***
Điêu khắc gia Phúc Điền:
có họ tên Bùi Văn Thêm, pháp danh Thiện Sáng, chào đời năm Ất Mão 1915 tại Sa Đéc, Đồng Tháp.
Phúc Điền Bùi Văn Thêm là con của nghệ nhân đắp nặn tượng gốc huyện Mộ Đức, tỉnh Quảng Ngãi: Bùi Quang Điển tức Tài công Cang (1888 - 1968).
Năm 1961, rất hữu duyên, vừa gặp Phúc Điền thì đại đức Nàrada và giáo sư Hồ Đắc Thăng nêu ngay một số vấn đề kỹ thuật:
- Thích Ca Phật Đài bằng bê tông cốt thép, đặt vĩnh viễn ngoài trời. Tượng Phật ngồi, cao 6m. Bệ cao 7m.
Điêu-Khắc Gia Phúc Điền liền phác thảo pho tượng bằng đất sét với chiều cao 40cm.
Phật ngồi, tất xếp chân kiết già trên toà sen, nhưng tư thế thuyết pháp hay tham thiền nhập định?
Nếu thuyết pháp thì mắt mở nhiều hay ít tuỳ trạng huống, tay phải úp lên chân phải thành ấn địa xúc, tay trái lật ngửa đặt trước bụng, trên bàn tay trái có thể có bình bát.
Nếu toạ thiền thì mắt khép 3/4, nhưng hai tay thế nào?
Tay phải nâng đoá sen ngang mũi, tay trái bắt ấn giáo hoá chăng?
Tay phải đưa cao ngang tai và bắt ấn cát tường chăng?
Cả hai tay cùng nâng ngang ngực, kết ấn định tâm hoặc ấn vô lượng liên hoa hoặc ấn chuyển pháp luân chăng?
Một trong những yếu tố tạo hình khiến Phúc Điền lao tâm khổ tứ:
Đấng Thế Tôn khoác cà sa (y / áo) ra sao?
Cà sa thường được phân 3 loại: đại, trung, tiểu.
Tượng uy nghi thì dùng đại cà sa, nhưng cửu điều (ghép từ 9 mảnh vải) hay bá lạp (ghép từ 100 mảnh vải)?
Mà mặc kiểu gì? Kiểu lục thù là y gồm 6 phần với cổ vuông hoặc chữ nhật như các tranh tượng của Trung Hoa ư?
Kiểu hở vai và hở nguyên cánh tay trái như các tranh tượng xuất xứ từ Ấn Độ, Myanmar, Thái Lan, Campuchia ư?
Đại đức Nàrada trao Phúc Điền một số tranh ảnh thể hiện kiểu đắp y của Tích Lan:
Quấn cà sa quanh thân, phủ trùm luôn đôi cánh tay, trông rất thẩm mỹ.
Giới điêu khắc gọi đó là y quấn kiểu Colombo - tên thủ đô đảo quốc Sri Lanka.
Thích Ca Phật Đài ở Vũng Tàu trở thành tác phẩm điêu khắc đầu tiên ở Việt Nam được đắp cà sa kiểu Colombo.
Trải qua 20 phác thảo khác nhau, mẫu tượng Phật Thích Ca toạ thiền mới được chấp nhận bước đầu.
Phúc Điền lại tiếp tục sửa chữa mẫu tượng đó thật thoả mãn. Thỉnh ý các tu sĩ, nhà điêu khắc đã cân chỉnh thế tay bậc Đại Giác: bàn tay phải ngửa ra chuồi vào lòng bàn tay trái, hai đầu ngón tay cái chạm nhau, và đặt trên đùi phía trước bụng. Đó là Ấn tam muội, tên khác là Thiền Ấn.
***
Chùa Long Sơn :
hay còn gọi là Chùa Phật trắng trước có tên là Đăng Long Tự, tọa lạc ở số 22 đường 23 tháng 10, phường Phương Sơn dưới chân hòn Trại Thủy ở Nha Trang. Ngôi chùa này được xây dựng cách đây hơn một trăm năm, trải qua nhiều lần trùng tu, và đến nay là ngôi chùa nổi tiếng nhất tỉnh Khánh Hòa, Việt Nam.
Chùa Long Sơn do nhà sư Ngộ Chí (sinh năm 1856, pháp danh Phổ Trí, tên tục là Nguyễn Tám Văn Nghi, theo dòng Thiền Lâm tế đời thứ 39) lập năm 1886 với tên gọi là Đằng Long tự. Ban đầu chùa chỉ là một căn nhà tranh nằm tại đỉnh đồi Trại Thủy (nơi đặt tượng Phật trắng hiện nay). Năm 1900, chùa bị sập sau một cơn bão, nên nhà sư quyết định dời xuống chân núi và đổi tên chùa thành Long Sơn tự.
Năm 1936, theo di nguyện của sư Ngộ Chí, chùa được tiến cúng cho Hội An Nam Phật học để làm trụ sở chấn hưng Phật giáo Khánh Hòa, đến nay vẫn là trụ sở của Giáo hội Phật giáo Khánh Hòa. Năm 1938 (năm Bảo Đại thứ 14), chùa được phong "Sắc tứ Long Sơn tự".
Năm 1941 chùa được trùng tu với công lao chính của Hội trưởng Tôn Thất Quyền và Phật tử Võ Đình Thụy. Năm 1968, chùa bị sạt mái ngói do chiến tranh. Năm 1971, Thượng tọa Thích Thiện Bình đứng ra trùng tu chùa và cho đến năm 1975, việc trùng tu mới thực hiện được 60% theo bản thiết kế của kiến trúc sư Võ Đình Diệp.
Khuôn viên chùa có chiều rộng 44,5 m, chiều dài hơn 72 m. Bên cạnh chùa là giảng đường của Trường Trung cấp Phật học Khánh Hòa và trụ sở của Giáo hội Phật giáo Khánh Hòa. Chính điện rộng 1.670 m², có một tượng Phật Tổ bằng đồng đang ngồi thuyết pháp, cao 1,6 m, nặng 700 kg.
Từ chùa, muốn lên đến đỉnh đồi Trại Thủy phải đi lên 153 bậc tam cấp. Tại bậc thứ 44 là tượng Phật Tổ nhập Niết Bàn dài 17 m, cao 5 m, đằng sau tượng là bức phù điêu mô tả cảnh 49 đệ tử túc trực niệm phật. Tượng được xây dựng năm 2003. Lên khỏi tượng Phật nằm 5 mét là tháp chuông với quả đại hồng chung cao 2,2 m, nặng 1.500 kg do phật tử tại Huế tặng năm 2002. Trên đỉnh đồi là bức tượng Kim Thân Phật tổ (còn gọi là tượng Phật trắng) ngồi thuyết pháp, tượng cao 24 m, đài sen làm đế cao 7 m, rất dễ nhìn thấy tại một khu vực rộng xung quanh Chùa. Tượng được xây từ năm 1963 do sự đóng góp của tăng ni phật tử của vùng lân cận. Xung quanh đài sen là chân dung bảy vị hòa thượng, đại đức đã tự thiêu để phản đối chính sách đàn áp Phật giáo của Ngô Đình Diệm trong khoảng thời gian từ tháng 4 đến tháng 9 năm 1963. Dưới chân đài sen là bức tường chia thành những ngăn nhỏ để chứa hài cốt do các gia đình Phật tử gửi.
Chùa có pho tượng Kim Thân Phật Tổ, được sách kỷ lục Guiness Việt Nam ghi nhận là "tượng Phật ngoài trời lớn nhất Việt Nam" (tính đến thời điểm sách công bố)
Từ khi tạo dựng đến nay, chùa trải qua các đời trụ trì:
Hòa thượng Thích Ngộ Chí: 1886 đến 1935
Thượng tọa Thích Chánh Hóa: 1936 đến 1957
Thượng tọa Thích Chí Tín: 1957 về sau
***
Trên đồi Trại Thủy, ngoài chùa Long Sơn, còn có 2 ngôi chùa khác, chùa Hải Đức ở phía trên và chùa Bửu Phong ở phía nam.
Chùa Long Sơn Khánh Hòa
Chùa tọa lạc dưới chân núi Trại Thủy, số 20 đường 23 tháng 10, phường Phương Sơn, thành phố Nha Trang, tỉnh Khánh Hòa. ĐT: 058.822558, 058.816919. Chùa thuộc hệ phái Bắc tông.
Chùa do Hòa thượng Thích Ngộ Chí dựng trên núi Trại Thủy (xưa còn có tên là núi con Dơi) vào năm 1886, tên là chùa Đăng Long. Hòa thượng tên Nguyễn Tâm Văn Nghi, sinh năm 1856, người làng Vinh Điềm, huyện Vĩnh Xương, tỉnh Khánh Hòa. Ngài viên tịch năm 1935.
Năm 1900, sau một trận bão lớn, chùa bị hư hỏng và dời trên núi xuống địa điểm hiện nay.
Năm 1936, chùa được Hội Phật học Khánh Hòa chọn đặt trụ sở Hội Phật học. Năm 1940, chùa được Hội trưởng Tôn Thất Quyền và Cư sĩ Võ Đình Thụy vận động tổ chức trùng tu. Đến năm 1968, chùa lại bị hư hỏng. Từ năm 1971 đến năm 1975, Thượng tọa Thích Thiện Bình đứng ra lo việc trùng tu chùa. Việc trùng tu mới thực hiện được 60% theo bản vẽ của kiến trúc sư Võ Đình Diệp.
Điện Phật được bài trí tôn nghiêm. Án chính thờ đức Phật Thích Ca, hai bên có phù điêu Bồ tát Quan Thế Âm và Bồ tát Đại Thế Chí.
Bên hông trái của chùa có đường lên núi Trại Thủy. Nơi đây, có tôn trí pho tượng đức Phật Thích Ca do Thượng tọa Thích Đức Minh, bấy giờ là Hội trưởng Hội Phật học tỉnh Khánh Hòa, và điêu khắc gia Phúc Điền – Bùi Văn Thêm thực hiện vào hai năm 1964 – 1965. Phật đài cao 24 m, đường kính đài sen 10 m, phần tượng Kim thân Phật tổ cao 14 m, tư thế tọa thiền, uy nghi giữa bầu trời. Chung quanh đế Phật đài có hình 7 vị Thánh tử đạo.
Người dân Nha Trang có câu:
Ai về viếng cảnh Khánh Hòa
Long Sơn nên ghé, Tháp Bà đừng quên
Kim thân Phật tổ nhớ lên
Nhìn ông Phật trắng ngồi trên lưng trời.
Chùa đã qua các đời trụ trì như sau: Hòa thượng Thích Ngộ Chí (từ 1886 đến 1935), Thượng tọa Thích Chánh Hóa (từ 1936 đến 1957), Thượng tọa Thích Chí Tín (từ 1957 về sau).
Chùa hiện đặt văn phòng Ban Trị sự Phật giáo tỉnh Khánh Hòa, Trường Trung cấp Phật học tỉnh Khánh Hòa. Hằng ngày, chùa đón tiếp đông đảo Phật tử, du khách trong nưóc, nước ngoài đến sinh hoạt, tham quan, chiêm bái.
Chùa Long Sơn là một trong những thắng tích bậc nhất ở miền Trung.
***
Thích Ca Phật Đài - Vũng tàu
Thị xã Vũng Tàu (Cấp) thuộc miền Đông cách Sàigòn 125 cây số, bằng xa lộ Biên Hòa và quốc lộ 15. Du khách khởi hành từ Sàigòn chỉ mất hơn một giờ. Khi vừa vào ranh giới thị xã, tuy còn cách xa chừng mươi cây số đã thấy pho Kim Thân Phật Tổ và ngôi Bảo Tháp trắng toát sừng sững hiện ra trên Núi Lớn. Tới thị xã, rẽ phải về hướng Bến Đình, chạy thêm vài ba cây số quí vị sẽ đến khu Phật Đài. Càng gần, du khách, phật tử hành hương càng thấy công trình vĩ đại. Toàn khu vực, từ chân núi trở lên chiếm khoảng gần mười mẫu tây.Bãi đậu xe rất rộng ở phía trái, sát ngay chân núi. Từ xe bước ra, ai cũng sẽ đứng lặng 5, 10 phút để chiêm ngưỡng cảnh hùng vĩ của thiên nhiên đã được tô điểm bằng một công trình kiến trúc tuyệt tác này.
Trước hết, từ nhiều bậc rộng rãi bước lên, cổng tam quan đồ sộ cao khoảng mười thước, bốn trụ vuông, mỗi cạnh khoảng hơn một thước, đỡ đà ngang, chính giữa là phiến đá cẩm thạch hình chữ nhật khắc hàng chữ Thích Ca Phật Đài kiểu chân phương. Khác với phần đông chùa, đình... tam quan Thích Ca Phật Đài không có mái cong, lưỡng long chầu mặt nhật thay bằng hình sóng nước đỡ Pháp Luân rất thanh tú, đơn sơ lại không cần nhiều bảo trì. Trên mỗi trụ cổng trang trí bằng một đóa sen búp. Hai bên tam quan, bức tường hoa chạy dọc theo đường lộ, phân cách bãi đău xe phía dưới với phần nội vi Phật Đài trên cao. Tường được trang trí bằng hình hoa sen nở, bàn tay đỡ bánh xe pháp.
Qua tam quan, khách vào khu sân rộng. Kế tiếp, bước lên năm bẩy bậc thềm, lại tới sân rộng hơn nữa. Những dịp đại lễ, nơi đây và khu vực chung quanh đủ chỗ cho cả ngàn phật tử. Từ sân có nhiều lối dẫn lên chùa Thiền Lâm, Phật Đài. Ngôi chùa đã có từ trước do ông Đốc phủ Lê quang Vinh tạo dựng làm nơi tu hành. Chùa nằm dưới những cổ thụ, tàn lá xanh tươi, mát mẻ giúp cho khách vãng cảnh được ngay sự thư thái, an lạc. Đây cũng là nét đặc thù kiến trúc phật giáo Việt Nam: công trình ít vươn cao, mà trải dài, rộng để được thiên nhiên, cổ thụ ấp ủ, hài hòa.
Gần bên chùa, một trai thất nhỏ dành riêng cho Đại Đức Narada Maha Thera mỗi khi Ngài lưu lại Thích Ca Phật Đài. Ngay trước trai thất, một con đường nhỏ xây cao, trải cát dài khoảng vài chục thước để Đại Đức kinh hành. Xin được có ít giòng về Đại Đức Narada , vì chính do Ngài mà Phật Đài được dựng lên. Ngài là một cao tăng, đúng hơn là bậc thánh tăng của Phật Giáo Tích Lan và thế giới. Ngài là bổn sư của nữ Thủ Tướng Tích Lan. Không biết từ một cơ duyên nào Ngài rất thương yêu Việt Nam, từ thập niên 40 Đại Đức đã thường đến để hoằng dương Phật Pháp.Vào năm 1960, Đại Đức khoảng ngoài lục tuần, tầm thước, nước da ngăm ngăm. Diện mạo, phong thái Ngài luôn phát ra hạnh từ bi vô lượng. Trong khoảng gần mười năm trời mỗi khi được gần Đại Đức, người viết nhận thấy mọi Phật tử bất kể tuổi tác, giai tầng xã hội, trình độ văn hóa... đều cung kính đảnh lễ Ngài như với hàng chư Phật, chư Bồ Tát. Đáp lại, môi Ngài hé mở tán thán: ‘Lành thay! Lành thay!’ và đều rải tâm từ xuống cho tín chủ.
Thời gian đó, mỗi khi Đại Đức từ Tích Lan qua, Ngài thường trụ và thuyết pháp tại Kỳ Viên Tự, đường Phan Đình Phùng, Sàigòn là trụ sở Giáo Hội Phật Giáo Nguyên Thủy Theravada. Trong một thời pháp, vị tăng thường phiên dịch bỗng nhiên ngã bệnh trước lúc Đại Đức đăng đàn. Phật tử bối rối tìm người thay thế. Một cư sĩ hiện diện, Cụ Hồ Đắc Thăng, được mọi người suy cử vì biết Cụ là một học giả uyên bác, lại có trình độ Phật học thâm sâu. Cụ đã tốt nghiệp đại học Sorbonne (Pháp) về khảo cổ từ lâu. Thấy vậy, Cụ đứng lên từ tạ vì theo Cụ dịch Pháp không giống như làm thông ngôn chỉ cần thông hiểu hai ngôn ngữ mà cần đủ tâm đạo. Ngay lúc đó Đại Đức bằng huệ nhãn đã quay về Cụ dạy ‘đạo hữu có thể dịch pháp cho tôi’. Từ sau đó, tất cả các thời pháp, bài viết hay kinh sách của Đại Đức Narada đều do Cụ Hồ Đắc Thăng dịch hay nhuận sắc. Cũng chính từ cơ duyên này Cụ mới qui y dù đã gần 30 năm thâm cứu Phật học.
Sau đó, Đại Đức ngỏ ý muốn Việt Nam có một ngôi Bảo Tháp để Phật tử có nơi chiêm bái Xá Lợi. Vâng theo tôn ý của Đại Đức, hàng ngàn Phật tử phát bồ đề tâm, hoan hỉ cúng dường để xây dựng Bảo Tháp. Chùa Thiền Lâm Vũng Tàu được chọn và Cụ Hồ Đắc Thăng được suy cử thực hiện đại công trình. Việc xây dựng khởi công ngày 20 July, 1961.
Xin mời quý vị trở lại đường lên chiêm bái ngôi Bảo Tháp. Bằng con đường rộng khoảng hơn hai thước, vòng sau chùa Thiền Lâm, từng bậc một dẫn khách hành hương, vãng cảnh lên cao lần. Gió biển Đông mỗi lúc mạnh hơn vì độ cao của sườn núi. Hai bên đường, hàng tường hoa thấp xây đá, bề mặt khoảng hai gang. Các vị cao tuổi hay sức yếu sau nhiều bậc thang, có thể ngồi tạm nghỉ trước khi tiếp tục. Cứ khoảng năm, mười bậc, tùy thế núi, lại có những khoảng san bằng để khách không phải liên tục trèo cao. Hai bên đường nhiều cành cây che phủ như những tàn lọng thiên nhiên. Đường nhiều khúc lượn quanh những tảng đá lớn giữ nét đẹp thiên nhiên, hài hòa tô điểm bằng bàn tay người nghệ sĩ tài hoa. So với sự rộng lớn của Phật Đài, nhiều người có cảm tưởng như con đường dẫn lên hơi hẹp. Người viết đã được Cụ Hồ Đắc Thăng giải thích:‘Nếu như đường lên nơi triển lãm, du lịch thì có thể hơi hẹp vì du khách thường đi ngang 5, 7 người trò chuyện. Trái lại, đây là nơi tôn nghiêm, Phật tử hành hương không đi như cung cách nhàn du, kéo hàng ngang nhiều người, mà chỉ vừa đi vừa tụng niệm, nên con đường rất thích hợp’.
Khoảng nửa giờ tùy nhanh chậm, khách lên tới khu Bảo Tháp. Đứng ngước lên, Bảo Tháp được xây trên một đài cao. Bước lên bằng những bậc rộng, hai bên có rồng chầu được thể thức hóa theo cành lá uốn. Phần nền quanh bảo tháp rộng khoảng hơn ba trăm thước vuông, lát gạch hoa. Bàn thờ tại chính diện, với bài vị Nam Mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật, bằng đá mài dựng cố định. Chung quanh Bảo Tháp có tường hoa cao ngang tầm người vừa để trang trí, vừa an toàn vì phía dưới là sườn núi.Tháp có hình nón tám cạnh cao khoảng 20 thước, chu vi phần chân tháp cũng khoảng đó, càng lên càng nhỏ lần. Khi gần tới đỉnh lại phình ra rồi thắt lại, trên cùng là đóa hoa sen. Tháp bằng bê-tông cốt sắt, tô đá mài, không trang trí rườm rà, chỉ chạy những đường hoa văn thanh nhã. Quanh bảo tháp, bốn chiếc đại đỉnh cao khoảng hai thước, tôn trí đất thiêng thỉnh từ bốn nơi động tâm: nơi Đức Phật đản sinh (Lumbini), nơi thành đạo (Uravela), nơi chuyển pháp luân (Isipatana) và nơi Ngài nhập niết bàn (Kusinara).
Sau khi chiêm bái, quí vị có thể ngoạn cảnh. Đứng tựa sát tường hoa, nhìn xuống, chùa Thiền Lâm thấp thoáng dưới những tàn lá xanh tươi, từng đoàn khách thập phương theo nhau từ chân núi bước lên như đàn kiến nhỏ trước cái bao la của thiên nhiên. Trên cao độ này hoàn toàn yên tĩnh, chỉ nghe tiếng lá xào xạc. Gió mát biển Đông cất đi nỗi mệt mỏi của hành trình từ xa đến cũng như những đoạn đường trèo núi. Cổng tam quan dưới chân núi thu nhỏ lại như trong mô hình kiến trúc. Phóng tầm mắt nhìn ra xa hơn, dưới kia là xóm chài. Hàng trăm con thuyền cắm sào san sát chẳng khác gì những chiếc lá tre. Xa hơn nữa, khu Hải Quân Cát Lở, rồi biển Đông xanh biếc trải dài chân trời.
Khách trở xuống khu sân chung rồi theo sự đối xứng bước lên Đài Kim Thân Phật như vừa lên Bảo Tháp.
Thật ra khi khởi sự, chỉ có dự án xây Bảo Tháp. Nhưng khi xây xong, chư tăng ni, phật tử mới nhận ra công trình rất quy mô, quí giá. Lúc đó mọi người lại muốn có thêm Phật đài cho công trình viên mãn. Hơn nữa sát bên Bảo Tháp đã có sẵn một pho tượng Phật từ trước nhưng so về tầm vóc cũng như mỹ thuật không cân xứng với ngôi Bảo Tháp vừa hoàn thành. Cụ Hồ Đắc Thăng một lần nữa lại được ủy thác tiếp tục công trình. Lúc đầu Cụ đưa ý kiến muốn hoãn lại vì vừa hoàn thành một công trình lớn tốn kém, đất nước đang chiến tranh, phật tử phần đông còn nhiều thiếu thốn, cũng như lại phải dời pho tượng hiện có đến nơi khác. Nhưng sau khi tất cả phật tử cùng dốc lòng phát tâm bồ đề cúng dường đủ ngân khoản để công trình được viên mãn việc xây Kim Thân Phật lại được xúc tiến. Việc đầu tiên là phải rước pho tượng hiện có ra khỏi vị trí hiện tại để chuẩn bị địa điểm xây cất. Sau khi pho Kim Thân mới được đổ bê-tông đến lưng chừng mới rước pho tượng cũ an vị vào lòng Kim Thân mới. Đây là điều rất nhiều người sau này đến chiêm bái không được rõ trong Kim Thân lại có Kim Thân. Phần đầu của tượng được điêu khắc gia thực hiện ở Sàigòn, chỉ rước về tôn trí lên khi phần thân tượng hoàn tất.
Đứng tại khu sân trung tâm ngước nhìn lên hai bên thấy Kim Thân Phật và Bảo Tháp kiến trúc đối xứng rất cân bằng về mọi mặt. Khách bước lên Phật đài cũng có cùng chiều cao, lối lên như bên bảo tháp. Kim Thân Phật tọa thiền trên toà sen, phần dưới là một bệ tròn, cao khoảng hơn mười thước. Người có duyên lành được đến chiêm bái mới thấy đủ những điều quí báu không thể tả hết. Đứng phía sau Kim Thân, hoặc đứng chiêm bái từ nhiều phía ở triền núi, ai cũng thấy Kim Thân đã tỏa ra đủ đức lành: Bi Trí Dũng. Từng nếp y đắp trên Kim Thân sống động như chính Đức Như Lai đang thị hiện. Khách vòng về chính diện, cung kính ngước nhìn Kim Thân Phật, với làn môi hé mở cố hữu như đang tỏa vô vàn lượng từ bi, hỉ xả xuống cho chúng sanh. Khi chiều về, ánh thái dương rọi chiếu, tưởng như muôn vàn hào quang rực rỡ cả một vùng trời rộng. Tiếng chuông chùa ngân xa như giục lòng người tìm về bến Giác, trút bỏ phiền não, sân si của kiếp nhân sinh. Người viết, lần đầu tiên được chiêm bái Kim Thân Phật khi công trình vừa hoàn thành, được Cụ Hồ Đắc Thăng giảng thêm về ý nghĩa triết học các pho tượng của các tôn giáo. Tượng, tranh vẽ các Đấng Chí Tôn thường cùng đường nét, diện mạo, phần nhiều đều nhìn thẳng hoặc ngước lên. Trái lại tượng Phật, mỗi dân tộc tạo tác đều mang những nét riêng của dân tộc mình. Cùng tượng Đức Thích Ca, nhưng tượng ở Ấn không giống ở Miến, ở Thái, càng không giống ở Nhật Bản, Trung Hoa hay Việt Nam. Đặc điểm này nói lên tùy căn cơ, tâm thức mỗi dân tộc khi Ánh Đạo Vàng phổ độ đến. Không có những giáo điều, khuôn phép bất di dịch mọi dân tộc, cá nhân phải triệt để tuân theo. Phần nhiều trên pho tượng Phật, đôi mắt Ngài thường khẽ khép trong thế tọa thiền, biểu lộ hùng tâm, tự tại. Hiểu như vậy mới thấy pho Kim Thân Phật tại Thích Ca Phật Đài thể hiện trọn vẹn đường nét đặc thù dân tộc.
Kim Thân Phật khi đúc đã dành sẵn một đường nhỏ đủ để dịp lễ khánh thành tôn trí ngọc Xá Lợi rồi gắn lại. Xá Lợi an vị trong một hộp bằng vàng y, do một cư sĩ cũng là nữ họa sĩ dâng cúng. Thí chủ hiện nay đã ngoài chín mươi. Phía sau Kim Thân, một cây Bồ Đề được hạ thổ. Đây là cây Bồ Đề lấy giống từ cây Bồ Đề mẹ, khác với hầu hết đã lấy giống từ các cây con khác.
Sang phần hai của bài, người viết muốn được nhắc lại một số sự kiện liên quan đến Phật Đài hầu giúp độc giả chưa có cơ duyên được rõ thêm.Trong thời gian đang thực hiện công trình xây Kim Thân Phật, khi bê-tông vừa mới được đổ vào khuôn thì đài khí tượng Sàigòn báo tin một cơn bão cực mạnh từ biển Đông đang đánh vào nội địa, trung tâm bão sẽ tiến thẳng vào Vũng Tàu. Với sức tàn phá của bão, công trình mấy năm trời, chi phí hàng chục triệu chắc chắn sẽ bị phá hủy. Những vị trách nhiêm hết sức bối rối. Những cơn mưa và gió lớn đã đến khu vực Vũng Tàu càng khiến mọi người lo sợ. Nhưng đột nhiên, khi bão vào gần đất liền bỗng đổi hướng, rồi tan. Mọi người tin vào sự hộ trì của chư Phật, coi như một phép nhiệm mầu.
Trước đại lễ khánh thành, Đại Đức Narada từ Tích Lan rước ngọc Xá Lợi, đất Thiêng, cây Bồ Đề sang Việt Nam. Trong chuyến bay của Hàng Không Việt Nam thường lệ, ông Chủ Tịch biết có các báu vật thiêng liêng, đã xin phép đặc biệt từ Phủ Tổng Thống (lúc đó là thời đệ nhất Cộng Hòa -- Tổng Thống Ngô Đình Diệm) để phi cơ được vào thẳng bãi đáp VIP dành riêng cho nguyên thủ quốc gia, quốc khách. Đề nghị liền được chấp thuận. Khi Xá Lợi được rước xuống phòng khánh tiết danh dự, hàng hàng lớp lớp phật tử đã cung kính đảnh lễ, nghi thức kéo dài từ Sài Gòn đến Thích Ca Phật Đài Vũng Tàu. Xá Lợi được tôn trí trên chiếc Mercedes mầu đen, mở rộng cửa để Phật tử dọc hai bên đường chiêm bái.
Ngược thời gian, khi Thích Ca Phật Đài hoàn thành, ai ai cũng thấy công trình có tầm vóc quốc gia, nên đã vận động thành lập một Ủy Ban rộng lớn bao gồm các giáo hội Bắc, Nam Tông, Theravada, Phật Giáo Hoa Kiều, Gốc Miên... để chung lo đại lễ Khánh Thành. Ủy Ban Liên Phái Khánh Thành Thích Ca Phật Đài ra đời trong niềm hoan hỉ của tất cả phật tử vì xưa nay chưa có một Ủy Ban nào có tầm vóc như vậy được hình thành để chung lo phật sự. Điểm đáng lưu tâm là chính từ Ủy Ban Liên Phái Khánh Thành Thích Ca Phật Đài đã là tiền thân cho Ủy Ban Liên Phái Bảo Vệ Phật Giáo (1963), đưa đến Hiến Chương Phật Giáo và tổ chức Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất sau này.
Trong ba ngày đại lễ khánh thành (9-11 March, 1963) ban tổ chức ước tính có khoảng từ 500 tới 700 ngàn chư tăng ni, phật tử, khách thập phương đổ về. Núi lớn được phủ kín bằng rừng người và cờ phật giáo. Một vị nữ phật tử hằng tâm hằng sản đã hoan hỉ cúng dường ngân khoản khoảng 5, 6 triệu để thực hiện hàng triệu phần trai phạn cho khách thập phương dự lễ.
Từ khi Phật Đài được xây dựng, đã có hàng chục triệu người đến chiêm bái hoặc thấy các hình chụp toàn cảnh Phật Đài. Đặc biệt có nhiều phật tử tôn trí hình chụp chính diện Kim Thân Đức Phật trên bàn thờ. Nhưng Phật Đài tọa lạc trên Núi Lớn, không có thế đất gần xa nào ngang tầm cao, làm cách nào có tấm hình quí giá đó? Nhiếp ảnh gia Phạm Kim Khánh (cũng là dịch giả một số tài liệu, kinh sách của Đại Đức Narada, với sự nhuận sắc của Cụ Hồ Đắc Thăng), đã được cơ quan thông tin Hoa Kỳ cung cấp một trực thăng riêng, có bộ phận chống rung động, rất tối tân vào thời đó, bay tới chính diện nhờ đó mới chụp được những tấm hình quí giá này.
Một cuốn kỷ yếu do Cụ Hồ Đắc Thăng ghi lại những nét chính của công trình trong mấy năm trời, phương danh tất cả các vị hằng tâm hằng sản, kể cả tên từng anh phu hồ, chị gánh đất... nhưng chính tên Cụ, người cống hiến tài năng, công lao nhất lại rất nhỏ bé, ghi sau cùng ở vào nơi nếu không tìm kiếm rất khó thấy. Ngay khi Thích Ca Phật Đài hoàn thành viên mãn, Cụ Hồ Đắc Thăng đã từ chối mọi công việc nơi đây, không nhận lãnh một phương vị, vinh dự nào khác. Những năm sau này, thỉnh thoảng một lão ông tóc trắng xóa, nhưng rất phương phi tới chiêm bái như mọi người, vị đó chính là Cụ. Với lớp môn sinh, Cụ đã thường căn dặn đại ý: ‘Các con cần nhớ rõ, khi làm xong một việc gì chỉ nên an vui trong lòng, đừng quyến luyến các thành quả đó nữa, có vậy mới đủ nhân duyên cho việc giải thoát’.
Cũng xin ghi thêm: ngôi Thích Ca Phật Đài do Cụ Hồ Đắc Thăng hưng công chỉ bao gồm Bảo Tháp, và Kim Thân Phật tọa thiền sát bên mà thôi. Sau này có thêm nhiều kiến trúc nữa nhưng chỉ thoáng nhìn đã thấy ngay sự khác biệt về nhiều mặt.
Chẳng biết ngày nay trong bối cảnh ‘kinh tế thị trường’, ‘mở cửa’ chung số phận như mọi cơ sở văn hóa, tôn giáo khác Phật đài có được trùng tu, gìn giữ đúng mức hay chỉ được khai thác cho lợi nhuận. Cội Bồ Đề hơn 40 năm trước vừa bằng cườm tay, nay ít ra cũng đã thành một đại thụ, cành lá sum xuê hay tàn lụi? Đại Đức Narada đã viên tịch, Cụ Hồ Đắc Thăng cũng đã mất năm 1973, hàng ngàn vạn vị đạo tâm có phước báu cúng dường vào việc tạo dựng Thích Ca Phật Đài cũng đã ra đi vì có ai đã ra khỏi vòng sinh tử luân hồi? Nhưng Thích Ca Phật Đài vẫn còn an trụ. Nhờ đến chiêm bái Phật Đài, hàng triệu phật tử, chúng sinh có cơ duyên tạo được nghiệp lành, tinh tấn trên đường giác ngộ. Phật tử thập phương, du khách khi rời Thích Ca Phật Đài tùy cơ duyên đều được nhiều phước báu, an vui, ngoài ra còn thỉnh về nhiều kinh sách, hình ảnh, kỷ vật... Nhưng trên hết, tóm gọn hơn cả là bốn câu được tạc sâu trên phiến cẩm thạch mặt trong tam quan để mọi người khi ra về đọc được:
"Hạnh phúc thay Chư Phật giáng sinh,
Hạnh phúc thay Giáo Pháp cao minh,
Hạnh phúc thay Tăng Già hòa hiệp,
Hanh phúc thay Tứ Chúng đồng tu".
(Kinh Pháp Cú)
Thiết nghĩ bốn niềm Hạnh Phúc trên mới thật sự là niềm Hạnh Phúc thường trụ, tối thượng vậy.
Lễ đặt viên đá đầu tiên được tiến hành tại Bảo tháp ngày 4-6-1961. Lễ khởi công xây dựng được tổ chức vào ngày 20-7-1961. Sau 19 tháng thi công, lễ khánh thành được tổ chức trọng thể vào hai ngày 09 và 10-3-1963 (tức ngày 14 và rằm tháng hai năm Quý Mão).
Pho Tượng Kim Thân Phật Tổ ngồi tham thiền trên tòa sen. Tượng đức Phật ngự trên đài bát giác cao 11,6m (đài được đúc bằng ciment cao 4,5m, tòa sen cao 2m, tượng đức Phật cao 5,1m). Tượng Phật Tổ được đúc tại chỗ, riêng phần đầu được đặt đúc tại Sài Gòn.
Ngày 20-7-1962, khi đem gắn đầu vào tượng, tương truyền lúc ấy nền trời xanh ửng lên một vầng hào quang quanh đức Phật.
Trong pho tượng Kim Thân Phật Tổ có tôn trí ba viên Ngọc Xá Lợi của đức Phật vào ngày 18-8-1962.
Theo tài liệu của nhà điêu khắc Phúc Điền, tên thật là Bùi Văn Thêm (thân phụ của ông là Bùi Quang Điển, một nghệ nhân đã tạc nhiều pho tượng ở các ngôi chùa cổ, được quý sư gọi là Tài công, tự là Cang) là người thực hiện pho tượng Kim Thân Phật Tổ ở Thích Ca Phật đài (Vũng Tàu) và ở chùa Long Sơn (Nha Trang), thì pho tượng đức Phật ở đây cao 6m, ngang 4m, bệ và tòa sen cao 7m (bệ hình bát giác tượng trưng cho Bát Chánh Đạo).
Phần đầu được đúc tại cơ sở 267 đường Hùng Vương, kế chùa Tuyền Lâm, quận 6, Sài Gòn.
Nguon: http://www.datviet.com/threads/215018-Nh%E1%BB%AFng-%C4%91i%E1%BB%81u-l%C3%BD-th%C3%BA-v%E1%BB%81-kim-th%C3%A2n-ph%E1%BA%ADt-t%E1%BB%95-nha-trang-v%C3%A0-v%C5%A9ng-t%C3%A0u