Bửu
Minh là tên chữ của chùa Biển Hồ Trà - một ngôi chùa rất gần gũi với
người dân Pleiku. Cách trung tâm thành phố Pleiku 15 km về phía bắc,
chùa Bửu Minh nằm giữa một vùng đồi bạt ngàn chè. Ba phần tư thế kỷ qua,
chùa được hình thành và thăng trầm cùng với chính những đồi chè và bộ
phận cư dân người Việt trong khu vực.
Đầu
những năm 20 của thế kỷ XX, các nhà tư sản Pháp đẩy mạnh việc lập đồn
điền ở Tây Nguyên. Từ năm 1919 - 1920, công ty P.I.T. (Plantation
Indóchinoise des Thés) của Pháp đã xin chính quyền thực dân cho họ khai
khẩn vùng đất phía bắc Biển Hồ để trồng chè. Đây cũng là đồn điền đầu
tiên của người Pháp trên cao nguyên Pleiku. Trụ sở đầu tiên của Sở Trà -
như cách người ta quen gọi lúc đó - nằm trên bờ bắc hồ Ia Nueng (Biển
Hồ) - cách hồ nước gần 2km. Những gia đình công nhân ở quanh đó, chủ yếu
là người miền Trung được lập thành làng Cỏ May.
Chùa Bửu Minh - Huyện Chupah - Gia Lai
Thủa
ban đầu khai phá vùng đất mới, lưu dân người Việt đã gặp phải không ít
khó khăn, trở ngại lớn nhất là những căn bệnh khó tránh của vùng rừng
núi như sốt rét, kiết lỵ... đã giết chết khá nhiều người. Cụ Võ Chuẩn -
Tác giả Kon Tum Tỉnh chí cho biết tình hình ở Kon Tum những năm đầu thập
niên 30: "Trong các làng lập trước, nhiều chỗ nước độc địa lắm, người
có chết mà không sinh ra thêm... như làng Phụng Sơn từ khi lập đến nay
dân số 27 cứ 27; Làng Ngô Trang cách 10 năm trước 120 người nay còn 60
người . Làng Phước Cần cách các làng An Nam khác 20km dân càng ngày càng
mòn chứ không thêm tên nào" - ở đồn điền chè Biển Hồ, nhiều nhân chứng
cho chúng tôi biết tình cảnh của công nhân cũng tương tự như vậy.
Để tự trấn an và có nơi gửi gắm niềm tin, khoảng giữa những năm 30 của
thế kỷ XX, công nhân người Việt ở làng Cỏ May xin chủ Pháp cho họ lập
chiếc am nhỏ dưới gốc đa cổ thụ ở lô chè số 13 - cách làng Cỏ May khoảng
1 km về phía đông - để cầu cúng. Am này được gọi là Sơn Hải Miếu hay
Dinh Bà. Hiện trong am còn bức hoành phi đại tự bằng gỗ với 3 chữ lớn:
"Niệm tại tư ", phần niên đại ghi: Long Thụy - Bính tý (tức là năm
1936). Hai bên ban thờ trong, có 2 bức liễn (đề câu đối) bằng gỗ gõ có
cùng niên hiệu với bức hoành phi . Như vậy, Sơn Hải Miếu phải có từ năm
1936 trở về trước.
Cũng trong khoảng thời gian này, ông Nguyễn Văn Khanh (quê ở Huế, gia
đình lúc đó đang ở Kon Tum, bản thân ông được chủ Pháp thuê làm Chef cai
quản công nhân ở đồn điền Biển Hồ) là một Phật tư, ông đã đứng ra vận
động công nhân ở làng Cỏ May lập chùa để có nơi lễ bái, tu tập. Sau khi
chuẩn bị xong, mọi người đồng thuận cử ông Khanh lên Kon Tum, mời sư trụ
trì chùa Bác Ái (ngôi chùa đầu tiên ở phía Tây Trường Sơn ) đó là Ngài
Tăng Cang Lê Tế ( Hoà thượng Thích Từ Vân ) xuống khai sơn cho ngôi chùa
được xây ở đầu làng Cỏ May gọi là chùa Phật Học. Chùa tọa lạc gần bờ
bắc đập tràn của công trình thuỷ lợi Biển Hồ hiện nay, có diện tích
70m2, tường xây, mái lợp ngói vảy, có phòng ở và một nhà bếp nhỏ. Trong
chùa có tượng Phật A Di Đà ngồi, được làm bằng gỗ mít, cao 60 cm. Ngoài
ra còn có tượng Hộ Pháp và Tiêu Diện đứng, đựơc làm bằng xi-măng, phủ
sơn, cao 1 m. Trong những năm đầu, chùa Phật Học chưa có thầy trụ trì ,
việc nhang khói do cụ Nguyễn Văn Tròn (pháp danh Đồng Thiệt) sinh năm
1894 ở tại chùa đảm nhiệm.
Năm 1947, chùa Phật Học bị sập, một người lái xe cho đồn điền lúc đó tên
là Phú đã mang pho tượng Phật A Di Đà về Sài Gòn. Hai năm sau (1949),
những tín đồ Phật giáo ở Sở Trà gồm có: Ông Mười Bút, bà Huỳnh Thị Năm,
bà Năm Cao... đã đòi được pho tượng từ tay ông Phú và đưa về thờ tại
Dinh Bà. Từ đây, Sơn Hải Miếu bên cạnh chức năng thờ thần còn có thêm
chức năng của một ngôi chùa - thờ Phật - và là nơi đi về lễ bái cầu
nguyện của Phật tử trong vùng. Những năm Sở Trà còn nằm trong tay chủ
Pháp, việc xây chùa mới không được chấp nhận. Năm 1956 công nhân Sở Tra,
mới được chủ Pháp đồng ý cho mời thầy Hai Đẩu từ An Khê về nhang khói
tại Dinh Bà, cho đến khi chùa mới được xây xong.
Năm 1960, người Pháp bán lại Sở Trà cho công ty kinh doanh của Hoa kiều
Trần Văn Thăng, do ông Lạc Di thay mặt làm quản đốc. Thời gian này,
những công nhân theo đạo Phật như: Nguyễn Khắc Tự, Hồ Còn, Hà Lâu, Đặng
Chút, Lê Chút, Nguyễn Ngọc Lang, Phạm Nọc... đứng đơn đại diện hơn 200
bà con Phật tử trong vùng xin được xây chùa tại khu vực đất Dinh Bà. Đơn
này đã được chủ mới chấp thuận.
Năm 1961, một số những Phật tử tại Sở Trà được bà con uỷ nhiệm đã sang
chùa Bửu Thắng (là chùa Tỉnh hội Phật giáo Pleiku lúc đó) xin phép. Trụ
trì Chùa Bửu Thắng là thầy Thiện Đức đã đồng ý và cử 5 đạo hữu của chùa
Tỉnh Hội do cụ Hương Thê (tức ông Phạm Bá Khải ) phụ trách sang giúp
công nhân Sở Trà xây chùa. Bản vẽ của chùa mới do một Phật tử làm việc ở
Sở Công Chánh Pleiku thực hiện. Để giúp xây chùa, ông Lạc Di cho chở
gạch từ một số ngôi nhà bị sập ở đồn điền Đak Đoa (cùng chủ) về, gỗ làm
chùa được Phật tử chặt cưa lấy từ rừng núi địa phương rồi đưa vào xưởng
của nhà máy để xẻ.
Tháng 11/1961, lễ động thổ được tiến hành, đến tháng 4/1962 công việc
xây chùa hoàn thành. Ngôi chùa mới xây không còn mang tên chùa Phật Học
mà lấy tên là Bửu Minh theo chữ đầu của chùa Bửu Thắng. Lễ khánh thành
chùa Bửu Minh có Hoà thựơng Tâm Đạt trụ trì chùa Thiên Bình từ Bình Định
lên chứng minh cùng các Thượng tọa trong Ban Đại diện Phật giáo Pleiku
như: Thượng toạ Thiện Nhơn, thầy Hải Thanh ...
Chùa Bửu Minh được xây theo kiểu chữ Đinh (như nguyên mẫu chùa Bửu
Thắng) với diện tích 160 m2, trên nóc có lưỡng Long tranh châu, đuôi mái
có Giao,Phụng, và thật sự là một ngôi chùa đẹp vào thời điểm đó. Năm
1963 thầy Thích Thiện Tín trụ trì chùa xây thêm một nhà Thờ Tổ bằng gạch
tap-lo, mái lợp tôn, diện tích 70m2. Năm 1996, ngôi nhà thờ Tổ này đã
sập, Đại đức Thích Giác Tâm mời thợ giỏi từ Quảng Nam - Đà Nẵng lên
trùng tu lại bằng bê tông - cốt thép, diện tích 100 m2.
Từ ấy đến nay, chùa Bửu Minh đã qua nhiều đời trụ trì :
(Thựơng Tọa Thích Từ Hương (sinh năm 1929) hai lần trụ trì chùa
này, lần thứ nhất từ năm 1964-1966 và lần thứ nhì từ 1970-1977.
( Đại đức Thích Thiện Tín từ năm 1967-1968
( Đại đức Thích Tịnh Viên trụ trì khoảng 7-8 tháng trong năm 1969 (Thượng toạ Thích Đồng Trí từ năm 1978-1989 .
( Đại đức Thích Giác Tâm từ năm 1989 đến nay.
Các vị Sư trụ trì đều có những đóng góp quan trọng cho sự hoàn thiện
một cơ sở thờ tự của tín đồ Phật giáo trên cao nguyên Pleiku. Nội điện
chùa Bửu Minh hiện thờ 4 pho: tượng Phật Thích Ca ngồi (bằng xi-măng),
cao 1m30 ; tượng Bồ Tát Địa Tạng ngồi (bằng đá )cao 55cm , tượng Tổ Bồ
Đề Đạt Ma đứng (bằng đá ) cao 65 cm ; Tượng Phật A Di Đà ngồi (bằng gỗ
mít ) cao 80 cm; tượng Phật Di Lặc ngồi (bằng gỗ mít ) cao 70 cm .
Năm 1991 thầy Giác Tâm tôn trí thêm tượng Bồ Tát Quan Thế Âm lộ
thiên, cao 3m20; năm 1994 xây thêm dãy nhà Tăng, nhà trù , tường gạch,
mái lợp ngói có diện tích 370m2. Năm 1995 kiến tạo vườn Lộc uyển với
tượng Phật Thích Ca ngồi lộ thiên, cao 3m70 .
Trong năm 1966 thượng tọa Thích Từ Hương có thỉnh từ phường đúc Huế về
chùa 1 Đại Hồng Chung đường kính 58 cm ; cao 1m15 . Đại Hồng chung tuy
nhỏ nhưng âm thanh trầm ấm ngân rất lâu . Ngoài ra chùa còn có một số di
vật quý như tượng Phật Chămpa bằng sa thạch, cùng nhiều tượng và
chuông, mõ khác.
Được sự cho phép của các cấp chính quyền địa phương, hiện nay chùa đang
đại trùng tu trở lại, bắt đầu từ ngày 30/12/2003 (tức ngày 8/12 năm Quý
Mùi). Sau khi hoàn thành những hạng mục của lần đại trùng tu này, chùa
Bửu Minh sẽ là một công trình kiến trúc hiện đại, hoành tráng. Diện tích
Chánh điện mới 520 m2, cao: 25m. Tuy còn đang thi công xây dựng và kết
cấu bằng bê tông, cốt thép , nhưng ta vẫn thấy được mái chùa uốn cong
mềm mại , tổng thể có nét giống với truyền thống kiến trúc chùa Nhật
Bản, có dáng dấp mái nhà rông cao nguyên .
Chùa Bửu Minh - chùa Biển Hồ Trà - một trong những ngôi chùa được hình
thành sớm trên cao nguyên Pleiku hiện nằm giữa một vùng bạt ngàn chè,
mặt quay về hướng tây, lưng dựa núi Tiên Sơn, bên trái chùa là dòng sông
chảy về Hồ Ia Nueng ( Biển Hồ nước ), bên phải chùa là dãy núi cao hùng
vĩ. Xa khu dân cư , trong khung cảnh êm đềm, tịch lặng giữa khuôn viên khoảng ..........m2
Chùa là một địa chỉ thân thuộc của Phật tử Pleiku và khách thập phương.
Pleiku ngày 01 tháng 08 năm 2005
TS . Nguyễn Thị Kim Vân