chí
vươn lên, lại ở một vị trí địa chính trị tiền tiêu như Việt Nam, có đầy
đủ lợi thế, thời vận cũng như áp lực để băng lên trong thời đại kinh tế
tri thức hiện nay.
Nhận xét của vị học giả đáng kính ấy, cũng là nỗi trăn trở của bao
con người tâm huyết: Vì sao một dân tộc thông minh, ham học hỏi, không
bao giờ chùn bước trước khó khăn nhưng đến giờ vẫn lẹt đẹt ở vị thế một
quốc gia trung bình thấp, công dân thế giới hạng hai? Những lực cản nào
khiến trí tuệ của dân tộc chưa thể khai phóng thành lực đẩy để bay lên?
Và làm thế nào đây để khai mở và khai phóng nguồn tiềm lực vô song ấy để
dân tộc đi tới tương lai hùng cường như khát vọng của tiền nhân?
Dường như, đó cũng là câu hỏi đau đáu trong hàng loạt những ý kiến
thảo luận sôi nổi về con đường đi của đất nước trong tương lai mà Đảng
đang phát động những ngày này.
Một dân tộc không còn biết mơ mộng nữa là một dân tộc không có tương
lai. Ai đó đã nói như thế. Nhưng tương lai chưa bao giờ được tạo ra bởi
những người chỉ biết chống cằm mơ mộng hão huyền. Tương lai chỉ có thể
được xây lên, từ hôm nay, bằng nỗ lực vượt lên chính mình của mỗi cá
nhân và toàn dân tộc, như lựa chọn duy nhất mang tính sinh tồn. Sự bức
vượt trong mọi thời đòi hỏi trước hết sự đột phá, nêu gương ở người chèo
lái cơ đồ, về nhân cách vì nước vì dân, về trí tuệ tích hợp được tri
thức của mọi tầng lớp xã hội, để khai mở nguồn trí tuệ và năng lực tư
duy vô song của dân tộc Việt.
Liệu những người Việt Nam của 50 năm, 100 năm, hay xa hơn là 1000 năm
nữa sẽ được hãnh diện về lòng quả cảm và những nỗ lực phi thường mà thế
hệ hôm nay sẽ xiết chặt hàng ngũ để làm nên một nước Việt Nam hùng
cường hay họ sẽ phải hổ thẹn, tủi nhục về vị thế yếu kém của dân tộc
trong cộng đồng thế giới và xót xa nuối tiếc về những cơ hội vô giá mà
thế hệ cha anh họ đã bỏ qua?
Lẽ nào, với hào khí Thăng Long được hun đúc bằng xương máu của tiền
nhân, ở thời khắc thiêng liêng nghìn năm hôm nay, không đủ nuôi dưỡng
cho mỗi chúng ta động lực tinh thần, lòng quyết tâm và tín tâm để viết
nên trang sử cho con cháu mai sau tự hào?