Chùa Bửu Minh


Năm 1992, nhà thần kinh học Richard Davidson đã nhận lời “thách đố” từ Đức Đạt Lai Lạt Ma khi vị lãnh đạo tinh thần Phật giáo Tây Tạng đưa ra câu hỏi “Tại sao có những người có thể hồi phục sau bi kịch nhanh hơn một số người khác?” và “Khả năng phục hồi đó có phải là điều mà bạn có được qua thực tế cuộc sống?”



Trong chuyến viếng thăm Đức Đạt Lai Lạt Ma tại Dharamsala, Ấn Độ, Ngài đã đưa ra nhiều câu hỏi khác nhau cho Davidson: “Anh đã sử dụng nhiều công cụ thần kinh học hiện đại để nghiên cứu chứng trầm cảm, lo âu và nỗi sợ hãi. Tại sao anh không dùng những công cụ đó để nghiên cứu về lòng tốt và lòng trắc ẩn”. Và Davidson đã không thể trả lời được thắc mắc này khi đó bởi “nó quá khó”.

Đức Đạt Lai Lạt Ma tỏ ra rất hứng thú với những khám phá mới mẻ về bộ não con người mà khoa học thần kinh hiện đại mang lại, theo lời của Davison là: “nuôi dưỡng hạnh phúc… nuôi dưỡng chất lượng tâm hồn, từ đó thúc đẩy những quan điểm tích cực hơn”.

Đức Đạt Lai Lạt Ma hiện nay (Ảnh: Steven Siewert/Getty Images)

Trước những câu hỏi khó của Đức Đạt Lai Lạt Ma, không lâu sau đó, Davidson đã mời rất nhiều nhà sư tới phòng thí nghiệm của mình để nghiên cứu bằng cách cho họ đội những chiếc mũ mang điện cực, hay đưa họ vào máy cộng hưởng từ (MRI).

Trong một bài nói chuyện tại Aspen Ideas Festival, Davidson, người sáng lập ra Trung tâm nghiên cứu tâm hồn tại Đại học Wisconsin, Madison cho biết: “Cách tốt nhất để kích hoạt các mạch cảm xúc tích cực trong não là thông qua sự rộng lượng.

Đây thực sự là một phát hiện thần kinh học thú vị – như Đức Đạt Lai Lạt Ma thường nói – rằng cách tốt nhất để chúng ta vui vẻ là phải rộng lượng với người khác. Và trên thực tế, các chứng minh khoa học theo nhiều cách đã xác nhận điều này, và chỉ ra rằng có những thay đổi hệ thống trong não có liên quan đến những hành vi quảng đại”.

Davidson và các cộng sự đã thực hiện một nghiên cứu đơn giản với 8 Phật tử có “thâm niên” - những người đã trải qua 34.000 giờ huấn luyện tinh thần. Những người này được yêu cầu xen kẽ trạng thái thiền và trạng thái trung lập, nhằm quan sát được những thay đổi trong bộ não của họ.

Một đối tượng nghiên cứu đã mô tả trạng thái thiền của mình như là tạo ra “một trạng thái trong đó tình yêu thương và lòng từ bi tràn ngập toàn bộ tâm hồn, mà không xem xét đến bất kỳ khía cạnh, nguyên nhân, hay suy nghĩ nào khác”.

Đức Đạt Lai Lạt Ma và các nhà thần kinh học phương Tây, trong đó có Davidson (ngoài cùng bên trái) (Ảnh: Wisconsin University)

Davidson giải thích: “Khi chúng tôi tiến hành thí nghiệm này, chúng tôi nhận thấy một vài vấn đề đáng lưu tâm. Những gì chúng tôi thấy là những gama dao động với biên độ cao trong não, biểu hiện của sự dẻo dai – nghĩa là những bộ não như vậy có nhiều khả năng biến đổi hơn, ví dụ, về mặt lý thuyết, sẽ phục hồi nhanh hơn”.

Các nhà nghiên cứu cũng tìm thấy trong những kết quả máy MRI mang lại trong thí nghiệm với các nhà sư, có những khu vực trong não được gọi là thùy đảo trước đã được kích hoạt. Thùy đảo trước là nơi xảy ra kết hợp của rất nhiều tế bào não.

“Những hệ thống trong não giúp chúng ta cảm thấy hạnh phúc sẽ lập tức liên kết với các hệ thống cơ quan khác nhau trong cơ thể người, và cũng đồng thời kết nối với các hệ thống miễn dịch và nội tiết theo những cách quan trọng đối với sức khỏe của chúng ta”. Những kết quả MRI cho thấy “từ bi là một loại trạng thái có liên quan tới cơ thể theo một cách rộng hơn”.

Trong một nghiên cứu khác của Davidson và các cộng sự đã phát hiện thấy việc thiền làm tăng khả năng miễn dịch tương tự như một loại vắc-xin cúm – và các đối tượng nghiên cứu không phải là các thiền giả Phật giáo “chuyên nghiệp”, mà chỉ là người đã từng trải qua khóa học 8 tuần về thiền chánh niệm.

Những vấn đề trên đã được Davidson nghiên cứu kể từ cuộc gặp đầu tiên với Đức Đạt Lai Lạt Ma 23 năm về trước. Nhưng đến nay, ông vẫn chưa thể biết chính xác làm cách nào để điều chỉnh não bộ, khiến con người khỏe mạnh hơn hoặc thúc đẩy những hành vi tốt hơn. Các sóng gamma và thùy não chỉ có thể cho bạn biết về những liên kết giữa cơ thể và tâm hồn, và sau đó, là về cách suy nghĩ để trở nên tốt hơn.

Kim Chi (Theo The Atlantic)

BBT vedepphatphap.vn


©2010 -2024  Chùa Bửu Minh | Homepage